Chùm ảnh: 10 món cơm thuần Việt không thể bỏ qua trong đời

Là người việt, không ai không ăn cơm. Tuy vậy, không phải ai cũng có cơ hội để thưởng thức tất cả các loại cơm truyền thống của Việt Nam.

Cơm tấm là món đặc sản của miền Nam Việt Nam, nổi tiếng nhất là ở Sài Gòn. Loại cơm này được nấu từ hạt gạo tấm, tức hạt gạo bị vỡ, xưa là loại gạo thứ phẩm, rơi vãi sau khi sàng. Cơm tấm có thể ăn kèm với nhiều thứ, nhưng phổ biến nhất là sườn nướng, chả trứng, trứng ốp la, bì, mỡ hành, đồ chua… Ngoài ra cũng không thể thiếu nước mắm ngọt, là nước mắm pha với nước lọc và thêm đường.

Cơm âm phủ là một món ăn có từ lâu đời của Huế, gồm nhiều nguyên liệu tạo thành, màu sắc đa dạng nhưng lại rất bình dân. Có câu chuyện kể rằng cơm âm phủ ngày xưa là cơm bán về đêm, chuyên phục vụ cho những người nhân công bốc xếp làm việc khuya. Món cơm này được kết hợp bởi nhiều món ăn còn lại trong ngày từ các tiệm cơm. Nguyên liệu chính của cơm âm phủ gồm cơm trắng và tôm, thịt nướng, chả lụa, trứng tráng, rau thơm, dưa leo, đồ chua… hầu hết đều được thái nhỏ.

Cơm cháy Ninh Bình là một trong những món ăn đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Ninh Bình. Món ăn này được cho là sự sáng tạo của đầu bếp Hoàng Thăng vào cuối thế kỷ 19. Không chỉ phục vụ tại các hàng quán, cơm cháy Ninh Bình được nhiều doanh nghiệp sản xuất đóng gói và bán trên thị trường…

Cơm hến là một đặc sản ẩm thực Huế. Cơm hến được trình bày dưới hình thức là cơm nguội trộn với hến xào qua dầu và gia vị, nước hến, mắm ruốc, rau bắp cải, tóp mỡ, bánh tráng nướng, mì xào giòn, ớt màu, đậu phộng nguyên hạt, dầu ăn chín, tiêu, vị tinh (bột ngọt, mì chính) và muối.

Cơm lá sen là một món ăn cầu kì thể hiện nét tài hoa trong ẩm thực của người Huế. Để có món cơm lá sen ngon, người đầu bếp phải chọn loại gạo tốt phối trộn cùng các nguyên liệu khác như thịt gà, tôm, xá xíu, lạp xưởng, đậu hạt, hành tây, cà rốt,… và không thể thiếu hạt sen hấp chín. Tất cả được chuẩn bị chu đáo và chế biến khá công phu sau đó trộn đều với cơm và được gói một cách khéo léo, cẩn thận vào lá sen, cuối cùng được hấp cách thủy để tạo hương cho cơm.

Cơm lam là loại cơm được làm từ gạo (thường là gạo nếp) cùng một số nguyên liệu khác, cho vào ống tre, giang, nứa v.v. và nướng chín trên lửa. Đây là loại cơm đặc trưng của các dân tộc vùng Tây Bắc Việt Nam, Tây Nguyên. Cơm lam được dọn ra ăn cùng với thịt gà, thịt lợn nướng hoặc muối vừng.

Nghe như một món ăn cho người nghèo, nhưng cơm muối của Huế thực sự là một bữa tiệc chỉ dành cho người khá giả. Đúng là chỉ có cơm và muối, nhưng cơm phải được nấu từ gạo hảo hạng, còn muối thì được chế biến cầu kỳ bằng đủ cách như rang, kho, om, chiên, trộn… với đủ nguyên liệu như muối vừng, muối tiêu, muối ớt, muối thịt, muối cá… Cơm muối không thể ăn nhanh, ăn vội, mà ăn từ từ, ăn chậm rãi, ăn nhỏ nhẹ mới thấm được sự kết hợp tinh tế của từng loại muối.

Cơm nắm, còn gọi là cơm vắt là loại cơm được lèn chặt thành các nắm vừa vặn với bàn tay, thường ăn với muối vừng hoặc ruốc thịt. Kiểu cơm này có xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam, thường được nông dân sử dụng khi nghỉ trưa trên đồng ruộng hoặc khi có việc phải đi xa do rất dễ vận chuyển. Ngày nay cơm nắm là một món ăn khá phổ biến, được bán từ các gánh hàng rong cho tới nhà hàng sang trọng.

Cơm niêu đơn giản là cơm nấu bằng niêu đất, một dụng cụ nấu ăn truyền thống của người Việt xưa. Do niêu đất có độ dày lớn và khả năng dẫn nhiệt kém, giữ nhiệt lâu nên cơm nấu bằng niêu đất có hương vị riêng, khác với cơm nấu bằng nồi kim loại. Ngày nay có rất nhiều nhà hàng chuyên phục vụ cơm niêu tại các tỉnh thành của Việt Nam.

Cơm tám giò chả là món ăn đặc biệt của Hà nội xưa. Với thành phần chính là cơm gạo tám và những miếng giò, chả thơm phức, món này vừa đơn giản như một bữa cơm gia đình, vừa mang sự thanh lịch, sang trọng của người thiết đãi và người được thiết đãi. Thời nay để có được bữa cơm tám giò chả “chính hiệu” thì nên tìm đến những nhà hàng sang trọng, hay một số cửa hàng ở khu phố cổ Hà Nội.

Theo KIẾN THỨC


Tags: , ,