⠀
Chỗ mạnh, chỗ yếu trong tâm lý người Việt giữa kỷ nguyên tri thức
Tại sao trong chiến đấu chống ngoại xâm, dân tộc Việt Nam có thể tỏ ra xuất sắc vô song về trí tưởng tượng, về thông minh, tài trí, dũng cảm, mà trong xây dựng thời bình chưa đuợc như vậy?
Bài viết của GS.TS. Hoàng Tụy, Viện Toán học Hà Nội (2003).
Nền kinh tế vật chất, dựa chủ yếu trên cơ sở sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, lấy việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, sản xuất, chế biến, phân phối, sử dụng sản phẩm vật chất làm nền tảng, đang chuyển dần sang nền kinh tế tri thức, trong đó việc sản xuất, truyền tải, sử dụng tri thức chi phối toàn bộ các hoạt động kinh tế. Từ nay các giá trị kinh tế lớn nhất đuợc làm ra không phải trong khu vực trực tiếp sản xuất của cải vật chất mà trong khu vực khoa học, kỹ thuật, dịch vụ. Vai trò của tài nguyên thiên nhiên và của cải vật chất sẵn có ngày càng giảm so với tiềm năng trí tuệ, tinh thần, văn hoá.
Nếu những năm 1970, sự tiêu hao vật chất và năng lượng với nhịp độ khó kiềm chế nổi của nền văn minh công nghiệp truyền thống đã khiến các nhà kinh tế thuộc câu lạc bộ Roma lên tiếng kêu gọi các chính phủ ngừng tăng trưởng kinh tế (“tăng trưởng zê-rô”) để ngăn ngừa thảm hoạ diệt vong, thì cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã đảo lộn tình hình và đưa nhân loại tiến lên một nền văn minh mới, cao hơn: nền văn minh trí tuệ, trong đó tăng trưởng không ô nhiễm môi trường sống. Trong xu thế toàn cầu hoá đi đôi với cạnh tranh quyết liệt, nền kinh tế tri thức tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho những nuớc đi sau có thể dựa vào tiềm năng chất xám để nhanh chóng đuổi kịp các nước khác, song cũng hàm chứa những thách thức to lớn, những khó khăn, rủi ro và cạm bẫy không phải luôn luôn dễ nhìn và dễ tránh. Trong lịch sử chưa bao giờ các đặc điểm tâm lý, trí tuệ có ý nghĩa quyết định như bây giờ đối với nền thịnh vượng, thậm chí sự tồn vong của một quốc gia. Trong các điều kiện ấy, sẽ không có gì lạ nếu tới đây bên cạnh một số nước tăng trưởng mau chóng thần kỳ có thể có những nuớc suy sụp thảm hại và tụt hậu vô vọng.
Vì vậy, phân tích để hiểu rõ những đặc điểm văn hoá, tâm lý của dân tộc, những truyền thống tốt, những yếu tố tích cực, thúc đẩy sự phát triển, cùng với những nhược điểm, những yếu tố chưa tốt, thậm chí tiêu cực, đang hoặc sẽ níu kéo chúng ta lại sau, là việc làm hết sức cần thiết để giúp xây dựng một chiến lược phát triển đúng đắn, phù hợp hoàn cảnh và điều kiện thế giới ngày nay. Cần nhìn lại kỹ bản thân ta không chỉ để tự tin hơn, mà còn để bớt chủ quan trước tình hình mới. Tự soi gương bao giờ cũng có ích, nhưng không phải chỉ để thấy mình đẹp mà còn để thấy mình có những khiếm khuyết gì cần phải sửa, thay vì cố tình bỏ qua hay che dấu.
Tuy nhiên, vấn đề nêu ra rất phức tạp về nhiều mặt, ở đây tôi không dám có tham vọng phân tích kỹ càng, chỉ xin trình bày đôi điều suy ngẫm, lạm bàn một số nét tiêu cực trong tâm lý người Việt Nam mà từ vị trí một người dân thường, một nhà giáo và một nhà khoa học đã khiến tôi băn khoan nhiều và mong muốn có dịp thảo luận để giúp chúng ta tự hiểu rõ mình hơn.
Có thể nói từ ngày đổi mới và mở cửa chúng ta đã nhận thức đuợc tầm quan trọng của kết cấu hạ tầng vật chất trong phát triển kinh tế và đã tập trung xây dựng năng lượng, giao thông, bưu điện, viễn thông, v.v.. Chỉ vài năm lại đây, khi tăng trưởng chững lại, chúng ta mới bắt đầu ý thức rõ hơn tầm quan trọng của kết cấu hạ tầng tâm-lý-xã-hội: tập quán, đặc tính con người, cách nghĩ, cách làm việc, cách sống, quan niệm xử thế , v.v…
Cũng như mỗi con người, một cộng đồng dân tộc có những nét riêng không lẫn được với các dân tộc khác. Ví như đầu óc thực tế của người Mỹ, tính chính xác kỷ luật của người Đức, tinh thần coi trọng danh dự và tính ham học hỏi của người Nhật, sự thông minh tài hoa của người Do thái, tinh thần cố kết dân tộc của các cộng đồng người Hoa, v.v… là những đức tính dù chưa hẳn tiêu biểu cũng đã từng có tác dụng rất quan trọng trong quá trình phát triển lâu dài của các dân tộc kể trên.
Nói chung người Việt Nam chúng ta được đánh giá là thông minh, hiếu học, cần cù trong lao động, dũng cảm trong chiến đấu. Đó là những đức tính hết sức quý báu, đã giúp cho dân tộc ta tồn tại được cho đến ngày nay, trải qua không ít thăng trầm suốt mấy nghìn năm lịch sử. Có thời, do tự tôn dân tộc quá đà sau những chiến thắng vẻ vang chống ngoại xâm, chúng ta nói về các đức tính ấy một cách say sưa, tưởng chừng như thế đã quá đủ để bảo đảm cho dân tộc ta, một khi được giải phóng khỏi ách đô hộ bên ngoài, sẽ nhanh chóng vươn lên về kinh tế, văn hoá, khoa học. Thực tế cho thấy không đơn giản như vậy. Ngày càng thấy rõ, trong sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nước, ngay trong khu vực Đông Nam Á này, các đối thủ của ta đâu chịu thua kém ta về các mặt kể trên.
Đã đành dân ta thông minh, tài trí. Nhưng khi dẫn chứng sự thông minh của tổ tiên, nhiều người thường nghĩ đến tài đối đáp, ứng xử nhanh trí của các nhân vật như Mạc Đĩnh Chi, Trạng Quỳnh, Đoàn Thị Điểm, Hồ xuân Hương, … hay trong thời hiện đại, thành công của một số vị khoa bảng học giỏi, đỗ cao ở nước ngoài. Thật ra, học giỏi, đỗ cao thì thời nào cũng tốt, song việc học thời nay khác với thời xưa, và xã hội văn minh bây giờ đòi hỏi nhiều hơn là chỉ học giỏi, đỗ cao, nhất là sự học giỏi hiểu theo quan niệm cũ kỹ của ta (Bill Gates bỏ học, không có bằng cấp cao, nhưng lại là tiêu biểu cho thứ tài năng đắc dụng nhất ở thời đại này). Chính cái quan niệm lạc hậu về học hành, thi cử, đỗ đạt ấy khiến cho xã hội ta nhiều khi chú trọng đào tạo học trò giỏi theo kiểu học gạo nhiều hơn là khuyến khích tài năng đích thực.
Không ai chối cãi người Việt Nam hiếu học, chuộng tri thức (tuy gần đây cái động cơ và phương pháp tìm đến và sử dụng tri thức đã bị méo mó khá nhiều). Thời đại này tri thức lại là của báu, vậy tưởng chừng dân ta đã có ưu thế cơ bản để đi vào thế kỷ 21. Thế nhưng vẫn chưa phải. Bởi lẽ cái động lực hàng đầu để thúc đẩy xã hội tri thức phát triển là đầu óc tưởng tượng sáng tạo, mà – tôi xin lỗi nếu phải nói ra một điều có thể xúc phạm tự ái dân tộc của nhiều người – chúng ta còn nghèo trí tưởng tượng. Thật vậy, những ai còn nghi ngờ điều này xin hãy bình tĩnh đảo mắt nhìn qua một lượt các kiểu nhà biệt thự mới mọc lên ở thành phố trong thời mở cửa, và dạo qua các cửa hiệu, các chợ đầy ắp hàng Trung Quốc, hàng Thái Lan đang nghiễm nhiên tràn ngập thị trường. Từ quần áo, đồ chơi trẻ em, đồ dùng văn phòng, cho đến xe đạp, quạt máy, v.v.., nhiều hàng nội của ta không cạnh tranh nổi vì thua kém mẫu mã, hình dáng, chủng loại, giá cả, và nhiều khi cả chất lượng, công dụng. Đâu phải kỹ thuật ta không đủ trình độ làm ra các sản phẩm như họ. Chẳng qua chúng ta từ lâu quá quen sao chép, ít chịu khó nghĩ ra ý tưởng mới. Nhìn lại từ cái bàn, cái ghế, cái giường, cho đến cây bút, cái cặp sách thời bao cấp ở miền Bắc mới thấy rõ sao mà ta tự bằng lòng dễ dàng đến vậy, có thể nói 50 năm không hề suy nghĩ thay đổi. Cả đến cách dạy, cách học ở nhà trường. Thời tôi đi học, tôi đã học toán như thế nào thì bây giờ các cháu học sinh phổ thông cũng học gần y như thế, chỉ có khác là lớp chuyên rất nhiều và học thêm, luyện thi vô tội vạ.
Đương nhiên ở đây có vấn đề hoàn cảnh và cơ chế, bởi vì cũng những con người ấy, hay cha chú họ, lại có đầu óc tưởng tượng phong phú biết bao trong cuộc chiến đấu chống xâm lược. Có lẽ do hoàn cảnh lịch sử, ông bà ta bị lối học từ chương khoa cử gò bó tư duy, cho nên so với nhiều dân tộc khác chúng ta ít có những nhà tư tưởng lớn, những triết gia tầm cỡ mà ảnh hưởng sau nhiều thế kỷ còn tiếp tục tác động đến xã hội. Ta cũng ít có những công trình kiến trúc đồ sộ, dựa trên sức tưởng tượng phóng khoáng đáng kinh ngạc, huy động hàng vạn, hàng chục vạn con người lao động xây dựng hết thế hệ này sang thế hệ khác, trong hàng trăm năm. Về văn học, những tác phẩm hay nhất của ta cũng chủ yếu làm say đắm lòng người bởi văn chương mựơt mà trau chuốt, gợi cho ta những tình cảm ưu ái thiết tha, giúp ta hiểu thấu hơn nhân tình thế thái. Chứ cũng ít có những pho truyện lớn, với tình tiết phức tạp, ý tưởng kỳ lạ, độc đáo, lôi cuốn ta vào những thế giới nửa thực nửa hư, vượt ra khỏi các giới hạn thực tại tầm thường. Phải chăng ta không có các loại tiểu thuyết như Tam Quốc, Thuỷ hử, Hồng Lâu Mộng, hay các truyện của A. Dumas, Victor Hugo, L. Tolstoi, Dostoevski,…, điều đó ít nhiều cũng nói lên cái nhược điểm của dân tộc ta?
Einstein đã có một câu nói nổi tiếng: Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn tri thức. Giờ đây, tại nhiều đại học ở phương Tây câu nói ấy được coi như một khẩu hiệu, một phương châm đào tạo để bước vào thế kỷ mới, khi mà ai cũng biết và cũng tin rằng tri thức là yếu tố quyết định sự phồn vinh của các quốc gia.
Mới nghe tưởng như một nghịch lý, nhưng thật ra là chân lý rất sâu sắc, tổng kết kinh nghiệm của một nhà bác học lỗi lạc bậc nhất mà cống hiến vĩ đại đã tạo điều kiện mở đường cho sự ra đời nền văn minh trí tuệ. Ai cũng biết tri thức cực kỳ quan trọng, thời nay càng quan trọng hơn bất cứ thời nào trước đây, nhưng ý nghĩa thời sự của chân lý đó là, hơn bất cứ thời nào trong lịch sử, tri thức mà thiếu sức tưởng tượng dễ biến thành tri thức chết, tri thức vô dụng, không có tiềm năng phát triển. “Biết” và “hiểu” là rất cần để làm theo, đi theo, chứ hoàn toàn chưa đủ để sáng tạo, khám phá. Thời nay hơn bao giờ hết, những tác phẩm không hồn, không cá tính, những sản phẩm không mang theo dấu ấn gì đặc biệt, nhàm chán như bao nhiêu thứ lặp đi lặp lại hàng ngày trong cuộc sống bằng phẳng, thì vô luận đó là ý tưởng, dịch vụ hay vật phẩm tiêu dùng cũng đều không có sức thu hút và do đó không có sức cạnh tranh. Cho nên, thiếu sức tưởng tượng là một khiếm khuyết lớn mà tới đây ta phải cố gắng khắc phục bằng mọi cách, truớc hết từ cơ chế quản lý xã hội và sự chấn hưng nền giáo dục từ nhiều năm chỉ thiên về nhồi nhét trí nhớ, bắt chước máy móc, và kiềm chế cá tính.
Đi đôi với trí tưởng tượng chưa đủ phong phú, một loạt đức tính cần thiết khác để cạnh tranh thắng lợi trong nền kinh tế toàn cầu hoá cũng chưa rõ rệt là mặt mạnh của người Việt Nam so với nhiều dân tộc khác: đầu óc kinh doanh hiện đại, cung cách làm ăn lớn, tính toán nhìn xa, trông rộng, táo bạo, nhạy cảm và năng động với cái mới, thích ứng mau lẹ để xoay chuyển tình thế khi gặp khó khăn, bền bỉ và quyết tâm theo đuổi đến cùng một sự nghiệp được yêu thích, miệt mài học tập, ngẫm nghĩ và phân tích sâu sắc, nghiên cứu nghiêm túc để tìm hiểu cặn kẽ đạo lý của mọi vấn đề. Có lẽ do quá lâu quen sống trong cảnh nghèo thiếu nên người dân ta nhiều khi dễ nhẫn nhục an phận, dễ bằng lòng với những thay đổi nhỏ, những suy tính cá nhân hời hợt, thiển cận theo lối cò con. Vì không cực đoan nên ít có đổ vỡ lớn, nhưng dễ bảo thủ, ít dám chấp nhận rủi ro tìm con đường mới do đó cũng dễ lâm vào trì trệ triền miên. Không có thói quen tính toán hiệu quả, thiếu đầu óc thực tế, lại ham chuộng hình thức, chạy theo hư danh viển vông, kém khả năng và kinh nghiệm hợp tác, góp sức cùng nhau thực hiện một mục tiêu, một kế hoạch lớn, cho nên ít xây dựng được êkip mạnh về một lĩnh vực nào, thường chỉ có nhiều cá nhân giỏi đứng riêng lẻ mà không hợp lại được để tạo ra synergy cao, hình thành những tập thể hùng mạnh, xuất sắc. Cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng thể hiện ít nhiều một tinh thần rời rạc như thế, ý thức đoàn kết giúp đỡ nhau không được như các cộng đồng Do thái hay Hoa kiều, cũng do đó ít có người giàu thật lớn, ít có nhà khoa học thật tầm cỡ, thường chỉ đến một địa vị nào đó là thoả mãn, mệt mỏi, không mấy người đeo đuổi tham vọng thật cao xa. Tất cả những nhược điểm trên, nếu không chú ý khắc phục, đều sẽ trở thành những lực cản không cho phép chúng ta tiến nhanh ở thời đại kinh tế tri thức này.
Một câu hỏi đặt ra: Tại sao trong chiến đấu chống ngoại xâm, dân tộc Việt Nam có thể tỏ ra xuất sắc vô song về trí tưởng tượng, về thông minh, tài trí, dũng cảm, mà trong xây dựng thời bình chưa đuợc như vậy? Phải chăng vì ta chưa khêu gợi, nuôi dưỡng được trong nhân dân một ý chí tự cường mạnh mẽ, một quyết tâm rửa nhục nghèo nàn lạc hậu cũng cao ngang như quyết tâm rửa nhục mất nước trước đây?
Theo VIỆN TOÁN HỌC HÀ NỘI
Tags: Kinh tế tri thức, Người Việt