Chính sách Kinh tế mới của Lenin và bài học cho Trung Quốc, Việt Nam

Lenin đã áp dụng “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tại nước Nga xô viết từ cách đây 100 năm. Kết quả là từ một nước khan hếm lương thực, Xô viết trở thành nhà sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới…

Trong những di sản mà lãnh tụ cách mạng vô sản Nga Vladimir Illyich Lenin để lại, chính sách Kinh tế mới (viết tắt theo tiếng Nga là NEP) ngày càng được nhắc tới nhiều hơn với những giá trị mang tính thời đại sâu sắc.

Trước khi thực hiện chính sách này , trong cuộc nội chiến 1917-1921, do những hoàn cảnh ngặt nghèo của nước Nga Xô viết, Lenin đã thông qua chính sách Cộng sản thời chiến với mục tiêu cung cấp đầy đủ vũ khí và lương thực cho các thành phố và lực lượng Hồng Quân, trong điều kiện tất cả các cơ chế và quan hệ kinh tế thông thường đều đã bị chiến tranh phá hoại.

Chính sách này được bắt đầu vào tháng 6/1918 với những nội dung cơ bản như sau:

– Tất cả nền công nghiệp được quốc hữu hóa và áp dụng cơ chế quản lý tập trung nghiêm ngặt.
– Giới thiệu độc quyền nhà nước về ngoại thương.
– Kỷ luật nghiêm khắc đối với người lao động, và đình công có thể bị xử bắn.
– Nghĩa vụ lao động công ích bắt buộc áp dụng cho “tầng lớp không lao động”.
– Phân chia lương thực – trưng thu thặng dư nông sản từ nông dân theo giá trị tối thiểu để phân phối tập trung cho dân số còn lại.
– Lương thực và phần lớn hàng hóa được phối cấp và phân phối theo phương thức tập trung.
– Xí nghiệp tư nhân là bất hợp pháp.
– Quản lý đường sắt theo dạng quân sự được giới thiệu.

Nhờ chính sách Cộng sản thời chiến, những người Bolshevik đã vượt qua được những khó khăn kinh tế và dành chiến thắng trong chiến tranh. Tuy vậy, khi cuộc chiến kết thúc, chính sách này đã bộc lộ nhiều điều bất cập trong bổi cảnh xã hội mới. Nó đã được bãi bỏ vào ngày 21/3/1921, cùng với khởi đầu cho NEP (Chính sách kinh tế mới), kéo dài đến năm 1928.

Với NEP, nhà nước đã cho phép một nền kinh tế thị trường có giới hạn được tồn tại. Việc kinh doanh tư nhân ở quy mô nhỏ được cho phép và các hạn chế về hoạt động chính trị được nới lỏng hơn. Nhà nước vẫn giữ quyền chỉ đạo tối cao đối với các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế như công nghiệp nặng (than, thép và luyện kim) cùng với các ngành ngân hàng và tài chính.

Sự thay đổi to lớn nhất liên quan tới nông nghiệp. Thay vì trưng thu thặng dư nông nghiệp để nuôi dân thành phố (phần cốt yếu của chính sách Cộng sản thời chiến), NEP cho phép nông dân bán sản lượng thặng dư của họ ra thị trường tự do. Điều này dẫn đến kết quả: Trong giai đoạn NEP, sản lượng nông nghiệp không chỉ hồi phục ở mức đã đạt được trước cách mạng Bolshevik mà còn tăng trưởng mạnh.

Việc phá bỏ các lãnh địa gần như phong kiến tại các vùng nông thôn ở thời Sa Hoàng đã cho phép nông dân có được sự khích lệ lớn nhất từ trước tới nay để nâng cao khả năng sản xuất. Khi đã có thể bán thặng dư của họ ra thị trường tự do, chi tiêu của nông dân lại tạo ra một sự bùng nổ trong các lĩnh vực sản xuất tại các vùng đô thị. Kết quả là từ từ một nước khan hếm lương thực, Liên bang Xô viết trở thành nhà sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới.

So với nông nghiệp, sự phục hồi của nền công nghiệp nặng sau cuộc nội chiến diễn ra chậm hơn do phần lớn các nhà máy bị hư hại nặng trong thời gian chiến tranh và phải xây dựng lại gần như từ đầu.

Nhìn chung, nhờ có việc áp dụng chính sách kinh tế mới NEP đúng thời điểm, mà chính quyền Xô viết đã nhanh chóng thoát ra cuộc khủng hoảng, mặc dù xuất phát điểm kinh tế lạc hậu và kiệt quệ do ảnh hưởng nặng nề từ nội chiến.

Cũng trong giai đoạn NEP, Lenin cho rằng, muốn thực sự xây dựng được CNXH thì phải học hỏi và tiếp nhận những thành tựu khoa học và phương pháp quản lý của CNTB.

Tuy nhiên, Lenin đã không sống lâu để duy trì các thành quả của NEP. Ông mất vào năm 1924, ở độ tuổi 54. Cùng với sự tập trung quyền lực của mình, cho đến năm 1929 Stalin đã từng bước loại bỏ NEP ra khỏi nền kinh tế Liên Xô.

Ngày nay, nhiều nhà kinh tế coi NEP của Liên Xô hầu như là một giai đoạn áp ụng mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” tương tự như các cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình tại Trung Quốc sau năm 1978 và Đổi mới tại Việt Nam sau năm 1986. Theo đó, mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã được chuyển đổi sang kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước với vai trò được đề cao của kinh tế tư nhân.

Một điều khá thú vị, trong cuộc gặp đầu tiên vào đầu những năm 1980 giữa Đặng Tiểu Bình và Armand Hammer, một nhà công nghiệp Mỹ và là nhà đầu tư lớn vào Liên bang Xô viết của Lenin, Đặng đã cố tranh thủ được càng nhiều thông tin về NEP càng tốt. Có lẽ, không có gì sai khi nói rằng đó Đặng đã lấy cảm hứng cho công cuộc cải cách mở cửa của Trung Quốc từ NEP của Lenin.

T.H

Tags: , ,