Chiến tranh Libya – Ai Cập 1977: Cuộc phân định ngôi vị anh cả Ả Rập

Sau năm 1967, có thể coi Ả Rập Saudi Ai Cập đã nhường vai trò dẫn đầu khối Ả Rập cho Ai Cập. Vị thế của Ai Cập chỉ bị thách thức với sự kiện Muammar Gaddafi lên nắm quyền ở Libya.

Chiến tranh Libya – Ai Cập 1977: Cuộc phân định ngôi vị anh cả Ả Rập

Bối cảnh

Cho đến những năm 1970s, Ai Cập vẫn được coi là quốc gia dẫn đầu khối Ả Rập. Dĩ nhiên không phải về kinh tế, nhưng là về chính trị và quân sự. Quốc gia này sở hữu một lực lượng quân sự hùng mạnh, thừa hưởng từ những khoản viện trợ khổng lồ từ Liên Xô. Đặc biệt trong thời gian Tổng thống Nasser nắm quyền, Ai Cập được biết đến là quốc gia hiếu chiến bậc nhất, sẵn sàng can thiệp và đưa quân đến mọi cuộc chiến tranh trong thế giới Ả Rập. Có thể kể đến như: Ai Cập tấn công Israel trong cuộc chiến 6 ngày năm 1967, Ai Cập gửi quân giúp phe Cộng hòa ở Bắc Yemen đánh lại phe Quân chủ từ 1962 -1967 (cuộc chiến thảm họa mà tổng thống Nasser phải thốt lên ”Yemen đã trở thành Việt Nam của tôi”), Ai Cập gửi quân giúp Algeria và Cuba xâm lược Morocco năm 1963, gửi quân giúp chính phủ Ả Rập của Sudan xâm lược đàn áp người da đen ở Nam Sudan, gửi quân giúp Nigeria tiêu diệt nước ly khai Biafra,… và vô số các hành động can thiệp khác trên khắp châu Phi để chống lại các chính phủ thân phương Tây trên châu lục này.

Các cuộc chiến đó tuy đa phần kết thúc trong thảm bại, tuy nhiên nó có một di sản tích cực, đó là vị thế ”anh cả” được các nước Ả Rập suy tôn dành cho Ai Cập. Thực ra mà nói thì khối Ả Rập thời đó chia 2, một phe Cộng hòa theo Ai Cập, phe còn lại là phe Quân chủ theo Ả Rập Saudi. Hai phe này trước kia gầm gừ nhau quyết liệt, không ai chịu nhường ai. Tuy nhiên, cơ bản là sau năm 1967 với thất bại toàn diện của khối Ả Rập trước Israel, 2 nước đứng đầu 2 phe đã bắt tay nhau để đoàn kết thế giới Ả Rập. Theo đó, Ai Cập và Ả Rập Saudi đã nhượng bộ nhau trên nhiều vấn đề: Ai Cập rút quân khỏi Yemen, Ai Cập cắt nhiều đảo cho Ả Rập Saudi, Ả Rập Saudi chịu bán dầu giá rẻ cho Ai Cập Ả Rập Saudi phải tham gia bao vây cô lập Israel,… Nhưng riêng về vị thế anh cả lãnh đạo khối Ả Rập, có thể coi Ả Rập Saudi chấp nhận nhường cho Ai Cập, do tiềm lực quân sự của Ai Cập mạnh hơn nhiều. Kể từ đó, Ai Cập nắm vai trò dẫn đầu khối Ả Rập với uy tín lớn, thường đứng ra giải quyết các vấn đề cả nội bộ và đối ngoại của khối.

Vị thế lãnh đạo của Ai Cập chỉ bị thách thức sau năm 1970, với sự kiện Muammar Gaddafi lên nắm quyền ở Libya. Lúc này ở Ai Cập tổng thống Nasser qua đời, người kế nhiệm al-Sadat lên thay, theo đuổi đường lối ôn hòa hơn với đỉnh cao là thỏa thuận hòa bình với Israel. Nhưng trước khi hòa bình, al-Sadat cũng kịp đánh cho Israel một trận nhớ đời năm 1973, đảm bảo cho uy tín của Ai Cập không bị suy giảm. Các nước Ả Rập khác dù phản đối thỏa thuận hòa bình, nhưng vẫn phải thừa nhận Ai Cập là nước duy nhất đủ sức đánh lại Israel trong lúc đó. quyền ở Libya, đi theo con đường hiếu chiến của Nasser trước đó, và thậm chí còn vươn xa hơn. Dưới thời Gaddafi, các cuộc can thiệp của Libya thậm chí vượt ra khỏi phạm vi khối Ả Rập, vươn tới khắp các ngóc ngách châu Phi mà Nasser thời trước còn chưa dám vươn tới. Libya của Gaddafi đã xâm lược nước láng giềng Chad trong 30 năm, gửi quân hỗ trợ chế độ độc tài khát máu Idi Amin ở Uganda, gửi quân xâm lược Tanzania năm 1979, dìm cuộc nổi dậy của những người Cộng sản Sudan trong biển máu, đỡ đầu cho lính đánh thuê Liberia gây ra cuộc nội chiến tàn khốc, nhân tiện cũng thủ tiêu luôn lãnh đạo Cộng sản được tôn thờ của Burkina Faso – Thomas Sankara – Che Guevara của châu Phi,… Riêng với nội bộ khối Ả Rập, Libya còn bị lên án vì cung cấp nơi trú chân cho tổ chức Giải phóng Palestine PLO, tổ chức lúc đó vốn đang bị khối Ả Rập vô cùng hắt hủi sau 2 lần gây loạn ở Jordan năm 1970 và Lebanon năm 1975. Libya còn biến PLO thành lính đánh thuê, tham chiến khắp các chiến trường từ Chad tới Tanzania.

Với những ”thành tích” như vậy, Gaddài cho rằng mình xứng đáng trở thành ”anh cả” lãnh đạo khối Ả Rập. Đặc biệt sau khi Ai Cập ký thỏa thuận hòa bình với Israel, Gaddafi cho rằng Ai Cập không còn xứng đáng với vị thế dẫn đầu khối nữa. Do đó, Gaddafi đã cố gắng lôi kéo các nước Ả Rập quay lưng với Ai Cập và đi theo con đường của Libya, mà một trong những ý định vạch ra là thống nhất các nước Ả Rập vào một nhà nước duy nhất do Libya đứng đầu.

Dĩ nhiên ý định nóng vội và có phần vô căn cứ này không được ủng hộ. Lần lượt các thành viên quan trọng như Syria, Algeria, Sudan, Yemen, Iraq,… đồng loạt khước từ yêu cầu này của Libya. Nhận thấy vị thế và uy tín của Ai Cập còn quá lớn, không thể lật đổ bằng ngoại giao thông thường, Gaddafi đã quyết định phải hạ bệ Ai Cập bằng quân sự.

Bắt tay vào thực hiện, Libya đã liên tục có các hành động thù địch chống lại Ai Cập. Các nhóm điệp viên và lính đánh thuê được Libya tổ chức đã hàng chục lần tổ chức các vụ ám sát lãnh đạo Ai Cập (điều mà đến năm 1981 cuối cùng họ cũng thành công khi ám sát được Tổng thống al-Sadat). Thậm chí vài lần Ai Cập còn bắt được biệt kích Libya xâm nhập thành phố cảng Alexandria. Đáng kể nhất, Libya hỗ trợ cho tổ chức cực hữu ”Anh em Hồi giáo” – tổ chức ma quỷ bị cả thế giới ghê sợ và riêng khối Ả Rập thì tìm cách tiêu diệt bằng mọi giá. Tổng thống Syria Hafez al-Assad năm 1982 đã chấp nhận hy sinh 20.000 mạng người Syria, pháo kích san bằng thành phố Hama chỉ để tiêu diệt căn cứ của Anh em Hồi giáo. Nhưng ở Libya, tổ chức này được cho nương náu và vũ trang để gửi về Ai Cập thực hiện các vụ khủng bố phá hoại.

Chưa dừng ở đó, khi Liên Xô bị buộc rút cố vấn và khí tài khỏi Ai Cập, Libya đã thuyết phục nó quay tàu vào cập cảng Libya. Thay vì tốn công đưa về nước, hàng đống vũ khí hiện đại của Liên Xô đã đổ vào Libya. Libya nhanh chóng vượt qua Ai Cập và Syria trong việc nhận viện trợ của Liên Xô. Thực ra thì về số lượng vũ khí Liên Xô viện trợ không nước nào hơn được Syria năm 1973, nhưng về độ hiện đại thì không nước nào hơn được Libya. Đơn cử, Libya là nước đầu tiên ở khu vực được Liên Xô cung cấp trực thăng Mi-25 tối tân của nước này. Còn chuyện gì xảy ra với Mi-25 của Libya, chắc nhiều người biết.

Chuẩn bị cho chiến tranh

Tuy vậy, những hành động đó có vẻ là chưa đủ. Trong khi các nước Ả Rập khác không thay đổi quan điểm của mình để theo Libya chống lại Ai Cập, thì ngày càng có nhiều điệp viên và âm mưu ám sát của Libya bị bại lộ. Nhận thấy Libya có nhiều hành động nguy hiểm, Ai Cập đã tăng cường an ninh cho mình, chuyển bớt quân từ biên giới với Israel sang biên giới phía Tây với Libya. Và để bù đắp khoảng trống quân sự khi Liên Xô rút đi, Ai Cập đã quay sang mua vũ khí của Mỹ. Điều này khiến Gaddafi thực sự lo ngại nếu Mỹ tận dụng cơ hội này đã chen chân vào khu vực, đe dọa trực tiếp đến Libya. Để ngăn chặn nguy cơ đó, năm 1974 Gaddafi quyết định: phải dằn mặt Ai Cập bằng một cuộc chiến tranh trực diện chứ không còn cách nào khác. Kể từ đó, các hoạt động chạy đà cho chiến tranh được cả 2 bên gấp rút thực hiện.

Vào thời điểm đó, dân số của 2 nước rất chênh lệch. Trong khi Libya có chưa tới 3 triệu dân, Ai Cập có tới hơn 40 triệu người. Tuy nhiên điều này trở nên vô nghĩa với địa hình sa mạc vô cùng khô cằn hiểm trở ở biên giới 2 nước. Đặc biệt, số căn cứ quân sự ở biên giới của Libya nhiều hơn Ai Cập, giúp họ triển khai được nhiều khí tài hơn. Đến mùa hè năm 1977, Ai Cập triển khai được từ 25.000 đến 30.000 quân ở biên giới. Nhưng họ gần như không có xe tăng, xe bọc thép hỗ trợ, do quân đội Ai Cập không đủ năng lực vận chuyển lượng lớn xe thiết giáp từ biên giới Israel xuyên qua sa mạc. Để bù đắp, Ai Cập đưa một lực lượng không quân hùng hậu với 80 máy bay – chiếm hơn 60% lực lượng không quân Ai Cập lúc đó – tới căn cứ không quân Marsa Matruh duy nhất của họ trên biên giới Libya. Các chỉ huy quân Ai Cập tự tin rằng lực lượng không quân áp đảo sẽ giúp họ khắc chế được thiết giáp Libya hiệu quả trên địa hình sa mạc.

Phía bên kia, dân số ít ỏi cộng với việc đang gửi quân tham chiến ở nhiều mặt trận khác khiến quân Libya chỉ triển khai được khoảng 5.000 quân ở biên giới Ai Cập. Toàn nước Libya lúc đó chỉ còn có 32.000 quân thường trực, trong khi ở mặt trận Chad họ đang duy trì gần 90.000 quân, mặt trận Uganda khoảng 3.000 quân. Thậm chí quân Libya còn thay tướng giữa dòng. Ban đầu Gaddafi định cử tham mưu trưởng giỏi nhất của mình, chính là tướng Khalifa Haftar (chính là ông tướng đang khuấy đảo Libya hiện nay) đến chỉ huy ở biên giới Ai Cập. Nhưng vào phút trót, tướng Haftar được chuyển đến mặt trận Chad ở phía Nam, nơi quân Libya đang hứng chịu nhiều thất bại trước quân đội Pháp và Chad. Không có tướng thay thế, quân Libya phải miễn cưỡng giao cho một đại tá không quân Mahdi Saleh al-Farijani vốn chưa hề có kinh nghiệm chỉ huy trước đó, lên lãnh đạo ở mặt trận biên giới Ai Cập. Bù lại, quân Libya được hỗ trợ bởi lực lượng hùng hậu thiết giáp với hơn 300 xe tăng, xe bọc thép các loại, vượt trội hoàn toàn quân Ai Cập. Không quân của Libya cũng mạnh hơn, với hơn 100 máy bay. Chủ lực trong đó là máy bay Mirage của Pháp và được bổ sung thêm Mig-23 của Liên Xô. Họ cũng có trực thăng hiện đại của Liên Xô, dẫn đầu là Mi-24. Các căn cứ quân Libya đều được bảo vệ bởi tên lửa của Liên Xô, thậm chí tháng 6/1977 Bộ trưởng Chiến tranh Ai Cập Mohamed Abdel Ghani el-Gamasy tuyên bố rằng họ đã phát hiện cố vấn Cuba trong các căn cứ quân Libya ở biên giới.

Các nước lớn cũng theo dõi căng thẳng lên cao giữa 2 quốc gia Bắc Phi. Cá nhân Ngoại trưởng Kissinger của Hoa Kỳ rất quan tâm đến tình hình Ai Cập lúc đó, ông coi việc hỗ trợ Ai Cập trong một cuộc chiến nếu xảy ra với Libya sẽ kéo hoàn toàn nước này khỏi ảnh hưởng của Liên Xô. Sau này người ta biết được Kissinger đã ngăn Israel tấn công Ai Cập năm 1977, lợi dụng việc Ai Cập chuyển bớt quân sang biên giới phía Tây. Còn với Liên Xô, trong cuộc chiến này họ chọn thế trung lập, chưa chọn phe dù Libya đã thuyết phục họ chống lại Ai Cập. Các lãnh đạo Liên Xô vẫn níu kéo hy vọng về khả năng Ai Cập trở lại quỹ đạo của mình, tiếp tục liên minh với Syria để tạo nên làn ranh Cairo-Damascus, được Liên Xô coi là bức tường ngăn cản ảnh hưởng của phương Tây vào thế giới Ả Rập.

Cuộc chiến tháng 7/1977

Mùa hè năm 1977, quân đội Ai Cập có vẻ đã chuẩn bị xong cho cuộc chiến. Họ được cho là đã bổ sung những máy bay mới loại Mirage-5 mua của Pháp đến các căn cứ ở biên giới Libya, để cân bằng với không quân Libya vốn chủ lực là loại máy bay này. Tuy vậy, quân Ai Cập bị đột kích vào căn cứ một vài lần vào các ngày 12,16 và 19 tháng 7 năm 1977. 9 lính Ai Cập bị giết và một số máy bay bị phá hoại, thủ phạm được xác định là điệp viên làm việc cho Libya.

Để làm bối rối quân Ai Cập, khoảng tháng 6/1977 Libya tiến hành trục xuất 227.000 người Ai Cập thuộc các bộ lạc du mục lẫn dân định cư từ lâu trên lãnh thổ Libya về nước. Số người này phải đi bộ về Ai Cập, kẹt cứng các cửa khẩu biên giới. Quân đội Ai Cập phải rất vất vả để sắp xếp cho dòng người tị nạn khổng lồ đi qua dẫn đến sao nhãng phòng thủ. Nhiều điệp viên Libya đã trà trộn vào dòng người tị nạn này, xâm nhập phá hoại quân đội Ai Cập.

Tuy nhiên, phải đến ngày 21/7/1977 Libya mới thực hiện cuộc tấn công đầu tiên. Quân Libya thuộc tiểu đoàn thiết giáp số 9 của họ lần đầu vượt qua biên giới Ai Cập, tấn công thị trấn Sallum chiến lược gần Đại Trung Hải. Quân Ai Cập không có thiết giáp nhưng đã chuẩn bị rất tốt cho cuộc phòng thủ, với mìn và pháo chống tăng. Trận đánh kết thúc với việc quân Libya phải rút lui sau khi hơn 50% lực lượng thiết giáp bị tiêu diệt. Sau đó quân Libya cho máy bay ném bom vào thị trấn Sallum, nhưng quân Ai Cập một lần nữa chuẩn bị tốt. Họ xuất sắc bắn rơi 2 máy bay Libya bằng tên lửa vác vai SA-7 của Liên Xô.

Ngay sau đó, quân đội Ai Cập phản công bằng không quân. 4 máy Mirage, 8 Su-7 và 4 Mig-21 của Ai Cập đã tiến hành không kích căn cứ không quân Nasser của Libya (vâng, Libya lấy tên tổng thống Ai Cập đặt tên cho căn cứ của mình). Cuộc không kích của Ai Cập gây bất ngờ hoàn toàn cho Libya, kịp phá hủy 7 máy bay của quân Libya và phá hỏng toàn bộ hệ thống Radar. Tuy nhiên, quân Libya cũng bắn hạ một máy bay Su-7 của Ai Cập, phi công bị bắt sống và giải về thủ đô Tripoli trình diện báo chí.

Sau đó, đến lượt quân Ai Cập phản công qua biên giới. Một lực lượng rất đông, ước tính 2 sư đoàn quân Ai Cập đã tấn công qua biên giới, nhắm đến Musaid chiến lược của Libya đối diện với thị trấn Sallum của Ai Cập. Không quân Libya vốn đã bị thiệt hại khá nặng trong trận không kích trước đó của Ai Cập, đã không thể trợ chiến. Không được hỗ trợ không quân và bị áp đảo số lượng, quân Libya phải bỏ chạy khỏi Musaid, bỏ lại hơn 60 xe tăng bị quân Ai Cập thu giữ. Tiếp đà truy kích, quân Ai Cập tiến sâu tới 24 km trong lãnh thổ Libya, chiếm giữ các làng mạc và thị trấn rồi dừng lại.

Hai bên không dám tiến thêm trong những ngày sau. Quân Libya không dám tiến qua biên giới Ai Cập trong khi Ai Cập cũng không dám tiến sâu hơn vào đất Libya. Hai bên đấu pháo và không kích dữ dội vào các thành phố của nhau làm nhiều dân thường thương vong. Quân Ai Cập tuyên bố rằng bắn rơi thêm 2 máy bay. Nhưng Libya có vẻ không muốn cho đối thủ được tiếng, đã tuyên bố rằng một máy bay của họ gặp tai nạn còn một cái bị… chính quân Libya bắn nhầm.

Đến ngày 22/7/1977, quân Ai Cập nối lại cuộc tấn công. Cũng như lần trước, máy bay của Ai Cập đã tiến hành không kích phủ đầu vào căn cứ không quân Nasser của Libya. Thiệt hại không được công bố nhưng có vẻ rất nặng nề, và không quân Libya đã bị loại bỏ khỏi cuộc chiến. Sau đó, 12 tiểu đoàn Ai Cập chia ra các hướng đi chiếm các thành phố khác trong lãnh thổ Libya. Họ đuổi dân Libya phải kéo nhau chạy về thành phố Bengazhi lớn nhất miền Đông Libya tị nạn. Quân Ai Cập cũng phá hủy các căn cứ của người Ai Cập đối lập lập nên trong lãnh thổ Libya, thủ tiêu các thủ lĩnh đối lập của Ai Cập. Quân Libya với lực lượng ít ỏi chỉ 5.000 người, không thể bảo vệ được mục tiêu nào trước quân Ai Cập, buộc phải co cụm ở căn cứ không quân Nasser. Lực lượng thiết giáp và không quân hùng mạnh của quân Libya đã bị vô hiệu trong cuộc chiến này.

Ngày 24/7/1977, Libya tiến hành tổng động viên trong nước để gửi thêm quân ra biên giới Ai Cập, nhưng quá muộn. Quân Ai Cập lúc này đã vươn tới thị trấn Tobruk nổi tiếng của Libya (trận Tobruk nổi tiếng trong thế chiến 2). Quân Ai Cập cũng tấn công định chiếm căn cứ không quân Nasser của Libya, nhưng quân Libya ở đây đã chống trả thành công. Giữa lúc đang thắng thế, tổng thống Sadat của Ai Cập bất ngờ tuyên bố ngừng bắn, tự cho mình đã chiến thắng. Quân Ai Cập sau đó lặng lẽ trật tự rút về nước. Lính Libya mới tuyển thở phào vì không phải ra trận. Người ta cho rằng Tổng thống al-Sadat không muốn đẩy sự việc đi quá xa ngoài việc chứng tỏ rằng quân đội Ai Cập vượt trội hơn nhiều so với Libya.

Ngày 26/7/1977, Ai Cập hoàn tất rút quân về nước, kết thúc 1 tháng chiến tranh với Libya. Người ta coi Ai Cập đã thắng trong cuộc tranh hùng giành ngôi anh cả khối Ả Rập này.

Hậu quả

Quân đội Ai Cập có khoảng 100 binh sĩ thiệt mạng. Số xe tăng của họ không đáng kể, nên cũng không có thiệt hại. Không quân của họ được đánh giá là vẫn có màn trình diễn nghèo nàn, với 4 máy bay bị Libya bắn rơi. Tuy vậy không quân Ai Cập vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi vô hiệu hóa không quân Libya trong chiến tranh.

Phía Libya thiệt hại nặng hơn. Hơn 400 binh sĩ thương vong, mất 70 xe bọc thép các loại, trong khi thiệt hại máy bay không được thống kê nhưng nhiều trong số đó bị phá hủy khi Ai Cập không kích. Ngoài ra các nguồn tin còn nói rằng Ai Cập đã không kích làm chết 3 nhân viên Radar của Liên Xô làm việc cho Libya. Một lượng lớn vũ khí, trang bị Liên Xô của Libya cũng bị Ai Cập thu giữ.

Đó là về mặt quân sự, còn về mặt chính trị cuộc chiến đã khiến vị thế của Ai Cập tăng cao, còn Libya tụt thê thảm. Vị thế ”anh cả khối Ả Rập” của Ai Cập vẫn được duy trì, trong khi Libya tiếp tục bị cô lập và xa lánh do những dính líu đến chủ nghĩa khủng bố. Quan hệ giữa 2 quốc gia căng thẳng suốt thời gian sau đó, điều làm các quốc gia Ả Rập khác vô cùng lo ngại. Theo các nhà quan sát Ả Rập, cuộc chiến giữa Ai Cập và Libya năm 1977 ”đã mở ra thời kỳ các quốc gia Ả Rập đánh lẫn nhau thay vì đánh Israel”. Trên thực tế, đến tận ngày nay Libya và Ai Cập vẫn chưa ký thỏa thuận hòa bình sau chiến tranh, mặc dù năm 1981 tổng thống al-Sadat của Ai Cập đã bị ám sát, và người kế nhiệm ông là Tổng thống Hosni Mubarak đã cải thiện đáng kể quan hệ với Libya. Cuộc chiến cũng để lại hậu quả cho cư dân 2 phía biên giới. Hàng trăm nghìn người gốc Ai Cập sống lâu đời trên đất Libya đã bị trục xuất, trở thành dân tị nạn trở về Ai Cập với cuộc sống khó khăn. Cuộc sống của các bộ lạc du mục truyền thống bị đảo lộn do biên giới 2 nước bị đóng cửa. Bên phía Libya, hàng nghìn quả mìn do quân Ai Cập đặt lại vẫn thường xuyên đe dọa cuộc sống của dân thường nước này.

———————-

Tài liệu tham khảo:

Cuốn ”Ả Rậps at War” của Kenneth Pollack

Theo ĐĂNG PHẠM / NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Tags: , , ,