Bước tiến kỹ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống quân Minh

Chìa khóa cho những chiến thuật mang lại chiến thắng của Nguyễn Trãi là việc ứng dụng các cải tiến súng cầm tay của Hồ Nguyên Trừng để áp đảo đội hình quân Minh bằng hỏa lực liên tục trong một suốt một khoảng thời gian – không phải chỉ là vài phút.

Tác giả: James Potratz.

Biên dịch: Hà Khánh.

Đại Việt sử dụng hoả khí cầm tay đối đầu quân đội nhà Minh

Sự cải tiến đáng kể sức mạnh quân sự Đại Việt với việc sử dụng hoả khí cầm tay bắt đầu với chiến dịch thành công năm 1424-1427 để trục xuất quân Minh, giành lại quyền kiểm soát Đại Việt [hay còn gọi là Giao Chỉ, An Nam, Đại Ngu]. Sự cải tiến chưa từng xảy ra này có thể dễ dàng được hiểu bằng cách kiểm tra số lượng của lực lượng quân đội đế chế nhà Minh hiện diện tại Đại Việt trong thời kỳ này. Vào cuối năm 1426, khi mối đe dọa của cuộc nổi dậy “Hậu Lê” ở miền nam Đại Việt trở nên rõ ràng hơn, nhà Minh gửi thêm 10.000 lính từ Vân Nam và 50.000 binh sĩ từ Quảng Tây. Số quân này được bổ sung thêm vào lực lượng khoảng 60.000 đến 80.000 lính trong các đơn vị đồn trú khác nhau (bao gồm cả một số lính tuyển dụng tại địa phương) trải rộng khắp Đại Việt. Dẫu vậy, các lực lượng bổ sung này cùng với quân đồn trú đã bị đưa vào một loạt các cuộc phục kích kéo dài dẫn đến một thất bại lớn của nhà Minh (30.000 đến 50.000 người bị giết tùy thuộc vào bên thống kê) và tổng số tổng thất đè nặng lên các lực lượng quân sự Trung Quốc còn lại.  Vào cuối năm 1427, thêm 50.000 lính nhà Minh đến từ Vân Nam bị đánh chặn buộc phải rút lui về Trung Quốc (khoảng 10.000 thương vong) trong khi 100.000 lính nhà Minh (kể cả khuân vác) đến từ Quảng Tây bị phục kích, tàn sát, những người sống sót bị bắt làm tù binh.

Bước tiến kỹ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống quân Minh

Các loại súng cầm tay của người Việt thế kỷ 14-15, Bảo tàng Vũ khí cổ Vũng Tàu. Ảnh: VnExpress.

Tổng cộng, khoảng 240.000 binh lính nhà Minh (không tính nhóm khởi hành từ Vân Nam) đã có mặt tại Đại Việt năm 1426 và 1427 nhưng chỉ có 86.340 binh lính và quan chức Minh (kể cả những người bị bắt trước kia) được trả lại Trung Quốc vào đầu năm 1428 (theo yêu cầu Hoàng đế Minh, không có binh lính hay viên chức Minh nào được phép ở lại Đại Việt). Quân đội Minh mất hai trên ba tổng số quân lính được phái vào Đại Việt.

Các sử gia Việt Nam đã rất bối rối để giải thích bằng cách nào, vào năm 1426, không quá 3.000 chiến binh Hậu Lê có thể phục kích đội hình “100.000” lính nhà Minh hành quân kéo dài 8 km trên một con đường lầy lội bao quanh bởi những cánh đồng lúa ngập nước. Sự khác biệt là súng và chiến thuật được sử dụng bởi quân Hậu Lê so với súng được sử dụng bởi các lực lượng quân đội đế quốc nhà Minh phía nam Bắc Kinh.

Trong tác phẩm ‘Công nghệ quân sự Trung Quốc và Đại Việt: c. 1390-1497’, tác giả Sun Laichen bình luận về cuộc phục kích năm 1426: “3.000 binh sĩ tinh nhuệ Đại Việt … Quân Minh mất hết vũ khí của họ. Do đó sau khi rút lui về Đông Quan họ phải chế tạo súng và đạn dược bằng cách phá hủy chiếc chuông khổng lồ Quy Điền nổi tiếng và Vạc ở đền Phổ Minh. … vũ khí của quân đội Việt Nam phải được nâng cấp lên một mức độ chưa từng có”.

Súng nhà Minh được sử dụng trên khắp Trung Quốc từ 1370 – 1425

[Ghi chú :”Phần này chủ yếu dựa vào tài liệu danh sách các súng thời Minh thế kỷ 14 và 15 được khai quật ở Trung Quốc và được liệt kê trong tác phẩm “Nghiên cứu sơ bộ về súng nhà Minh “明代前期有铭火铳初探” của tác giả Chéng Dōng 成东 in trong tạp chí Di tích Văn Hoá số 5, xuất bản 1988]

Súng nhà Minh vào cuối thế kỷ 14 và đầu thế kỷ 15 có thể được chia thành ba loại. Những khẩu súng này được cung cấp cho quân đội Minh thông qua các đơn vị của Cục Quân sự (军器局 – Quân Khí Cục) ở các cấp đơn vị trung ương, khu vực, tỉnh và lực lượng biên phòng. Những khẩu súng này, tất cả được bắn bởi ngòi nổ, dường như là vũ khí chính được sử dụng bởi Lực lượng quân Minh tại Đại Việt.

A. Súng cầm tay: nặng hơn hai kg. Đây là vũ khí chính cho lực lượng bộ binh Minh. Có hai mẫu: một loại dài 36cm, cỡ nòng khoảng 24mm. Loại thứ hai dài 44cm, cỡ nòng khoảng 20mm

[Lưu ý: cỡ nòng 24mm tương đương với một khẩu Shotgun đạn 6-gauge  trong khi nòng 20mm tương tự súng Shotgun 10-gauge. Có lẽ những người lính độc lập có thể xử lý độ giật của những khẩu súng này trong khi những khẩu súng cỡ trung thì không thể dùng cầm tay vì độ giật lớn.]

B. Súng cỡ trung: súng quân sự tầm trung của nhà Minh có một cái bát kim loại ở cuối nòng. Những khẩu súng này được cố định vào bục hoặc neo xuống đất trước khi bắn. Có một số mẫu thay đổi tuỳ theo kích thước và trọng lượng. Loại đầu tiên dài 31,5cm, nặng 8,35 kg, đường kính nòng 10cm (lỗ nòng khoảng 5cm). Loại thứ hai dài 36,5cm, nặng 15,75 kg, đường kính nòng 11,9cm (lỗ nòng khoảng 7cm). Loại thứ ba dài 52cm, nặng 26,5 kg, đường kính nòng 10,8cm (~ 7cm).  Bảng kê thiết bị quân đội thời Minh cho biết một đơn vị cảnh vệ (Wei) khoảng 5000 lính bao gồm một số đơn vị pháo binh khoảng 400 lính vận hành 120 súng bát cỡ trung bình.

C. Súng lớn: Một khẩu pháo được chế tạo vào năm 1377 dài 100cm với nòng 21cm (lọt lòng 5-9cm), trọng lượng không rõ. Khó khăn trong việc di chuyển các khẩu súng lớn do  trọng lượng nên những vũ khí này chỉ được phối trí ở các vị trí phòng thủ tĩnh và tương đối ít về số lượng.

Năm 1407, hoàng tử Đại Việt và cũng là tướng quân Hồ Nguyên Trừng bị bắt và được bổ nhiệm là người đứng đầu Cục chế tạo súng pháo (兵仗局 – MAB -Binh Trượng Cục ) trong Bộ Công triều nhà Minh để kết hợp kỹ thuật Đại Việt vào súng pháo quân Minh. Những nâng cấp của Đại Việt bao gồm chảo châm hoả đầu tiên trên thế giới để khai hoả súng pháo và chiếc nêm đầu tiên trên thế giới để chặn nòng. Những khẩu súng này được dán nhãn “Thần Cơ” và có tầm bắn lên đến sáu lần so với súng thường của quân đội Minh. Các thợ thủ công chính trong MAB đến từ Đại Việt. MAB đã sản xuất 24.000 khẩu súng “Thần Cơ” và hơn 16.000 khẩu pháo cỡ trung “Thần Cơ” vào năm 1409 trong chiến dịch năm 1410 chống lại quân Mông Cổ. Những khẩu “Thần Cơ” này không được phép sử dụng ở phía nam Bắc Kinh trước năm 1425 và ban đầu chỉ được sử dụng bởi lính đóng ở Trại Shenji. Các loại Súng Thần Cơ là:

a. Súng cầm tay: MAB  sản xuất hàng loạt một loại súng cầm tay cá nhân sử dụng rộng rãi để chống lại quân Mông Cổ. Nó dài 355mm, nặng 2 kí lô, cỡ nòng 15mm và được xác định là Thiên Tự. Những súng này thay thế cho loại súng dài 44cm, cỡ nòng 20mm của nhà Minh.

[Lưu ý : hoả pháo cầm tay cỡ nòng 15mm tương đương với một khẩu shotgun 22 gauge. Mặc dù việc giảm cỡ nòng 15mm nhằm tạo thuận lợi cho việc bắn thiết bị phóng Thần Tiễn của Đại Việt, nó cũng làm giảm đáng kể độ giật của súng.]

b. Súng cỡ trung : MAB sản xuất hàng loạt hai loại súng cỡ trung loại bỏ bát gắn vào thân và thêm các vòng gia cố vào nòng, thân, buồng thuốc súng và phần neo vào báng súng.

– Súng cỡ nòng 52mm, dài 435mm, 8 kg.
– Súng cỡ nòng 70mm, dài 550mm, 21 kg.

Súng pháo Đại Việt

Sung Laichen trong tác phẩm “Hoả khí cầm tay kiểu Trung Quốc ở Đại Việt” xác định những khẩu súng sau đây với những chiếc chảo châm hoả được sử dụng bởi quân đội Hậu Lê vào thế kỷ 15. Trong khi súng kiểu 1 và 3 có kích thước tương đương với súng ở Trung Quốc trước năm 1407, loại thứ 2 dường như là một bản sao của khẩu cầm tay Thần Cơ của MAB sản xuất cho bộ binh. Sự cải tiến các loại súng có sẵn cho các lực lượng kháng chiến Hậu Lê được đề cập bởi Sun rõ ràng là nêm bằng gỗ và chảo châm hoả có nắp là những phần chính của súng “Thần Cơ” của MAB.

– Súng cỡ nòng 24mm,  dài 31cm, trọng lượng 3,4 kg.
– Súng cỡ nòng 14mm, dài 36cm, trọng lượng 2,3 kg. Chú thích: Hình ảnh của những khẩu súng này được trích từ “Hoả khí cầm tay kiểu Trung Quốc ở Đại Việt” cho thấy sự trùng hợp vị trí của vòng gia cố trên buồng đựng thuốc súng và  vị trí của chảo châm hoả giống như  súng cầm tay cỡ nòng 15mm của MAB. Việc giảm cỡ nòng từ 20mm xuống 15mm cho thấy những khẩu súng này được sử dụng nêm gỗ để chèn nòng
– Súng hạng trung cỡ nòng 50mm, dài 38cm, trọng lượng 6,8 kg. Chú thích: loại súng này cũng được loại bỏ bát ở nòng như súng cỡ trung của MAB.

Chiến lược của Đại Việt

Đại Việt có một di sản lâu dài về học tập và sử dụng học thuyết và lý thuyết quân sự của Trung Quốc. Các chiến lược và chiến thuật quân sự của Hậu Lê được giải thích bởi anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi được dựa trên các học thuyết quân sự của Trung Quốc. Các điểm sau xuất hiện trong nhiều tài liệu tiếng Việt khác nhau của Nhóm kháng chiến Lam Sơn.

1. Chiến lược đầu tiên của Nguyễn Trãi là Bảo tồn Lực lượng. Các đơn vị kháng chiến không tấn công các vị trí phòng thủ cố định của quân Minh hoặc tấn công các đơn vị quân đội Minh đang trong đội hình chiến đấu. Một cuộc tấn công giả vờ được tung ra nhằm kéo lực lượng Minh vào một cuộc phục kích. Lực lượng kháng chiến không bảo vệ các địa điểm cố định.

[Ghi chú: Trong số năm mươi lãnh đạo trọng yếu của quân đội Đại Việt được ghi nhận trong sử sách, chỉ có hai người bị quân Minh giết chết trong những cuộc giao tranh nhỏ tại các vị trí cố định quanh thành Đông Quan (Hà Nội). Hai người bị bắt giữ trong đó một người đã trốn thoát ngay trong đêm, người còn lại được thả vào năm 1428. Một ngoại lệ xảy ra trong chiến lược hạn chế công đồn đã xảy ra vào cuối năm 1427 với cuộc tấn công quân Minh ở pháo đài Xương Giang, nhằm phá chốt chặn cuối cùng để chuẩn bị chống lại 100.000 quân tiếp viện.]

2. Chiến lược thứ hai của Nguyễn Trãi nhắm vào mục tiêu là cô lập và bao vây lực lượng quân Minh trong các pháo đài phòng thủ, từ từ bị bỏ đói, và buộc phải đầu hàng mà không có bất kỳ cuộc tấn công thực sự nào diễn ra.

3. Chiến lược thứ ba của Nguyễn Trãi là tập trung tấn công [phục kích] lực lượng quân Minh di chuyển dọc theo các con đường đất vào các khu phục kích được chọn trước. Địa điểm phục kích có thể kéo dài vài kilômét dọc theo con đường. Địa hình xung quanh các khu vực phục kích đã được chọn để không cho phép lực lượng quân Minh phản kích lại các lực lượng phục kích. Ví dụ: khu vực phục kích năm 1426 nằm giữa các cánh đồng lúa lầy lội, bao gồm những ngọn đồi/mỏm đất đá nhỏ [che giấu lực lượng phục kích]

4. Chiến lược thứ tư của Nguyễn Trãi là cắt đứt tuyến hỗ trợ cho binh lính đang chiến đấu. Thiếu nguồn lương thảo, lực lượng quân Minh sẽ phải dừng lại để chết tại chỗ hoặc rút lui. Lực lượng kháng chiến sẽ chiếm dụng và sử dụng luôn chính phần lương thảo này của quân Minh.

[Lưu ý: Quân đội Minh khi tiến quân thường sẽ có tuyến hỗ trợ mang theo khẩu phần vài tháng. Những người khuân vác đôi khi chiếm 40% lực lượng quân Minh trong đội hình hành quân].

5. Chiến lược thứ năm của Nguyễn Trãi là giết các tướng lãnh cao cấp của quân Minh hiện diện trên chiến trường. Trong trận chiến lớn năm 1426 (phục kích), tổng binh quân Minh và tổng tư lệnh dân sự tại Giao Chỉ (Đại Việt) bị giết trong khi Vương Thông, tổng tư lệnh quân đội Minh ở Giao Chỉ cũng bị thương bởi một mũi tên. Trong trận chiến lớn năm 1427 (phục kích), Liễu Thăng, tổng tư lệnh quân đội mới được phái đến, bị cuốn vào một cuộc phục kích và bị giết chết bởi tính tự phụ. Ngày hôm sau, phó tướng của ông này cũng bị giết. Một tổng binh được chỉ định làm cố vấn cũng đã chết trong cuộc hành quân này. Tướng chỉ huy cuối cùng của cánh quân tiếp viện này bị giết nốt trong ngày cuối cùng, sau khi bị cô lập, cắt đứt lương thảo suốt 14 ngày. Cuối cùng, chỉ còn 10.000 lính sót lại buộc phải đầu hàng.

[Lưu ý: Các quan chức dân sự và quân sự của nhà Minh mang y phục với các biểu tượng lớn ở trước và sau lưng để xác định các cấp bậc dân sự hoặc quân sự cụ thể (dựa trên chín cấp bậc của Trung Quốc. Ví dụ, biểu tượng của tước quan cấp một, cấp 2 mang hình ảnh sư tử. )]

6. Chiến lược thứ sáu của Nguyễn Trãi là gây ra thương vong tối đa.

7. Chiến lược cuối cùng của Nguyễn Trãi là buộc hoàng đế nhà Minh chính thức chấp nhận Đại Việt như một quốc gia riêng biệt không phải là một phần của Trung Quốc. Điều này bao gồm sự công nhận chính thức người cai trị Đại Việt và phong tục triều cống ba năm một lần, được thực hiện bởi tất cả các nước ở Đông Á ngoại trừ Nhật Bản.

Sự tổ chức lại quân đội Đại Việt

[Ghi chú: thông tin lấy từ Kỷ Nhà Lê – Quyển X Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư]

Vào mùa hè năm 1428, nhà Hậu Lê đưa ra các chỉ thị quy định quân số là năm mươi người cho mỗi tàu chiến trong các đơn vị Hải quân. Năm người lo đóng trại, năm người lo tiếp tế và năm người làm các nhiệm vụ khác. Số quân chiến đấu trên tàu có lẽ là ba mươi lăm lính.

Vài tuần sau, các quy định được ban hành tổ chức và trang bị cho hai nhóm hải quân vũ trang được gọi là Thần Sấm và Thần Sét. Mỗi nhóm phải có mười thuyền chiến và hai  thuyền trinh sát nhỏ. Mỗi nhóm bố trí một giám quân, mỗi tàu bố trí giám đội. Một nhóm có một pháo “Đại tướng quân”. Mỗi chiến thuyền được vũ trang các loại vũ khí sau:

1 súng cỡ lớn,
1 súng cỡ trung,
8 súng cỡ nhỏ,
5 chiếc nỏ cứng,
5 câu liêm, 5 giáo dài,
4 phi liêm
mỗi người lính trang bị 1 đại đaovới khiên (phiêu), 1 câu liêm,  4 thủ tiễn hạng nhất, 3 thủ tiễn hạng nhì

Lưu ý: súng cỡ nhỏ có lẽ là súng cầm tay cỡ 15mm. Súng trung bình là súng cỡ 50mm và súng cỡ lớn  là súng 70mm. 14 lính trang bị với giáo và câu liêm sẽ là lực lượng đổ bộ trong khi lực lượng pháo thủ sẽ có mỗi lính một súng cầm tay, hai lính phụ trách súng cỡ trung, khoảng hai lính cho súng cỡ lớn cùng với hai lính phụ trách cung cấp thuốc súng và đạn, cơ số tổng cộng 14 người. Cộng với năm lính bắn nỏ, một giám quân, thuyền trưởng thì tổng khoảng 35 lính. Tỷ lệ hai trên một của súng pháo so với cung nỏ (14 lính vs 5 lính) có thể phản ánh một tỷ lệ tương tự lực lượng chiến đấu trên bộ của Đại Việt trong thời gian này.

Tổng kết

Cuộc đột phá năm 1424-1425 của quân khởi nghĩa Hậu Lê vào miền nam Đại Việt mang lại kinh nghiệm trận mạc dày dạn cho đội quân chủ lực, việc tuyển dụng và huấn luyện các tân binh địa phương, việc phối trí lại hàng binh không phải lính Trung Quốc và thiết lập các cấu trúc cai trị đối với các khu dân sự từ đó thành lập một lực lượng bán quân sự ở miền Nam Đại Việt. Tình thế cuối năm 1426 chuyển sang toàn bộ phần còn lại của Đại Việt tiếp tục bao vây cô lập các pháo đài/thành quách còn lại của quân Minh, thiết lập bộ máy cai trị và các lực lượng quân dân địa phương của nhà Hậu Lê,  tạo ra một đội quân to lớn để bảo vệ Đại Việt. Các đơn vị chủ lực của Hậu Lê vẫn là lực lượng quân sự nòng cốt cho đợt phục kích và bao vây cuối cùng đạo quân Minh tiếp viện.

Kết luận

Chìa khóa cho những chiến thuật mang lại chiến thắng của Nguyễn Trãi là việc ứng dụng các cải tiến súng cầm tay của Hồ Nguyên Trừng để áp đảo đội hình quân Minh bằng hỏa lực liên tục trong một suốt một khoảng thời gian – không phải chỉ là vài phút. Khi các binh sĩ Minh đào thoát khỏi con đường chạy vào các cánh đồng lúa, họ dễ dàng trở thành mục tiêu cho cung nỏ, câu liêm cùng với hoả pháo của phục binh bố trí trên những ngọn đồi nhỏ ở giữa cánh đồng lúa. Các ổ kháng cự sẽ trở thành mục tiêu cho cuộc tấn công tập trung bởi hỏa lực vượt trội của quân Hậu Lê. Những người khuân vác và dân địa phương sau đó sẽ thu thập những gì có giá trị trong đống xác chết bỏ lại. Điểm mấu chốt cho thành công của chiến lược này của quân Hậu Lê là sự khó khăn của quân Minh trong việc chuyển từ trạng thái hành quân sang trạng thái chiến đấu. Điểm yếu này có thể được quan sát trực tiếp trong các chiến dịch của nhà Minh chống lại người Mông Cổ vào năm 1410, 1414 và 1422. Hồ Nguyên Trừng cùng với hai người Việt khác đã tham gia chiến dịch vào năm 1410 khi họ đóng vai trò cố vấn chính cho đơn vị vũ trang đầu tiên của Trung Quốc, trại Shenji ying ( Thần cơ Doanh). Điều này đã mang lại cho Trừng khoảng thời gian phục vụ Hoàng đế Minh cùng các tướng lãnh cao cấp, cùng với rất nhiều thời gian quan sát quân Minh di chuyển trên chiến trường. Địa hình Đại Việt cũng đem lại sự khó khăn đối với đội hình hành quân của quân Minh trên những con đường đất ở những vùng trồng lúa hoặc vùng núi non. Trừng và Nguyễn Trãi đều từng được xem là những ngôi sao tri thức ở triều đình Tây Đô. Trãi từ lâu đã bị nghi ngờ trong thời gian ở Trung Quốc từ năm 1407 cho đến khoảng 1423-24. Trong bài thơ “Quan Hải” Trãi đề cập đến các chướng ngại vật chống lại Hải quân nhà Minh do Trừng tạo ra trong hai dòng thơ đầu tiên, rồi nhận xét của Trừng về sự ủng hộ của người dân được hàm ý ở dòng thứ ba và hình ảnh vị anh hùng được nhắc tới ở dòng sau kế. Có lẽ Trừng là vị anh hùng trong mắt của Trãi, vì những đóng góp của Trừng cho các chiến thắng năm 1426 và 1427. Dẫu thế nào thì, sự cải tiến súng pháo cầm tay của Trừng là cơ sở để nhà Hậu Lê vươn lên nắm quyền tại Đại Việt và xây dựng một lực lượng quân sự mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 15.

Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ 

Tags: , ,