⠀
Bộ đội Bình Xuyên ‘hổ báo’ cỡ nào mà dám nã pháo vào Dinh Độc Lập?
Do mâu thuẫn với Ngô Đình Diệm, tháng 3/1955, lực lượng Bình Xuyên mở cuộc tấn công Bộ tổng tham mưu rồi pháo kích vào Dinh Độc Lập. Sang tháng 4/1955 thì quân Bình Xuyên đánh thành Cộng Hòa…
Quân đội Sài Gòn tiến đánh lực lượng Bình Xuyên, Sài Gòn năm 1955.
Bình Xuyên nguyên thủy là tên của ấp Bình Xuyên thuộc làng Chánh Hưng, Nhà Bè. Sau năm 1945, danh xưng “Bình Xuyên” được dùng để chỉ Lực lượng Bình Xuyên với nòng cốt là dân giang hồ Nam Bộ, hoạt động ở vùng ven Sài Gòn trong 10 năm (1945-1955).
Sau khi quân Anh-Pháp gây hấn ở Sài Gòn (23/9/1945), nhiều lực lượng quân sự chống Pháp tự phát được thành lập. Người lập bộ đội thường lấy tên của mình đặt cho lực lượng trong vùng, như bộ đội Tân Quy cũng được gọi là bộ đội Dương Văn Dương, hay gọn hơn là bộ đội Ba Dương. Bộ đội Nhà Bè mang tên bộ đội Hai Nhị, Hai Soái…
Khi Dương Văn Dương, thủ lĩnh các nhóm giang hồ Nam Bộ, thống nhất các lực lượng quân sự chống Pháp ở Tân Quy, Tân Thuận, Nhà Bè, Thủ Thiêm, ông đã chọn cái tên “Bình Xuyên” để đặt cho lực lượng thống nhất này. Đây là tên chữ trên bản đồ Sài Gòn – Chợ Lớn để chỉ vùng Hố Bần, còn gọi là Xóm Cỏ, địa bàn hoạt động của lực lượng này. Cái tên “Bình Xuyên” còn hàm chỉ: “Bình” gợi chiến công đánh chiếm và bình định, còn chữ “Xuyên” để chỉ vùng chi chít sông rạch.
Bộ đội Bình Xuyên là lực lượng quân sự mạnh nhất ở vùng Đông Nam Bộ thời bấy giờ. Địa bàn hoạt động được tổ chức thành Liên khu Bình Xuyên (gồm các chi đội số 2, 3, 4, 7, 9, 21, 25), đảm trách nhiệm vụ bao vây quân Anh-Pháp ở mặt nam Sài Gòn. Sau khi đặc phái viên trung ương Nguyễn Bình vào tổ chức quân đội, Dương Văn Dương được chỉ định làm Khu bộ phó Khu 7.
Sau khi Dương Văn Dương tử trận vào năm 1946, lực lượng Bình Xuyên bị phân hóa. Một bộ phận chống Pháp do Dương Văn Hà (tức Năm Hà, em cùng cha khác mẹ của Dương Văn Dương) chỉ huy, được tổ chức lại và phiên chế chính quy thành Vệ quốc đoàn.
Một bộ phận khác do Lê Văn Viễn (tức Bảy Viễn) chỉ huy, ly khai năm 1948 và hợp tác với Bảo Đại để thành lập chính quyền Quốc gia Việt Nam. Thành phần này là lực lượng Bình Xuyên được biết đến nhiều nhất vào thập niên 1950.
Từ năm 1948, lực lượng Bình Xuyên ly khai là một lực lượng quân sự bổ sung nằm trong khối Liên hiệp Pháp dưới danh xưng “Công an xung phong”, địa bàn hoạt động ở xung quanh Sài Gòn.
Dưới sự đồng thuận của Pháp, Bình Xuyên kiểm soát nhiều sòng bài, nhà thổ, cùng những thương cuộc lớn nhỏ khắp vùng Sài Gòn—Chợ Lớn trong đó phải kể Casino Grande Monde (Đại Thế Giới), Casino Cloche d’Or (Kim Chung), Bách hóa Noveautes Catinat.
Bảy Viễn, thủ lãnh Bình Xuyên, 1948.
Sau Hiệp định Genève, Bình Xuyên đúng ra phải nhập vào Quân đội Quốc gia Việt Nam nhưng lại không phục tùng.
Tháng 7/1954, Thủ tướng Ngô Đình Diệm chấp chính thành lập chính phủ trung ương và nộp danh sách nội các. Lê Văn Viễn, vị chỉ huy Bình Xuyên đòi được tham chính và đưa ra yêu sách lập chính phủ mới. Lực lượng Bình Xuyên cùng với quân đội Cao Đài và Hòa Hảo còn lập Mặt trận Thống nhất Toàn lực Quốc gia và gửi tối hậu thư buộc chính phủ phải có danh sách mới trước ngày 26/3/1955.
Ngô Đình Diệm không chịu nhượng bộ nên Bình Xuyên mở cuộc tấn công Bộ tổng tham mưu rồi pháo kích vào Dinh Độc Lập. Sang tháng 4/1955 thì quân Bình Xuyên đánh thành Cộng Hòa. Quân đội Quốc gia phản công, phá được căn cứ chính của Bình Xuyên ở khu vực cầu Chữ Y khiến lực lượng Bình Xuyên phải triệt thoái khỏi Sài Gòn, Chợ Lớn và rút về Rừng Sác.
Tháng 9/1955 Ngô Đình Diệm chỉ đạo đại tá Dương Văn Minh mở Chiến dịch Hoàng Diệu truy nã Bình Xuyên ở Rừng Sác. Quân Bình Xuyên bị hoàn toàn tiêu diệt. Lê Văn Viễn đào tẩu sang Campuchia rồi lưu vong sang Pháp, chấm dứt thực lực của Bình Xuyên.
Theo DÂN VIỆT ONLINE
Tags: Việt Nam Cộng hòa, Việt Nam giai đoạn 1945-1954