Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Từ quá khứ đến tương lai

Với hơn 3000km bờ biển, nằm trong khu vực châu Á gió mùa, hàng năm Việt Nam phải đối mặt với sự hoạt động của bão, xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Tây bắc Thái Bình dương và biển Đông, lại chịu nhiều tác động của loại hình thời tiết phức tạp. Hiện tượng thiên tai khí tượng xảy ra gần như quanh năm trên khắp cả nước. Vì vậy, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã có những tác động tiêu cực đến nhiều lĩnh vực tự nhiên, kinh tế, xã hội, môi trường… ở Việt Nam.

Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Từ quá khứ đến tương lai

Bài viết dựa trên đề tài nghiên cứu của Phan Văn Tân, Ngô Đức Thành, Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN.

Trong quá khứ đã xãy ra hiện tượng biến đổi của khí hậu

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, các nhà nghiên cứu khoa học đầu ngành như như GS. Nguyễn Đức Ngữ, GS. Nguyễn Trọng Hiệu đã tiến hành nghiên cứu về biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Tuy nhiên vấn đề này chỉ thực sự được quan tâm từ sau năm 2000. Các công trình nghiên cứu về biến đổi khí hậu cũng đã dần đi vào chiều sâu về bản chất vật lý và những bằng chứng cho thấy sự tác động của nó. Kết quả của những nghiên cứu này đã cho chúng ta biết khí hậu Việt Nam có những dấu hiệu biến đổi sâu sắc.

Khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0.5 độ C trên phạm vi cả nước, bên cạnh đó lượng mưa có chiều hướng giảm ở phía Bắc và tăng ở phía Nam trên lãnh thổ Việt Nam.

Từ những kết quả nghiên cứu về sự biến đổi của các yếu tố và hiện tượng khí hậu cực đoan, có thể rút ra một số nhận định sau: Nhiệt độ cực đại (Tx) trên toàn Việt Nam nhìn chung có xu thế tăng, điển hình là vùng Tây Bắc và vùng Bắc Trung Bộ; Nhiệt độ cực tiểu (Tm) cũng có xu thế tăng nhưng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với Tx và phù hợp với xu thế chung của biến đổi khí hậu toàn cầu; Phù hợp với sự gia tăng của nhiệt độ cực đại và cực tiểu, số ngày nắng nóng có xu thế tăng lên và số ngày rét đậm có xu thế giảm đi ở các vùng khí hậu; Độ ẩm tương đối cực tiểu có xu thế tăng lên trên tất cả các vùng khí hậu nhất là trong thời kỳ 1961-1990; Lượng mưa ngày cực đại tăng lên ở hầu hết các vùng khí hậu, nhất là trong những năm gần đây. Số ngày mưa lớn cũng có xu thế tăng lên tương ứng và biến động mạnh, nhất là ở khu vực Miền Trung; Hạn hán, bao gồm hạn tháng và hạn mùa có xu thế tăng nhưng với mức độ không đồng đều giữa các vùng và giữa các nơi trong từng vùng khí hậu; Tần số bão trên Biển Đông có dấu hiệu tăng lên trên các vùng biển phía nam. Tần số bão trên vùng bờ biển Việt Nam cũng có xu thế tăng lên, nhất là trên dải bờ biển Bắc Bộ, Thanh Nghệ Tĩnh và Nam Trung Bộ; Tốc độ gió cực đại không thể hiện xu thế rõ ràng và không nhất quán giữa các vùng khí hậu.

Dự báo nửa đầu thế kỷ 21 biến đổi khí hậu sẽ xãy ra ở Việt Nam

Dự tính sự biến đổi của khí hậu tương lai theo hướng tiếp cận tổ hợp đa mô hình. Việc xây dựng một hệ thống tổ hợp dự tính khí hậu đòi hỏi phải có hệ thống máy tính mạng và phải tiến hành một khối lượng tính toán khổng lồ. Một trong những hệ thống như vậy đã được xây dựng và hiện đang được vận hành tại Bộ môn Khí tượng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo kết quả tính toán được thực hiện trên hệ thống máy tính, cho thấy nhiệt độ không khí trung bình trên khu vực Việt Nam tăng lên đáng kể, có thể lên tới 0.3ºC/thập kỷ trong giai đoạn 2000-2050, ngoại trừ một phần nhỏ ở khu vực Bắc Trung Bộ.

Xu thế tăng mạnh hơn và đồng nhất hơn (thống nhất cao giữa các mô hình) trên các vùng phía Nam và Tây Bắc Việt Nam. Lượng mưa dường như cũng cho xu thế tăng lên trên toàn Việt Nam, ngoại trừ vùng Tây Nguyên và một phần Nam Bộ, những nơi mức ý nghĩa 10% của xu thế không được thoả mãn. Xu thế giảm mưa ở miền Bắc và tăng mưa ở phía Nam. Các mô hình và sản phẩm tổ hợp có tính thống nhất cao khi cho kết quả dự tính lượng mưa sẽ tăng lên đáng kể ở duyên hải miền Trung. Đây là một điểm đáng chú ý khi đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động ứng phó với thiên tai liên quan đến mưa lớn như lũ lụt, trượt lở đất, xói lở bờ sông, bờ biển,…

Chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Ở Việt Nam, tác động của biến đổi khí hậu cũng đã được nhận thấy qua nhiều dấu hiệu, bằng chứng. Trước hết, những diễn biến bất thường của thời tiết, khí hậu trong nhiều năm gần đây có thể được cho là có liên quan đến sự biến đổi của các hệ thống hoàn lưu khí quyển, đại dương qui mô lớn cũng như sự biến đổi trong hoạt động của gió mùa châu Á. Bão, áp thấp nhiệt đới có xu hướng dịch chuyển về phía nam và có quĩ đạo phức tạp, khó dự báo hơn. Hạn hán, lũ lụt dường như xảy ra bất thường hơn. Hiện tượng nắng nóng có xu hướng gia tăng cả về cường độ, tần suất và độ dài các đợt. Số ngày rét đậm, rét hại giảm đi nhưng mức độ khắc nghiệt và độ kéo dài các đợt có dấu hiệu gia tăng những hiện tượng cực đoan, dẫn đến sự gia tăng các thiên tai có nguồn gốc khí tượng, tác động xấu đến nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế xã hội và môi trường. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ và toàn diện, định lượng hóa những tác động đó vẫn đang còn là vấn đề bỏ ngỏ.

Có hai trường hợp sẽ xãy ra hiện tượng biến đổi khí hậu

Trong trường hợp thứ nhất (biến đổi từ từ), con người và các hệ sinh thái nói chung có thể tự thích nghi dần, nhưng một số loài nếu không có khả năng hoặc không có điều kiện thích nghi sẽ dần biến mất dẫn đến bị diệt vong. Sự nguy hiểm do tác động tiêu cực gây nên bởi sự biến đổi này là chúng chỉ có thể được nhận thấy sau một khoảng thời gian đủ dài. Nếu không dự tính được thì hệ quả mang lại sẽ rất nặng nề và khó có thể phục hồi. Chẳng hạn, do nhiệt độ tăng lên, khả năng chứa nước của khí quyển cũng tăng theo; hàm lượng hơi nước trong khí quyển lớn cộng với nền nhiệt cao có thể là môi trường thuận lợi cho việc phát sinh và phát triển các chủng loại vi rút gây bệnh mới đối với cả con người và các hệ động thực vật. Chiến lược thích ứng với sự biến đổi này là cần phải xây dựng được các kế hoạch dài hạn mà thông thường được lồng ghép vào các phương án qui hoạch phát triển.

Trong trường hợp thứ hai, sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan là nguyên nhân làm gia tăng các hiện tượng thiên tai, cả về tần suất và cường độ, có thể dẫn tới những hậu quả trầm trọng. Thiên tai không những làm thiệt hại về người và của mà còn có thể nhanh chóng hủy hoại cả một vùng, một hệ sinh thái nào đó. Tính chất nguy hiểm của những tác động này là thiên tai xảy ra có thể làm bần cùng hóa hoặc tái bần cùng một bộ phận cộng đồng trong vùng chịu ảnh hưởng, thậm chí trong khoảnh khắc có thể làm sụp đổ mọi nỗ lực của chính sách xóa đói giảm nghèo của Nhà nước. Thích ứng với biến đổi khí hậu trong trường hợp này là xây dựng các chiến lược, kế hoạch phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. Nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường sức chống chịu của cộng đồng, nâng cao chất lượng, độ chính xác của các thông tin dự báo thời tiết, khí hậu, thủy văn,…, xây dựng và bảo đảm độ chính xác, độ ổn định của các hệ thống cảnh báo thiên tai,… là những vấn đề mấu chốt của chiến lược thích ứng với sự biến đổi này.

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã có những tác động xấu và đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của đất nước. Chính vì vậy, ngày 2/12/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 158/2008/QĐ – TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Kể từ đó, nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng đã được triển khai. Đặc biệt, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều đề tài, dự án cũng đã và đang được triển khai. Khách quan mà nói, Chương trình mục tiêu Quốc gia đã đem lại những hiệu quả nhất định trong vấn đề nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Theo MỸ XUÂN / EINFO

Tags: