⠀
Biến đổi khí hậu gây ra sóng nhiệt và cháy rừng như thế nào?
Biến đổi khí hậu khiến các đợt nắng nóng trở nên nóng hơn và thường xuyên hơn. Điều này đã được xác nhận bởi Hội đồng các nhà khoa học khí hậu toàn cầu của Liên Hợp Quốc (IPCC).
Châu Âu đang nằm trong tầm ngắm của đợt nắng nóng kỷ lục và cháy rừng đang hoành hành khắp Địa Trung Hải.
Khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người đã làm nóng hành tinh khoảng 1,2 độ C kể từ thời tiền công nghiệp. Việc nhiệt độ ấm hơn có nghĩa là các sự kiện nắng nóng khắc nghiệt sẽ có nhiệt độ cao hơn.
Ông Friederike Otto, một nhà khoa học khí hậu tại Đại học Imperial London, người đồng lãnh đạo hợp tác nghiên cứu Phân bổ Thời tiết Thế giới cho biết: “Mỗi đợt nắng nóng mà chúng ta đang trải qua ngày nay đều trở nên nóng hơn và thường xuyên hơn do biến đổi khí hậu”.
Nhưng các điều kiện khác cũng ảnh hưởng đến sóng nhiệt. Ở châu Âu, hoàn lưu khí quyển là một yếu tố quan trọng.
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature vào tháng 7/2022 cho thấy rằng các đợt nắng nóng ở châu Âu đã tăng nhanh hơn 3-4 lần so với các vùng vĩ độ trung bình phía bắc khác như Mỹ. Các tác giả liên kết điều này với những thay đổi trong dòng khí lưu, một luồng không khí nhanh từ tây sang đông ở bắc bán cầu.
Để tìm hiểu chính xác mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với một đợt nắng nóng cụ thể, các nhà khoa học tiến hành “nghiên cứu phân bổ”. Kể từ năm 2004, hơn 400 nghiên cứu như vậy đã được thực hiện đối với các hiện tượng thời tiết cực đoan, bao gồm nắng nóng, lũ lụt và hạn hán, đồng thời tính toán mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với từng hiện tượng.
Nhà khoa học khí hậu Sonia Seneviratne của ETH Zurich cho biết: “Tính trung bình trên đất liền, những đợt khắc nghiệt xảy ra cứ 10 năm một lần nếu không có sự tác động của con người lên khí hậu. Giờ đây khả năng xảy ra cao gấp 3 lần”.
Nhiệt độ sẽ chỉ ngừng tăng nếu con người ngừng thêm khí nhà kính vào bầu khí quyển. Cho đến lúc đó, sóng nhiệt sẽ càng ngày càng tồi tệ hơn. Nếu không giải quyết được biến đổi khí hậu sẽ khiến nhiệt độ khắc nghiệt leo thang thậm chí còn nguy hiểm hơn.
Các quốc gia đã đồng ý theo Thỏa thuận Paris 2015 toàn cầu về việc cắt giảm lượng khí thải đủ nhanh để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C và đặt mục tiêu là 1,5 độ C, để tránh những tác động nguy hiểm nhất. Các chính sách hiện tại sẽ không cắt giảm lượng khí thải đủ nhanh để đạt được cả hai mục tiêu.
Theo IPCC, một đợt nắng nóng xảy ra mỗi thập kỷ chỉ 1 lần trong thời kỳ tiền công nghiệp thì giờ đây sẽ xảy ra 4,1 lần trong một thập kỷ nếu nhiệt độ tăng 1,5 độ C và 5,6 lần ở 2 độ C.
Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm gia tăng điều kiện khô nóng giúp đám cháy lan nhanh hơn, cháy lâu hơn và bùng phát dữ dội hơn. Ở Địa Trung Hải, điều đó đã góp phần làm cho mùa cháy rừng bắt đầu sớm hơn và đốt cháy nhiều khu rừng hơn. Năm ngoái, hơn nửa triệu ha rừng đã bị cháy ở Liên minh châu Âu, trở thành mùa cháy rừng tồi tệ thứ hai của khối được ghi nhận sau năm 2017.
Thời tiết nóng hơn cũng lấy đi độ ẩm từ thảm thực vật, biến nó thành nhiên liệu khô giúp đám cháy lan rộng. Nhiệt độ nóng hơn cũng đang đẩy cháy rừng đến những vùng vốn rất ít xảy ra cháy, và do đó ít có sự chuẩn bị để đối phó từ phía chính quyền và người dân.
Theo CÔNG LUẬN / DW
Tags: Biến đổi khí hậu