Bàn về thiền và trà đạo

Khi tâm quay về với tánh rỗng lặng tự nhiên thì ta thấy trong mọi sự vật dù nhỏ như hạt bụi, đều chứa đựng cái vô cùng. Đó là chủ ý của những buổi uống trà trong tĩnh lặng. Khi uống trà trong tỉnh thức thì trà có hương vị Thiền hay hương vị giải thoát. Giải thoát là tâm ta ở trong trạng thái ung dung, nhàn hạ, tươi mát, linh động, bén nhạy và thấy biết tất cả nhưng không bị bất cứ một thứ gì trói buộc.

Bàn về thiền và trà đạo

Trích: Những Nét Văn Hóa Của Đạo Phật; Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành 1995

Khi nói đến Trà đạo, có lẽ chúng ta muốn biết ngay Trà đạo là gì. Lợi Hưu (Rikyu, 1522 – 1591) người đã đưa nghệ thuật uống trà trở thành Trà đạo, trả lời rất giản dị: “Trà đạo là cách làm cho ta hết khát.”

Chúng ta khát nước khi uống không đủ, và chúng ta thường khao khát niềm an vui và muốn hòa nhập với sự sâu thẳm của tánh tự nhiên sẵn có nơi mình. Tánh đó vốn rộng lớn bao la, trong sạch vô cùng, an vui vô hạn và tĩnh lặng nhiệm mầu. Chúng ta gọi tánh ấy là tánh chân thật, tâm chân thật (chân tánh hay chân tâm) hay Phật tánh.

Trà đạo là nghệ thuật pha và uống trà, đưa ta tiếp xúc thẳng với cội nguồn tâm linh ấy. Nguyên tắc của Trà đạo nằm sẵn trong nguyên tắc sống thiền: hòa hợp, trang trọng, tinh sạch và tĩnh lặng. Thiền cũng chỉ là một tông phái của Phật giáo, nên các nguyên tắc trên vốn là sự bất khả phân giữa hiện tượng bên ngoài và thế giới bên trong. Sự hòa hợp, trang trọng, tinh sạch và tĩnh lặng của trà thất, của trà chủ (người mời) và trà khách (người được mời) vốn là sự hợp nhất của tâm và cảnh, của thế giới bên ngoài và thế giới bên trong nơi mỗi chúng ta.

Tô Đông Pha, một thi sĩ nổi tiếng và cũng là một người tinh thông đạo Phật, đã ca ngợi trà có tánh chất tinh khiết và giống như một người có đức hạnh cao quý, trà không sợ bị hư hỏng. Các vị Tăng sĩ Trung Hoa trước đây đã thực hành nghi thức uống trà trước tượng của vị tổ Bồ-đề-đạt-ma theo những cung cách trang trọng, biểu lộ trạng thái an bình, rỗng lặng nhưng linh động của tâm uyên nguyên, tâm ban đầu nơi mỗi chúng ta vốn luôn luôn tinh sạch và tỏa chiếu sự thấy biết chân thật. Nghi thức này cùng với nền văn minh đời nhà Tống bị hủy hoại nặng nề khi người Mông Cổ xâm chiếm và cai trị Trung Hoa. Nhiều hoa trái của nền văn minh đó đã được chuyển sang Nhật Bản, được nuôi dưỡng và đơm hoa.

Ở các thiền viện thuộc dòng Lâm Tế (Rinzai), Thiền trà được diễn ra một cách nhanh chóng và lặng lẽ. Buổi sáng sớm các Thiền sinh thức dậy vào lúc 3 giờ sáng, vệ sinh cá nhân rồi vào Thiền đường. Thiền sinh phụ trách pha trà (trà giả) đã sẵn sàng với các chén trà đã lau sạch bóng cùng ấm trà nóng. Thiền sinh bưng khay đựng chén trà đến trước mỗi hai thiền sinh, cúi đầu chào. Hai thiền sinh chắp tay xá đáp lễ và mỗi người lấy cái chén nhỏ để trước mặt mình. Sau khi mọi người đều có chén, Thiền sinh phụ trách mời trà đem bình trà đến giữa mỗi hai người, trịnh trọng cúi chào và châm trà. Khi mọi người đã có trà trong chén, một tiếng báo hiệu vang lên, mọi người để tâm vào hơi thở nhẹ nhàng thoải mái, nâng chén trà lên và uống trà hoàn toàn trong tĩnh lặng.

Các Thiền đường dòng Tào Động (Soto) không uống trà vào mỗi buổi sáng như trên mà chỉ vào các dịp đặc biệt trong tháng. Vị thiền sư mời tất cả Thiền sinh uống một tách trà quý do một cư sĩ biếu ngài. Trong những dịp ấy, vị Thầy thường ân cần nhắc nhở môn sinh nỗ lực tu hành tinh tấn để thâm nhập vào sự kỳ diệu của tâm giải thoát.

Điều này làm chúng ta nhớ lại truyện các vị vua Nhật Bản ban trà cho quý vị Tăng sĩ như vào năm 729, Thánh Vũ Thiên Hoàng ban trà cho một trăm vị Tăng tại cung Nại Lương. Đời sống tu hành của các vị Tăng, Ni và trà liên hệ với nhau rất mật thiết về lượng cũng như về phẩm vậy.

Thiền trà nói trên là cách uống trà trong Thiền đường, cùng phát triển theo dòng Thiền đốn ngộ do ngài Huệ Năng chủ xướng. Đến thế kỷ 15, người Nhật đã tạo ra một nghi thức uống trà đặc biệt ở bên ngoài Thiền viện mà chúng ta thấy còn tồn tại cho đến nay. Tuy cách thức có khác nhau, nhưng cũng phản ảnh sự hòa hợp, trang trọng, tinh sạch và tĩnh lặng của Trà đạo.

VÀI NÉT LỊCH SỬ

Trà đã được dùng ở Việt Nam và Trung Hoa từ lâu. Đến thế kỷ bảy, với nền văn minh hưng thịnh của nhà Đường, uống trà trở thành một nghệ thuật như đánh đàn (cầm), chơi cờ (kỳ), làm thơ (thi) và vẽ tranh (họa). Vào thời kỳ này, người ta sử dụng 24 trà cụ, các đồ dùng để pha trà. Sau này Lục Vũ, tác giả quyển Trà kinh đã mô tả các trà cụ đó, và người ta thấy tương tự như những thứ được sử dụng trong Trà đạo của Nhật Bản hiện nay.

Trà kinh nói rất rõ về lịch sử của trà, các trà cụ, cách pha và uống trà. Ngày nay các thứ sau đây được dùng cho việc pha trà: một lò đun nước, ấm nấu nước bằng kim loại, chum đựng nước tinh khiết, bình đựng nước thừa, chén trà, muỗng tre, bót tre đánh bột trà hay trà tiễn, khăn lụa để lau bình trà, khăn trắng lau chén trà… cùng một số các trà cụ khác.

Trà thất, phòng uống trà, được xây cất theo đường nét lý tưởng truyền lại từ thế kỷ 16, là một gian nhà tranh đơn giản. Đúng hơn, đó là một túp lều với một cửa vào rất thấp. Các trà khách thường phải để tất cả áo giáp, cung kiếm… bên ngoài và cúi mình lết vào trong trà thất. Tất cả mọi người trong trà thất đều bình đẳng như nhau. Trà chủ – dù là một nhà quý tộc hay một lãnh chúa – khiêm tốn làm công việc pha trà đãi khách. Cung cách vái chào tân khách, lau chùi các trà cụ, cách đưa tay mở vại nước, múc nước đổ vào bình, cầm chiếc muỗng tre có cán dài múc nước sôi chế vào chén trà, đánh bột trà cho tan vào nước, bưng chén mời khách v.v… sẽ phơi bày trạng thái tâm thức của trà chủ.

Trà đạo không phải chỉ là cách pha trà và uống trà. Trà đạo là sống trọn vẹn với sự tỉnh thức, trọn vẹn với thế giới hiện tại: bây giờ và nơi đây. Chủ và khách cúi chào nhau, bưng chén trà hay trà cụ với các ngón tay không được tách rời, lúc uống trà phải từ tốn và chú tâm. Mỗi động tác là một hành vi tuyệt đối, không thiếu không thừa, chính xác nhưng khả ái, có chủ đích rõ rệt nhưng tự do tuyệt đối. Khi múc nước lạnh, trà chủ múc nước ở giữa lu vì chất cặn nằm dưới đáy lu. Trái lại, khi múc nước sôi, phải múc ở phía dưới đáy nồi vì chất không tinh khiết nổi lên trên. Mỗi trà cụ là một cái tuyệt đối, vượt lên giá cả, tánh chất tốt xấu của các vật liệu làm ra chúngTrà đạo bắt nguồn từ Thiền, cho nên khách và chủ đều biểu lộ tâm trong sáng và linh động, không vướng mắc vào các ý tưởng hay tâm tư thường ngày (tạp niệm). Đó là trạng thái thân và tâm tỉnh thức và buông xả, là ở trong trạng thái tự do tuyệt đối, với các hoạt động thoải mái, đúng mức một cách tự nhiên, là từng nét đẹp tiếp tục xuất hiện ngưng đọng trong giây phút vĩnh cửu của thời gian trôi chảy không ngừng.

Sự hòa hợp giữa chủ và khách, tâm và vật, không gian và thời gian, vũ trụ bao la và chén trà nhỏ bé, thời gian vô tận và thoáng chốc trôi nhanh; giữa tĩnh và động, màu sắc và sự rỗng lặng mênh mông… đã được sự cảm nhận đầy đủ nơi đây. Để gia tăng sự hòa hợp và chuẩn bị tâm thức cho người uống trà, các ngành nghệ thuật về vườn cảnh, kiến trúc, hội họa, cắm hoa, ẩm thực, đồ sứ cùng cung cách (quy định cho chủ và khách) được phối hợp tối đa.

TRÀ CHỦ CHUẨN BỊ

Người chủ buổi thưởng trà có thể chọn chủ đề như đầu thu và chọn các trà cụ cho thích hợp với khách mời. Ông ta chọn một bức tranh thủy mạc và vật trang hoàng chính để tạo phong vị cho trà thất. Bình hoa chưng thường diễn tả mùa nhưng không được có màu sắc rực rỡ hay thơm nồng, vì như thế sẽ làm mất đi sự tĩnh mịch và hòa hợp cần thiết.

Nói đến hoa trong Trà đạo, chúng ta không thể nào quên câu chuyện khán hoa Triêu Nhan. Thái Cáp (Taiko) là vị tướng quân thuộc dòng họ Tú Cát, kẻ vừa mới lên cầm quyền, thay mặt Thiên Hoàng trị vì trăm họ, một hôm nghe vườn của Lợi Hưu đang nở rộ những đóa hoa Triêu Nhan nên muốn đến xem hoa. Đây là loại hoa màu trắng, dáng như chiếc chuông nhỏ, sớm nở tối tàn, đẹp và mong manh. Lợi Hưu mời vị tướng quân này đến dùng trà buổi sáng. Đó là điều ông ta mong muốn, vì ông thích ngắm vườn hoa nổi tiếng này. Khi đi quanh vườn ông chỉ thấy toàn lá xanh, chẳng có một đóa hoa nào cả. Ông ta bước đến trà thất với lòng bực bội vì không được toại nguyện. Khi vừa vào trà thất, nhìn lên, ông ta thấy một đóa Triêu Nhan duy nhất trong một chiếc bình quý bằng đồng đời nhà Tống.

Hãy thấy mọi vật như là duy nhất trên đời. Đó là thông điệp của Thiền. Vị trà nhân đã giúp cho vị tướng quân bắt gặp điều: “Trên trời, dưới trời chỉ mình ta là tôn quý” ấy, hay nói theo nhà thơ William Blake trong bài Auguries of Innocence:

“Thấy vũ trụ trong một hạt cát
Và thiên đường nơi một đóa hoa dại
Cầm vô biên nơi lòng bàn tay
Và vĩnh cửu trong một giờ ngắn ngủi”.

Trước khi vào trà thất, khách sẽ đi qua khu vườn được quét dọn sạch sẽ. Đó là một loại “vườn Thiền”: hoa lá có màu sắc trang nhã, các tảng đá được phối trí hòa diện với những hòn đá nhỏ mà phần lớn chôn dưới đất theo nhóm ba, năm, bảy, hay chín viên đá nằm rất vững vàng (vì những tảng đá này được chôn hai phần ba phía dưới mặt đất, một phần ba lộ thiên), hàng rào tre cùng chiếc cổng cổ kính. Tất cả đều tỏa ra nét khiêm cung, trang nhã và an bình. Tất cả đều có một sự tự nhiên, hòa hợp, chẳng chút phô trương, vì đó là tinh thần của Trà đạo.

Chúng ta thường nghe kể vị trà sư Lợi Hưu sai con mình quét vườn cho thật sạch để đón khách uống trà. Mỗi lần nghe con trình vườn đã quét dọn xong, ông ta ra nhìn rồi lắc đầu bảo chưa được. Sau nhiều lần quét dọn, đến lúc vườn sạch bóng mà cha mình vẫn chưa chịu, người con hỏi ông ta chưa vừa ý chỗ nào, vị trà sư lặng lẽ đến dưới một cành cây với lá đang chuyển vàng, đưa tay lay nhẹ và những chiếc lá vàng rơi xuống trên mảnh vườn rêu xanh.

“Vài chiếc lá vàng lặng lẽ
Trên thảm rêu xanh
Mùa thu đến”.

Các vị khách tinh tế nhìn thấy rõ lòng hiếu khách, niềm kính trọng của người chủ và nhất là bắt gặp được cái tâm rỗng lặng phổ vào mọi sự vật hiện hữu quanh đây. Họ thưởng thức nét đẹp tự nhiên của vườn Thiền, nét đơn giản nhưng hàm xúc của bức tranh vẽ bằng mực tàu trên giấy bồi, bình hoa đơn sơ, giản dị và trang nhã và các trà cụ sử dụng được lau chùi tinh sạch.

Khi chủ và khách đã an vị, tâm họ lắng đọng trong chốn an bình tĩnh lặng. Các giác quan của họ trở nên bén nhạy trong sự thoải mái và nhận biết rõ ràng những dáng dấp, màu sắc, âm thanh, mùi vị và xúc chạm. Ngũ quan của họ hợp nhất trong tâm rỗng lặng bao la: tiếng nước sôi reo nhẹ như tiếng gió rì rào qua kẽ lá, bình hoa đơn sơ hiện dần nét đẹp kỳ diệu, khói trầm thơm phảng phất cái mơ hồ, vị trà đắng chuyển dần thành cái ngọt ngào sâu đậm. Trong trà thất đơn sơ, tâm của chủ và khách cùng tiếp xúc với cái bình dị tinh sạch tỏa ra từ các vật nhỏ bé ở trước mặt họ. Mọi thứ đều giản dị, chân thật và cùng biểu lộ cái vô cùng.

Uống trà như thế chẳng khác gì tham dự một lễ nghi trang trọng tại một Thiền viện. Đó là một kinh nghiệm tâm linh phong phú trong khung cảnh đơn giản gần như nghèo nàn. Trên thực tế, người ta đã nhận rõ viên ngọc quý báu nơi mình chiếu sáng trong tịch lặng, viên ngọc quý mà đức Phật Thích-ca trong kinh Pháp Hoa nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ quên sử dụng để luôn luôn sống với nguồn hạnh phúc tỏa rộng đến vô biên.

Đó là điều mà vị trà sư người Hoa Kỳ đã tìm được. Ông Gay Charles Calwallader đến Nhật Bản vào năm 1975 trong chương trình trao đổi sinh viên ngành lịch sử nghệ thuật, sau khi tốt nghiệp cao học ngôn ngữ và văn hóa Nhật tại Đại học Austin, Texas. Sau đó ông học Trà đạo năm năm tại trung tâm Trà đạo Urasenke Chanoyou. Trường phái chính tại Nhật truyền thừa qua 15 vị tổ kể từ ngày các vị tu sĩ Nhật Bản sang Trung Hoa học ngành này và truyền bá lại cho những người trong nước vào thế kỷ 15. Ông Calwallader bày tỏ lý do ông ưa thích như sau: “Triết lý của Trà đạo hấp dẫn tôi trước khi tôi biết về sự thực hành Trà đạo. Rồi tôi lại thấy sự thực hành thật thích thú với nhiều đòi hỏi hơn là tôi tưởng”. Ông thích thú vì Trà đạo đặt nền tảng trên bốn nguyên tắc của Thiền: Hòa, Kính, Tịnh và An (Hòa hợp, Kính trọng, Thanh tịnh và An bình). Sống với tâm hòa hợp, kính trọng, trong sáng và an bình là sống với chân tâm hay tâm giải thoát vậy.

SỨC MẠNH CỦA CHÉN TRÀ

Các trường phái chưng hoa hiện nay cố gắng phát triển các kỹ thuật chưng hoa hướng đến sự giản dị vì đời sống con người càng lúc càng bận rộn, ở sở làm cũng như ở nhà. Các trường phái Trà đạo cũng nhận thấy điều ấy. Nếu muốn cho Trà đạo tồn tại và phổ biến ở nhiều quốc gia, người ta cố gắng chú trọng những điều chính, bỏ bớt những chi tiết không cần thiết. Do đó, khi Trà đạo đến với các nước Tây phương, chúng ta thấy họ giảm thiểu các nghi lễ, bỏ bớt bữa ăn kéo dài cùng các lời nói xã giao, chú trọng đến sự pha trà, uống trà, dùng bánh ngọt và nói chuyện thân mật.

Trong nhiều thế kỷ qua ở Nhật Bản, Trà đạo ảnh hưởng đến mọi ngành sinh hoạt ở Nhật Bản. Người Tây phương thường nói “bão tố trong một chén trà” khi phẩm bình về những lời bàn luận, những cuộc đàm luận sôi nổi nhưng phù phiếm quanh những ly cà phê hay những chén trà vào những lúc trà dư tửu hậu. Cách uống trà trang trọng, thoải mái quả thật đã tạo nên những cơn bão tố không phải trong chén trà mà là trong đời sống người dân Trung Hoa và Nhật Bản. Nói khác đi, trà nhân là những người đã tạo ra những cơn bão ngầm có sức mạnh làm thay đổi toàn diện những sinh hoạt của giới quý tộc cũng như bình dân thời trước.

Trà thất, túp lều tranh đơn giản, phát xuất từ ý kinh Duy-ma (Vimalakirti Sutra). Ngài Duy-ma đón tiếp ngài Xá-lợi-phất trong một căn nhà nhỏ bé. Ngài Xá-lợi-phất lo ngại căn nhà nhỏ bé này không đủ chỗ ngồi cho các Bồ Tát và hàng đại đệ tử đến viếng ngài Duy-ma. Ngài Duy-ma thi triển thần thông và trong chớp mắt nơi nhỏ bé ấy biến thành chốn rộng lớn vô biên. Khi tâm quay về với tánh rỗng lặng tự nhiên thì ta thấy trong mọi sự vật dù nhỏ như hạt bụi, đều chứa đựng cái vô cùng. Đó là chủ ý của những buổi uống trà trong tĩnh lặng.

Thuật chưng hoa, cách làm đồ gốm, cách nấu và dọn thức ăn, cách ăn mặc trang nhã, cách chào hỏi và biểu lộ sự kính trọng lẫn nhau, nghệ thuật kiến trúc, trang trí trong nhà và tạo lập vườn cảnh, cách tiếp xúc với đời sống tâm linh, và ngay cả trong lãnh vực chính trị, cách làm cho nền hòa bình kéo dài qua sự quân bình giữa quân sự và hành chánh, đâu đâu người ta cũng thấy ảnh hưởng của trà nhân.

THAY ĐỔI TRONG CÁI KHÔNG THAY ĐỔI

Thế giới hôm nay đã thay đổi rất nhiều so với thời trước, nhưng nhiều người Âu Mỹ đã thích thú uống trà theo cung cách Trà đạo. Muốn cho nghệ thuật thưởng trà này được phổ biến rộng rãi, có lẽ chúng ta cần bước thêm một bước nữa.

Trong những năm qua: sự cập nhật hóa mạnh nhất về uống trà trong tỉnh thức là do một Thiền sư Việt Nam chủ xướng trong các khóa tu thiền.

Trong các khóa tu, các thiền sinh thường tổ chức Thiền trà theo một số nghi thức giản dị và dễ dàng: chuẩn bị pha trà, dâng trà lên bàn tổ, uống trà trong tĩnh lặng, sau đó sinh hoạt văn nghệ trong thoải mái. Khi uống trà trong tỉnh thức thì trà có hương vị Thiền hay hương vị giải thoát. Giải thoát là tâm ta ở trong trạng thái ung dung, nhàn hạ, tươi mát, linh động, bén nhạy và thấy biết tất cả nhưng không bị bất cứ một thứ gì trói buộc. Như thế, tu tập siêng năng để uống một tách trà cho có hương vị thiền, hay nói khác đi là để sống một cuộc đời đầy an vui hạnh phúc, vì đạo Phật chú trọng vào cuộc sống hiện tại, đến sự thoải mái của mỗi hơi thở ra và vào, đến sự cảm nhận, thấy biết tất cả những gì đang xảy ra quanh ta một cách chân thật và đầy đủ.

Có một vị thiền sư Việt Nam đã dạy cách uống trà này cho hàng ngàn môn sinh khắp châu Mỹ, châu Á, châu Âu và châu Úc. Hương trà của ngài theo gió bay qua biển Thái Bình Dương đến với xứ Phù Tang Tam Đảo, làm cho một người Hoa Kỳ tu tập trên 12 năm tại thiền viện Tào Động Nhật Bản, nữ thiền sư Đại Viên Bennage, đã quyết định sang Làng Hồng tu tập một thời gian trước khi mở thiền viện thu nhận môn sinh ở Hoa Kỳ vì “cách hay đẹp mà thiền sư dạy Đạo cho những người Tây phương bằng tiếng Anh”. Thêm một hạt giống trà đã biến thành cây trà quý tỏa hương thơm dịu.

Thiền sư khuyến khích áp dụng Thiền trà ở nhà để vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em có thể hưởng những phút giây thân mật, đầm ấm của hạnh phúc gia đình trong niềm vui an lành, thoải mái và cởi mở. Tu tập để đóa hoa hạnh phúc nở tươi mát dưới mái ấm gia đình.

Với Thiền trà như trên, Trà đạo đã bước một bước khá mạnh mẽ vậy.

S.T

Tags: , , ,