Bài học cho thể thao Việt Nam qua hai kỳ Thế vận hội trắng tay

Không chỉ ở Thế vận hội mà tại đấu trường khu vực châu Á, thành tích của thể thao Việt Nam cũng khiêm tốn. Nhìn lại các kỳ ASIAD trong suốt hơn 40 năm qua, “sự tham gia của các đoàn thể thao Việt Nam là rất chật vật”

Tác giả: Ngô Tiến Long, nguyên Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao.

Với Đoàn thể thao Việt Nam (TTVN), cuộc chơi tại đấu trường thể thao lớn và danh giá nhất hành tinh coi như đã kết thúc từ khi lực sĩ Trịnh Văn Vinh, niềm hy vọng giành huy chương cuối cùng của chúng ta sớm bị loại trong cuộc thi cử tạ vào tối 7/8 (theo giờ Việt Nam).

Vậy là một lần nữa, sau Olympic Tokyo 2020, Đoàn TTVN lại có lần thứ hai liên tiếp trắng tay về nước, dù lần này như truyền thông đưa tin trước đó là đã có sự chuẩn bị kỹ càng hơn và các vận động viên (VĐV) được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Bài học cho thể thao Việt Nam qua hai kỳ Thế vận hội trắng tay

Đô cử Trịnh Văn Vinh thất bại sớm tại Olympic 2024. Ảnh: Reuters.

Thực ra thì TTVN chưa bao giờ có nhiều thành công tại đấu trường Olympic. Cho đến nay, trong tất cả những lần tham dự sân chơi thể thao lớn này, chúng ta mới giành được tổng cộng 5 huy chương, trong đó lần đầu tiên giành được huy chương là tại Olympic Sydney từ năm 2000 (huy chương bạc của nữ vận động viên Trần Hiếu Ngân ở môn Taekwondo) và phải chờ thêm 16 năm nữa mới có huy chương vàng đầu tiên do xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giành được tại Olympic Rio năm 2016 – đây cũng là huy chương vàng duy nhất của TTVN tại Thế vận hội cho đến nay.

Trong khi đó, cũng tại đấu trường Olympic, một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã có những thành công đáng kể. Chỉ tính 5 kỳ Olympic gần nhất trước Paris 2024, các nước Đông Nam Á giành được tổng cộng 70 huy chương các loại, trong đó có 15 huy chương vàng; riêng Thái Lan đã giành được 28 huy chương các loại, trong đó có 8 huy chương vàng; còn Indonesia có 4 huy chương vàng. Các nước Philippines, Singapore và Việt Nam mỗi nước có một huy chương vàng.

Đến với Olympic Paris lần này, số vận động viên giành vé tham gia thi đấu là: Thái Lan 51, Indonesia 29, Malaysia 26, còn Việt Nam chỉ là 16. Đáng phải suy nghĩ nhiều hơn là, trong khi TTVN trắng tay, nhiều nước Đông Nam Á đã có huy chương, đặc biệt Philippines còn giành được không chỉ 1 mà là 2 huy chương vàng. Thái Lan đã giành được 4 huy chương, trong đó có một huy chương vàng của vận động viên Panipak Wongpattanakit ở nội dung 49kg đối kháng nữ môn taekwondo. Đây là những thành tích rất đáng ngưỡng mộ.

Không chỉ ở Thế vận hội mà tại đấu trường khu vực châu Á, thành tích của TTVN cũng khiêm tốn. Nhìn lại các kỳ ASIAD trong suốt hơn 40 năm qua, như chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, từng phát biểu trên báo Dân trí (5/10/2023), “sự tham gia của các đoàn TTVN là rất chật vật” và cho đến nay vẫn “không vượt qua được không chỉ Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia mà cả Philippines”.

Trong khi đó, một vấn đề khiến nhiều người băn khoăn, đó là tại SEA Games – đấu trường dành cho các nước Đông Nam Á, TTVN liên tục thăng tiến ngoạn mục và đã tạo dựng, củng cố được vị trí vững chắc trong top 3 nền thể thao mạnh nhất khu vực.

Trở lại Olympic Paris 2024, có thể thấy các vận động viên Việt Nam đã nỗ lực thi đấu hết mình để có thể mang vinh quang về cho đất nước. Đơn cử, Trịnh Thu Vinh thi đấu ấn tượng khi giành vé vào chung kết cả hai nội dung 10m súng ngắn hơi và 25m súng ngắn thể thao. Thành tích của Thu Vinh có sự tiến bộ vượt bậc, nhưng như chính cô thừa nhận là vẫn còn khoảng cách nhất định so với các xạ thủ hàng đầu thế giới.

Hay với nữ cua-rơ giàu thành tích nhất Việt Nam Nguyễn Thị Thật, mặc dù rất cố gắng ở nội dung xe đạp đường trường nữ 158km song không thể giữ được vị trí Top 20 trong giai đoạn cuối. Dù sao Nguyễn Thị Thật đã thể hiện tinh thần không bỏ cuộc, hoàn thành trọn vẹn quãng đường 158km đầy thách thức.

Một kỳ Olympic nữa đã kết thúc không được như kỳ vọng với người hâm mộ thể thao nước nhà. Chúng ta cảm ơn các vận động viên Việt Nam, các bạn đã nỗ lực cao nhất vì màu cờ sắc áo, nhưng rất khó để phép màu xảy ra khi vẫn còn đó khoảng cách với các đối thủ – đều là những người giỏi nhất thế giới ở lĩnh vực thi đấu của họ. Đây là kết quả đáng tiếc, nhưng có thể nói là không có gì bất ngờ, thậm chí là còn hoàn toàn dự báo trước được.

Từ lâu, dư luận và nhất là nhiều chuyên gia đã chỉ ra những bất cập trong TTVN khiến chúng ta chưa có được thành tích như mong muốn tại đấu trường châu lục và thế giới. Bỏ qua tất cả những khó khăn, bất lợi về tầm vóc, thể chất vận động viên và tiềm lực kinh tế đất nước, vấn đề còn nằm ở tư duy “ăn xổi ở thì”, chạy theo thành tích trước mắt mà chưa đầu tư tương xứng cho mục tiêu lâu dài, to lớn và quan trọng hơn nhiều.

Thực ra, trong các Chiến lược và Đề án phát triển TTVN, định hướng và mục tiêu dài hạn cần vươn tới luôn được nêu ra. Nhưng trên thực tế để biến mục tiêu thành hiện thực thì thiết nghĩ có rất nhiều việc cần làm. Kết quả ở đấu trường Thế vận hội qua hai kỳ liên tiếp với quãng thời gian nhiều năm, phần nào cho thấy chúng ta phải có những giải pháp căn cơ và mạnh mẽ hơn nữa mới mong tạo được chuyển biến.

Ở góc độ một người hâm mộ thể thao, tôi xin chia sẻ một vài suy nghĩ như sau:

Thứ nhất, về nhận thức, cần khắc sâu hơn giá trị của những môn “vua/nữ hoàng” trong thể thao nói riêng và các môn thể thao trong khuôn khổ Olympic và Asiad nói chung, từ đó có sự chăm lo bồi dưỡng, đầu tư thích đáng cho các bộ môn này. Tất nhiên trong đầu tư phải tính toán ưu tiên cho những bộ môn mà vận động viên Việt Nam có lợi thế.

Trong giai đoạn đầu thời kỳ hội nhập, việc chú trọng đấu trường SEA Games là cần thiết và đúng đắn. Nhưng kéo dài chuỗi thành tích ở khu vực Đông Nam Á trong khi hụt hơi ở Olympic và Asiad thì không còn hợp lý nữa, và cũng chưa đúng với những định hướng lớn mà chính ngành thể thao đã vạch ra. Nhất là khi TTVN đã vươn lên đứng vững ở vị trí top 3 của thể thao Đông Nam Á thì càng phải hướng đến những việc khó hơn, thay vì vẫn loanh quanh với cách làm thể thao dễ hơn cho dù cách làm này mang lại nhiều thành tích (ở mức độ khu vực) cụ thể hơn.

Nên chăng ở cấp độ quốc gia, phải ưu tiên vượt trội cho các môn thể thao Olympic; còn SEA Games có thể chuyển dần sang cho ngành thể thao các địa phương, đơn vị. Tất nhiên giữa Olympic và SEA Games có sự trùng hợp nhiều bộ môn thì đây là chính là nơi chúng ta tính toán đẩy mạnh đầu tư.

Thứ hai, cùng với chuyển dịch về nhận thức và quan điểm như trên, cần có những chính sách cụ thể cả về định hướng hoạt động, đầu tư lẫn chế độ chính sách cho các môn Olympic/vận động viên có thành tích cao để họ chuyên tâm tập luyện, phấn đấu cho mục tiêu cao nhất về dài hạn đã được giao.

Và khi đã xác định mục tiêu dài hạn thì có thể miễn cho các vận động viên này khỏi phí thời gian vào tranh đua ở những giải đấu thấp hơn hẳn. Nhiều khi vận động viên đẳng cấp thế giới song vẫn phải tham gia giải đấu chất lượng chuyên môn thấp chỉ để có thêm thành tích cho cá nhân/đơn vị và chút tài chính.

Thứ ba, về lý thuyết, không thể có một nền thể thao đỉnh cao mạnh nếu chân đế hẹp. Về chủ trương, chính sách, chúng ta đã quan tâm phát triển thể thao phong trào, nhưng thực tế vẫn chưa sâu rộng nên kết quả còn rất hạn chế.

Thể thao học đường hay Hội khỏe Phù Đổng cần phải được đổi mới căn bản hơn nữa để thực sự trở thành những vườn ươm hiệu quả cho các môn thể thao đỉnh cao. Cùng với đó, cần hết sức tạo điều kiện cho các câu lạc bộ/cá nhân vận động viên tự đầu tư tập luyện, thi đấu, phát triển theo hướng chuyên nghiệp các môn thể thao Olympic, và khi họ giành được huy chương ở sân chơi Olympic/Asiad sẽ cần phải được vinh danh xứng đáng về mọi mặt, kể cả tài chính.

Thứ tư, dù thành tích thể thao chưa tỷ lệ thuận với quy mô dân số và tiềm lực kinh tế, sức mạnh tổng hợp của một quốc gia, nhưng với dân số đông hơn, kinh tế khá lên thì cơ hội cho thể thao phát triển, đạt thành tích cao hơn cũng sẽ nhiều hơn. Áp vào trường hợp Việt Nam ta hiện nay, với tổng dân số đã lên đến 100 triệu, đứng thứ 15 thế giới, tổng thu nhập quốc dân đạt 430 tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 35 thế giới, đã đến lúc chúng ta không thể chấp nhận TTVN tiếp tục lẹt đẹt, kém phát triển như vậy, mà phải có những nhà quản lý dám nghĩ lớn, hành động quyết liệt với những biện pháp mạnh mẽ nhưng hết sức thực tế và có lộ trình hợp lý, rõ ràng.

Dẫu biết việc cạnh tranh huy chương ở Thế vận hội là rất khó, nhưng khó đến mấy cũng sẽ làm được nếu chúng ta có cơ chế, chính sách để phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ, đi vào những bộ môn phù hợp nhất với tố chất và ưu thế của vận động viên Việt Nam trong hàng trăm bộ môn thi đấu ở Olympic hay Asiad.

Thể thao đỉnh cao ngày nay không chỉ có năng khiếu hay ý chí là thành công, mà cần phải đầu tư, rèn luyện với phương pháp khoa học, phương tiện công nghệ cao, huấn luyện viên có đẳng cấp thì mới giúp vận động viên đem tấm huy chương quý giá về cho Tổ quốc.

Mong rằng ở những kỳ Olympic tới chúng ta sẽ không còn phải thấp thỏm chờ đợi, cầu mong may mắn, để rồi lại buồn bã vì trắng tay như ở Paris lần này.

Theo DÂN TRÍ

Tags: