⠀
Ăn thịt thú rừng – lối ăn uống mông muội, bệnh hoạn cần loại bỏ khỏi xã hội
Thú rừng là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh truyền nhiễm được ghi nhận từ những năm 80. Cầy hương đã truyền đi đại dịch SARS làm 916 người tử vong trên thế giới, chủ yếu ở Trung Quốc và Hồng Kông vào năm 2002-2003, loài dơi gây ra dịch Ebola và loài khỉ là tác nhân của SIDA.
Cách đây 17 năm, virus SARS do thú hoang truyền đi đã cho thấy rõ sự nguy hiểm của việc ăn thịt các loại động vật hoang dã. Việc xuất hiện loại virus corona mới tại Trung Quốc chứng tỏ thói quen ăn thịt rừng vẫn phổ biến, và là nguy cơ ngày càng tăng đe dọa sức khỏe con người.
Cũng giống như SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), virus corona mới – cho đến ngày 27/01/2020 đã làm 81 người chết và 2.835 người bị nhiễm bệnh – có nguyên nhân từ các loại thú hoang được bán làm thức ăn cho người.
1,7 triệu loài virus chưa được nhận diện trong thú hoang
Cho dù xuất xứ dịch bệnh chưa được kết luận, nhưng cơ quan y tế Trung Quốc khẳng định đó là từ các động vật hoang dã được buôn bán bất hợp pháp tại chợ Hoa Nam ở Vũ Hán. Chợ này bán đủ loại thú rừng còn sống, từ chuột, chó sói cho đến kỳ nhông khổng lồ. Mãi đến Chủ Nhật 26/01/2020, Bắc Kinh mới loan báo tạm cấm bán mọi loại thú hoang.
Việc buôn bán thịt rừng đi kèm với việc phá hủy không gian sinh tồn của thú rừng, khiến con người ngày càng tiếp cận nhiều hơn với các loại virus có trong thú hoang. Chúng có thể lan tràn nhanh chóng trong môi trường siêu kết nối của chúng ta – theo giải thích của Peter Daszak, chủ tịch EcoHealth Alliance, một tổ chức phi chính phủ chuyên về phòng chống các loại bệnh dễ lây nhiễm.
Theo dự án Global Virome có mục đích cải thiện cung cách đối phó với dịch bệnh, hiện nay trong động vật hoang dã có đến 1,7 triệu loài virus chưa được nhận diện, trong đó gần phân nửa có hại cho sức khỏe con người.
Ông Daszak khẳng định với AFP: “Các loại dịch bệnh sẽ xảy ra thường xuyên hơn, chúng ta ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với các loại thú là vật chủ của virus”. May thay, không phải kịch bản thảm họa lúc nào cũng diễn ra, tuy nhiên số lượng virus từ thú vật lây sang người khiến người ta phải cân nhắc.
Thú rừng là nguyên nhân gây ra nhiều loại bệnh truyền nhiễm được ghi nhận từ những năm 80. Cầy hương đã truyền đi đại dịch SARS làm 916 người tử vong trên thế giới, chủ yếu ở Trung Quốc và Hồng Kông vào năm 2002-2003, loài dơi gây ra dịch Ebola và loài khỉ là tác nhân của SIDA.
Ngay cả gà, vịt và trâu bò cũng có thể là nguyên nhân của các loại bệnh như cúm gà và bệnh bò dại (Creutzfeldt-Jacob).
Ăn thịt rừng: Thói quen từ 5.000 năm tại Trung Quốc
Diana Bell, chuyên gia sinh học dịch tễ và bảo tồn thực vật, động vật hoang dã thuộc trường đại học Eat Anglia (Anh) kêu gọi: “Vì tương lai các loài thú hoang và vì sức khỏe loài người, chúng ta cần giảm tiêu thụ thịt rừng”.
Thật ra bản thân việc ăn thịt thú rừng không thực sự nguy hiểm, vì đa số virus cũng chết một khi con thú bị giết. Nhưng các nhân tố gây bệnh có thể truyền sang con người khi bắt giữ, vận chuyển hay giết thịt thú hoang, đặc biệt nếu trong điều kiện vệ sinh tồi tệ, hoặc không có trang thiết bị bảo hộ.
Chính quyền Trung Quốc cố gắng giải quyết vấn đề khi khuyến khích nuôi các loại thú hoang này. Kể cả các loài đang bị nguy hiểm như cọp, vốn được ưa thích tại Trung Quốc và châu Á vì được cho là giúp cường dương.
Theo các nhóm bảo vệ môi trường, nhu cầu ở Trung Quốc tăng lên cùng với sức mua của người tiêu thụ, là động cơ chính của việc buôn bán cọp trên thế giới. Dương Chiêm Thu (Yang Zhanqiu), chuyên gia sinh học thuộc đại học Vũ Hán cho rằng đó còn do kỹ nghệ thực phẩm Trung Quốc, vốn gây ra nhiều bê bối.
Chuyên gia Daszak nhìn nhận: “Rất khó ngăn chặn, chấm dứt một hoạt động đã thành truyền thống từ 5.000 năm”. Ông hy vọng thế hệ mới sẽ quay lưng với thói quen ăn thịt động vật hoang dã, đặc biệt nhờ các chiến dịch được các nhân vật nổi tiếng Trung Quốc ủng hộ. “Tôi nghĩ rằng chừng 50 năm nữa, việc ăn thịt rừng sẽ trở thành quá khứ”.
Theo RFI
Tags: Sức khỏe, Bảo vệ động vật