Albert Ellis và liệu pháp vượt qua nỗi chán chường, tuyệt vọng

Trong nhiều khoảnh khắc cuộc sống, chắc hẳn nhiều người đã từng tự nhủ: “Mình là một kẻ thất bại!” hay “Chẳng ai thèm quan tâm tới tôi!” và muốn thoát khỏi những tình cảnh vô nghĩa càng sớm càng tốt.

Albert Ellis và liệu pháp vượt qua nỗi chán chường, tuyệt vọng

Thực tế là, đôi khi chúng ta đổ tội cho hoàn cảnh và những người xung quanh, hơn là nhận ra chính những suy nghĩ tiêu cực của bản thân đã gây ra những cảm giác chán chường và tuyệt vọng. Những trạng thái tâm lí tiêu cực ở mức độ nhẹ thường qua đi nhanh chóng nhưng nếu chúng xảy ra ở mức độ cao và liên tục sẽ dẫn đến những căn bệnh tâm lí như trầm cảm và gây ra nguy hiểm như dẫn đến việc tự hành xác hay tự sát. Một phương pháp ra đời từ những năm 1970 – 1980 đã thành công trong việc chữa trị những lối suy nghĩ tiêu cực trên. Đó chính là “Liệu pháp nhận thức hành vi” (Cognitive Behavioral Therapy).Trước đây, “Liệu pháp nhận thức” (Cognitive Therapy) hình thành dựa trên hai giả định chính như sau:

1. Dựa trên mức độ quan trọng của sự kiện qua việc đánh giá niềm tin, mong đợi và thái độ; con người sẽ có hành vi tương ứng
2. Những nhận thức không thực tế về sự kiện dẫn tới rối loạn tình cảm và hành vi.

Các nhà tâm lí nhận thức (cognitive therapists) đưa ra một phương pháp chung là “Tái cấu tạo nhận thức” (cognitive restructuring), bao gồm giúp đỡ bệnh nhân nhận ra và thay đổi những suy nghĩ sai lầm, vốn là nguyên nhân dẫn tới những vấn đề về hành vi và tình cảm của họ. Liệu pháp này được mở rộng và tiếp cận tới mặt hành vi của con người và được gọi là Liệu pháp nhận thức – hành vi.

Một trong những nhà tiên phong của liệu pháp này là Albert Ellis (1913-2007). Ông đưa ra “Liệu pháp cảm xúc hợp lí” (Rational-Emotive Therapy – RET), trong đó nhấn mạnh: hầu hết những vấn đề tình cảm và hành vi bắt nguồn từ những suy diễn không thực tế về những sự kiện trong cuộc sống(“musterbation”). Theo Ellis, con người có xu hướng:

  • Suy nghĩ mang tính tuyệt đối (Think in absolute terms)

VD: “Mình phải học giỏi đều tất cả các môn.” —> Khi môn Thể dục kéo điểm xuống, bạn không tránh khỏi cảm giác tức tối và thất vọng. Bạn trút bực tức lên người phụ trách bộ môn và nhất định không bao giờ chơi một môn thể thao nào.

  • Khái quát quá mức (Overgeneralize)

VD: “Bài thi đầu tiên mà đã bị điểm thấp. Kiểu này nhất định mình không thích hợp để học môn này.” –> Bạn tiếp tục học với tư tưởng mình là học sinh kém cỏi và dần buông xuôi, lơ là việc học, dẫn đến việc cuối cùng thật sự bạn không thể theo đuổi chuyên ngành ưa thích mà mình có khả năng thành công nếu cố gắng hơn.

  • Làm trầm trọng hóa các vấn đề (Catastrophize)

VD: “Tại sao ai cũng lờ mình đi? Chắc mình là cái gai trong mắt mọi người đây mà!” –> Bạn nghĩ tốt nhất là không nên ra ngoài gặp ai hết và khoá mình trong phòng.

Qua các ví dụ trên, chúng ta thấy rằng những suy nghĩ sai lệch dẫn tới những cảm xúc và hành vi tiêu cực, và có thể biến nạn nhân thành chính mẫu người tiêu cực mà người suy nghĩ không hề mong muốn.

Liệu pháp RET của Albert Ellis sẽ dẫn dắt chúng ta thay đổi nhận thức qua ba bước sau:

1. Nhận ra những suy nghĩ sai lệch xuất phát từ niềm tin sai lệch.
2. Nhà tâm lí tranh luận một cách mạnh mẽ với người được điều trị, buộc người được điều trị phải lí giải và bảo vệ cho những suy nghĩ sai lệch của mình.
3. Nhà tâm lí hướng dẫn người điều trị thay đổi suy nghĩ sai lệch theo hướng thực tế hơn.

Điều đặc biệt ở phương pháp mà Ellis đưa ra là cách tranh luận với người được điều trị một cách mạnh mẽ, kiên quyết và rõ ràng để từ đó giúp họ nhận ra những kỳ vọng phi thực tế của mình. Các câu hỏi được đặt ra sẽ có dạng “Tại sao anh phải đạt điểm cao ở tất cả các môn?”, “Tại sao cô cho rằng cô không thể theo đuổi môn Tâm lí học?” hay “Anh có chắc là TẤT CẢ mọi người đều né tránh anh không? Tôi thấy ba mẹ anh đang rất lo lắng cho anh kia mà! Tại sao anh lại muốn mọi người chú ý tới mình? Anh có gì đáng quan tâm?

Đối với Ellis, không có gì trên đời là “kinh khủng” mà đó là chúng ta tự trầm trọng hóa các vấn đề của bản thân. Có ba kỳ vọng phi thực tế làm con người dễ nhụt chí:

1. “Tôi phải thật tài giỏi”.
2. “Tất cả mọi người sẽ đối xử tốt với mình”
3. “Thế giới này sẽ tạo điều kiện tốt để tôi tận hưởng”

Những kỳ vọng này thực tế không bao giờ diễn ra như mong đợi, vì vậy, thái độ nhìn nhận sự việc là điều vô cùng quan trọng. Nếu bạn không cho rằng ba điều trên bắt buộc phải xảy ra, bạn sẽ không cảm thấy thất vọng khi chúng không xảy ra, từ đó tránh tình trạng trở nên buồn chán và tuyệt vọng.

Liệu pháp của Ellis bị chỉ trích khá nhiều vì cách đặt câu hỏi nặng nề, quá thẳng thắn, có thể làm cho tình trạng tâm lý của người được điều trị trở nên xấu hơn. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người ủng hộ phương pháp của Ellis, đúng như phương châm “Thuốc đắng giã tật”. Trên thực tế, liệu pháp “thuốc đắng” của Ellis vẫn còn áp dụng nhiều trong việc điều trị nhận thức ngày nay.

Theo NGOC T / VIETPSY

Tags: