⠀
7 hành vi của cha mẹ khiến não bộ của trẻ chậm phát triển
Giáo sư Đại học Harvard chỉ ra IQ của trẻ bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi yếu tố gia đình. Những việc làm sau của người lớn tác động tiêu cực đến quá trình phát triển não bộ của trẻ.
1. Bỏ qua bữa sáng của con: Nhiều gia đình hiện đại luôn bận rộn với công việc và không muốn dậy sớm nấu bữa sáng, hoặc chỉ ăn sáng qua loa. Những bữa sáng thiếu dinh dưỡng, không hợp vệ sinh, chế độ ăn uống không điều độ có thể ảnh hưởng đến cân bằng dinh dưỡng và sức khỏe của trẻ. Trẻ từ 0-15 tuổi đang ở giai đoạn phát triển thể chất và tư duy, nếu không được ăn sáng đầy đủ, các em dễ rơi vào trạng thái tinh thần kém, khó tập trung. Quá trình này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng não bộ và khả năng tư duy của trẻ nhỏ. Ngoài ra, không ăn sáng có thể khiến trẻ dễ mắc về bệnh dạ dày và các chứng bệnh liên quan đường huyết.
2. Thức khuya: Cuộc sống hiện đại khiến nhiều cha mẹ bận rộn công việc đến tối muộn, khiến chế độ sinh hoạt của con cái bị ảnh hưởng. Theo thời gian, trẻ dần hình thành thói quen thức khuya. Thậm chí, khi cha mẹ đi ngủ, nhiều bé vẫn lén lút chơi điện thoại, xem hoạt hình. Ngủ không đủ giấc khiến nhiều em khó thức dậy vào buổi sáng, cả người uể oải, khó tập trung. Nghiên cứu của Đại học Harvard cho thấy chế độ làm việc và nghỉ ngơi không đều đặn trong thời gian dài khiến trẻ thiếu năng lượng, suy giảm trí nhớ, hứng thú học tập và khả năng tập trung giảm sút.
3. Thường xuyên quát mắng con: Khi trẻ phạm lỗi, cha mẹ thường có xu hướng lớn tiếng trách mắng, chỉ trích con. Trong 75 năm nghiên cứu về IQ của trẻ, các nhà nghiên cứu Đại học Harvard nhận thấy những đứa trẻ thường xuyên bị mắng có xu hướng suy giảm trí nhớ, hành động, tư duy chậm chạp hơn trẻ cùng độ tuổi. Ngoài ra, trẻ chịu bạo lực lời nói sẽ bị tổn thương tâm lý, tự ti và dần xa cách với cha mẹ.
4. Ít đọc sách: Nhiều cha mẹ bận rộn với công việc, mất dần thói quen đọc sách. Khi ở nhà, người lớn chỉ xem tivi, dùng điện thoại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của con. Khi không được xây dựng môi trường học tập tích cực, trẻ khó tập trung học tập. Qua đó, khả năng tư duy sẽ giảm sút. Các nhà nghiên cứu nhận định những đứa trẻ thông minh cũng khó phát huy khả năng tư duy nếu không được rèn thói quen đọc sách, học tập.
5. Thường xuyên kìm hãm cảm xúc của trẻ: Trẻ nhỏ chưa có khả năng kiểm soát cảm xúc như người lớn. Khi trẻ khóc, cha mẹ thường đe dọa, yêu cầu con nín ngay lập tức. Thực tế, khóc là biểu hiện cảm xúc của trẻ, là một kiểu giải tỏa thông thường. Nếu cha mẹ cố kìm hãm cảm xúc, trẻ sẽ trở nên bức bối, thậm chí dẫn đến các vấn đề tâm lý. Khi không được giải tỏa cảm xúc, khả năng tập trung, tư duy của các bé cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
6. Lười vận động: Tập thể dục có lợi cho hệ miễn dịch và khả năng phát triển trí não của trẻ. Nếu cha mẹ lười vận động, trẻ sẽ khó hình thành thói quen tập thể dục, thể thao. Nếu không có cơ thể khỏe mạnh, trẻ sẽ không có đủ sức khỏe để học tập, cải thiện kiến thức và nâng cao kỹ năng khác. Vì thế, cha mẹ cần làm gương, giúp trẻ hình thành đam mê, thói quen vận động.
7. Thường xuyên đưa ra những ý kiến tiêu cực: Nhiều cha mẹ thường chê bai, đánh giá thấp con trẻ để khuyến khích các em phấn đấu, nỗ lực hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khẳng định đây là cách dạy con sai lầm, phản khoa học. Cha mẹ thường xuyên đưa ra những ý kiến tiêu cực có thể khiến lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương. Khi tổn thương tâm lý, các em dễ suy nghĩ đến những vấn đề tiêu cực. Về lâu dài, chỉ số thông minh và chỉ số cảm xúc của trẻ có thể suy giảm.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / ABOLUOWANG
Tags: Trẻ em, Gia đình