5 vụ thử bom hạt nhân gây chấn động lịch sử thế giới

Thế chiến, chiến tranh lạnh đã lùi sâu vào dĩ vãng nhưng cuộc chạy đua hạt nhân vẫn đang nóng lên từng ngày, nhiều quốc gia thi nhau phát triển vũ khí hạt nhân. Cùng điểm lại những vụ thử hạt nhân đáng sợ nhất từng diễn ra trong lịch sử nhân loại.

5 vụ thử bom hạt nhân kinh hoàng nhất lịch sử thế giới

Hiện trường vụ thử hạt nhân của Mỹ tại quần đảo Bikini ngày 25/7/1946 .

1. Trinity, vụ thử bom hạt nhân đầu tiên

Đây là vụ thử bom hạt nhân đầu tiên của nhân loại, trong đó trái bom nguyên tử có biệt danh Gadget trong khuôn khổ Dự án Manhattan Project (Mỹ) đã được đưa ra kích nổ vào lúc 5 giờ 29 phút ngày 16/7/1945.

Từ đây, Trinity được xem là khởi đầu của kỷ nguyên nguyên tử, và đến nay đã có thêm 2.051 vụ thử hạt nhân lớn nhỏ khác diễn ra trên quy mô toàn cầu.

Gadget được lắp dựng trên tháp cao 30m, có sức công phá 20 kiloton, tương đương 20.000 tấn thuốc nổ TNT, khoét sâu 3m, rộng 340m. Vụ nổ tạo ra quả cầu lửa hình nấm khổng lồ, khu vực xung quanh sáng rực như ban ngày trong vòng 1-2 giây. Màu sắc quan sát được chuyển từ tím sang xanh lá cây rồi vàng và cuối cùng là trắng bạch. Sóng xung kích có thể đo được ở cách vụ nổ 160km, và những đám mây hình nấm đạt độ cao đến 12,1 km. Thậm chí ở cách xa vụ thử gần 300km cửa kính nhà vẫn bị vỡ, hoặc nghe thấy âm thanh dội lại.

Và để đánh lạc hướng dư luận, những người đứng đầu dự án Manhattan Project đã loan tin đây là vụ nổ kho đạn gần sân bay Alamogordo. Sau vụ thử Trinity khoảng 20 năm, Mỹ và Liên Xô đã thử nghiệm nhiều loại bom có sức công phá hơn 10 megaton, tức là hơn 10 triệu tấn TNT, cao ít nhất 500 lần bom Gadget.

2. Ivy Mike – vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên trên thế giới

Sau khi bị lép trước các vụ thử hạt nhân của Liên Xô, từ năm 1951 Mỹ đã cho thành lập dự án có tên Operation Ivy để phát triển 2 trái bom hạt nhân công suất cao theo lệnh của Tổng thống Harry S. Truman.

Ngày 1/11/1952 Mỹ đã thử nghiệm bom Ivy Mike tại quần đảo Marshall, Thái Bình Dương. Ivy Mike là bom nhiệt hạch (bom H) đầu tiên trên thế giới, có sức công phá 10,4 megaton, mạnh gần 500 lần công suất của quả bom Fat Man (Kẻ béo phì) mà Mỹ thả xuống Nagasaki, Nhật Bản năm 1945. Sức công phá mạnh đến nỗi có thể làm bốc hơi cả đảo Elugelab, nơi nó được thử nghiệm. Hậu quả để lại là một hố sâu gần 55m, kèm theo cột khói hình nấm cao tới 30 dặm (khoảng 48km) trước khi phóng không.

Do kích thước và nhiên liệu tổng hợp, chủ yếu là chất lỏng deuterium lạnh đông, nên Ivy Mike không phù hợp dùng làm vũ khí, nó chỉ được dùng trong thử nghiệm. Một phiên bản đơn giản và nhỏ hơn là bom EC-16 đã được chuẩn bị ngay sau đó nằm trong chương trình Castle Yankee, nhưng thử nghiệm này sau đó đã bị hoãn lại do các bom Bravo đã được thử nghiệm thành công, khiến công nghệ dùng hệ lạnh đông trở nên lỗi thời.

3. Vụ thử Castle Bravo – thảm họa hạt nhân thời bình

Castle Bravo (Lâu đài Bravo) là vụ thử hạt nhân đầu tiên, lớn nhất trong hàng loạt bom hạt nhân mang tên Castle mà Mỹ tiến hành. Được kích nổ vào ngày 28/2/1954 tại đảo Bikini, thuộc quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương. Thành công này khiến Tổng thống Mỹ hồi đó là Harry Truman đã ra lệnh đẩy mạnh việc chế tạo một quả bom H đầu tiên của Mỹ và của thế giới.

Theo ước tính, Castle Bravo có công suất phá là 6-megaton nhưng thực tế lại nổ tới 15 megaton, gấp 1.500 lần sức nổ của 2 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945. Vụ nổ đã tạo nên một hố sâu tới 75m, đường kính 2.000m. Riêng đám mây hình nấm của nó rộng tới 114.000 feet (34.000m) trong không khí.

Do quân đội Mỹ tính toán sai lầm nên mức bức xạ vụ thử đã ảnh hưởng tới khoảng 665 cư dân của quần đảo Marshall, phần lớn bị nhiễm xạ với mức từ 14 rads đến 170 rads. Và là nguyên nhân làm ngộ độc phóng xạ dẫn đến tử vong cho một ngư dân Nhật Bản đang làm việc cách đó 80 dặm (130km).

Vụ thử nghiệm Castle Bravo đã tạo ra một thảm họa hạt nhân nghiêm trọng không chỉ đối với môi trường mà cả đối với xã hội. Phóng xạ phát tán đã lan đến Australia, Nhật, Ấn Độ và cả nước Mỹ nữa. Từ đây, Castle Bravo đã biến thành một thảm họa đích thực, trở thành chủ đề để cộng đồng thế giới đồng loạt đứng lên chống lại vũ khí hạt nhân.

4. Vụ thử Castle Romeo

Castle Romeo là vụ nổ hạt nhân thứ hai trong chuỗi thử nghiệm của Mỹ mang tên Castle, tiến hành năm 1954 tại rạn san hô Bikini Atoll nằm trong khuôn khổ dự án Operation Castle. Và là cuộc thử nghiệm mạnh thứ 3 trong chuỗi các dòng bom này, với công suất phá lên tới 11 megaton. Đây cũng là lần đầu Mỹ cho nổ bom hạt nhân trên mặt biển, hậu quả đã hủy diệt mọi thứ trong khu vực rộng 1,91 dặm vuông (tương đương 4,94 km2).

Giống như vụ thử Castle Bravo, do tính toán nhầm nên Castle Romeo có công suất phá gấp nhiều lần so với công suất danh nghĩa đưa ra ban đầu, đặc biệt, người ta chưa lường hết mức phản ứng của đồng vị Lithium-7 trong các phản ứng nhiệt hạch. Dự đoán 4 megaton, nhưng thực tế đã lên tới 11 megaton, mạnh hàng thứ ba trong nhóm các bom dòng Castle của Mỹ.

5. Vụ thử Tsar Bomba – vũ khí hạt nhân mạnh nhất lịch sử

Tsar Bomba (Bom Sa hoàng), tên hiệu của quả bom khinh khí AN602, vũ khí hạt nhân lớn nhất, mạnh nhất mà con người từng cho nổ trong lịch sử. Bom do Liên xô chế tạo, lượng nổ tương đương 100 triệu tấn TNT, được thử nghiệm ngày 30/10/1961, tại quần đảo Novaya Zemlya.

Bom Sa hoàng có sức công phá gấp 3.000 lần trái bom nguyên tử Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản năm 1945. Nó có thể làm vỡ kính của các tòa nhà cách nơi thử nghiệm tới 900km. Ánh chớp của vụ nổ có thể được nhìn thấy từ vị trí xa gần 1000 km, với sức công phá đạt khoảng 50-58 megaton, tạo ra cột lửa hình nấm rộng 16,5 km2, gây bỏng cấp 3 trong phạm vi 4.080 dặm vuông (tương đương 10.567km2) tính từ tâm chấn của bom.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

 

Tags: