⠀
Vì sao xứ Đàng Trong từng được gọi là Quinam và Quảng Nam quốc?
Trong các tư liệu của phương Tây về Đàng Trong thường có những từ “king, roi” hoặc địa danh Quinam, Gan Nan… khiến nhiều người rất tò mò.
Xứ Đàng Trong có 5 phủ, theo tác giả Cristoforo Borri -một trong những giáo sĩ dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong (Đại Việt) thời Chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên và lưu trú ở đây một thời gian dài, tạm phân chia như thế. Trong cuốn sách Xứ Đàng Trong của ông (do Omega và NXB Tổng hợp TP.HCM vừa ấn hành), giáo sĩ này tạm phân chia như thế và cho biết thêm: “Phủ đầu tiên giáp với Đàng Ngoài và là nơi Chúa ở gọi là Sinuua (xứ Hóa, Thuận Hóa), thứ hai là Cacciam (Kẻ Chàm, Quảng Nam – nơi thế tử con Chúa trấn giữ), thứ ba là Quamguya (Quảng Nghĩa, Quảng Ngãi), thứ tư là Quignin (Quy Nhơn) hay Pullucambi – theo cách gọi của người Bồ Đào Nha và thứ năm giáp với Chiêm Thành gọi là Renran”.
‘King, roi’ ám chỉ nhân vật đặc biệt nào?
Vấn đề khá lý thú này đã được nhà nghiên cứu Li Tana -tiến sĩ ĐH Quốc gia Australia, tiết lộ qua tác phẩm Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 (do NXB Trẻ ấn hành). Li Tana viết: “Trước năm 1626, kinh đô của họ Nguyễn được đặt ở huyện Đăng Xương (tỉnh Quảng Trị ngày nay). Trong bức thư của Wonderaer – một thương gia người Hà Lan tới xứ Đàng Trong từ năm 1602 có những dòng sau: ‘Sau buổi trưa, tôi được biết là nhà vua cho mời tôi đến vào khoảng 3 hay 4 giờ chiều. William Adams đến Faifo ngày 22.4.1617 thì ngày 24.4, ông đã tiếp viên thông ngôn người Nhật của Chúa, viên thông ngôn này đã ‘chào tôi một cách nồng nhiệt’ và cho tôi hay là nhà vua rất vui mừng khi người Anh trở lại”.
Theo tác giả Li Tana, thư này được viết ở Tachem, có thể chỉ hoặc Đại Chiêm – hải cảng đối diện với Hội An, hoặc Thanh Chiêm – nơi có dinh của trấn thủ Quảng Nam và là nơi ở một hoàng tử của họ Nguyễn. Cũng trong sách Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, khi nói về cái chết của Peacock, Richard Cocks (người đứng đầu trụ sở giao dịch của công ty Đông Ấn Anh) viết là: “Cái chết này là do nhà vua trẻ, còn nhà vua già thì không hay biết gì”. “Nhà vua trẻ ở đây, phải ám chỉ vị hoàng tử thường sống ở Quảng Nam. Sự nhầm lẫn của người ngoại quốc về nhà vua còn tiếp tục cho tới mãi sau này. Vua ở đây không ai khác chính là con trai của Chúa Hiền (Nguyễn Phúc Tần), hay có lẽ là một vị quan lớn ở Hội An”, nhà nghiên cứu Li Tana nhận định.
Nguyên nhân khiến vị vua trẻ hay vị quan lớn nào có quyền hành như vậy, sách đã dẫn của Li Tana lý giải, vì nhân vật đặc biệt này có quyền cấp “châu ấn” của Đàng Trong cho tàu từ ngoài vào. Căn cứ vào Nhật ký của Ed. Saris – người đã tới Đàng Trong cùng Adams năm 1617, có khẳng định điều này: “Tôi được ngài (nhà vua) cấp cho goshuin (ngự châu ấn) hay chope của ngài, tức con dấu để tới đây cùng với tàu hàng năm…”.
Trước đây, sử sách đã có ghi chép Nguyễn Hoàng được cử làm trấn thủ ở Thuận Hóa vào năm 1558 nhưng cho tới năm 1570, Quảng Nam vẫn chưa nắm dưới quyền của ông. Khi tới năm 1602 đi chơi đèo Hải Vân, Nguyễn Hoàng mới nhận thấy lợi thế “cái cổ họng” của Thuận Hóa và Quảng Nam nên nhanh chóng cử người con trai tới trấn thủ xứ này. Và con trai cả Chúa, Nguyễn Phúc Nguyên từng trấn thủ xứ Quảng Nam trở thành người kế vị cha.
Theo Tiền biên, Nguyễn Phúc Nguyên là con thứ 6 của Nguyễn Hoàng. Người kế vị Nguyễn Phúc Nguyên là Nguyễn Phúc Lan, con trai thứ 2 của ông. Tuy nhiên em của Nguyễn Phúc Lan là Nguyễn Phúc Anh trấn giữ Quảng Nam đã nuôi chí khác cấu kết với nhà Trịnh để cướp ngôi thế tử. Nghe tin Lan lên ngôi nên Phúc Anh liền dấy binh làm phản. Trong tình thế cấp thiết, Lan đã gạt tình riêng kéo quân vào đánh, bắt được Phúc Anh và đem giết. Cuộc nổi dậy vì thế mà đã bị đập tan, với 1.000 người bị hành quyết. Sau đó đến con trai Nguyễn Phúc Lan là Nguyễn Phúc Tần kế vị cha.
Một thời hoàng kim ‘Quảng Nam quốc’
Trở lại với tên gọi Quảng Nam quốc, tác giả Li Tana cho rằng: “Với vị trí chính trị và kinh tế đặc biệt trong thế kỷ 17, đã cắt nghĩa tại sao Đàng Trong lại được người Hoa gọi là Quảng Nam quốc và người Hà Lan gọi là Quinam. Một bản đồ do Martino Martini vẽ vào năm 1655 gọi cả vùng đất Đàng Trong là Gan Nan và đặt Quinam vào chỗ của Hội An. Tên Quinam người Hà Lan đặt cho xứ này có thể xuất phát từ thành Qui Nam”.
Như vậy, rõ ràng về mức độ kinh tế thì nền ngoại thương, buôn bán của Quảng Nam ngày trước đã nổi tiếng và xuất sắc đến nỗi các vùng khác đều không được người ngoại quốc để ý đến nên người Hoa mới gọi là Quảng Nam quốc. Và “Trấn thủ xứ này là người có quyền thế, độc lập đến độ “vị vua trẻ” gần như được coi là một vị vua thực sự”…, những phát hiện của nhà Việt Nam học Li Tana đủ nói lên thời kỳ hoàng kim của đất Quảng Nam ở xứ Đàng Trong vào thời kỳ đó.
Theo LÊ CÔNG SƠN / THANH NIÊN ONLINE
Tags: Quảng Nam, Xứ Đàng Trong