Tổng quan về lịch sử huyện đảo Cô Tô

Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ lâu đời đã là nơi cư trú ngụ của thuyền bè ngư dân Vùng Đông Bắc, song chưa thành nơi định cư vì luôn bị những toán cướp biển Trung Quốc quấy phá. Đầu thời Nguyễn, một số dân cư Trung Quốc đánh bắt được những toán cướp biển và xin được nhập cư sinh sống.

Ảnh: Báo Quảng Ninh.

Năm 1832, Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng Đốc Hải An (Hải Dương – An Quảng) đã xin triều đình cho thành lập làng xã, cắt cử người cai quản. Làng đầu tiên ở đây được Nguyễn Công Trứ đặt là làng Hướng Hoá. Ít lâu sau, nhà Nguyễn cho thu thuế và lập đồn Hướng Hoá canh phòng giặc biển. Dân cư đông dần, tất cả đều là người gốc nhiều dân tộc thiểu số ở vùng ven biển Quảng Đông, Phúc Kiến và đảo Hải Nam phiêu bạt đến.

Thời Pháp thuộc, Cô Tô là một tổng có năm xã (Đông giáp, Nam giáp, Tây giáp, Bắc giáp, Trung giáp) thuộc châu Hà Cối phủ Hải Đông tỉnh Hải Ninh. Sau ngày Nhật đảo chính, Pháp quay lại chiếm đóng Cô Tô. Từ Cô Tô và cảng Vạn Hoa trên đảo Cái Bầu, tàu chiến Pháp vào quấy rối vùng biển Hòn Gai và cảng Hải Phòng. Tháng 11 năm 1946, Đại đội Ký Con giải phóng quân từ Hòn Gai dùng tàu chiến Le Créyac mới chiếm được của Hải quân Pháp tiến ra giải phóng Cô Tô nhưng không thành công. Cho đến cuối năm 1955, thực hiện Hiệp định Genève, quân Pháp mới rút khỏi.

Đầu năm 1954, Cô Tô là xã thuộc huyện Móng Cái, sau đó là hai xã đặc biệt trực thuộc tỉnh. Từ 1964, hai xã đã được sát nhập vào huyện Cẩm Phả.

Kinh tế trên quần đảo Cô Tô đã phát triển đến đỉnh cao vào năm 1977.

Trước năm 1978, quần đảo Cô Tô – Thanh Lân là vùng đảo sầm uất, dân số đông tới 6.740 người. Trong đó có 545 hộ, 3.200 người, 1424 lao động sống bằng nông nghiệp, 548 hộ, 3.141 người, 1236 lao động sống bằng nghề đánh bắt cá. Nửa cuối năm 1978, người gốc Hoa về Trung Quốc, trên đảo chỉ còn lại 10% dân số, mọi hoạt động sản xuất suy giảm.

Năm 1994, chính phủ đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn đồng thời tách quần đảo Cô Tô gồm hai xã Thanh Lân, Cô Tô thành lập huyện Cô Tô.

Năm 2006, dân số huyện đảo Cô Tô là 5.240 người với 1.178 hộ dân. Từ năm 1994 đến nay nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ về giá điện, giá xăng dầu, xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, hàng ngày đều có tàu khách Vân Đồn – Cô Tô, làm cho đời sống nhân dân nơi đây không ngừng được cải thiện.

Về mặt địa lý, Cô Tô có địa hình đồi núi. Đỉnh giáp Cáp Cháu trên đảo Thanh Lân cao 210 m, đỉnh đài khí tượng trên đảo Cô Tô lớn cao 160 m. Phần giữa các đảo đều cao, vây quanh là những đồi núi thấp và những cánh đồng hẹp, ven đảo là những bãi cát nhỏ và vịnh nhỏ. Đất đai chủ yếu là đất pheralit trên sa thạch. Đất rừng rộng 2.200 ha, đất có khả năng nông nghiệp (771 ha) chiếm 20% diện tích đất tự nhiên, trong đó một nửa số có khả năng cấy lúa, trồng màu, gần nửa có khả năng chăn thả gia súc và trồng cây ăn quả.

Cô Tô ít sông suối, đã đắp đập hình thành 11 hồ nhỏ. Nước ngầm rất phong phú, chất lượng tốt. Thảm thực vật trên các đảo khá phong phú chủng loại. Rừng tự nhiên đa dạng với nhiều loại gỗ tốt và nhiều song mây, ràng rang. Rừng trồng gồm phi lao, bạch đàn, thông đuôi ngựa. Trên đảo Thanh Lân còn có cam, quýt, chuối đã nhiều năm thành sản phẩm hàng hoá nổi tiếng trong tỉnh. Có nhiều loại dược quí hiếm như hương nhu, sâm đất, thầu dầu tía… trên các đảo. Động vật rừng từ xa xưa khá nhiều nay ở đảo Thanh Lân còn có đàn khỉ vàng chừng 100 con, một ít trăn, tắc kè.

Nghề đánh bắt tôm, cá, mực… ở đảo Cô Tô đã ở giai đoạn cạn kiệt nên nhiều loại hải sản bị cấm khai thác. Mấy năm nay, tàu thuyền của dân chỉ trông chờ vào vụ sứa.

Theo COTO.COM.VN

Tags: ,