Sức mạnh thủy quân của người Việt thời thượng cổ

Lực lượng thủy quân Việt Nam có lịch sử lâu đời, được phát triển gắn liền với tài bơi lặn của người Việt cổ.

Hình thuyền trên trống đồng Ngọc Lũ.

Vì thế, quá trình hình thành nhà nước Văn Lang từ ba bốn nghìn năm trước đây có thể chính là quá trình hình thành những cơ sở đầu tiên của thủy quân Việt cổ. Minh chứng là thuyền chiến được khắc trên các trống đồng thời Hùng Vương là hình tượng tiêu biểu cho thủy quân buổi bình minh đó.Từ truyền thuyết Lạc Long Quân…

Việt Nam là đất nước của sông ngòi và biển. Truyền thuyết từ xa xưa, ông Tổ Lạc Long quân vốn dòng dõi của Rồng, từ biển tới, từ sông lên, diệt Ngư tinh, Mộc tinh, Hồ tinh, khai sáng miền châu thổ sông Hồng…

Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ, sinh hạ một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con. Một ngày, Lạc Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, mình là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, không ở cùng nhau được”. Thế là, hai người chia con ở riêng. Năm chục người theo cha xuống biển, được coi là thủy tổ của nhóm Bách Việt. Năm chục người theo mẹ về núi, trong đó con cả lên Phong Châu, được tôn làm vua, gọi là Hùng Vương, lập ra nước Văn Lang.

Vậy, Lạc Long Quân – nhân vật thần thoại lớn nhất Việt Nam – có thể xem là Thủy tổ thủy quân Việt cổ?

… Đến Thủy quân thời Hùng Vương

Trải qua nhiều triều đại hoàng kim trong lịch sử, nước ta đã từng có những đội hải thuyền hùng mạnh nổi tiếng. Từ thế kỷ 3 trước Công nguyên, sử sách thường nhắc đên quân thủy của các nước Văn Lang, Âu Lạc, Chăm Pa, Phù Nam… Đây được coi là những nước có đội quân thủy hùng mạnh của phương Đông thời bấy giờ.

Từ thời vua Hùng, người dân Văn Lang đã biết cưỡi sóng đạp gió ra khơi trên những con thuyền độc mộc, có khi dài trên 20 m, chở hàng chục chiến binh xung trận theo nhịp trống đồng trên thuyền. Vua Hùng lại biết dạy dân vẽ mắt thuyền để tránh thủy quái làm hại; mũi thuyền gắn ngà voi hoặc tạc hình đầu chim, thú. Chưa hết, những cánh buồm đan bằng lá dứa dại giúp cho thuyền lèo lái nhanh nhẹn, vượt sóng đón gió hết sức tài tình… Do vậy, con thuyền đã rất gắn liền với người Việt cổ, cụ thể: trên mái nhà sàn cũng có hình thuyền, cối gỗ chân vuông cũng có hình thuyền, quan tài để mai táng người chết luôn luôn có hình thuyền lòng máng, và đặc biệt trên các trống đồng đều có hình ảnh thuyền chiến…

Đến cuối thời đại Hùng Vương, nhất là thời kỳ nước Âu Lạc của An Dương Vương Thục Phán, thủy quân của nước Việt cổ được tổ chức quy mô hơn. Các công trình nghiên cứu về thành Cổ Loa cho thấy, bao quanh thành có ba con hào ăn thông với nhau và thông với sông Hoàng Giang. Nhờ vậy, thuyền bè có thể đi lại xung quanh cả ba vòng thành và có thể ra sông Hoàng Giang, sông Hồng, sông Cầu, sông Lục Đầu để tiến ra biển Đông. Do vậy, liệu Cổ Loa ngoài là căn cứ bộ binh, có thêm chức năng thủy binh?

Có thể nói, từ con thuyền độc mộc trải qua hàng ngàn năm, người Việt xưa không ngừng cải tiến sáng tạo trong việc đóng mới thuyền bè, luyện tập thủy quân trở thành một trong những lực lượng quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể, cho đến thế kỷ thứ 10 (năm 938), Ngô Quyền đã đánh tan cả đạo quân Nam Hán hùng mạnh trên sông Bạch Đằng – là tiếng trống mở màn, báo hiệu cho hàng loạt thắng lợi về sau này qua những trận chiến trên sông nước, đánh bại nhiều đạo quân xâm lược khác của thủy quân Đại Việt.

Theo ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: ,