Những điều cần biết về hiện tượng lũ lụt ở Việt Nam

Ở Việt Nam, lũ là một hiện thượng tự nhiên, gần như xảy ra hằng năm. Lũ lụt ở Việt Nam được gọi là lớn và đặc biệt lớn khi nó gây ra nhiều thiệt hại lớn và kéo dài về người và của cải.

Những điều cần biết về hiện tượng lũ lụt ở Việt Nam

Lũ lụt là gì?

Lũ là mức nước và tốc độ dòng chảy trên sông, suối vượt quá mức bình thường. Lụt xảy ra khi nước lũ dâng cao tràn qua sông, suối, hồ, đập và đê vào các vùng trũng, làm ngập nhà cửa, cây cối, đồng ruộng.

Nguyên nhân gây ra lũ lụt

Lũ là hiện tượng nước sông dâng cao trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó giảm dần. Lũ trong sông ở nước ta chủ yếu do mưa trên lưu vực, song cũng có thể là do vỡ đê, vỡ đập, hoặc các dạng tắc ứ tạm thời dòng chảy trong các lòng dẫn,…

Những đặc trưng chính của lũ là lưu lượng hoặc mực nước cao nhất; tổng lượng lũ, thời gian duy trì sóng lũ trong sông, tốc độ và thời gian truyền sóng lũ về hạ lưu,…

Lụt là hiện tượng ngập nước của một vùng lãnh thổ do lũ gây ra. Lụt có thể do lũ lớn, nước lũ tràn qua bờ sông (đê) hoặc làm vỡ các công trình ngăn lũ vào các vùng trũng; có thể do nước biển dâng khi gió bão làm tràn ngập nước vùng ven biển.

Mưa lớn và kéo dài (do bão lớn) là nguyên nhân chính gây ra lũ lụt, ngoài ra ở vùng đồng bằng cửa sông tiếp giáp với biển, triều cường là một nhân tố làm cho lũ lụt trầm trọng hơn. Ngoài ra còn một số yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng xuất hiện lũ lớn và bất thường.

– Lưu vực càng rộng thì nước lũ lên chậm nhưng cũng sẽ rút chậm, ngược lại lưu vực hẹp và dài sẽ làm nước lũ lên nhanh… một số trường hợp sẽ hình thành lũ quét, lũ ống
– Rừng bị tàn phá cũng là nguyên nhân gây lên lũ lụt và xói mòn đất
– Hiện tượng El nino và La nina đã gây ra hiện tượng lũ lụt và hạn hán trên nhiều vùng khác nhau
– Nếu một hệ thống sông có nhiều con sông hợp thành thì khả năng tổ hợp.

Đặc điểm của lũ lụt ở Việt Nam

Ở Việt Nam, lũ là một hiện thượng tự nhiên, gần như xảy ra hằng năm. Lũ do nước sông dâng cao trong mùa mưa. Số lượng nước dâng cao xảy ra trên một con sông ở mức tạo thành lũ có thể xảy ra một lần hay nhiều lần trong một năm.

Khi nước sông dâng lên cao (do mưa lớn và triều cao), vượt qua khỏi bờ chảy tràn vào các vùng trũng và gây ra ngập trên một diện rộng trong một khoảng thời gian.

Lũ lụt ở Việt Nam được gọi là lớn và đặc biệt lớn khi nó gây ra nhiều thiệt hại lớn và kéo dài về người và của cải. Để theo dõi diễn biến mực nước trên sông, người ta tổ chức đo đạc mực nước và vẽ thành các thủy đồ.

Phân loại lũ theo thời gian xuất hiện lũ

Căn cứ vào thời gian xuất hiện của lũ, ng­ười ta có thể phân loại các loại lũ như sau:

– Lũ tiểu mãn: Xảy ra vào khoảng tiết tiểu mãn hàng năm (từ tháng 4 đến tháng 6), chủ yếu là do m­ưa rào gây ra. Lũ tiểu mãn th­ường không lớn nh­ưng là nguồn cung cấp n­ước rất quan trọng cho sản xuất nông nghiệp trong mùa khô. Tuy nhiên, khi có lũ tiểu mãn lớn, cũng gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.
– Lũ sớm: Xuất hiện sớm so với lũ chính vụ. Nếu xảy ra lũ sớm mà lũ lại lớn thì cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sản xuất.
– Lũ chính vụ: Xuất hiện vào thời kỳ chính của mùa lũ.
Mùa lũ chính của riêng khu vực Nam Trung Bộ kéo dài từ đầu tháng 9 đến hết tháng 12 d­ương lịch.
– Lũ muộn: Là lũ xảy ra vào cuối mùa lũ. Nếu xảy ra lũ muộn mà lũ lớn thì cũng gây ra ngập lụt nghiêm trọng cho các vùng trũng thấp.

Phân loại lũ theo cấp độ mực nước đỉnh lũ

Căn cứ vào mực nư­ớc trung bình đỉnh lũ nhiều năm, ng­ười ta có thể phân loại các loại lũ như­ sau:

– Lũ nhỏ: Là loại lũ có đỉnh lũ thấp hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm
– Lũ vừa: là loại lũ có đỉnh lũ đạt mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm
– Lũ lớn: là loại lũ có đỉnh lũ cao hơn mức đỉnh lũ trung bình nhiều năm
– Lũ đặc biệt: Là loại lũ cao đỉnh lũ cao hiếm thấy trong thời kỳ quan trắc
– Lũ lịch sử: là loại lũ có đỉnh lũ cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc hoặc do điều tra khảo sát được.

Phân cấp lũ theo mức độ nguy hiểm đối với dân sinh, kinh tế

Đối với các nhà quản lý về lũ lụt và thường được phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thì người ta thường áp dụng cách phân cấp lũ theo mức độ nguy hiểm đối với nền dân sinh và kinh tế. Mức độ nguy hiểm của lũ tăng dần như sau:

– Mức lũ báo động I: Có khả năng gây tác hại đến các khu vực sản xuất nông nghiệp ở vùng trũng, thấp.
– Mức lũ báo động II: Gây tác hại lớn đến các khu vực sản xuất nông nghiệp ở vùng trũng, thấp. Có khả năng gây nguy hiểm tính mạng đến một số dân cư sinh sống ở các vùng trũng thấp.
– Mức lũ báo động III: Gây ngập lụt nghiêm trọng đến các khu vực ở hạ lưu sông. Nhiều công trình xây dựng, các công trình về giao thông, thủy lợi bị tàn phá nặng nề. Rất nguy hiểm đến tính mạng và nhân dân ở các khu vực trũng, thấp, các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng lũ, lụt.

Phân loại các bản tin cảnh báo về lũ

Tùy thuộc vào diễn biến mực nước và khả năng đạt mực nước đỉnh lũ trên các sông mà cơ quan dự báo khí tượng thủy văn sẽ phát bản tin cảnh báo lũ, thông báo lũ hoặc thông báo lũ khẩn cấp.

– Nếu trên lưu lực sẽ có mưa lớn và có khả năng xảy ra lũ trên sông thì cơ quan dự báo khí tượng thủy văn sẽ phát bản tin: Cảnh báo lũ để cảnh báo cho nhân dân biết.
– Nếu có lũ trên sông, mà khả năng đỉnh lũ sẽ ở dưới mức báo động 3 thì sẽ phát bản tin: Thông báo lũ. Khi nghe bản tin này: Cán bộ chính quyền các cấp và nhân dân nên lưu ý triển khai ngay các phương án phòng chống lũ, các biện pháp để phòng chống lũ, lụt.
– Nếu đỉnh lũ trên sông đã đạt mức lũ báo động 3 hoặc nhiều khả năng đạt và vượt trên mức lũ báo động 3 thì sẽ phát bản tin: Thông báo lũ khẩn cấp. Khi nghe được bản tin: Thông báo lũ khẩn cấp thì cán bộ chính quyền các cấp và nhân dân phải khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống lũ. Nhân dân sinh sống ở các khu vực trũng, thấp cần chủ động di dời người, súc vật và của cải đến các khu vực cao ráo, an toàn.

S.T

Tags: