Nhận diện 10 nhân tố làm phẳng thế giới

Tóm lược quan điểm của Thomas L.Friedman – nhà báo, nhà bình luận người Mỹ chuyên về quan hệ chính trị giữa các nước. Ông là tác giả cuốn “Thế giới phẳng” xuất bản năm 2005.

Nhân tố 1. NGÀY 9 THÁNG 11 NĂM 1989 Kỷ nguyên sáng tạo mới: khi các bức tường sụp đổ và phần mềm Windows lên ngôi

Chiến tranh Lạnh là cuộc chiến giữa hai hệ thống kinh tế: chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản. Việc bức tường Berlin sụp đổ ngày 09/11/1989, đã dẫn đến gần như chỉ còn một hệ thống, cán cân quyền lực nghiêng về những người ủng hộ chính quyền dân chủ, hướng đến thị trường tự do. Qua đó, cho phép ta tư duy theo cách mới: một thị trường chung, một hệ sinh thái chung và một cộng đồng chung.

Với chính sách “toàn cầu hóa”, con người sẽ học tập nhiều hơn lẫn nhau, tri thức sẽ được học từ những người khác qua biên giới. Sự kiện này cũng tạo điều kiện cho việc thông qua các tiêu chuẩn chung – các tiêu chuẩn về cách điều hành nền kinh tế, cách thực hiện chế độ kế toán, cách chế tạo các máy tính cá nhân và cách viết các bài báo về kinh tế. Nói cách khác, làm tăng sự vận động tự do, tiêu chuẩn kinh tế hay kỹ thuật xuất hiện sẽ được chấp nhận nhanh hơn nhiều.

Có nhiều nguyên nhân sụp đổ, tuy nhiên, yếu tố đầu tiên phải kể đến là cuộc cách mạng thông tin bắt đầu từ đầu đến giữa thập niên 80. Các thế lực độc tài dựa vào sự độc quyền thông tin và vũ lực, do vậy việc thông tin lọt qua bức màn sắt thông qua sự phổ biến của máy fax điện thoại, và máy tính cá nhân xóa bỏ hàng rào bưng bít thông tin và không cho con người nhìn thế giới là một cộng đồng đơn nhất.

Lần đầu tiên máy tính cá nhân sử dụng phần mếm Windows, cho phép con người tự tạo ra nội dung dưới hình thức số, điều này có nghĩa nội dung có thể chia sẻ rộng rãi. Mỗi cá nhân có thể tự toàn cầu hóa chính mình và phổ biến thông tin dễ dàng. Việc con người kết nối các máy tính cá nhân với hệ thống liên lạc toàn cầu đã tăng khả năng liên lạc giữa con người theo chiều ngang và góp phần hủy hoại hệ thống cai trị từ trên xuống.

Nhân tố 2. NGÀY 8 THÁNG 9 NĂM 1995 – Kỷ nguyên kết nối mới: khi mạng (web) xuất hiện và Netscape bán cổ phiếu đợt đầu cho công chúng

Khi việc điều hành Windows trên máy tính cá nhân dần đi vào trạng thái ổn định, giai đoạn tiếp theo sẽ “chuyển từ hệ thống vi tính dựa trên máy tính sang các hệ thống dựa trên Internet”. Các chương trình ứng dụng hoàn hảo thúc đẩy thư điện tử và trình duyệt Internet phát triển. Tuy nhiên, chính đột phá tạo ra Mạng toàn cầu (World Wide Web) – cho phép cá nhân thiết lập địa chỉ web về thương mại, tin tức và các hình thức lưu trữ, phổ biến dữ liệu; cùng với trình duyệt web giúp tìm ra tài liệu hoặc các trang web được lưu trữ tại địa chỉ web và hiển thị bất cứ màn hình máy tính nào đã thúc đẩy cách mạng làm phẳng thế giới.

Trong đó, phải kể đến trình duyệt Netscape – giúp biến Internet có thể hoạt động tương tác, đồng thời việc sử dụng miễn phí kích thích sự tăng trưởng mạnh mẽ của mạng. Trước khi Internet được thương mại hóa, các “giao thức mở” được phát triển giúp mạng có thể tương thích với bất kể công ty, hoặc hộ gia đình, hoặc bất cứ máy tính, thiết bị cầm tay nào mà người dùng sử dụng. Netscape muốn đảm bảo Microsoft không có khả năng chuyển những giao thức web này từ tiêu chuẩn mở sang sở hữu riêng nên thương mại hóa cho công chúng. Microsoft sau đó xây dựng trình duyệt riêng là Internet Explorer. Qua đó, việc cạnh tranh diễn ra về những điều khách hàng đang làm trên Internet, chứ không phải việc họ vào Internet như thế nào. Việc Netscape bán cổ phiếu cho công chúng kích thích rất nhiều hoạt động khác diễn ra, tuy rằng đó là một hiện tượng bong bóng nhưng nguồn vốn vào ngành công nghiệp Internet vẫn được thu hút, đẩy nhanh sự đổi mới với tốc độ ngày càng cao.

Nhân tố 3. PHẦN MỀM XỬ LÝ CÔNG VIỆC

Những năm 80 con người có khả năng sử dụng máy tính để soạn ra nội dung. Sau đó, các nội dung đó được truyền qua mạng Internet nhờ vào các giao thức được chuẩn hóa, vì vậy con người có thể cộng tác được với bất kì ai. Cuối cùng, ngày nay chúng ta đạt trình độ xử lý công việc mới, ở đó máy móc có thể liên lạc với nhau qua Internet.

Ngành công nghiệp phần mềm đã tạo ra và phổ cập những giao thức cho phép thông điệp được truyền đi giữa các hệ thống máy tính mà không cần có sự tham gia của con người. Giờ đây, không chỉ con người nói chuyện với con người, mà máy tính nói chuyện với máy tính. Qua đó, khuyến khích quá trình kinh doanh tiêu chuẩn hóa. Đó là tất cả nền tảng phục vụ cho việc cộng tác.

Nhân tố 4. TẢI LÊN MẠNGTăng cường sức mạnh của cộng đồng

Việc cá nhân có thể tự tạo nội dung, tải lên mạng, và gửi các ý tưởng, sản phẩm miễn phí tới mọi nơi, chứ không thụ động như trước đã định hình lại quá trình sáng tạo, cải tiến, vận động chính trị, thu thập và phổ biến thông tin. Thế hệ tiếp theo trưởng thành trên mạng chứ không phải thích nghi với mạng ở độ tuổi trưởng thành. Chúng ta đang sống trong thế hệ với các phương tiện truyền thông mới tạo cơ hội nghiên cứu và liên lạc toàn cầu, nhưng cũng chứa đựng những kẻ phá hoại với đầu óc thâm hiểm. Việc cộng đồng không phải lúc nào cũng đúng khiến nhân tố “Tải lên mạng” có thể trở thành nhân tố tiềm năng gây xáo trộn nhất.

Nhân tố 5. THUÊ LÀM BÊN NGOÀIY2K

Thuê làm bên ngoài (oursourcing) có nghĩa là thay vì thực hiện một chức năng nhất định nhưng hạn chế mà công ty của bạn đang làm trong nội bộ công ty – như các trung tâm nghiên cứu, điện thoại, hoặc các tài khoản có thể tiếp nhận – bạn để một công ty khác thực hiện chức năng đó cho bạn và sau đó, gắn phần công việc này vào hoạt động chung.

Ấn Độ thay vì khai thác tài nguyên thiên nhiên, chuyển sang khai thác trí tuệ người dân, đào tạo một số lượng lớn những người ưu tú trong các ngành khoa học, chế tạo và y khoa vào những năm 1950. Cuối những năm 1990, bong bóng cáp quang căng phồng, kết nối Mỹ và Ấn Độ. Sự cố máy tính thiên niên kỷ Y2K xuất hiện – khi các đồng hồ chỉ hiển thị hai số cho ngày, hai số cho tháng và hai số cho năm, dẫn đến sai lệch giữa năm 2000 và 1900. Một số lượng khổng lồ máy tính phải được điều chỉnh đồng hồ bên trong. Mỹ bắt tay với Ấn Độ với hình thức cộng tác thuê làm bên ngoài. Công việc khắc phục sự cố Y2K trở thành động lực phát triển, quảng bá Ấn Độ ra toàn thế giới.

Sự cố Y2K dẫn đến việc đổ xô tìm kiếm trí tuệ của người Ấn để thực hiện lập trình – Ấn Độ là nơi duy nhất có đủ nhân công để làm công việc này với chi phí thấp, và họ còn là những người khát khao học tập bất cứ điều gì. Từ việc thực hiện bảo dưỡng cho các công ty có giá trị cao, tại Ấn Độ bắt đầu xuất hiện những công ty phát triển sản phẩm cho riêng mình, cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn về phần mềm.

Đúng là Ấn Độ may mắn, nhưng đấy cũng chính là gặt hái từ sự giáo dục nghiêm khắc và sự thông thái của những thế hệ đi trước trong việc xây dựng các học viện công nghệ thông tin. Như Louis Pastuer từng nói: “Vận may chỉ mỉm cười với những người luôn sẵn sàng”.

Nhân tố 6. CHUYỂN SẢN XUẤT RA NƯỚC NGOÀI

Chuyển sản xuất ra nước ngoài là việc một công ty chọn một trong các nhà máy đang hoạt động ở Canton, Ohio, và chuyển toàn bộ nhà máy tới Quảng Châu, Trung Quốc. Ở đó, nhà máy này sản xuất sản phẩm giống hệt với cách thức tương tự, chỉ khác ở chỗ nhân công rẻ hơn, thuế thấp hơn, năng lượng được trợ cấp và chi phí y tế thấp hơn.

Việc Trung Quốc gia nhập WTO đã đưa Bắc Kinh và thế giới tới một trình độ hoàn toàn mới về chuyển sản xuất ra nước ngoài. Năm 1977, Đặng Tiểu Bình mở cửa Trung Quốc, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa tư bản, tiếp nhận những nhân tố làm phẳng thế giới, trở thành khu vực không có đối thủ trong việc chuyển sản xuất ra nước ngoài, nhờ vậy đã biến Trung Quốc thành một thách thức lớn đối với thế giới.

Trung Quốc không chỉ giành chiến thắng thông qua lương mà còn nhờ vào cải tiến chất lượng và tăng năng suất, phát triển nhanh, chuyển đổi từ các sản phẩm hạ cấp sang cao cấp, có trình độ cao. Lãnh đạo Trung Quốc đào tạo thế hệ trẻ trong các lĩnh vực toán học, khoa học và kỹ năng vi tính; xây dựng cơ sở hạ tầng và viễn thông; thu hút các nhà đầu tư trên thế giới.

Nếu không có khủng hoảng chính trị, Trung Quốc sẽ vươn lên nhân tố làm phẳng chủ chốt. Việc gia nhập WTO, lãnh đạo Trung Quốc sử dụng nó như áp lực buộc nhà nước Trung Quốc phải hiện đại hóa và loại bỏ rào cản điều tiết trong nước, làm đòn bẩy với bộ máy quan liêu. Tham vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đòi hỏi có nhiều tự do chính trị hơn, tự do báo chí, và các thể chế của một xã hội công dân tiến bộ.

Khi Trung Quốc vượt qua rào cản chính trị đó sẽ là diễn biến mới tích cực với cả thế giới. Vì nếu Ấn Độ và Trung Quốc đi theo hướng đó, thế giới sẽ trở nên phẳng và thịnh vượng hơn bao giờ hết. Càng nhiều quốc gia như Mỹ thì thế giới càng trở nên khác hơn. Việc tách rời nền kinh tế Trung Quốc là điều không thể, sẽ dẫn đến đảo lộn vì sự gắn kết hoàn toàn với nền kinh tế của các nước phát triển. Vậy nên nếu người dân Mỹ và châu Âu muốn tận dụng sự làm phẳng thế giới và việc liên kết các thị trường và trung tâm tri thức, họ sẽ phải tiến nhanh như những kẻ đi nhanh nhất là Trung Quốc.

Nhân tố 7. CHUỖI CUNG

Chuỗi cung (supply chain) là phương pháp cộng tác theo chiều ngang giữa các nhà cung cấp, người bán lẻ và khách hàng nhằm tạo ra giá trị. Chuỗi cung được trợ lực nhờ sự làm phẳng của thế giới. Chuỗi cung càng phát triển và phổ cập thì các công ty càng phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung giữa chúng với nhau để mỗi khâu đều có thể giao diện, xóa bỏ ma sát giữa biên giới các quốc gia, khiến quá trình cộng tác toàn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ.

Chuỗi cung toàn cầu cần thu hút những sản phẩm từ khắp mọi nơi trên thế giới có vai trò quan trọng đối với nhà kinh doanh lẫn sản xuất. Việc xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm trên toàn cầu là điều vô cùng phức tạp và khó bắt chước, đòi hỏi liên tục sáng tạo và điều chỉnh. Thách thức với việc xây dựng chuỗi cung toàn cầu trong thế giới phẳng là “sự tối ưu hóa toàn cầu”. Việc mua một sản phẩm rẻ tại một nơi nào đó không quan trọng bằng tổng chi phí phân phối  sản phẩm đó đến khắp mọi nơi trên thế giới phải thật thấp. Thách thức thứ hai là điều hòa giữa yếu tố cung dễ bị ngắt quãng với yếu tố cầu khó tiên đoán vì chu kỳ quay vòng của hàng hóa ngày càng ngắn. Cách giải quyết là thay hàng hóa bằng thông tin – nắm bắt thông tin về thị hiếu của người tiêu dùng nhanh bao nhiêu, thì truyền lại cho nhà sản xuất và thiết kế nhanh bấy nhiêu, điển hình như Zalora, trang thương mại điện tử về mặt hàng thời trang của Tây Ban Nha. Các công ty khác khôn khéo như hãng máy tính Dell thì tìm cách sản xuất sản phẩm của mình muộn nhất có thể. Song để cắt giảm chi phí chuỗi cung ứng, đôi khi còn là lương bổng của nhân viên và Wal-mart là công ty gây tranh cãi nhiều nhất trên thế giới về vấn đề này.

Nhân tố 8. THUÊ BÊN NGOÀI LÀM

Thuê bên ngoài làm (insourcing) là phương thức hoàn toàn mới tạo ra giá trị theo chiều ngang, có thể được thực hiện nhờ một thế giới phẳng và thậm chí nó làm thế giới phẳng hơn. Nhiều công ty lớn không muốn quản lý khâu phức tạp, không nằm trong khả năng chính của họ. Như Nike thà sử dụng tiền thiết kế những đôi giày tennis tốt còn hơn là tham gia chuỗi cung.

Điều này tạo ra cơ hội kinh doanh toàn cầu cho các hãng giao nhận truyền thống như UPS. UPS với câu khẩu hiệu: “Thế giới của bạn được đồng bộ hóa”, đã bắt đầu kinh doanh “những giải pháp thương mại đồng bộ” từ năm 1996. Các kỹ sư UPS đi sâu vào trong công ty bạn, phân tích quá trình sản xuất, đóng gói và giao nhận hàng; sau đó thiết kế lại và quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng của bạn. UPS cũng giúp các công ty lớn làm chuyện nhỏ như giao nhận hàng hóa và dịch vụ khắp nơi trên thế giới một cách hiệu quả và nhanh chóng, với số lượng lớn. UPS đang tạo ra sân chơi đảm bảo cho bất kỳ ai đưa hoạt động kinh doanh của mình đến toàn cầu hay thay đổi mạnh hiệu quả chuỗi cung ứng của họ. Đây là loại hình kinh doanh mới nhưng hoàn toàn không có giới hạn.

Nhân tố 9. CUNG CẤP THÔNG TIN – Tìm kiếm trên các trang web Goodle, Yahoo! và MSN

Việc tìm kiếm thông tin (informing) là khả năng xây dựng và triển khai chuỗi cung cá nhân của bạn – bao gồm thông tin, kiến thức và giải trí. Đó là quá trình tự hợp tác, tự bản kiểm soát và thực hiện công việc như nhà nghiên cứu, nhà biên tập, lựa chọn phương thức giải trí cho mình mà không phải đi đến thư viện, rạp hát hay truy cập mạng lưới truyền hình. Việc tìm kiếm thông tin, tìm kiếm kiến thức cũng là việc tìm kiếm một con người hay một cộng đồng. Sự phổ biến của các trang web có dịch vụ tìm kiếm cho thấy con người khao khát loại hình hợp tác này như thế nào.

Việc tìm kiếm thông tin là biểu hiện cơ bản quyền lực cá nhân khi sử dụng máy tính để nhìn ra thế giới, và tìm cái chính xác họ muốn và những người khác nhau cùng đề cập tới. Con người có khả năng trở thành chuyên gia về những vấn đề cụ thể một cách nhanh hơn, dễ dàng hơn và khả năng liên kết với những người khác cùng sở thích. Nó cho phép thành lập các cộng đồng toàn cầu, vượt biên giới văn hóa và quốc tế, qua đó thảo luận các chủ đề có ý nghĩa với họ.

Với Google chưa bao giờ trong lịch sử hành tinh có nhiều người đến thế, và tự họ có khả năng tìm kiếm nhiều thông tin về nhiều chủ đề và nhiều người khác nhau. Tất cả đều có khả năng tìm kiếm thông tin như nhau và tuyệt đối bình đẳng. Mục tiêu của Google là làm cho kiến thức của nhân loại trở nên dễ dàng có được bằng mọi ngôn ngữ. “Mọi thứ” và “mọi người” là từ khoá mà bạn nghe thấy mọi lúc ở Google. Không có yếu tố làm phẳng nào lớn hơn ý tưởng biến kiến thức của toàn thế giới, hoặc cho dù chỉ một phần của nó, sẵn có cho bất kỳ ai, cho tất cả mọi người, mọi lúc và mọi nơi.

Nhân tố 10. CÁC TÁC NHÂN XÚC TÁC

Một số công nghệ mới được xem như tác nhân xúc tác vì nó khuếch đại và lấn át những nhân tố làm phẳng khác. Nhân tố xúc tác đầu tiên liên quan đến tin học, được cấu thành bởi ba thành phần: khả năng tính toán, khả năng lưu trữ và khả năng cung cấp đầu ra và đầu vào – tốc độ mà thông tin được truyền ra khỏi máy tính và được truyền vào máy tính/bộ phận lưu trữ thông tin. Nhân tố thứ hai là đột phá trong công nghệ chia sẻ tài liệu. Nhân tố thứ ba là việc gọi điện thoại qua mạng, thay đổi toàn bộ cách làm việc của con người; các công ty viễn thông chỉ có thể cạnh tranh và tính tiền những dịch vụ phụ thu. Nhân tố thứ tư là đàm thoại qua video đang vươn lên tầm cao mới, giúp cho việc cộng tác với bên ngoài dễ dàng và hiệu quả hơn. Nhân tố thứ năm là tiến bộ của đồ họa máy tính, tạo hình ảnh rõ nét hơn, trung thực dễ tương tác, bổ sung cho nhau. Nhân tố cuối cùng và có thể là nhân tố quan trọng nhất “thực ra là một nhóm các nhân tố xúc tác” gồm có các công nghệ và thiết bị không dây mới. Nhờ vào những nhân tố này, các động cơ có thể liên hệ với máy tính, mọi người có thể nói chuyện với nhau, các máy tính có thể liên hệ với máy tính khác, và con người với máy tính nhanh hơn, xa hơn, rẻ và dễ dàng hơn bao giờ hết.

Theo MAIHNGOC WORDPRESS 

Tags: