Nhà độc tài Atatürk – người khai sinh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại

Atatürk đã tạo được những thay đổi vĩ đại. Và câu chuyện cuộc đời ông thật sự là một huyền thoại về “một con người vừa được tôn sùng vừa đáng khiếp sợ”

Nhà độc tài Atatürk – người khai sinh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại

Trong thế kỷ 20, trên thế giới xuất hiện những nhân vật được xem là nhà kiến tạo quốc gia vĩ đại, những người lên nắm quyền khi đất nước đang trong giai đoạn hỗn loạn khủng khiếp, họ đã hiện đại hóa đất nước bằng cách xây dựng hệ thống mới và đạt được tăng trưởng nhanh kéo dài. Ở châu Á có thể kể đến Lý Quang Diệu của Singapore, Park Chung Hee của Hàn Quốc, Đặng Tiểu Bình của Trung Quốc đại lục; ở châu Âu có Mustafa Kemal Atatürk của Thổ Nhĩ Kỳ…

Sau Thế chiến I, Atatürk lên nắm quyền vương quốc Ottoman cổ đang tan rã, củng cố một số vùng lãnh thổ biên giới còn lại và xây nên những định chế mới nhằm biến đổi Thổ Nhĩ Kỳ thành một quốc gia hiện đại, mang phong cách phương Tây và hướng đến phương Tây. Ông thành lập quốc hội lâm thời năm 1920 khi ông 39 tuổi, tuyên bố quốc gia độc lập năm 1923 và tiếp tục cầm quyền đến khi mất năm 1938.

Trong 18 năm cầm quyền, Atatürk đã thực hiện những cải cách triệt để theo hướng áp dụng văn hóa hiện đại hoàn toàn vô thần. Các giám mục tôn giáo bị loại bỏ, các trường tôn giáo riêng bị đóng cửa, giáo dục được thế tục hóa và tòa án tôn giáo bị xóa bỏ. Ông áp dụng hệ thống tư pháp mới, với các bộ quy định về luật thương mại, hàng hải và tội phạm dựa trên luật dân sự Thụy Sĩ và luật hình sự Ý.

Năm 1928, Atatürk xóa bỏ vai trò tôn giáo chính thức của Hồi giáo khỏi Hiến pháp. Ông áp dụng Dương lịch, số đếm phương Tây, trọng lượng và các thước đo quốc tế, sử dụng họ , và đặt các ngày nghỉ hằng tuần là Chủ nhật phương Tây thay cho thứ Sáu Hồi giáo. Năm 1928, ông tiếp tục áp dụng chữ cái Latinh để thay thế chữ viết Ả Rập-Ba Tư. Từ thời ông, phụ nữ có quyền bầu cử và tham gia công quyền. Ông đã đi khắp đất nước để thuyết phục người dân thay đổi.

Trong cuốn sách “Atatürk – Người khai sinh nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại”, dù rất ngưỡng mộ Atatürk, nhà nghiên cứu Andrew Mango cũng dựng nên một bức chân dung hoàn toàn chân thực về một nhà độc tài kiêu ngạo, tàn nhẫn và độc đoán.

Sự nghiệp của Atatürk thể hiện việc xã hội quân sự của thế giới Hồi giáo được thiết lập từ truyền thống đến hiện đại như thế nào; quá trình biến đổi từ một quốc gia mang nặng hệ tư tưởng Hồi giáo – và do đó trì hoãn sự phổ biến những kiến thức mới dựa trên nền tảng tư duy – thành một quốc gia thế tục, hiện đại theo hướng phương Tây ra sao.

Trong mối quan hệ nhạy cảm và lộn xộn giữa thế giới Ả Rập và các tộc người thiểu số như Kurd với một đế chế của thế giới Hồi giáo cũ đang đứng giữa những giao tranh của phương Đông và phương Tây, Kitô giáo và Hồi giáo, Atatürk đã tạo được những thay đổi vĩ đại. Và câu chuyện cuộc đời ông thật sự là một huyền thoại về “một con người vừa được tôn sùng vừa đáng khiếp sợ”.

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: ,