Lỗi lầm có thuộc về GDP?

GDP là thước đo cho tất cả các thước đo khác. Thế nhưng GDP đồng thời cũng là biểu tượng gây tranh cãi nhất trong giới thống kê và kinh tế. Nó đo lường thu nhập, nhưng không phải sự công bằng, nó đo lường tăng trưởng, nhưng không nhắc đến những gì đã bị phá hủy, và nó phớt lờ những giá trị xã hội và môi trường.

Lỗi lầm có thuộc về GDP?

Mọi người chỉ trích GDP, nhưng những lựa chọn thay thế cũng không tốt hơn. Khi chúng ta vẫn đang ở trong “màn sương mù” bởi thiếu vắng dữ liệu thống kê đầy đủ, thì “GDP, với tất cả thiếu sót, vẫn là một ánh sáng rực rỡ xuyên qua màn sương.”(1)

Một biểu tượng gây tranh cãi

Khái niệm GDP được phát triển lần đầu tiên ở Mỹ trong thời kỳ suy thoái. Thiếu vắng một bộ tổng hợp đầy đủ của tài khoản quốc gia, các chính trị gia phải dựa vào các tài liệu mơ hồ như tải trọng xe tải chở hàng hay các vụ bạo loạn thức phẩm để phân biệt nền kinh tế đang mở rộng hay thu hẹp. Vì vậy, năm 1932, Bộ Thương mại Mỹ đã giao cho nhà kinh tế học Simon Kuznet đo lường các hoạt động kinh tế trên quy mô toàn quốc. Báo cáo tiếp theo của ông (1934) tiết lộ rằng giữa năm 1929 và 1932, thu nhập quốc gia của Mỹ đã giảm đáng kể 40%.

Kỹ thuật khảo sát của Kuznets sau đó được các nhà kinh tế học từ Anh và Canada cải tiến để trở thành sản phẩm quốc gia tổng thể và sau đó cải tiến hơn nữa thành GDP. Sự hiện diện của một bộ tài khoản quốc gia đáng tin cậy đã chứng tỏ một phép lạ cho việc hoạch định chính phủ và phân tích kinh tế, đặc biệt là trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Khi Mỹ xây dựng lại châu Âu sau chiến tranh, họ yêu cầu các đồng minh của mình áp dụng một hệ thống lưu giữ hồ sơ kinh tế giống hệt nhau. Vì vậy, học thuyết về GDP được truyền bá rộng rãi.

GDP đã trở thành một trong những con số không thể thiếu trong đời sống kinh tế của chúng ta. Các nước được xếp hạng và so sánh với GDP. Không thể nghĩ về một nền kinh tế hiện đại mà không đề cập đến GDP. Nó là thước đo cho tất cả các thước đo khác. Thế nhưng GDP đồng thời cũng là biểu tượng gây tranh cãi nhất trong giới thống kê và kinh tế. Nó đo lường thu nhập, nhưng không phải sự công bằng, nó đo lường tăng trưởng, nhưng không nhắc đến những gì đã bị phá hủy, và nó phớt lờ những giá trị xã hội và môi trường. Một trong những sai lầm nổi tiếng nhất của GDP là không tính đến giá trị của việc nội trợ – chúng ta không tính GDP khi một bà mẹ tự chăm sóc con cái của mình, nhưng lại tính khi thuê một bảo mẫu làm những công việc giống y hệt. GDP giảm đi khi một người đàn ông góa vợ kết hôn với bà giúp việc – khi người vợ mới của ông không còn được tính phí cho các công việc mình vẫn làm. Và GDP lại tăng sau tai nạn xe, hỏng hóc bằng cách buộc mọi người phải sửa chữa và thay thế mới. Hay các thảm họa như sóng thần ở châu Á làm suy giảm GDP khi xóa sạch cộng đồng cư dân và các hoạt động kinh tế của họ, nhưng cũng đồng thời thúc đẩy GDP nhờ việc tái xây dựng, đầu tư mới,…

Với những hạn chế của mình, GDP đang trở thành đối tượng bị công kích trên toàn cầu. “GDP theo một logic lừa đảo,” Dirk Philipsen viết trong cuốn The Little Big Number – “Nó đếm mọi thứ mà nền kinh tế sản xuất ra, kể cả khi nó bỏ lại đằng sau …’những đống đổ nát lớn’”. Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph E.Stiglitz và Amartya Sen cảnh báo: “dưới áp lực tăng GDP, chúng ta lại càng tiến tới một xã hội với công dân tồi hơn”. Thế giới chứng kiến một cơn sóng ồ ạt những lời chỉ trích về GDP và yêu cầu thay đổi nó, bằng một công cụ đo lường khác mà họ thấy tối ưu hơn.

Thay thế không có nghĩa là tốt hơn

Nhiều khuôn khổ đã được giới thiệu trong những năm qua, từ “Đo lường Phúc lợi Kinh tế” của Nordhaus và Tobin năm 1972 cho tới “Chỉ số Phát triển Xanh” của Trung Quốc gần đây đã công bố. Worldbank phát triển Chỉ số phát triển con người (HDI), Diễn đàn kinh tế thế giới ra mắt chỉ số Inclusive Development Index (IDI). Năm 2012, Ủy ban thống kê Liên Hợp Quốc đã áp dụng tiêu chuẩn thống kê quốc tế hoàn toàn mới mang tên SEEA liên kết số liệu thống kê về môi trường với các số liệu kinh tế.

Thế nhưng những chỉ số này có tốt hơn GDP? Chỉ số phúc lợi của Canada do ĐH Waterloo tạo ra, tính ngân sách của văn phòng Thủ tướng dành cho các thành phần, trong đó chi tiêu giáo dục công (lương giáo viên,..) hay tham quan vườn quốc gia đều là những thành phần đóng góp tích cực – nó hoàn toàn tùy ý, giống như GDP. Chỉ số hạnh phúc của Bhutan thực sự là thước đo các nguyên tắc tôn giáo của Phật giáo: Nó khảo sát công dân về cuộc sống tình cảm của họ (bao nhiêu lần trong bốn tuần qua bạn cảm thấy ích kỷ, tha thứ hay mãn nguyện?). Các đối thủ đáng gờm hơn như HDI, IDI lại cần những thống kê phức tạp, đa dạng hơn, vì thế không phải quốc gia nào cũng muốn tổng hợp mỗi năm – vì thế không có giá trị đo lường toàn cầu. Hiện nay, không có sự đồng thuận ở cấp độ quốc tế nào về một phương pháp đo lường thay thế cho GDP.

Các công cụ đo lường thay thế cho GDP tập trung nhiều hơn vào sự tiến bộ chung thay vì chỉ hoạt động kinh tế. Thế nhưng để đo lường tiến bộ xã hội – hay phúc lợi lại là việc không hề đơn giản. Trở ngại chính để có được một phương pháp duy nhất đo lường mọi khía cạnh là tìm ra một giá đại diện thuyết phục – hay giá đầu vào – cho mọi thành phần. Nếu không có một giá như vậy, không thể kết hợp tất cả các thành phần khác biệt vào trong phúc lợi quốc gia. GDP chưa làm được, và các chỉ số khác cũng vậy. Nhưng phải thừa nhận rằng ít nhất GDP đã đo được một phần của sự thịnh vượng – sự thịnh vượng từ sản xuất sản phẩm và dịch vụ.

Thêm vào đó, nhiều lời chỉ trích ở mức GDP thực sự chỉ là những lời phàn nàn về chủ nghĩa tư bản và tăng trưởng kinh tế nói chung. Pilling viết trong cuốn The Growth Delusion: “Chỉ trong kinh tế việc mở rộng không ngừng được coi là tốt đẹp. Trong sinh học chúng được gọi là ung thư.” Thế nhưng không có tăng trưởng, thế giới sẽ toàn nghèo đói, hung hăng và giận dữ. Hãy nhớ rằng tuổi thọ ở Bhutan hạnh phúc chỉ là 70 năm (158 trên thế giới), nó có tỷ lệ tự tử cao và chỉ một nửa dân số nữ có thể đọc hoặc viết. Đo lường hạnh phúc không nhất thiết làm cho mọi người hạnh phúc hơn.

Đừng chỉ trích, hãy hoàn thiện

Tạp chí The Economist nổi tiếng đã đánh giá về GDP như sau: “Một con số [GDP] đã trở thành viết tắt của phúc lợi vật chất, mặc dù nó là thước đo thịnh vượng không hoàn thiện và ngày càng trở nên tồi tệ hơn.” Thế nhưng vấn đề là GDP chưa bao giờ là một thước đo của sự thịnh vượng chung, cũng không phải là sự hạnh phúc về mặt triết học – bản thân người tạo ra GDP, nhà kinh tế học Kuznet cũng đã cảnh báo về những giới hạn của GDP nhưng chúng ta – những người đương thời đã lơ đi những cảnh báo này và bóp méo GDP, từ một thước đo hoạt động kinh tế vĩ mô thành thước đo phúc lợi của một quốc gia. Phải hiểu rằng khi Kuznet xây dựng GDP, nhiệm vụ của nó chỉ đơn giản là tiết lộ một nền kinh tế đang mở rộng hay thu hẹp. Theo tiêu chuẩn này, GDP là một kỳ quan của thời đại. Chỉ cần nghĩ rằng một con số có thể cho ta ý niệm về một nền kinh tế đang như thế nào – Paul Samuelson, nhà khoa học từng nhận giải Nobel miêu tả GDP là “một phát minh tuyệt vời của thế kỷ 20, một ngọn hải đăng giúp các nhà hoạch định chính sách thúc đẩy nền kinh tế hướng tới các mục tiêu kinh tế quan trọng”.

Thêm vào đó, GDP đang ngày càng đo lường sát hơn năng lực kinh tế thực sự của một quốc gia, mà không cần nhiều chỉ số bổ sung. Nếu như trước đây, các chuyên gia khuyến nghị rằng bên cạnh GDP, cần sử dụng thêm GNI (Tổng thu nhập quốc nội) để đánh giá đúng khả năng sản xuất mà công dân của một quốc gia làm ra, thì nay khoảng cách đấy đang được kéo gần thông qua các giải pháp pháp lý. Một trường hợp nổi tiếng là vào năm 2015, GDP của Ireland đạt mức tăng 26,3% nhưng thực chất là do hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia trên địa bàn nước này, họ tới và làm tăng số lượng sản phẩm dịch vụ cho Ireland – nhưng đưa thu nhập về công ty mẹ – chủ yếu là của Mỹ; báo cáo nghiên cứu của OECD về trường hợp này đã kết luận rằng GDP là một chỉ số không đáng tin cậy cho phúc lợi vật chất của một quốc gia. Nghiên cứu gần đây của Khan, Nallareddy và Rouen về tăng trưởng kinh tế Mỹ, đã chỉ ra rằng lợi nhuận của các công ty đa quốc gia ít khi được chuyển ngược trở lại thành đầu tư vào Mỹ nếu thuế suất của Mỹ cao hơn so với mặt bằng chung các nước OECD khác. Vì thế, Mỹ đã thông qua đạo luật H.R.1 (trước đây là “Đạo luật về Việc làm và Cắt giảm thuế”) tromg đó cắt giảm thuế doanh nghiệp về mức cạnh tranh toàn cầu và bổ sung các điều khoản tốt hơn cho việc “hồi hương” lợi nhuận, nhờ vậy thu nhập của các công ty đã chuyển trở lại Mỹ, qua đó đó sẽ làm khoảng cách giữa GDP và GNI thu hẹp, thậm chí chấm dứt, ở cả Mỹ và Ireland.

*

Dù còn nhiều hạn chế, chưa có một công cụ đo lường hiện tại nào có thể thay thế hoàn hảo cho GDP, ngay cả về mặt phúc lợi xã hội, GDP cũng có vai trò tích cực. Justin Wolfers – nhà kinh tế được IMF bình chọn là 1 trong 25 nhà kinh tế trẻ sáng giá nhất, được kỳ vọng có thể định hình tư duy thế giới về nền kinh tế toàn cầu, nhận xét: “Cách đo này bỏ qua rất nhiều thứ. Nhưng đó là trên lý thuyết. Còn trên thực tế, những nước có GDP cao vẫn làm tốt hầu hết những điều mà mọi người coi là thực sự quan trọng”. Vì thế, thay vì tiếp tục tranh luận về GDP và đòi hỏi thay đổi bằng một khuôn khổ mới – phức tạp và cần sự thay đổi hoàn toàn hệ thống và dữ liệu hiện tại, các nhà thống kê nên tìm cách cải thiện dữ liệu của GDP. Và điều quan trọng cần phải nhớ là, một con số thống kê không bao giờ có thể phản ánh hết xã hội hiện tại – càng cố gắng đo mọi thứ bằng một con số, con số càng ít cho chúng ta biết về bất kỳ điều gì.

————————-

Tài liệu tham khảo:

https://www.weforum.org/agenda/2018/01/gdp-should-be-corrected-not-replaced/
https://www.theglobeandmail.com/business/rob-magazine/article-everybody-hates-gdpbut-the-suggestions-to-replace-it-are-worse/
https://www.weforum.org/agenda/2016/04/why-we-need-to-complement-rather-than-replace-gdp/
http://oecdobserver.org/news/archivestory.php/aid/1518/Is_GDP_a_satisfactory_measure_of_growth_.html

————————-

Chú thích:

1. Diane Coyle (2014), GDP: A Brief But Affectionate History

Theo TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: