Liên khu IV – những sức mạnh tiềm ẩn của vị thế và quá khứ

Liên khu IV chia thành hai khu vực: Thanh – Nghệ – Tĩnh với trung tâm là hai thành phố Vinh và Thanh Hóa; Bình – Trị – Thiên với Huế là trung tâm. Đèo Ngang được coi như phân giới thiên nhiên của hai khu vực ấy.

Liên khu IV – những sức mạnh tiềm ẩn của vị thế và quá khứ

Bài viết của tác giả Khổng Đức Thiêm.

Sau Cách mạng tháng Tám, nhiều đơn vị quân sự – hành chính cấp khu ra đời nhằm thích ứng với mọi tình huống và diễn biến của chiến tranh. Tháng 10-1945, chiến khu IV gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh (Thanh – Nghệ – Tĩnh), Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên (Bình – Trị – Thiên) được thành lập. Ít lâu sau chiến khu IV lại chia thành Khu IV và Phân khu Bình – Trị – Thiên. Tháng 11-1946, Xứ ủy Trung Bộ giải thể thành Khu ủy IV và Khu ủy V. Sau ngày 25-1-1948 (ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 120/SL hợp nhất các khu và thành lập các liên khu), Khu IV đổi thành Liên khu IV (bao gồm cả Phân khu Bình – Trị – Thiên).

Xét về lịch sử, Liên khu IV được hợp nên từ vùng đất Ái Châu (Thanh Hóa), Hoan Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh), Ô Châu (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên). Đây là khu vực nổi tiếng đất thiêng người giỏi (Ái Châu), nơi thành nhiều ao nóng, then khóa của các triều (Hoan Châu), núi cao biển rộng thực hiểm yếu (Ô Châu). Kéo dài 642km từ đèo Tam Điệp đến đèo Hải Vân, Liên khu IV là vùng tự nhiên phân hóa rất sâu sắc theo hướng từ Nam ra Bắc, đông sang tây và theo chiều thẳng đứng của các hợp phần tự nhiên trong hệ thống các bồn lưu vực tạo ra sự đa dạng về tài nguyên (trữ lượng rừng phong phú, ven biển nhiều đầm phá, có hai ngư trường lớn, giàu khoáng sản). Toàn bộ khu vực có 644km bờ biển, 76.000 km2 thềm lục địa, 1.182km đường biên giới Việt – Lào, tổng diện tích là 52.062km2với 3/4 là núi rừng, 70 vạn ha đất canh tác, địa thế dài và hẹp về phía nam (lả nhất 207km, hẹp nhất 46,5km), có nhiều dãy núi đá chắn ngang từ tây sang đông như đèo Tam Điệp, đèo Ngang, đèo Lý Hòa, đèo Hải Vân. Thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt phân bổ đều khắp vùng lãnh thổ kéo dài trên 4 độ vĩ tuyến với núi đồi là chủ yếu; đồng bằng càng đi xuống càng thu nhỏ. Các điều kiện khí hậu thay đổi đột ngột do các ảnh hưởng của các loại địa hình.

Liên khu IV chia thành hai khu vực: Thanh – Nghệ – Tĩnh với trung tâm là hai thành phố Vinh và Thanh Hóa; Bình – Trị – Thiên với Huế là trung tâm. Đèo Ngang được coi như phân giới thiên nhiên của hai khu vực ấy.

Thanh – Nghệ – Tĩnh thuộc khu vực chuyển tiếp của Bắc Trung Bộ, có diện tích 33.573km2. Núi non ở Thanh Hóa mang nét đặc trưng của Tây Bắc bởi những dãy đá vôi xen kẽ đá phiến. Phía nam sông Mã và phía tây dọc biên giới Việt – Lào hiểm trở hơn với nhiều đỉnh núi có độ cao trung bình (Bù Rinh 1.291m, Bù Chó 1.563m), bị chia cắt bởi mạng sông, suối dày đặc.

Vùng núi Nghệ – Tĩnh chạy dài thành một dãy liên tục, bắt đầu từ hữu ngạn sông Cả về đến Hoành Sơn. Từ độ cao 800m trở lên, núi được phủ kín bởi các khu rừng dọc Pu Lai Leng – Rào Cỏ, có ngọn núi cao đến 2.711m. Lại có nhánh núi đâm về đồng bằng với các dãy lẻ từ Cửa Hội đến Ba Đồn. Khu vực này, núi đồi còn lan rộng ra phía đông đồng bằng chạy song song với bờ biển, chia cắt thành từng khối riêng rẽ, sườn trơ sỏi đá với những bậc thềm phù sa cổ hoặc các đồi đất đỏ badan.

Đồng bằng Thanh – Nghệ – Tĩnh có diện tích 62.999 ha, riêng Thanh Hóa chiếm gần một nửa lại mang nhiều dáng vẻ của châu thổ sông Hồng, được phù sa sông Mã, sông Chu bồi đắp. Đồng bằng Nghệ Tĩnh được hợp lại bởi nhiều mảnh nhỏ do vụng biển bị bồi lấp hoặc phù sa các sông Cả, Ngàn Sâu, Ngàn Phố tạo nên, rộng nhất là Diễn Châu và vùng duyên hải Vinh. Tuy không phì nhiêu bằng châu thổ sông Hồng và đồng bằng Nam Bộ, nhưng nơi đây vẫn là địa bàn cư trú của đông đảo dân cư và mật độ dân cư cao, cường độ sử dụng đất đai lớn, trình độ thâm canh tiến bộ. Các cửa sông trở thành nơi ngư dân xuất phát để ra vùng lộng hoặc khơi xa đánh cá và các hải sản khác. Nhiều đảo ven bờ như Hòn Nẹ, Hòn Nôm, Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư, Hòn Mắt (Nghệ An), Hòn Chim (Hà Tĩnh) có vai trò lớn đối với ngư nghiệp.

Khí hậu nóng và ẩm tạo điều kiện cho các khu rừng nhiệt đới trong khu vực phát triển, sản ra các loại lim, gụ, sến, táu, lát hoa tốt nhất Đông Dương. Thú rừng đa dạng với voi, hổ, linh trưởng, gà lôi lam – nhất là ở phía tây Nghệ – Tĩnh.

Tài nguyên khoáng sản khá phong phú và đa dạng. Về kim loại có crômit Cổ Định (Thanh Hóa), thiếc ở Quỳ Hợp (Nghệ An), titan dạng sa khoáng ven biển Hà Tĩnh. Mỏ vàng xuất hiện ở hầu hết các tỉnh. Mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) cùng các khoáng sản khác như ăngtimoan, đồng, chì, mănggan, emênhít, than, phốt phát… tạo ra những triển vọng cho các ngành công nghiệp phát triển. Các khoáng sản phi kim loại – ngoài đá vôi, đá hoa, đá xây dựng còn đá quý với trữ lượng rubi khá lớn ở Quỳ Châu (Nghệ An).

Bình – Trị – Thiên là lãnh thổ duy nhất ở Việt Nam có những con đường ngắn nhất nối các đường hàng hải ở biển Đông với các tuyến giao thông thủy bộ của Đông Nam Á lục địa; đây là đầu cầu và những điểm gắn kết các đường quốc lộ nối liền các tỉnh miền Trung với Tây Nguyên, Lào, Campuchia và qua các nước này đến với Thái Lan và các nước Đông Nam Á. Sau khi có con đường giao lưu quốc tế nối liền con đường xuyên Á từ Thái Lan qua Lào đến Đông Hà theo quốc lộ 9 gặp quốc lộ 1, sức hút của nó đã giúp cho Quảng Bình thoát khỏi thế cô lập.

Với vùng núi đá vôi Kẻ Bàng phân bố trên một diện tích rộng chừng 10.000km2, địa hình phía tây Quảng Bình hầu như không có sông suối hay một mặt phẳng nào. Đây là khu vực 94% diện tích là rừng nguyên sinh, nhiều hang động đã được tìm thấy với độ dài hàng trăm kilômét. Có tới hơn 600 loài thực vật (lim, mun, huỳnh…) với những cây chò vài trăm tuổi, cây gùa đường kính 5m và cao tới 70m. Lại có tới trên 60 loài thú quý (voọc, gấu, hổ, sao la, mang lớn, gà lôi lam). Hàng năm khu vực này nhận được một lượng mưa tới 2.500 – 3.000mm, chảy ngầm vào khối núi theo những vết nứt nẻ, hòa tan đá vôi và đục ruỗng khối núi từ bên trong, tạo nên nhiều hang động ngầm nổi tiếng như động Phong Nha, hang Sơn Đoòng. Phía nam dãy núi đá vôi Kẻ Bàng là một vùng đồi núi thấp chạy từ biên giới Việt – Lào đến sát biển, khiến cho dải đồng bằng bị thu hẹp, đất đai thắt lại, bề ngang có chỗ chỉ còn chừng 47-50km tạo ra đoạn xung yếu nhất về mặt chiến lược vì các con đường khi vượt qua dốc Ba Rền, U Bò và Khe Ngang đều như dựng đứng trước các khối núi không rộng nhưng khá hiểm trở. Trong sơn phận Quảng Trị – Thừa Thiên, có nhiều khối núi đỉnh nhọn, sườn dốc (Voi Mẹp 1.701m, Động Ngài 1.774m, Núi Mang 1.708m) nằm phía sau Bạch Mã. Hai bên mạch núi có những dãy thấp hơn chạy song song, độ cao khi đến gần đồng bằng chỉ còn 300-400m.

Đồng bằng trong khu vực bao gồm các dải phù sa cổ, phù sa mới ven các thung lũng, đồng bằng các cửa sông và các trảng cát. Diện tích đất trồng lúa ở Quảng Bình bị thu hẹp dần do các cồn cát di động ven biển. Cồn cát thường kề bên mép nước biển, bở rời, bề mặt trơ trụi, quanh năm chịu tác động của gió thổi với tốc độ khá lớn nên chuyển dịch nhanh vào lục địa khiến cho nước nguồn ngày một cạn kiệt, cây trồng bị chết, nhiều làng mạc buộc phải di dời.

Đồng bằng Quảng Trị rất hẹp, kéo dài tới 66km ven biển, diện tích vào khoảng 5.000 ha. Đất trồng trọt ở địa phương chủ yếu dựa vào các đồi badan từ Cửa Tùng vào Gio Linh, Cam Lộ, Lao Bảo. Đồng bằng Thừa Thiên rộng chừng 9.000 ha do phù sa sông Hương bồi đắp và các đầm phá tạo nên, dài tới 70km, mở ra một vùng rộng tới 20.000 ha.

Dãy Trường Sơn Bắc đột ngột chấm dứt ở phía nam Thừa Thiên bằng một dải núi cao tới 1.000m đâm thẳng ra biển, kết thúc bằng bán đảo Sơn Trà nằm ở phía đông Hải Vân. Rừng ở đây kéo dài từ bờ biển Đông đến tận biên giới phía tây, phủ kín các đỉnh Bạch Mã (1.444m), Bà Nà (1.467m) bằng thảm thực vật rừng mưa nhiệt đới ẩm. Sản phẩm kinh tế quan trọng của các tỉnh có từ các hoạt động lâm, nông, ngư nghiệp (cao su, hồ tiêu, trầm hương, gỗ tròn, tôm cá)[1].

Tài nguyên khoáng sản của Bắc Trung Bộ cũng khá phong phú với đá vôi (Quảng Bình), đá hoa (Thừa Thiên), cao lanh, cát thủy tinh, sắt, pirít, ăngtimoan, nước khoáng (Quảng Trị).

Nhìn một cách tổng thể phạm vi toàn Liên khu IV, điều kiện tự nhiên và cấu tạo địa hình đã hình thành ba vùng chiến lược kinh tế và quốc phòng rất quan trọng như sau:

– Vùng rừng núi mà thế mạnh nhất là nông – lâm nghiệp, địa bàn hiểm yếu về quốc phòng, đã từng xuất hiện những căn cứ địa ở Sa Nam (Nam Đàn – Nghệ An), Lam Sơn (Thanh Hóa), Giăng Màn (Hương Khê – Hà Tĩnh), Thủy Ba, Cùa và đặc biệt là Ba Lòng (Quảng Trị) trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân địa phương[2].

– Vùng trung du bán sơn địa: địa thế rộng ở phía bắc, hẹp dần ở phía nam, có nhiều sông ngòi chia cắt, địa hình đồi núi xen kẽ thung lũng và ruộng bậc thang, giữ vai trò căn cứ hậu phương chiến lược và hậu phương chiến dịch cho các hướng chiến trường.

– Vùng đồng bằng và ven biển: dân cư đông đúc, tập trung nhân tài vật lực, đầu mối giao thông thủy bộ quan trọng, tuyến phòng thủ bờ biển chống tập kích chiến lược bằng không quân, hải quân và các cuộc đổ bộ bằng đường biển.

Vùng rừng núi sẽ trở thành bức tường thành ngăn cách sự thông thương giữa hai nước Việt – Lào nếu không có những đứt gãy tạo nên những đèo tương đối thấp như đèo Mụ Giạ ở cực nam dãy Giăng Màn có quốc lộ 15 nối Tân Ấp với Ba Na Phào (Lào); đèo Keo Nưa nối liền Long Đại sang thượng nguồn và thị trấn Xê Đôn; đèo Lao Bảo có quốc lộ 9 nối Thà Khẹc – Sê Pôn với Hướng Hóa, Khe Sanh, Cam Lộ, Đông Hà – những con đường ra biển ngắn nhất của Lào.

Chính vì những lẽ trên, mạng lưới giao thông của Liên khu IV có giá trị rất lớn đối với hoạt động kinh tế và quốc phòng. Tuyến đường sắt xuyên Việt chạy qua địa bàn dài 619km, mở ra 60 nhà ga lớn nhỏ, có nhiều đoạn băng qua hầm ở khu vực đèo núi hiểm trở Minh Cầm, Lệ Sơn (Quảng Bình). Quốc lộ số 1 chạy dọc ven biển và vùng đông dân cư, vượt qua các đèo cao như Đèo Ngang, Lý Hòa, Phước Tượng, Phú Gia và nhiều cầu phà nổi tiếng ở Hàm Rồng, Bến Thủy, Quán Hàu và sông Gianh. Đường số 217 từ Đồng Tâm (Thanh Hóa) tới Na Mèo nối với Bắc Lào. Đường số 7 từ ngã ba Diễn Châu (Nghệ An) lên Nặm Cắn sang đường số 13. Đường số 8 từ ngã ba Bãi Vọt qua Hương Sơn (Hà Tĩnh) lên Na Pê – Lạc Sao. Đường 12 từ Thanh Lạng (Tuyên Hóa) vươn tới Cổng Trời lên Ba Na Phào bên Lào. Cảng biển Đà Nẵng nằm ở phía nam Liên khu IV. Con đường chiến lược số 14 nối liền quốc lộ 1, cách Huế về phía nam khoảng 20km, xuyên qua phía tây Quảng Nam chạy thẳng lên Tây Nguyên.

Liên khu IV có hàng chục hệ thống sông lớn nhỏ, độ khoáng nghèo, hàm lượng các chất hữu cơ không lớn, ít biến đổi theo thời gian.

Hệ thống sông Mã chảy trên địa bàn Thanh Hóa 242km, tạo ra một lưu vực rộng tới 9.000km2, có các phụ lưu như sông Chu, sông Bưởi, sông Luồng, sông Âm và sông Lò. Tới châu thổ, sông Mã chia làm ba chi lưu để đổ ra biển: sông Lèn ở Cửa Sung (Hà Trung), sông Lạch Trường ở cửa cùng tên và sông Lạch Triều ở Cửa Hới (Hậu Lộc).

Hệ thống kênh nhà Lê được đào từ thế kỷ thứ X, nối liền sông Mã, sông Chu với nhiều sông khác, trước kia là mạng đường thủy quan trọng ở địa phương và nghề nông.

Hệ thống sông Cả có tới 152 sông suối đổ vào, các chi lưu chính là sông Hiếu, Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Ngàn Trươi, Hoàng Mai. Dòng chính sông Cả – còn gọi là sông Lam do hai nguồn Nậm Nơn và Nậm Mô hợp thành. Từ Cửa Rào đổ xuống, thung lũng sông mở rộng, lòng sông nằm trong lòng máng cũ, khiến cho cửa sông vừa sâu vừa rộng.

Sông ngòi ở Quảng Bình vừa ngắn và dốc do hàng trăm suối ngòi tạo nên các sông Ròn, sông Gianh, sông Lý Hòa, sông Dinh và sông Nhật Lệ… đi lại chỉ thuận tiện ở phía hạ lưu.

Quảng Trị có ba hệ thống sông phân bố đều từ bắc vào nam: sông Hiền Lương, sông Thạch Hãn và sông Ô Lâu. Các sông ở Thừa Thiên Huế đều ngắn, chỉ thuận tiện cho việc thông thương trong tỉnh, trong vùng và đáng kể hơn cả là sông Hương.

Hệ thống sông ngòi của Liên khu IV tuy dày đặc nhưng ngắn. Có tới 200 sông suối dài trên 10 km, độ dốc lớn, nhiều thác ghềnh. Xàlan và tàu nhỏ trọng tải 50-70 tấn vào sâu trên sông Lam 70 km, sông Mã 89 km, sông Gianh 62 km, sông Nhật Lệ 42 km, sông Thạch Hãn 20 km, sông Hương 34 km.

Bờ biển Liên khu IV có nhiều đầm phá, cửa biển đóng vai trò đầu mối giao thông. Vùng biển do chịu ảnh hưởng trực tiếp của hệ thống hoàn lưu xoáy thuận của dòng chảy nước mặt vịnh Bắc Bộ nên luôn tồn tại dòng vận chuyển ven bờ từ bắc xuống nam. Tỉnh nào trong liên khu cũng có biển, vì vậy sự tương tác giữa biển và lục địa thể hiện khá rõ trong khí hậu, chế độ thủy văn, điều kiện sinh thái. Mùa nóng ở đây nắng gay gắt cùng với gió tây hanh khô. Mùa lạnh thường bị rét đậm kèm theo mưa dầm. Các á miền khí hậu Bình – Trị – Thiên và Thanh – Nghệ – Tĩnh là hệ quả của sự phân hóa sâu sắc về địa hình. Trong khi các tỉnh phía bắc chế độ mưa lũ từ tháng 5 tháng 6 đến tháng 10 tháng 11 thì các tỉnh phía nam từ tháng 8 tháng 9 kéo dài tới tháng 11 tháng 12. Nắng lắm, mưa nhiều, nền nhiệt cao đã gây ra muôn vàn khó khăn cho các hoạt động kinh tế – quốc phòng.

Trải dài từ 16010 – 20030 vĩ bắc, 103050 – 108010 kinh đông, Liên khu IV có vị trí chiến lược quan trọng. Điều kiện tự nhiên, địa hình phức tạp, núi rừng hiểm trở tạo nên thế thiên hiểm trong phòng thủ. Núi non đồ sộ, sông ngòi nhiều mà ngắn, dốc tạo ra thế chia cắt chiến trường bất lợi cho cả đôi bên. Điều kiện khí hậu cũng góp phần không nhỏ và sự thành bại cho cả những tính toán trước mắt và lâu dài. Nếu toàn bộ miền Trung được ví như cái đòn gánh, gánh hai đầu hai thúng gạo Bắc Bộ và Nam Bộ thì Liên khu IV là nửa cái đòn gánh ấy, hai đầu quan hệ khăng khít với Liên khu III và Liên khu V – mà ở đó có Huế là trung tâm, Quảng Trị nắm giữ giao thông huyết mạnh của Đông Dương, Quảng Bình là bình phong án ngữ cổ họng bắc – nam, còn Thanh – Nghệ – Tĩnh có đường 6 góc xiên; đường 7, đường 8 và đường 12 thẳng đứng từ Lào về.

Sự phân hóa cao từ bắc vào nam, từ đông sang tây của tự nhiên Liên khu IV thể hiện rõ nét trong điều kiện địa chất, địa hình; sự chia cắt của các hoành sơn, tiền đề của việc hình thành các vùng tự nhiên kinh tế. Mặt khác, sự phân hóa đông tây gắn liền với hiện trạng địa hình cao dần từ ven biển qua đồng bằng lên vùng đồi núi và núi cao ở miền tây, giống như mái nhà nghiêng về biển Đông gần trùng đường ranh giới với Lào, làm ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ thủy văn, đến hệ thống sông ngắn chảy từ tây qua đông, sự phân bố các loại đất, các hệ thực vật, các hệ sinh thái.

Lịch sử và quá trình khai phá đất đai trong vùng đã tạo cho cư dân ở đây có nhiều nét riêng biệt so với các dân cư các khu vực khác. Tỉnh nào cũng có đồng bào dân tộc thiểu số mặc dù người Kinh vẫn chiếm tỷ lệ trên 90%. Thanh Hóa có dân tộc Thái, Mường, Dao, Thổ, Lào; Nghệ – Tĩnh có Thái, Mông, Khơ Mú; Ơ Đu; Bình – Trị – Thiên có Bru, Vân Kiều, Cà Tu, Tà Vi, Chứt.

Đặc điểm chung của các cư dân sống ở Liên khu IV là phong phú về sắc tộc, phân bố quần cư; đa dạng về tập quán canh tác, truyền thống văn hóa và trình độ văn minh. Sau người Kinh, là người Mường ở Thanh Hóa, người Thái ở Thanh – Nghệ và người Bru – Vân Kiều ở Bình – Trị – Thiên. Dân tộc ít người nhất, kể cả đối với toàn quốc là dân tộc Ơ Đu, cư trú ở huyện Tương Dương (Nghệ An).

Những kết quả nghiên cứu cho thấy các dân tộc đang sinh sống và cư trú ở đây có trình độ văn minh không giống nhau. Có những dân tộc ngày nay không thua kém người Kinh như Mường, Thái ở Thanh – Nghệ, trong khi có một số dân tộc đang sống trong tình trạng lạc hậu như người Chứt với nhóm người Rục ở Quảng Bình, vẫn còn cư ngụ dưới các mái đá tự nhiên và dùng vỏ cây làm khố để che thân và đang có nguy cơ bị xóa sổ nếu Nhà nước không sớm có chính sách thích hợp.

Mỗi dân tộc thiểu số đều có bản sắc văn hóa độc đáo góp phần tạo cho cộng đồng các dân tộc một cuộc sống phong phú và đa dạng. Họ đều cần cù lao động, có tinh thần yêu nước, đoàn kết và anh dũng chống giặc ngoại xâm.

Từ xa xưa trong lịch sử, nhân dân Liên khu IV đã rèn đúc cho mình một ý chí kiên cường bất khuất, quên mình, xả thân vì nghĩa lớn. Mảnh đất này luôn luôn là điểm tựa, nơi cung cấp nhân tài, vật lực cho các cuộc nổi dậy, các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Triệu Thị Trinh đã dùng núi Nưa (Thanh Hóa) làm căn cứ dụng binh. Mai Thúc Loan lập đại bản doanh ở Vệ Sơn, đắp lũy, xây thành Vạn An (Nam Đàn) dọc theo sông Lam để làm hậu cứ tấn công ra Bắc, đánh chiếm Tống Bình (Hà Nội), tự xưng là Mai Hắc Đế. Trong những năm đầu của sự nghiệp khôi phục lại nền độc lập cho đất nước, vùng Thanh – Nghệ đã trở thành hậu cứ để Ngô Quyền tiến ra Bạch Đằng đánh tan đội quân Nam Hán. Từ đây trở đi, cả khu vực Ái Châu, Hoan Châu trở thành trọng trấn của quốc gia, kho dự trữ về người và của cho sự nghiệp giữ nước và dựng nước lâu dài.

Trong thế kỷ XIII, đứng trước cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên của dân tộc, Thanh – Nghệ – Tĩnh đã trở thành hậu phương lớn, chặn đánh Toa Đô. Danh tướng Hoàng Tá Thốn đã lập nhiều công trạng.

Đầu thế kỷ XV, các thủ lĩnh Đặng Dung – Nguyễn Cảnh Chân cùng con cháu nhà Trần tổ chức cuộc kháng chiến chống lại nhà Minh, chọn La Sơn (Hà Tĩnh) làm căn cứ. Năm 1418, Lê Lợi – Nguyễn Trãi dựng cờ khởi nghĩa tại Lam Sơn (Thanh Hóa), trải 10 năm nếm mật nằm gai đã làm nên trận Bồ Đằng như sấm vang chớp giật, trần Trà Lân như trúc chẻ tre tan rồi kéo quân ra Bắc, làm nên chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang lịch sử, quét sạch quân Minh ra khỏi bờ cõi, giành lại độc lập cho đất nước.

Bước sang thế kỷ XVIII, người anh hùng áo vải cờ đào là Quang Trung trên đường tiến ra Thăng Long, khi đi qua Nghệ – Tĩnh nhận được sự hưởng ứng của nhiều sĩ phu như Nguyễn Thiếp, Phan Huy Ích và các võ tướng Dương Văn Tào, Hồ Phi Chấn. Bằng con mắt của nhà quân sự biệt tài, Nguyễn Huệ đã cho xây dựng dưới chân núi Quyết và Kỳ Lân tòa Phượng hoàng trung đô vật chứng đầu tiên cho một quốc đô sau này.

Sau khi kết thúc một bước cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đặt Trung Kỳ nằm trong chế độ bảo hộ, bộ máy cai trị mang tính chất song hành hoặc lưỡng thể. Theo đó, triều đình Huế trên cũng có vua, dưới là các tổ chức quan lại phụ tá như Hội đồng phụ chính, Viện cơ mật, Lục bộ (năm 1939 khi Bảo Đại ở Pháp về cải tổ thành bảy bộ: Lại, Tài chính, Hình, Lễ, Binh, Công, Hộ), Viện Đô sát, Phủ Tôn nhân, còn hệ thống cai trị của Pháp có Khâm sứ với các cơ quan công sở giúp việc về thương mại, canh nông, giáo dục, giao thông…

Đối với cấp tỉnh thì đứng đầu tỉnh lớn (Thanh Hóa, Nghệ An) có Tổng đốc phụ trách chung, Bố chánhphụ trách việc hộ thuế khóa, án sát đặc trách việc hình tư pháp. Đứng đầu tỉnh vừa (Hà Tĩnh) có Tuần vũ (còn gọi là Tuần phủ), Bố cánh, án sát. Tỉnh nhỏ như Quảng Trị, Quảng Bình có Tuần vũ, án sát.Riêng tỉnh Thừa Thiên lại là Phủ Doãn, Phủ Thừa.

Thực dân Pháp đã thực hiện một chính sách vơ vét, bóc lột triệt để các địa phương nằm trong chế độ bảo hộ. Thanh Hóa là một tỉnh đất rộng người đông, giàu tài nguyên nên quy mô và tốc độ khai thác lớn hơn. Từ 1896 đến 1925, chúng đã cho xây đập Bái Thượng trên sông Chu với 110km kênh chính và phụ, 2.625km chi giang và tiểu câu để tưới cho 5 vạn hécta ruộng thuộc vùng sông Chu, sông Mã. Hàng năm, chúng thu hàng vạn tấn gạo cho quân đội, xuất khẩu; tước đoạt 24.000 ha ruộng để lập đồn điền và sân bay. Dựa vào thế thực dân, nhiều địa chủ chiếm đoạt ruộng đất lập ra các ấp trại ở Đông Sơn, Nông Cống, Quảng Xương. Người Pháp độc chiếm khai thác 35 khu mỏ: kẽm Quan Hóa, Như Xuân; crômit ở Cổ Định (1909), đồng Lương Sơn, chì Điền Lư (1911), phốt phát Vĩnh Lộc, Hà Trung; sắt ở Đông Sơn, Quảng Xương (1926). Để phục vụ cho việc khai thác kể trên, chúng xây dựng cầu Hàm Rồng (1901), rồi mở các tuyến đường từ thị xã đi Hồi Xuân (Quan Hóa), Kim Tân (Thạch Thành), Chợ Châu (Ngọc Lặc), Bái Thượng (Thọ Xuân), Chuối (Nông Cống), Cầu Kênh (Nga Sơn), Chợ Phủ (Hậu Lộc) và thị trấn Sầm Sơn[3].

Ở Nghệ An, chỉ riêng ở Nghĩa Đàn, tính đến năm 1923, thực dân Pháp đã cướp 15.498 ha lập nên 10 đồn điền (Wante, Lapique, Santa, Marauthet, Chaste, Brunete, Maicain, Galiet, Matton, Thoma).

Đối với Hà Tĩnh, thực dân Pháp cũng cướp đoạt nhiều ruộng đất để lập nên 19 đồn điền như Sông Con của Feray, Hà Tân – Hà Thượng của Bordet, Voi Bổ của Hội nông nghiệp Bắc Trung Kỳ (SANA – Société agricole du Nord – Annam) ở Hương Sơn, và đồn điền ở Kỳ Anh của Coudoux, có tên như Sizét chiếm tới 300 mẫu đất ven biển Nghi Xuân trồng phi lao thu lợi. Các đồn điền khác chủ yếu trồng cà phê, lúa, ngô, khoai, vừng, đậu, chè. Bọn địa chủ chiếm đoạt ruộng đất của nông dân khá nhiều. Riêng Cẩm Xuyên có tới 139 địa chủ sở hữu 3.386 ha ruộng đất. Ở Đức Thọ, Hoàng Cao Khải, Lê Văn Khuê cướp nhiều ruộng đất để xây dinh thự hoặc lập ra làng riêng[4].

Thực dân Pháp chỉ có một số đồn điền nhỏ ở Quảng Bình. Riêng Quảng Trị, chúng cướp tới 6.878 ha chia thành 10 đồn điền (Laran, Lerca, Raunce, Poi land) để trồng cây công nghiệp và chăn nuôi dọc theo đường số 9 – Hướng Hóa. Một mình Loisy chiếm 250 mẫu ruộng và 300 mẫu đất ở Vĩnh Linh. Nhiều quan lại người Việt, như Nguyễn Hữu Bài ỷ thế dựa vào Pháp chiến cả một vùng rừng núi từ nam sông Thạch Hãn đến sông Ô Lâu để thu thuế lâm thổ sản. Vua Bảo Đại cũng chiếm một vùng rất rộng ở phía tây Quảng Trị, từ Bờ bắc sông Thạch Hãn đến Đông Hà – Cam Lộ dùng làm nơi săn bắn. Hàng năm người dân trong vùng phải bỏ ra từ 10 – 15 ngày công làm đường ô tô, chặt cây rừng, phạt cỏ tranh để ông vua này săn bắn[5].

Trong khi ấy, thực dân Pháp không chú tọng nhiều đến việc mở mang công kỹ nghệ ở khu vực Bắc Trung Bộ mặc dù đây là khu vực giầu khoáng sản, sẵn nhân công. Tại Thanh Hóa, chỉ có nhà máy xẻ gỗ và diêm ở Hàm Rồng thu hút 500 công nhân. Năm 1927 nhà tư sản Hoàng Văn Ngọc mở nhà máy đèn thành phố Thanh Hóa với 2 máy phát điện. Các thị xã Hà Tĩnh, Đồng Hới, Quảng Trị cũng chỉ có nhà máy đèn, nhà máy nước và ở Huế có thêm xưởng vôi Long Thọ. Công ty kỹ nghệ và thương mại Trung Kỳ (SICA) lập năm 1907 có nhà máy nấu cất rượu ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên.

Người Pháp tập trung đầu tư nhiều vào thành phố Vinh (Nghệ An), không chỉ ở chỗ Vinh trở thành thành phố cấp III sớm nhất trong khu vực (10-12-1927) so với thành phố Thanh Hóa (31-5-1929), thành phố Huế (12-12-1929) mà còn vì những tiện ích do vị thế và điều kiện địa lý đem lại.

Thành phố Vinh nằm bên sông Lam, có quốc lộ số 1 và đường sắt xuyên Việt chạy qua, các thành phố Thanh Hóa 138km về phía bắc và thị xã Hà Tĩnh 49km về phía nam. Năm 1898, Vinh chỉ là một thị xã nhỏ bé thành lập theo đạo dụ của Thành Thái, gồm khu vực thành cổ Nghệ An và khu phố dân cư ngoài Cửa Nam. Vào các năm 1914 và 1917, bên cạnh nó có thêm thị xã Bến Thủy và thị xã Trường Thi.

Ngày 10-12-1927, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định hợp nhất ba thị xã trên, lập ra thành phố Vinh – Bến Thủy với diện tích 20km2 gồm 10 phố bao gồm 19.811 người (18.960 người Việt, 340 người Pháp, 492 người Hoa, 21 người Ấn)[6] do Công sứ Nghệ An kiêm chức Đốc lý thành phố quản lý. Để chuẩn bị cho sự ra đời của trung tâm lớn nhất Bắc Trung Kỳ này, ngay năm 1893 thực dân Pháp cho làm đường Vinh – Cử Rào – Trấn Ninh; năm 1913 làm đường Vinh – Cưa Hội – Cửa Lò. Từ năm 1917, giới tư bản Pháp đã dự tính: “Vinh – Bến Thủy sẽ là một thành phố có nhiều triển vọng. Đây là cái chìa khóa của xứ Lào vì có hai con đường chính nối liền Lào với Bến Thủy: đường Vinh đi sang Trấn Ninh qua Cửa Rào, đường Vinh sang Mê Công qua Khăm Muộn là tỉnh giàu có của xứ Lào. Sau này có thêm con đường thứ ba mở vào phía nam đèo Mụ Giạ qua Lào và lưu vực sông Sê Ban Phai – Lào là một xứ nuôi gia súc đặc biệt”[7]. “Bến Thủy có đầy đủ đường giao thông các mặt và tất cả đều thông về cảng. Hai tỉnh quan trọng này có trên một triệu rưỡi dân cũng ở tập trung xung quanh đây. Ngoài ra hai tỉnh của xứ Lào là Khăm Muộn và Trấn Ninh cũng dùng cảng Bến Thủy làm nơi giao xuất hàng hóa cuối cùng. Trước hết, chúng ta cần phải xem xét những sản vật sẵn có ở đây để xuất cảng như than đá, kẽm, chì, gỗ và các thứ lâm sản khác như cà phê, cam, chè, quả cây, gạo, ngô và da súc vật”.

Chính vì lẽ đó, từ năm 1918, kênh Sắt – Thanh Hóa được nạo vét, cảng Bến Thủy mở rộng để mỗi năm có thể thu hút được trên 350 tàu Pháp, Nhật, Mã Lai, Ấn Độ, Trung Quốc ra vào ăn hàng.

Tính đến năm 1926, thành phố có hàng chục nhà máy lớn nhỏ, đáng kể nhất là Nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi thu hút trên 1.000 công nhân; Nhà máy ôtô Samanal (300 công nhân), Nhà máy rượu Vinh (300 công nhân); Nhà máy cưa Bến Thủy (300 công nhân), Nhà máy cưa Thái Hợp (120 công nhân).

Tập đoàn tư bản có thế lực nhất là SFAI (Société Forestière et des Allumette de L’Indochine – Công ty rừng và diêm Đông Dương) vừa sản xuất diêm, khai thác gỗ và các lâm sản quý để xuất khẩu, vừa kinh doanh hàng nhập khẩu, mở đồn điền Phủ Quỳ (1.500 tá điền và công nhân). Công ty này thành lập năm 1904, đặt trụ sở ở Bến Thủy, có Nhà máy diêm ở Bến Thủy (750 công nhân), Nhà máy điện ở Vinh, số vốn tăng từ 1,6 triệu frăng (1904) lên 2,276 triệu (1922); 4,552 triệu (1924) và 9,104 triệu (1925).

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có tới sáu công ty thương mại lớn của Pháp ở Đông Dương như Công ty Bắc Kỳ và Bắc Trung Kỳ, Liên hiệp thương mại Đông Dương và 27 hãng buôn lớn khác có trụ sở, chi điếm ở Vinh – Bến Thủy. Tư bản Hoa, Ấn nắm giữ nhiều ngành công nghệ và thương mại. Tại Cửa Rào, Công ty Logiou bao thầu toàn bộ việc buôn bán các thứ hàng xuất nhập khẩu về vải sợi, gia súc.

Thành phố Vinh – Bến Thủy còn được coi là một trung tâm để quảng bá nền văn minh phương Tây tại khu vực Bắc Trung Kỳ. Năm 1912, Trường cao đẳng tiểu học hệ Pháp – Việt, tức trường Quốc học Vinh được thành lập để thu nhận học sinh bốn tỉnh Thanh – Nghệ – Tĩnh – Bình. Về cấp tiểu học mở thêm hai trường Cao Xuân Dục và Nguyễn Trường Tộ.

Đối với thành phố Huế, vị trí và vai trò lại hoàn toàn khác, trước hết vì đây vừa là thủ đô của nền quân chủ phong kiến nhà Nguyễn, vừa là căn cứ chỉ đạo chính trị của thực dân Pháp về mọi lĩnh vực ở Trung Kỳ bên cạnh vị thế trung tâm chính trị và kinh tế của Thừa Thiên. Trải qua các triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị (1802-1847), Huế thực sự hưng thịnh với thành quách, cung điện, dinh thự, lăng tẩm nguy nga. Cuối triều Tự Đức, trải qua tình trạng tứ nguyệt tam vương và các Hòa ước Harmand (1883), Hòa ước Patenotre (1884), Huế mất dần danh nghĩa trung tâm chính trị, do bị chia sẻ cho Sài Gòn và Hà Nội, nhưng vẫn giữ vai trò kinh đô của nhà Nguyễn, nơi đặt tòa Khâm sứ Trung Kỳ và Sở mật thám của Pháp. Ngoài bốn nhà lao Hộ Thành, Thừa Phủ, Mang Cá (cơ quan phòng nhì Pháp) và Tòa Khâm, thực dân Pháp còn lập thêm hai ăng an trí La Hi và Phú Bài; ba trại tập trung và quản thúc ở Phong Điền, Phú Lộc và Quảng Điền.

Tháng 10-1896, Quốc gia học đường tức trường Quốc học Huế được thành lập trên nền của dinh Thủy sư xưa. Đến năm 1914, trường được xây dựng bằng gạch ngói kiên cố và từ năm 1936 có tên gọi là Collège Khải Định; rồi Lycée Khải Định. Lúc đầu, muốn vào học phải là các hoàng tử, con hoàng thân quốc thích, học sinh Quốc tử giám, các vị tân khoa, tiến sĩ, phó bảng) chuẩn bị ra làm quan như Tôn Thất Quảng, Hồ Đắc Hàm, Đào Nguyên Phổ, Phạm Liệu, Nguyễn Đình Hiến… Đến niên khóa 1936-1937 ban Cao đẳng tiểu học chuyển thành trường Trung học Khải Định (Lycée Khải Định) có đủ hai ban tú tài I và tú tài II cho cả Trung Kỳ, ngoài các giáo sư người Pháp còn quy tụ được nhiều giáo sư trung học ở Pháp về danh tiếng sánh ngang trường Bưởi ở Hà Nội và trường Pétrus Ký Sài Gòn: Phạm Đình Ái, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Dương Đôn, Nguyễn Thiện lâu, Nguyễn Huy Bảo…

Liên khu IV là nơi có đông đảo đồng bào theo đạo Thiên Chúa sinh sống. Thành phố Huế còn là một trong những trung tâm của đạo Thiên chúa. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở Liên khu IV đã có nhiều đóng góp, cùng quân và dân Liên khu đánh thắng âm mưu chia rẽ lương giáo của địch, không để một số phần tử bị thực dân Pháp mua chuộc đội lốt tôn giáo kích động chống lại sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc.

Dưới chế độ thuộc địa, cùng với những biến đổi về kinh tế – văn hóa, các mối quan hệ xã hội ở Liên khu IV cũng có nhiều chuyển dịch. Đã xuất hiện thêm những nông dân bị bần cùng hóa, phụ thuộc nhiều vào giai cấp địa chủ đang tăng dần với sự bao che dung dưỡng của chính quyền Pháp, của nhà thờ đạo Thiên Chúa. Trong khu vực đồng bằng và lưu vực các con sông Lớn, dân cư tập trung với một mật độ khá cao, nhất là ở Thanh – Nghệ – Tĩnh không thua kém gì châu thổ đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ. Từ Bình – Trị – Thiên trở vào, trừ một vài huyện Quảng Trạch, Lệ Thủy (Quảng Bình), Phú Vang, Quảng Điền, Hương Trà (Thừa Thiên), còn lại dân cư thưa thớt như khu vực rừng núi phía tây Thanh – Nghệ – Tĩnh.

Quen sống trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt nên người dân Liên khu IV không sợ gian khó, bất khuất trung kiên, năng động sáng tạo. Hạn hán, bão tố, ngập lụt có thể tàn phá xóm làng, cướp đi các thành quả lao động, nhưng không thể làm cho họ rời xa ruộng đồng, làng mạc. Ở vùng núi, các dân tộc luôn gắn mình với nương rẫy dù là người Tà Ôi ở Hướng Hóa, người Pa Cô và Cơ Tu ở A Lưới hay Bru – Vân Kiều ở Gio Linh, Cam Lộ.

Giai cấp địa chủ ở Liên khu IV tuy có thế lực ở địa phương nhưng không thuộc loại giàu có. Ở miền núi phía tây, nhất là Thanh – Nghệ, chế độ lang đạo phìa tạo còn tồn tại trong xã hội người Mường, người Thái, nhưng cũng rất ít người trở thành địa chủ, phú nông. Có thể một vài nơi vẫn còn hình thức bóc lột theo lối phục dịch hoặc cống nạp. Một số xã thuộc Nghĩa Đàn, Con Cuông (Nghệ An), Ngọc Lặc, Như Xuân (Thanh Hóa) lang đạo đã biết đến hình thức bóc lột tô, nhưng không phổ biến. Theo Y.Henry trong Economie agricole de l’Indochine (Kinh tế nông nghiệp Đông Dương) thì tình hình dân số, mật độ dân số, diện tích ruộng đất và sở hữu ruộng đất vào năm 1931 ở Liên khu IV như sau:

TỉnhLoại Thanh Hóa Nghệ An Hà Tĩnh Quảng Bình Quảng Trị Thừa Thiên
Dân số (người) 850.000 619.000 397.000 191.000 137.000 254.000
Mật độ (người/km2) 85 38 65 23 29 54
Diện tích ruộng đấttính theo đầu người 145.000 ha0,168 ha 89.500 ha0,144 ha 61.000 ha0,153 ha 40.000 ha0,209 ha 25.000 ha0,182 ha 33.200 ha0,130 ha
Số chủ đất sở hữu 0-1 mẫu1-5 mẫu

5010 mẫu

10-50 mẫu

50-100 mẫu

Trên 100 mẫu

104.38817.050

7.682

1.918

63

4

74.65021.676

4.356

1.082

90

8

46.92419.035

4.462

1.070

20

6

21.5915.872

965

134

 

12.0604.442

661

186

2

2

18.5714.100

843

263

11

Chủ đất trực tiếp canh tácChủ đất làm với tá điền 152.609

9.027

94.170

8.316

67.468

4.284

27.020

1.577

17.141

167

21.869

2.138

Theo số liệu trên, dân số toàn Liên khu IV vào năm 1931 vào khoảng 2,456 triệu người (theo Thống kê hàng năm Đông Dương, năm 1936 toàn Liên khu IV có 2,687 triệu người) – tức là chỉ hơn dân số Nghệ An vào thời điểm 1-4-1999 (2,258 triệu) và thua xa Thanh Hóa cùng thời điểm này (3,467 triệu).

Về vấn đề chủ sở hữu ruộng đất cho thấy có từ 92,2% (Hà Tĩnh) đến 96% (Quảng Bình) số hộ có dưới 5 mẫu ruộng, trong khi tỷ lệ này ở Nam Bộ là 71%. Số chủ đất trực tiếp canh tác trong toàn liên khu cũng tương đương với số liệu trên (94%).

Như vậy là vùng đất Liên khu IV vốn khắc nghiệt bởi điều kiện tự nhiên nhưng nhờ bàn tay và khối óc của con người đã thay đổi hoàn toàn. Núi cao, rừng thẳm, sông sâu đã trở thành thế thiên hiểm vô cùng lợi hại trong cuộc chiến tranh chống xâm lăng. Cả một vùng biên giới dài 1.162 km giữa Liên khu IV với Lào đã phát huy vị thế chiến lược của mình khi phong trào cách mạng hai nước nương tựa, giúp đỡ lẫn nhau và chính thực dân Pháp cũng lợi dụng thế hiểm yếu đó phá hoại sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Lào – Việt.

Nhưng thiên nhiên chỉ là một yếu tố tạo nên vị thế chiến lược của Liên khu IV. Sự góp mặt của con người do trí tuệ, công sức và máu xương của tất cả các thế hệ, các giai tầng xã hội mới thật sự đem lại giá trị lớn lao cho vị thế chiến lược của liên khu.

Lịch sử đã chứng minh điều đó. Đây là vùng đất mà con người đã từng sáng tạo ra nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng, xây dựng một truyền thống hiếu học hiếm có, sản sinh được một đội ngũ nhân tài, là nơi tích lũy nguồn nhân lực – chiến binh dồi dào. Nếu lòng yêu nước tha thiết đã tạo ra nhiều anh hùng dân tộc thì mặt bằng học vấn cao đã sản sinh ra Lê Văn Hưu, Nguyễn Du cùng bao nhân tài khác. Ngay dưới thời Pháp thuộc, vùng đất này đã xuất hiện những nhà cách mạng kiệt xuất Phan Bội Châu. Hai trường quốc học Huế và Vinh trở thành những lò đào tạo nhân tài không chỉ cho các lĩnh vực mà còn cung cấp cho cách mạng nhiều chiến sĩ cộng sản kiên cường. Nguồn tài nguyên nhân lực – trí tuệ thực sự quý báu đó mới chính là nhân tố tạo nên vị thế chiến lược đặc biệt. Nó còn được tạo ra ngay trong lòng Hoàng tộc nhà Nguyễn với Hàm Nghi dám đứng dậy làm vụ biến ở kinh thành, với Thành Thái giàu ý thức dân tộc tự chủ và Duy Tân sẵn sàng đi với quần chúng để khôi phục chủ quyền quốc gia. Ngay cả giáo dân như Nguyễn Trường Tộ, con rể bậc đại thần như Nguyễn Lộ Trạch, quan lại cao cấp như Tôn Thất Thuyết cũng không quên tìm tòi kế sách để cho đất nước mau chóng tự cường.

Các yếu tố thiên nhiên – con người đã đan quyện với nhau làm ra vị thế chiến lược của Liên khu IV, tạo nên một thể kinh tế – xã hội – quân sự thống nhất. Nó đã phát huy cao độ vai trò, vị trí này trong tất cả các giai đoạn cách mạng của dân tộc. Đó là một tài sản hết sức quý giá, cần được nhân lên và phát huy. Vị thế chiến lược quan trọng nhất, tài nguyên đáng giá nhất ở đây vẫn là tài nguyên nhân lực, tài nguyên chất xám để cả khu vực cùng tiến công vào đói nghèo vào thiên nhiên khắc nghiệt. Đó cũng là nguyên nhân cho mọi thắng lợi mà địa phương đã giành được trong suốt mấy chục năm dài đấu tranh cách mạng và đưa sự nghiệp kháng chiến đến bờ của thắng lợi và vinh quang.

Đứng trước sự đầu hàng của triều đình Huế thừa nhận sự cai trị của thực dân Pháp ở Nam Kỳ, mở một số cửa biển và sông Hồng cho chúng thông thương, tăng quyền hạn cho Giáo hội, cột chặt công việc ngoại giao vào nước Pháp, ngay từ năm 1874, nhân dân Nghệ An đã cùng Trần Tấn – Đặng Như Mai nung nấu ý chí “phen này quyết đánh cả triều lẫn Tây” để bảo vệ sự vẹn toàn nền độc lập dân tộc, tác động mạnh mẽ đến Tôn Thất Thuyết (hoàng tộc), Trần Xuân Soạn (Thanh Hóa), làm nên Vụ biến Kinh thành, tận dụng thế hiểm yếu của rừng núi Quản Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh để xây dựng sơn phòng và hậu cứ cho cuộc kháng chiến dài lâu.

Sau khi Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương (7-1885), nhân dân đã đứng lên hưởng ứng, chiến đấu dưới ngọn cờ của Trương Đình Hội, Nguyễn Tự Như (Quảng Trị), Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân (Quảng Bình), Phan Đình Phùng, Lê Ninh, Cao Thắng (Hà Tĩnh), Nguyên Xuân Ôn, Lê Doãn Nhạ (Nghệ An), Phạm Bành, Đinh Công Tráng, Tống Duy Tân, Cao Điển (Thanh Hóa).

Với những cuộc khởi nghĩa ban đầu và nhất là trong tháng 10 năm nhân dân đứng dậy giúp vua đánh giặc, vị thế chiến lược của địa phương đã được phát huy cao độ. Rừng núi hiểm trở thành nơi chủ động tiến lui để câu nhử đối phương vào đất chết. Làng mạc Ba Đình nơi đồng chiêm trũng Nga Sơn (Thanh Hóa) cũng là cứ điểm gần như bất khả xâm phạm. Trước tấm lòng yêu nước của vua tôi, nhân dân không tiếc thân mình, nguyện dâng xương máu để đuổi ngoại xâm, giành lại quê hương đất nước. Nhưng rõ ràng các văn thân và sĩ phu đã cảm nhận được những khó khăn khi phải đối diện trước một phương Tây hiện đại. Vì thế, đến đầu thế kỷ XX, qua sự kiện Nga thất bại bởi Nhật Bản hùng cường, nhiều sĩ phu yêu nước đã hướng về đất nước đồng văn, đồng chủng với hy vọng sẽ đạt được sở nguyện cầu học và cầu viện nhanh chóng khôi phục lại quốc gia.

Tiêu biểu cho xu hướng duy tân đổi mới lúc này là Phan Bội Châu – con người nổi tiếng khắp vùng Nghệ – Tĩnh vì thuở tráng niên tài cao học giỏi, giàu lòng yêu nước, ghét Pháp, lại sớm được tiếp xúc với Tân báo, Tân thư. Bắt tay vào xây dựng một phương thức cứu nước mới, chí sĩ đã vạch ra kế hoạch liên kết dư đảng Cần vương và tráng kiện ở chốn sơn lâm xướng khởi nghĩa binh đánh giặc. Từ phương thức tập hợp đồng chí, xây dựng tổ chức, khích lệ lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc, hướng tới học tập nước Nhật đã đưa Phan Bội Châu tới việc thành lập Duy tân hội (1904), tạo ra phong trào Đông Du chuẩn bị lực lượng cán bộ cho công cuộc chấn hưng dân khí, mở mang dân trí và xúc tiến bạo động đánh đuổi thực dân Pháp. Nó đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của mọi tầng lớp, nhất là thanh niên. Năm 1908, thực dân Pháp đàm phán và ký kết với chính phủ Nhật Bản hiệp ước trục xuất lưu học sinh Việt Nam, phong trào Đông Du bị dập tắt. Con đường cứu nước dựa vào sự giúp đỡ của nước ngoài đã thất bại bởi lẽ Nhật Bản cũng như những đế quốc khác, “tất thảy giàu về phần dã tâm mà nghèo về phần nghĩa hiệp”[8]. Các hành động tạm thời dung nạp đó chỉ vì lúc đầu Nhật Bản muốn thực hiện mưu đồ cạnh tranh với Pháp mà thôi.

Không cam chịu thất bại, năm 1912 Phan Bội Châu lại cùng các đồng chí của mình lập ra Việt Nam Quang phục hội để tiếp tục thực thi phương pháp bạo động, đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nền độc lập, thành lập nước Cộng hòa dân quốc thay thế cho chính thể quân chủ lập hiến mà Duy Tân hội chủ trương. Việt Nam Quang phục hội có rất ít cơ sở ở trong nước, nhưng lại chú trọng hoạt động vũ trang, mang động. Đáng kể nhất là cuộc khởi nghĩa năm 1916 do vua Duy Tân đứng đầu đã bị kẻ thù nhanh chóng dìm trong bể máu, đúng như Phan Bội Châu sau này rút ra nguyên nhân: “trăm thất bại mà không chút thành công của Việt Nam Quang phục hội vì trong nước không có một kinh dinh tổ chức gì, chỉ chủ trương dựa vào thế lực bên ngoài, trăm nghìn đều nương vào người khác thì từ xưa đến nay, từ Đông đến Tây, không bao giờ một đảng cách mạng như thế, lại có thể thành công được”[9].

Do ảnh hưởng của phong trào kháng thuế ở các tỉnh miền Nam Trung Kỳ, đầu tháng 4 -1908, hàng ngàn người kéo về Huế, hô vang khẩu hiệu không đi phu, không nộp thuế cho Pháp. Các sĩ phu Hà Tĩnh vận động nhân dân biểu tình rầm rộ ở Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Khê. Tại Nghệ An, cuộc đấu tranh giữa phe hộ và phe hào dẫn đến bạo động không thành. Ở Thanh Hóa các nhà khoa bảng dán nhiều truyền đơn và cáo thị vận động hưởng ứng. Cuộc kháng thuế đã sản sinh ra Nguyễn Hàng Chi, Trịnh Khắc Lập (Hà Tĩnh), Chu Trạc (Nghệ An), Nguyễn Xứng, Nguyễn Lợi Thiệp (Thanh Hóa) anh dũng vô song. Là một cuộc đấu tranh công khai, tự phát của nhân dân, phong trào kháng thuế ở Trung Kỳ đã buộc chính quyền thực dân phải nới tay trong nhiều lĩnh vực. Nó đã thể hiện rõ tinh thần và năng lực cách mạng của nông dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như những hạn chế của nó khi chưa xuất hiện một giai cấp lãnh đạo tiên tiến.

Phong trào Đông Du và kháng thuế bị đàn áp, nhưng tinh thần xuất dương đi tìm con đường cứu nước vẫn nung nấu đối với nhiều chí sĩ. Sau khi ý định cướp tù giải thoát không thành, Đặng Thúc Hứa đã quyết định thực hiện chủ trương thập niên sinh tụ, thập niên giáo hội (10 năm chiêu mộ nhân tài, 10 năm giáo dục rèn luyện) bằng cách sang Xiêm mượn đất lập ra Trại cày thu hút hàng trăm thanh niên. Trong khi đó, ở trong nước Hồ Bá Phấn cùng với nhiều người khác đã tiến hành vận động binh sĩ người Việt bàn tính đến chuyện đánh thành Hà Tĩnh (1910); Liêu Thanh, Hồ Bá Kiện lãnh đạo tù chính trị phá ngục Lao Bảo ở Quảng Trị, lập căn cứ ở vùng bản Tạ Cha tỉnh Sanavakhét của Lào (1915); Nguyễn Trang, Nguyễn Hét lập quỹ xuất dương, trừng trị bọn quan tham và tay sai ở Hà Tĩnh (1916-1919),Trần Hậu Toàn và Lê Viết Lượng lập ra Hội bài Pháp (1920). Đặc biệt Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn và Ngô Đức Chính vào tháng 4-1920 đã tới Trại cày Bạn Thầm (Thái Lan), mở đầu chặng đường hoạt động cách mạng của mình. Năm 1922, một số người yêu nước ở Thanh – Nghệ lập ra Hưng Nghiệp hội xã.

Bắt đầu từ đây, ở Việt Nam “lớp thanh niên từ bỏ phương pháp tiến hành những cuộc nổi dậy bột phát của lớp người đi trước và, ngày nay, người ta thiên về chiến thuật của những nhà cách mạng châu Âu: tuyên truyền, tổ chức và khởi nghĩa quần chúng”[10] như lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định.

Đất nước và con người Liên khu IV có một quá trình đấu tranh vô cùng gian nan và vất vả với thiên nhiên khắc nghiệt và kẻ thù hung bạo. Đây là mảnh đất kết tinh tất cả cái phong phú, đa dạng của triệu triệu năm kiến tạo, của hàng vạn năm sáng tạo và không ngừng chinh phục mọi trở lực trên con đường đi tới. Đất nước giàu đẹp, con người cần cù nhẫn nại, lại hết sức thông minh, tài hoa, sắc sảo. Đó chính là những tố chất vô cùng cần thiết để Liên khu IV bước vào cuộc kháng chiến gian khổ trường kỳ bảo vệ những thành quả mà cách mạng đã đem lại cho nhân dân. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ Liên khu IV (7-1949) đã chỉ ra điều này:

“Sẵn có phong trào Tân Việt, Thanh niên Cách mạng đồng chí hội nên Đảng bộ Liên khu IV có cơ sở nhiều nơi ngay khi mới thành lập Đảng (6-1-1930)[11], nên từ Xô Viết Nghệ An cho đến toàn quốc khởi nghĩa ở các tỉnh, nhất là Nghệ, Tĩnh, Trị phong trào không một lúc nào bị dập tắt với sự hoạt động của người cộng sản.

Trong hoàn cảnh bí mật gian khổ, luôn luôn bị đàn áp kìm hãm trong nhà lao đế quốc, người đảng viên cộng sản ở Liên khu IV đã rèn đúc được một ý chí kiên quyết, bền bỉ và trung thực”.

Đó cũng là một hiện thực và sức mạnh của Liên khu IV.

———————————–

Chú thích:

[1] Lê Quý Đôn trong sách Phủ biên tập lụccho biết ở châu Bắc Bố Chính có tới 75 xã sản xuất nhân sâm, yến sào, mật ong, trầm hương, gỗ mun. Phương pháp canh tác vườn rừng (lâm viên) khá phổ biến, nhất là ở tổng Bái Trời nổi tiếng với các vườn dầu sơn, hồ tiêu và trầu không. Vùng Thuận Hóa trồng nhiều ý dĩ (bo bo), vừng (mè), dứa (thơm), na (mãng cầu), chuối bụt, xoài, mít. Lại có các loại khoai sáp đường, khoai đầu bùm, khoai gừng, khoai nưa nổi tiếng. Cau ở đây bốn mùa đều có, mềm non mà ngọt. Dương Văn An trong sách Ô Châu cận lục còn ghi nhận thêm nhiều sản vật quý như hương bạch thủy trần, trà lưỡi xẻ (tước thiệt). Đặc biệt có loại chiếu hóa dệt bằng mây có hai màu hồng nhạt và vàng, gối hoa làm bằng mây trắng…
[2] Ba Lòng là một thung lũng nằm ở thượng nguồn sông Thạch Hãn, phía tây Triệu Hải, kéo dài từ bắc Động Bương đến làng An, chiều dài khoảng 15km, rộng 1km, xung quanh bao bọc bởi núi cao. Căn cứ này cách thành phố Huế 80km về phía tây bắc và thị xã Đồng Hới 150km về phía nam. Với vị trí như vậy, việc giao lưu giữa căn cứ với các tỉnh xung quanh thuận lợi. Đặc biệt Ba Lòng cách thị xã Quảng Trị chừng 10km về phía tây và Đông Hà 20km về phía tây nam. Vị trí này tạo ra bàn đạp để xuất quân về xây dựng lực lượng ở đồng bằng, liên hệ với chiến khu Dương Hòa (Thừa Thiên) và khu vực Thanh – Nghệ – Tĩnh.
[3] Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, tập 1, (1930-1954), tr.28-31.
[4] Lịch sử Hà Tĩnh, tập I, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.394, 395.
[5] Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị, tập 1 (1930-1954), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.31-32.
[6] Thanh Nghệ Tĩnh tân văn, số 142 (7-4-1933).
[7] Eveil Economique de L’ Indochine (Sự thức tỉnh kinh tế của xứ Đông Dương, số ra ngày 3-7 và 27-11-1917) theo Lịch sử Đảng bộ nghệ Antr.26-27.
[8] Phan Bội Châu: Toàn tập, tập 6, Nxb. Thuận Hóa, 1990, tr.178.
[9] Phan Bội Châu niên biểu. Nxb. Văn – Sử – Địa, Hà Nội, 1957, tr.164.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2000, tập 1, tr.466.
[11] Ngày thành lập Đảng được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III ấn định lại là 3-2-1960.

Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

Tags: , , , , , ,