Làm sao để tập trung đầu óc trong thời đại nhiễu loạn thông tin?

Chúng ta đang sống trong thời đại đầu óc bị phân tán thường xuyên do rất nhiều thứ xung quanh.

Phân tán tư tưởng ngăn cản chúng ta trong học tập, làm giảm khả năng phát triển bản thân, nhưng trước hết những lời khẳng định của giáo sư Mihaly Csikszentmihalyi, nguyên trưởng khoa tâm lý học, Đại học Chicago (Mỹ), mất năng lực kiểm soát năng lượng tâm lý cản trở ta cảm nhận sự sung sướng đích thực, cảm nhận hạnh phúc đích thực. Vì vậy, năng lực tập trung đầu óc ngày nay có ý nghĩa lớn lao hơn bao giờ hết.

Có thể định nghĩa đơn giản về sự tập trung đầu óc như sau: tập trung đầu óc là năng lực tập trung sự chú ý vào chính công việc đang làm. Đó có thể là đọc sách, nghe nhạc, rửa bát, chuyện trò hay giải quyết vấn đề chuyên môn, nghề nghiệp. Có một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay phần lớn chúng ta không biết tập trung đầu óc. Thậm chí khả năng tập trung sự chú ý vào những việc bình thường nhất cũng được coi là một cố gắng lớn lao. Cho nên lấy lại sự tập trung chú ý khi có cái gì làm chúng ta phân tán tư tưởng và lập tức trở lại tập trung như trước đó cũng được coi là một năng lực. Sự tập trung đầu óc là thành phần quan trọng cấu thành trí tuệ của chúng ta, bởi nếu không có nó thì sự phát triển bản thân mỗi con người rất khó có thể được thực hiện. Sự tập trung chú ý có thể diễn ra trong khoảng vài giay đến vài chục giây đồng hồ, nhưng sau thời gian nghỉ, nó chỉ có thể được trở lại nhờ ý chí mạnh mẽ của mỗi người.

Về tầm quan trọng đặc biệt của khả năng tập trung đầu óc, cả các giáo sư tâm lý học cũng như các bậc thầy về yoga và triết học Phật giáo đã đề cập nhiều. Giáo sự đại học Chicago Mihaly Csikszentmihalyi mà chúng ta vừa nhắc tên trên kia đã bỏ ra trên dưới 20 năm để nghiên cứu điều “suốt đời ám ảnh” ông – như một số người khẳng định – là những tác nhân ảnh hưởng đến hạnh phúc con người. Các công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng cái làm cho mỗi trải nghiệm trở nên thoải mái, dễ chịu là trạng thái tập trung đầu óc thật sâu, đến mức bản thân con người hoàn toàn chìm đắm trong công việc đang làm. Trạng thái này cũng có tên gọi là “chìm đắm” – bởi một người, khi ở trong trạng thái này sẽ làm việc hết sức mình, bản thân anh ta chính là cái anh đang làm, anh ta mất hết cảm giác về tự thức. Chúng ta hãy hình dung một nhà phẫu thuật tim mạch trong một ca mổ phức tạp hay một vận động viên leo núi đang trên đường chinh phục một ngọn núi cao – sự tập trng đầu óc cao độ là điều kiện dẫn tới thành công trong những công việc họ đang thực hiện. Khi mọi hoạt động kết thúc, đó cũng là lúc ý thức trở lại trong đầu óc họ. Sau những lần như thế, con người ta trở nên mạnh mẽ hơn, giàu có hơn về những trải nghiệm và những năng lực mới.

Điều khiển bản thân bằng sự thận trọng và tập trung chú ý vào những mục tiêu nhất định cũng có thể coi là một kiểu đầu tư về tâm lý. Sự chú ý được tập trung vào cái gì, điều này đang trở thành nội dung của cuộc đời ta. Như vậy chúng ta có cái để mà phấn đầu vươn lên. Chúng ta hãy hình dung một cuộc gặp gỡ bạn bè. Một người quan tâm đến việc thiết lập các mối quan hệ, cho nên tỏ ra cởi mở, mạnh dạn, cố gắng làm quen với những người mới, người khác lại giữ kẽ, tìm cho mình sự an toàn tuyệt đối, luôn phải cân nhắc trước sau xem mình có phù hợp với nhóm người này không, so với ai mình tỏ ra trội hơn, so với ai mình chưa được bằng, người bạn đời có thể phản bội mình để chạy theo ai trong số đó, ai mình có thể yên tâm. Chúng ta dễ dàng nhận ra ai trong số những người có mặt tại cuộc gặp gỡ đó đã có sự đầu tư tốt nhất về năng lượng tâm lý, một sự đầu tư mang lại những thành công lớn lao trong cuộc sống.

Điều kiện khá quan trọng tạo ra năng lượng tâm lý là sự ngăn nắp trong bộ óc của chúng ta. Nhưng để sự chú ý nhằm vào hướng nào cho phù hợp và hiệu quả thì cần phải xác định rõ ràng xem những mục tiêu cơ bản nhất đối với chúng ta là cái gì. Cột mốc chỉ đường quan trọng nhất ở đây là những nhu cầu mang tính tổng hợp trong cuộc đời mỗi con người. Mong muốn đáp ứng các thứ nhu cầu sẽ là động lực thúc đẩy chúng ta hành động. Vì vậy cần phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với các nhu cầu tối cần thiết và không đồng nhất chúng với các chiến lược, chiến thuật, nghĩa là với các phương thức cụ thể để đáp ứng nhu cầu. Nhằm phục vụ cuộc sống của mình, tất cả chúng ta đều cần không khí, cần ăn uống, nghỉ ngơi, cần sự gần gũi, an toàn, song cách thức đáp ứng những nhu cầu này lại rất khác nhau. Tập trung đầu óc đối với chúng ta không phải lúc nào cũng là điều dễ dàng. Có người không tập trung chú ý được ngay cả khi ngồi nghe buổi hòa nhạc mà mình chờ đợi từ rất lâu và người biểu diễn là một nghệ sĩ mình ngưỡng mộ… Mỗi người chúng ta có sự nhạy cảm khác nhau đối với những tác động khác nhau. Sự khác nhau này chủ yếu có xuất phát điểm từ cấu tạo tâm lý của mỗi người và từ việc chúng ta nhận thức như thế nào về ý nghĩa của các tác động khác nhau đó. Chẳng hạn như khi chúng ta để tâm nhiều hơn đến cuộc trò chuyện với người thứ hai thật sự toàn tâm toàn ý với điều đang làm thì rõ ràng chúng ta ít quan tâm đến những điều đang diễn ra xung quanh. Nhu cầu của chúng ta càng lớn bao nhiêu thì chúng ta càng tập trung đầu óc bấy nhiêu vào việc đáp ứng nhu cầu đó. Trong nhịp sống khẩn trương hàng ngày như hiện nay, thật khó nhận dạng một cách nhanh chóng và chính xác các loại nhu cầu, khó trả lời hàng loạt câu hỏi do chính mình nêu ra, cái gì là cơ bản ở đây, hay tại nơi nào khác. Khi chúng ta không giữ mối liên hệ với các nhu cầu của bản thân, chúng ta có thể cảm thấy chán nản. Đó là tín hiệu cho thấy chúng ta không làm cái chúng ta muốn, không làm cái chúng ta thật sự muốn.

Bằng cách nào chúng ta có thể tập trung chú ý tốt nhất, điều đó phụ thuộc vào chuyện chúng ta làm gì trong cuộc đời mình và chúng ta trải nghiệm cái đó như thế nào. Chúng ta rèn luyện năng lực tập trung đầu óc hay đúng hơn là chúng ta cho phép đầu óc mình chạy theo những ý nghĩ lẫn lộn, chồng chéo nhau và những cảm xúc trái ngược nhau của mình. Đầu óc chúng ta càng trống rỗng bao nhiêu, càng tự do bao nhiêu thì chúng ta càng dễ tập trung chú ý vào những nhu cầu của mình và dễ xác định những giá trị ưu tiên cho cuộc đời mình.

Sự rèn luyện một cách có ý thức năng lực tập trung đầu óc trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta sẽ cho phép tận dụng hiệu quả hơn thời gian của mỗi người và chuẩn bị tinh thần để chúng ta bước vào những trải nghiệm mới.

Năng lực tập trung tư tưởng một phần có được do gen di truyền song một phần do chúng ta tích lũy từ môi trường xung quanh, nhưng giống như các tiềm năng khác, nó có thể được phát triển thông qua rèn luyện. Trong bất cứ tình huống nào chúng ta có mặt, ở bất cứ nơi nào chúng ta xuất hiện, chúng ta mang trong mình toàn bộ lịch sử bản thân, toàn bộ những gì đã trải qua, những kinh nghiệm đã tích lũy. Hầu như chúng ta tập trung đầu óc một cách máy móc vào những thứ chúng ta cho là cơ bản với mình, những thứ làm nên sự đam mê của chúng ta hoặc là nhu cầu thiết yếu nhưng hoàn toàn có ý thức. Giữa đám đông, chúng ta có thể ngay lập tức chú ý đến chàng trai mà từ lâu ta có cảm tình, còn trên bãi biển, một người sưu tập đá quý có thể nhìn thấy ngay những gì cần cho bộ sưu tập của mình ở nơi mà người khác chỉ thấy vài viên đá bình thường như bao viên đá khác.

Vấn đề nảy sinh khi chúng ta không thực sự coi trọng những ý thức cụ thể và một chiến lược đáp ứng các loại nhu cầu trong khi các nhu cầu này tác động rất lớn đến chúng ta. Sự coi thường hay cố ý bỏ qua đó, không giúp chúng ta tìm kiếm những cách giải quyết mới. Nó giam hãm chúng ta trong một thứ cạm bẫy của cái mà chúng ta nghĩ là sáng kiến duy nhất về cuộc đời mình. Từ đó sinh ra sự cứng nhắc thay cho uyển chuyển, linh hoạt, và thay cho những khả năng mới có thể có. Vì thế, chúng ta đồng thời sử dụng khái niệm thả lỏng đầu óc. Bởi vì trong sự tập trung tư tưởng không cần thiết phải căng thẳng và lo lắng đến mức bị ám ảnh hàng ngày.

Những người theo đạo Phật, để miêu tả trạng thái thiền của đầu óc đã sử dụng khái niệm tập trung và thả lỏng đồng thời. Tập trung toàn lực cho một công việc đã chọn không có nghĩa là đầu óc cứ phải căng ra. Một trong số các bậc thầy về thiền đã nói với các học trò: Nếu con ăn thì con cứ ăn, nếu con đọc sách thì con cứ đọc sách. Bữa nọ, một trong số các học trò nhìn thấy thầy đọc sách khi ăn, liền hỏi: Thưa thầy, thế này là thế nào, thầy dạy chúng con phải hoàn toàn tập trung tư tưởng cho một công việc đang làm, thế mà chính thầy lại không thực hiện điều đó, là nghĩa làm sao? Ông thầy trả lời: Nếu con ăn thì con cứ ăn, nếu con đọc thì con cứ đọc, còn nếu con vừa ăn vừa đọc thì con cứ vừa ăn vừa đọc.

Một người Ba Lan kể rằng cách đây không lâu ông ta đã có mặt trong buổi báo cáo dẫn luận về thiền. Đến phần trả lời câu hỏi thắc mắc, thầy nói ngay: Trước khi mọi người đưa ra câu hỏi, tôi xin trả lời chung cho tất cả các câu trả lời đó: Thực hành thật nhiều vào!

Rèn luyện năng lực tập trung tư tưởng là vũ khí tự về trước sự phân tán đầu óc, là vũ khí bảo vệ hữu hiệu trước những ý thích tùy hứng của con người. Việc rèn luyện này dựa trên sự quan sát trí óc mình và quan sát những cảm nhận xuất hiện trong đó: tư duy, cảm xúc, nhu cầu. Mỗi người trong số chúng ta đều có rất nhiều trạng thái ý thức và những tính cách nhỏ lẻ của riêng mình. Theo ông Ken Wilber, người sáng tạo ngành tâm lý học hội nhập, con số các tính cách nhỏ lẻ này bình quân ở mỗi người là khoảng mười hai. Ở những thời điểm khác nhau của cuộc đời mình, thậm chí trong từng ngày, chúng ta thường đồng nhất bản thân mình với các trạng thái do mình lựa chọn. Chẳng hạn như nếu chúng ta tức giận thì cái “tôi” của chúng ta, tức bản thân chúng ta trong thời điểm đó, chính là nỗi tức giận. Một lát sau, khi chúng ta tràn đầy âu yếm, chan chứa yêu thương ôm con vào lòng thì cái “tôi” của chúng ta trở thành một ông bố hay bà mẹ rất mực thương con. Cái làm nên giá trị của sự tập trung đầu óc chính là việc chúng ta điều khiển bản thân một cách có ý thức bằng các tình huống như thế hoặc ít nhất là chúng ta nhìn thấy các tình huống như thế. Và chính nhờ sự tập trung đầu óc, chúng ta không gắn chặt mình vào các vai diễn, không phủ định chúng mà chỉ quan sát chúng, rút ra kết luận và lựa chọn cách giải quyết tốt nhất mà chúng ta có thể lựa chọn thời điểm nhất định. Không tập trung đầu óc, chúng ta không thể ý thức được vấn đề chúng ta sống bằng cách nào, chúng ta thiết lập các mối quan hệ như thế nào, với thế giới quanh ta, các mối quan hệ với những người khác. Chúng ta không sống một cách có ý thức, điều đó không phải do chúng ta lựa chọn, mà cuộc sống lựa chọn thay cho chúng ta. Chúng ta chỉ có một ảnh hưởng hạn chế trong chuyện chúng ta đóng góp gì vào cuộc đời của những người khác, chúng ta chia sẻ gì với thế giới của chúng ta.

Cần phải rèn luyện hàng ngày để trong bộ óc hình thành trạng thái có khả năng trở thành người quan sát tất cả những gì diễn ra bên ngoài. Khi đó chúng ta có thể tự neu cho mình câu hỏi, ai đang chỉ đạo chúng ta, bộ phận nào của tâm lý chúng ta có ảnh hưởng lớn lao nhất đến việc đưa ra những lựa chọn mang tính sống còn đối với cuộc đời ta và liệu những lựa chọn đó có thiết thực với cuộc sống của chúng ta không?

*     *     *

Như đã trình bày, khả năng tập trung đầu óc là năng lực có thể có được do rèn luyện hàng ngày. Cuộc sống hiện đại mang đến cho chúng ta bao nhiêu tác động khách quan khiến cho việc tập trung chú ý thực sự trở thành một nghệ thuật. Vì vậy, nếu gần đây đã xảy ra trường hợp một tháng đôi lần bạn quên khóa cửa khi ra khỏi nhà hoặc đã lên xe máy đi được một đoạn rồi mới chợt nhớ ra là chưa tắt tivi, còn ở nơi làm việc thì không tập trung tư tưởng để làm một việc gì cho đến nơi đến chốn trong vòng mười lăm phút đồng hồ thì đó cũng chưa phải là lý do để bạn bi kịch hóa tình hình. Những người như bạn đâu phải ít. Quan trọng là bạn có nhận ra là mình đang bị mất tập trung và xác định quyết tâm rèn luyện để thay đổi hiện trạng đó hay không. Dưới đây xin đưa ra một số gợi ý để bạn tham khảo và áp dụng:

1. Nếu bạn phải hoàn thành một nhiệm vụ nào đó, bạn hãy bắt đầu từ việc lựa chọn cho mình một nơi làm việc thích hợp. Điều quan trọng trước tiên là ở đó bạn có cảm thấy thoải mái và dễ chịu không và đó có phải là nơi tạo thuận lợi cho bạn tập trung đầu óc hay không. Tại nơi làm việc, nếu bạn phải ngồi cùng với mấy đồng nghiệp khác trong một phòng và bạn rất dễ bị phân tán tư tưởng, bạn hãy mạnh dạn đề nghị các đồng nghiệp nói chuyện nhỏ thôi, và nếu họ có nhu cầu gặp nhau dài dài thì họ phải chọn nơi khác để mà gặp gỡ.

2. Bạn hãy đặt bàn làm việc của mình sao cho đằng sau bạn không có ai có thể đứng được. Phía trên màn hình máy vi tính hay bàn làm việc, bạn nên treo một tấm ảnh mày xanh lá cây để trong những lúc mất tập trung, bạn có thể hướng cái nhìn của mình vào đó. Màu xanh lá cây có tác dụng rất tốt để đôi mắt bạn nghỉ ngơi.

3. Thỉnh thoảng (tốt nhất mỗi tiếng đồng hồ một lần), bạn giải lao khoảng 5 – 10 phút. Bạn nên đi lại ngoài hành lang hoặc đứng ngắm cảnh bên cửa sổ, lấy nước cho đầy bình nếu trên bàn làm việc của bạn luôn có một bình nước.

4. Bạn không nên nghỉ ngơi bằng cách nhân tiện làm một việc gì khác cái công việc đang phải hoàn thành. Nếu bạn nghĩ là mình luôn phải chuẩn bị tư thế để ai muốn gặp mình là dễ dàng gặp được ngay thì đó là một suy nghĩ sai lầm. Vì vậy bạn hãy tắt máy điện thoại và không quan tâm đến chuyện nhận e-mail bất cứ lúc nào. Bạn hãy tự thỏa thuận với mình là bạn chỉ quan hệ với những người đang tìm kiếm mình khi nào bạn hoàn thành công việc cần làm hoặc hoàn thành phần công việc cụ thể nào đó trong cái công việc đang phải hoàn thành.

5. Bạn hãy phân loại công việc và xác định các phương pháp hoàn thành các công việc phải làm.

6. Nếu có thể được thì thỉnh thoảng bạn hãy thay đổi chỗ ngồi làm việc của mình. Một phần công việc bạn có thể làm tại bàn làm việc hàng ngày, một phần có thể làm ở nơi nào đó ngoài văn phòng ấy. Một số công việc bạn có thể giải quyết trong lúc ăn trưa, nếu được.

7. Bạn hãy rèn luyện thường xuyên. Nếu có điều kiện, bạn cần vận động vào buổi sáng. Bạn hãy cố gắng chơi thể thao một – hai lần trong tuần. Bạn không nên làm những công việc quan trọng đòi hỏi tập trung đầu óc cao độ ngay sau khi vừa kết thúc các bài tập cường độ cao tại phòng tập thể hình hay vừa tập xong bài aerobic.

8. Bạn hãy thường xuyên huy động trí tưởng tượng của mình. Trước khi bạn bắt đầu một công việc nào đó, hãy nhớ lại hoàn cảnh mà bạn đã từng phải tập trung đầu óc. Không quan trọng hoàn cảnh đó liên quan đến cái gì ngày hôm nay. Bạn hãy gọi về trong óc mình hình ảnh gợi lại hoàn cảnh đó và nhớ lại những tình cảm đã theo sát bạn khi đó. Bài tập này bạn nên tiến hành ngay trước khi bắt tay vào công việc. Tốt nhất là bạn hãy lặp lại trước khi thực thi bất cứ nhiệm vụ nào.

9. Bạn nên nhớ rằng uống nước rất tốt cho việc tập trung đầu óc và đánh thức bộ óc làm việc. Bạn nên tránh cà phê và những đồ uống có tác dụng kích thích khác.

10. Bạn hãy ăn uống đầy đủ, nhưng đừng ăn quá nhiều. Ăn hạt dẻ chẳng hạn, sẽ giúp ích cho tập trung đầu óc, nhưng bạn nên tránh ăn những thứ nhiều mỡ. Bạn hãy nhớ rằng chúng ta ít khi cảm thấy ân hận là mình đã ăn quá ít…

11. Bạn hãy ngủ đủ thời gian mình thấy cần phải ngủ. Khi bạn thấy mình đã ngủ đẫy giấc, thấy tỉnh táo, bạn sẽ dễ dàng tập trung để hoàn thành công việc phải làm hơn. Bạn hãy cố gắng sống phù hợp với nhịp sống quen thuộc của cơ thể bạn – cà phê là yếu tố cần thiết để bạn tỉnh táo nhưng rượu lại không phải là thứ có tác dụng an thần.

12. Về lâu dài, làm 5 việc một lúc là không đem lại lợi ích gì lớn. Cho nên tốt nhất bạn nên làm các công việc theo thứ tự. Bạn hãy bắt đầu bằng việc lập kế hoạch. Bạn cũng nên xác định xem cái gì là quan trọng nhất với mình, cái gì có thể gác sang một bên, làm sau cũng “chưa chết ai”.

13. Bạn hãy tự thưởng cho mình cái gì đó sau khi hoàn thành kế hoạch đề ra. Đó có thể là một niềm vui nho nhỏ – như đọc một bài báo hay hoặc lướt qua một trang mình yêu thích trên Internet.

14. Nếu bạn hay bị phân tán đầu óc do có cái gì đó làm bạn buồn phiền thì hãy dành thời gian đặc biệt cho các ý nghĩ đó. Bạn hãy thỏa thuận với chính mình là hàng ngày, trong khoảng thời gian từ 16.40 đến 17.10 chẳng hạn, bạn có thời gian để cân nhắc vấn đề này. Khi trong ngày bạn bị phân tán tư tưởng vì một ý nghĩ khó chịu nào đó, bạn hãy định thời gian giải quyết nó vào một giờ cụ thể sau đó.

15. Bạn không nên theo dõi quá thường xuyên và sát sao những tiến bộ của mình, vì điều này cũng góp phần làm đầu óc bị phân tán thêm.

Một trong số các tác giả của cuốn sách “Học như thế nào để học tốt” tiến sĩ tâm lý học Przemyslaw Babel, khi trả lời phỏng vấn đã cho biết lý do xuất bản cuốn sách này: “Tôi nhớ rất rõ rằng hồi còn nhỏ, khi cắp sách đến trường, tôi không bao giờ được các thầy cô chỉ dẫn phải học như thế nào. Tôi thường xuyên phải nghe: “Nhắc lại nào, đọc lại lần nữa, học thuộc đi”. Trong khi đó, có biết bao phương pháp để học hiệu quả hơn mà vẫn cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Học đâu phải chỉ là nhồi nhét cho thật nhiều vào đầu, như nhiều người vẫn nghĩ. Bước đi đầu tiên đến với tri thức là học cách tập trung đầu óc”.

Một bà mẹ có cậu con trai tám tuổi đang học phổ thông cơ sở kể: “Con trai tôi chưa bao giờ được nhận danh hiệu “học sinh giỏi”, không phải vì nó đần độn mà chỉ vì nó gặp khó khăn trong việc tập trung đầu óc.Cái gì cũng có thể làm nó phân tán tư tưởng. Khi nó bắt tay vào làm bài tập ở nhà, bài nào nó cũng làm được một tí rồi bỏ dở dang vì còn phải bật máy tính lên xem. Tôi đã cố gắng học cùng với con, nhưng cả lúc có mẹ bên cạnh, nó cũng không ngồi yên được mười lăm phút bao giờ. Cuối cùng tôi phải rèn luyện cho nó cách tập trung đầu óc thông qua các trò chơi. Tôi hiểu ra một điều rằng trẻ con không chỉ học bằng cách ôm khư khư cuốn sách trong tay”.

Qua lời kể trên, chúng ta có thể rút ra kết luận đầu tiên: Muốn giúp trẻ học, những người làm cha làm mẹ phải tập cho con năng lực tập trung đầu óc, không chỉ trong thời gian nhất định mà việc làm này mang tính lâu dài. Trợ giúp đắc lực cho năng lực này có thể là đồ chơi và các trò chơi. Mà không nhất thiết phải là các loại đồ chơi đắt tiền, hiện đại, ngược lại, có thể chỉ là các thứ đã có từ trước, đã quen thuộc với trẻ từ nhiều năm. Mỗi tấm bảng, mỗi hộp xếp hình trí uẩn, mỗi trò chơi ghép tranh… không chỉ đem lại cho người chơi sự thoải mái, dễ chịu, có tác dụng thư giãn, mà đó là hình thức rèn luyện thói quen, năng lực tập trung đầu óc. Trò chơi ghép tranh, xếp hình đòi hỏi sự liên tưởng và không ngừng tìm kiếm những hình dáng, màu sắc khớp nhau, nó cũng đòi hỏi phải tập trung tư tưởng trong một thời gian dài cho một động tác nhất định. Đây chính là thứ trẻ em hiện nay đang gặp vấn đề vì đặc trưng cơ bản của trẻ là “cả thèm chóng chán”. Nhờ trò chơi ghép hình, ghép tranh, trẻ có thể tập được thói quen tập trung đầu óc cho một công việc nhất định, chẳng hạn tập trung trong khoảng nửa tiếng đồng hồ.

Ở các nước mà hình thức giải ô chữ phát triển, đây cũng là hình thức rèn luyện tuyệt vời. Tốt nhất nên tổ chức việc làm này với sự tham gia của tất cả các thành viên trong gia đình. Nếu trong nhà có bố, mẹ và con thì nên mua ba loại ô chữ cho ba đối tượng khác nhau. Nhưng chú ý là trước khi trẻ có bài kiểm tra về lịch sử thì cần mua loại câu đố chữ liên quan đến đề tài lịch sử. Cả nhà ngồi cùng một phòng nhưng mỗi người độc lập giải các ô chữ của mình. Tuy là giải trí cùng nhau nhưng mỗi người làm một việc. Như vậy bố mẹ cho con cái thấy là mọi thành viên trong gia đình đều có chung một mối quan tâm, song vẫn có thể thi đua xem ai là người đầu tiên giải được. Trẻ em rất thích không khí thi đua như thế. Chúng không có cảm giác là mình đang học, nhưng đây lại chính là cách rèn luyện năng lực tập trung đầu óc có tác dụng rất tốt đối với việc học hành của chúng ở trường cũng như ở nhà.

Có rất nhiều phương pháp, nhìn bề ngoài chỉ là các trò chơi nhưng thật sự giúp trẻ học tập tốt. Nhiệm vụ của các bậc cha mẹ và các thầy cô giáo là lựa chọn phương pháp phù hợp. Có một nguyên tắc rất cơ bản, đối với người lớn cũng như đối với trẻ em: cái gì gây sự chú ý thì nó sẽ tự ngấm vào đầu. Ngày nay, ở phần lớn các quốc gia trên thế giới, học sinh phải sống và học tập dưới sức ép của điểm số. Các bậc cha mẹ chỉ trông chờ ở chúng những kết quả học tập tốt. Các vị không quan tâm đến chuyện nếu cứ như thế, trẻ sẽ mất hứng thú và niềm vui học hành. Trong khi đó học thực chất là tìm hiểu thế giới. Cần chỉ ra cho trẻ thấy rằng những gì chúng đang học không phải khi nào cũng hấp dẫn, nhưng nhờ tập trung vào việc học, chúng hiểu biết hơn về thế giới xung quanh chúng, rằng cái kiến thức mà chúng đang từng bước tích lũy sẽ giải thích cho chúng hiểu những gì chúng quan sát thấy hàng ngày. Đây là việc đáng làm, bởi vì chúng ta dễ dàng thấm vào đầu những gì hấp dẫn chúng ta. Những người có niềm say mê bao giờ cũng tập trung đầu óc cho cái mình thích, ngốn kiến thức nhanh, biết đến từng chi tiết mà không cần cố gắng nhiều.

Chính vì vậy mà nhiệm vụ của các bậc làm cha làm mẹ là giúp đỡ con cái rèn luyện khả năng tập trung đầu óc trên cơ sở đó chúng sẽ tự nguyện và tự mình đến với tri thức.

Năng lực tập trung đầu óc để hoàn thành công việc hiệu quả, một chuyện tưởng như đã quá phổ biến, một điều kiện tưởng chừng ai cũng biết để nghĩ đến thành công trong bất cứ việc làm nào, nay bỗng dưng phải nêu ra, phải phân tích lại. Có chuyện này là do chúng ta sống trong những điều kiện mới của cuộc sống hiện đại. Đây đó chúng ta được nghe những câu cửa miệng: “Ở đây không thể tập trung làm được một việc gì” hay “Mọi người có để cho tôi làm việc không?”. Đổ lỗi cho khách quan kiểu này hiện nay có khi bị coi là thiếu năng lực tập trung đầu óc, là tự lấy đi cơ hội để tạo dựng cho mình đặc tính rất cơ bản làm nên thành công cho mỗi hoạt động, đó là tập trung tư tưởng trong mọi hoàn cảnh, bất kể điều kiện xung quanh thế nào. Cần phải nhắc lại rằng thiếu khả năng tập trung đầu óc không những không hoàn thành công việc được giao, từ việc đơn giản nhất là cắt cỏ đến việc khó nhất là soạn tác phẩm cho dàn nhạc giao hưởng, nhưng khó khăn hơn cả vẫn là bắt tay vào làm những việc nhằm hoàn thiện bản thân mình để đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống, trong những điều kiện mới. Thời đại ngày nay là thời đại không ai, không cái gì có thể thành công một cách dễ dàng. Muốn có thành công phải đổ mồ hôi, phải không ngừng rèn luyện. Cái giá phải trả tuy lớn như vậy, song nếu có ý chí và nghị lực, chúng ta vượt qua khó khăn và vươn tới thành công.

Theo TRI THỨC TRẺ

Tags: ,