⠀
Làm điều ác rồi dâng sao giải hạn là xong?
Trong tháng Giêng, tháng của những ước vọng tâm linh, nhiều người thành tâm khấn bái thần linh để ước cầu một năm yên ấm.
Đến hẹn lại lên, “cơm no rượu say” xong xuôi sau Tết là “con nhang đệ tử” tự động kích hoạt chế độ tìm các thầy làm lễ dâng sao giải hạn.
Tấp nập náo nhiệt, mọi người khẩn trương nhanh tay đăng ký cho kịp ngày cúng sao, kẻo trễ thì sao “giận” lại “ám quẻ” cho cả năm mất lộc.
Con nhang “ăn nên làm ra” thì lễ lạt bằng cả năm lương của một viên chức, còn con nhang “lực bất tòng tâm” thì cũng gật gù vài ba trăm để làm cái sớ dâng lên “các cụ” mong “cụ” thương mà đáp lại lời “cầu gì được đấy”.
Cứ 3 ngày trước Rằm tháng Giêng là 28 chòm sao xoay quanh vận hạn được ngày tụ hội để “thăm” mọi người.
Âu cũng là cái lễ cái nghĩa lịch sự của năm mới! Nhưng oái oăm thay, cả sao xấu nhất như La Hầu, Kế Đô, Thái Bạch cũng “ham vui” mà ló mặt khiến biết bao con nhang đệ tử lo lắng đến mất ăn mất ngủ.
Thế nên mọi người tìm đến nhiều cơ sở thờ tự để nhờ các thầy cao minh “nói chuyện” với sao, làm chuyển hướng sao để giải hạn.
Mặc dù không thể biết sẽ giải được bao phần hạn trong một năm thế nhưng nếu “con nhang đệ tử” muốn cầu an thì phải mất tiền với một mức giá được cố định.
Ba sao xấu nhất đều có chung một mức giá và được giải vào ba ngày khác nhau trước Rằm tháng Giêng.
Các khóa lễ dâng sao giải hạn bắt đầu là sao La Hầu, ngày 15 tháng Giêng giải hạn sao Thái Bạch, ngày 18 tháng Giêng giải hạn sao Kế Đô.
Khác với giáo lý nhà Phật rằng: “Mỗi người hãy tự mình đốt đuốc mà đi”, vào những ngày dâng sao, các thầy chẳng quản ngại nhọc nhằn sẵn sàng cầm đuốc soi hộ “con nhang” tìm đường bằng tiếng gõ mõ cầu an.
Không khó để nhận thấy các không gian thiêng quá tải trong mùa lễ hội đầu năm, và cũng chẳng lạ gì khi có ngôi chùa ở Hà Nội thu về tiền tỷ sau mỗi lần cúng sao.
Dẫu biết nói đến chuyện tiền bạc ở nơi cửa Thần đất Phật là lẽ không nên.
Thôi vậy, chuyện của tâm linh cứ để thế giới tâm linh lo liệu!
Nhưng tôi vẫn nhớ như in một câu nói của PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng viện Nghiên cứu Tôn giáo, rằng: “Người ta muốn giải trừ hạn xấu, tìm kiếm sự may mắn thì người ta sẽ phải tích thiện, làm phúc, tích cực làm điều tốt. Theo đúng giáo lý nhà Phật, làm lành tránh dữ thì hạn xấu nó mới tiêu trừ. Hoàn toàn không có chuyện làm ác rồi dâng sao giải hạn là xong”!
Theo ANH NGUYỄN / NGƯỜI ĐƯA TIN
Tags: Mê tín, Dâng sao giải hạn