Jose Marti – người Mỹ Latinh đầu tiên ‘phát hiện ra Việt Nam’.

Jose Marti là nhà tư tưởng, nhà cách mạng và nhà văn hóa kiệt xuất của đất nước Cuba thế kỷ 19; là “tác giả tinh thần của cuộc tấn công pháo đài Moncada”, như Chủ tịch Fidel Castro từng thừa nhận.

Jose Marti – người Mỹ Latinh đầu tiên ‘phát hiện ra Việt Nam’.

Sinh năm 1853 và hy sinh vào ngày 19/5/1895, vai trò, vị trí của Jose Marti đối với cách mạng Cuba vẫn thường được liên hệ, so sánh với vai trò, vị trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam…

Với bài viết “Cuộc dạo chơi trên đất nước của người An Nam” (in trên tạp chí Tuổi Vàng của Mỹ năm 1889), ông được chủ tịch Fidel Castro ví như người Mỹ Latinh đầu tiên “phát hiện ra Việt Nam”.

Jose Marti sinh ngày 28 tháng 1 năm 1853 tại La Habana, trong một gia đình quân nhân. Bấy giờ Cuba đang là thuộc địa của Tây Ban Nha. Jose Marti bộc lộ năng khiếu sáng tác từ rất sớm. Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông đã viết nên những vần thơ chan chứa lòng yêu nước. Năm 1869, ở tuổi 16, Marti đã có tác phẩm đầu tay là vở kịch thơ “Apđala” được in trên báo Tổ quốc tự do. Sau sự kiện này, Marti bị chính quyền thực dân Tây Ban Nha bắt giam, bị kết án 6 năm tù khổ sai. Năm 1871, án giam của ông được chuyển đổi thành… trục xuất sang Tây Ban Nha. Trong 4 năm sống lưu vong tại Tây Ban Nha, Marti đã lần lượt giành được các tấm bằng: Cử nhân Luật học, cử nhân Triết học và cử nhân Văn học. Tại đây, ông viết và cho xuất bản hồi ký “Tù nhân chính trị ở Cuba” tố cáo tội ác của chính quyền thực dân Tây Ban Nha.

Song song với việc giảng dạy (cho một trường tư thục), Marti còn thường xuyên viết những bài báo có tính chính luận, đập lại những quan điểm bất công, kỳ thị của các vị “khách” châu Âu đối với người dân sở tại ở Cuba. Chính quyền thực dân rất lấy làm khó chịu với những ý kiến chỉ trích này. Họ tìm cách ngăn chặn không cho những bài báo của Marti có cơ xuất hiện. Thậm chí, đã có lúc Marti buộc phải rời bỏ cả Tây Ban Nha lẫn Cuba. Ông chuyển sang sống và hoạt động ở Mexico, Guatemala, Venezuela.

Tại Mexico, năm 1875, Marti cho công diễn vở kịch thơ thứ hai của mình (có tên gọi “Tình yêu và tình yêu sẽ tắt”). Sau khi cuộc chiến 10 năm (1868 – 1877) ở Cuba kết thúc, với sự thỏa hiệp của giai cấp tư bản ở Cuba và chính quyền thực dân Tây Ban Nha, quyết không để thành quả của cuộc đấu tranh dừng lại nửa vời và bị “đánh tráo”, Jose Marti đã bí mật về nước nhằm hâm nóng lại bầu nhiệt huyết của các lực lượng cách mạng. Kế hoạch khởi nghĩa bị bại lộ, Marti một lần nữa bị chính quyền thực dân bắt giam (vào tháng 9/1879) và sau đó bị trục xuất sang Tây Ban Nha.

Cuối năm 1879, Marti trốn được sang Paris (Pháp) và từ đó, ông lên đường tới New York (Mỹ). Tại đây, năm 1882, Marti đã cho xuất bản tập “Ixmaelido”- tập thơ đầu tiên của ông. Tập thơ gây tiếng vang lớn, được nhiều bậc thức giả ghi nhận là cột mốc quan trọng của văn chương Mỹ Latinh. Năm năm sau, Marti cho xuất bản tập thơ thứ hai, tập “Những bông hoa bị đày ải”, thể hiện trách nhiệm công dân của mình đối với Tổ quốc. Tuy nhiên, tập thơ được bạn đọc ái mộ nhất của Marti (xuất bản khi ông còn sống) chính là tập “Những vần thơ giản dị”. Tập thơ gồm cả thảy 46 bài, tất cả đều không có đầu đề, ra đời năm 1891, khi chính quyền Mỹ mở hội nghị châu Mỹ lần thứ nhất thể hiện ý đồ thôn tính Cuba và một số nước khu vực Mỹ Latinh. Tập thơ được đánh giá là có nhiều tìm tòi, cách tân, mặc dù – như ý kiến của một nhà văn, thơ Marti “ngắn và giản dị… viết ra không phải bằng mực của Viện Hàn lâm mà bằng máu”.

Năm 1929, nhạc sĩ Joseito Fernendez đã cảm hứng chọn lựa một số bài ở tập thơ này của Marti để phổ nhạc thành bài hát “Guantanamera”. Đây là một bài hát từng được xem như món quà “đặc trưng” của Cuba. Bài hát đã được nhiều ca sĩ gạo cội trên thế giới thể hiện và có thời kỳ trở nên rất quen thuộc với đông đảo khán thính giả Việt Nam.

Có thể nói, sáng tác của Jose Marti đã ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của văn học Cuba nói riêng và văn học Mỹ Latinh nói chung. Không chỉ làm thơ, Marti còn để lại cho đời nhiều bài chính luận sắc sảo. Di sản văn chương của ông thật phong phú, đồ sộ (gần đây, “Toàn tập Jose Marti” được in ra gồm 20 tập dày dặn). Nếu như – theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu văn học, trước Jose Marti, nền văn chương ở khu vực Mỹ Latinh vẫn còn “thiếu cái nhìn toàn diện, đúng đắn và khoa học” thì với những trước tác mà Marti để lại, văn chương Mỹ Latinh đã có một diện mạo khác.

Không dưng mà lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã phải đưa ra nhận xét: “Tác phẩm của Jose Marti là chiếc chìa khóa giúp cho việc tìm hiểu Mỹ Latinh trong các thời đại trước ông, thời đại ông sống và cả thời đại sau đó”. Là một tác giả được đánh giá là “học vấn uyên thâm”, một “bách khoa toàn thư”, song tác phẩm của Marti cũng luôn gắn bó, gần gũi với đời sống của đông đảo bạn đọc thuộc tầng lớp bình dân. Minh chứng gần nhất là việc đầu xuân vừa rồi, giới truyền thông Mỹ Latinh đưa tin: Các cư dân ở thành phố Camagney (Cuba) đã gom nhặt từ đống vải vụn để làm nên một con búp bê có kích cỡ khổng lồ, với chiều cao lên tới… 16m nhằm mục đích để con búp bê được đưa vào sách kỷ lục Guiness. Theo tiết lộ của ông Carmen Soto – người có sáng kiến này, thì việc tạo dựng nên một món đồ chơi siêu đẳng như vậy được lấy cảm hứng từ câu chuyện “The Black Doll” của Jose Martin (tên gọi của món đồ chơi chính là tên con búp bê trong tác phẩm của Marti).

Nhưng, như ở phần đầu bài đã nói, ngoài tư cách nhà thơ, nhà văn, Jose Marti trước nhất là một nhà tư tưởng, một nhà hoạt động cách mạng. Sinh thời, ông từng viết: “Thơ tôi tha thiết vẫy chào/ Gửi người dũng sĩ bước vào đấu tranh”, song chính Jose Marti cũng là người dũng sĩ băng mình vào cuộc đấu tranh ấy. Tháng 4 năm 1892, ngay trên đất Mỹ, Jose Marti đã đứng ra thành lập Đảng Cách mạng Cuba, tập hợp tất cả các lực lượng yêu nước trong và ngoài nước nhằm chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giải phóng Cuba. Ngày 11/4/1895, Jose Marti cùng đồng sự bí mật vượt biển về Cuba, ý định phối hợp với một lực lượng đã về đó từ trước, chuẩn bị cho cuộc chiến. Khi cuộc chiến đang lan rộng và đạt được những bước tiến đáng kể thì ngày 19/5 năm ấy, ở tuổi 42, Jose Marti đã vĩnh viễn nằm xuống trong một trận huyết chiến với quân đội Tây Ban Nha ở Oriento. Trước đó một ngày, trong bức thư viết cho một nhà hoạt động chính trị ở Mexico, Josse Marti đã bày tỏ ý chí của mình: “Mỗi phút tôi đều có thể hy sinh vì đất nước, vì nghĩa vụ giành độc lập cho Cuba”.

Mặc dù sự nghiệp cách mạng của Jose Marti còn dở dang, nhưng – như lời phát biểu của Đại sứ Cuba ở Panama Calviac Laferte trong cuộc nói chuyện nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 115 năm ngày mất của Jose Marti (tổ chức tại Panama ngày 19/5/2010): “Chủ tịch Hồ Chí Minh không được tận mắt chứng kiến thắng lợi hoàn toàn của cách mạng Việt Nam…, cũng như Hồ Chí Minh, Jose Marti không được chứng kiến mọi thắng lợi và thành quả của cách mạng Cuba, song hai con người vĩ đại đó sống mãi trong sự nghiệp cách mạng của mỗi dân tộc và trong mọi thời đại…”.

Theo CÔNG AN NHÂN DÂN

Tags: ,