Gorbachev làm lợi cho CIA hơn bất cứ gián điệp nào của Mỹ

CIA đã dự đoán được chính xác diễn tiến chính trị của Gorbachev dựa trên những phân tích chính xác về các hoạt động sai lầm của ông này. Những sai lầm của người đứng đầu Liên bang Xô-viết đã gây hại cho chính Moskva và làm lợi cho phương Tây hơn bất cứ một điệp viên nào của họ.

Gorbachev làm lợi cho CIA hơn bất cứ gián điệp nào của Mỹ

Tháng 3/2016, đúng vào dịp vị tổng thống đầu tiên và cũng là cuối cùng của Liên bang Xô-viết Mikhail Gorbachev kỷ niệm 85 năm ngày sinh (ông sinh ngày 2/3/1931), Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã công bố những tài liệu mật liên quan tới giai đoạn cầm quyền cuối cùng của Gorbachev.Theo đó, CIA đã dự đoán được chính xác diễn tiến chính trị của Gorbachev dựa trên những phân tích chính xác về các hoạt động sai lầm của ông này. Những sai lầm đó của người đứng đầu Liên bang Xô-viết đã gây hại cho chính Moskva và làm lợi cho phương Tây hơn bất cứ một điệp viên nào của họ.

Trong các tài liệu từ đầu năm 1991 và mới được giải mật của CIA đã ghi rõ: “Liên bang Xô-viết hiện đang trải qua tình huống cách mạng. Hiển hiện rõ  mọi dấu hiệu chứng tỏ rằng trong thời gian gần nhất sẽ diễn ra sự thay đổi chính quyền, mà còn thay đổi rất nhanh cả hệ thống chính trị đang tồn tại. Những người bảo thủ đang tách ra xa khỏi Gorbachev. Lãnh đạo các cơ cấu sức mạnh không tin tưởng ở ông ấy. Hiệp ước về phân chia thẩm quyền với các nước cộng hòa có lẽ sẽ trở thành ngòi nổ thúc đẩy hành động của những người bảo thủ theo hướng giành lấy chính quyền”. Và rốt cuộc trong thực tế mọi sự đã diễn ra đúng như thế, kể cả âm mưu chính biến tháng 8-1991. Những tài liệu trên đã được nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử các cơ quan an ninh tình báo Guennadi Sokoloov dẫn ra trên tờ Komsomolskaya Pravda từ tháng 3 năm nay. Và sau đó, ông vẫn tiếp tục công việc của mình và phát hiện ra thêm nhiều điều thú vị. Trong cuộc trò chuyện với phóng viên báo chí hồi cuối tháng 8 vừa qua, Sokolov đã đưa ra thêm nhiều chi tiết đáng chú ý.

Kế hoạch của William Casey

– Guennadi Sokolov: CIA rõ ràng là đã muốn nhắc nước Nga nhớ lại những thành tích cũ của họ. Bởi trong những tài liệu đó đã thể hiện rất rõ tầm nắm bắt thông tin về nước Nga của CIA, hiệu quả hoạt động của họ trong việc góp tay vào làm tan vỡ Liên bang Xô-viết.  Nhưng tại sao lại phải tới bây giờ họ mới giải mật những tài liệu đó? Bởi vì hơn bao giờ hết nước Nga hiện đang kiên trì bảo vệ quyền lợi của mình bất chấp mọi cựa quậy từ Washington. Hoa Kỳ luôn luôn tiến hành chính sách hướng tới thống trị thế giới. Còn nước Nga thì luôn như vật cản đối với phương Tây trên con đường này.

Và thủ lĩnh Xô-viết mới Mikhail Gorbachev ở giữa những năm 80 đã vấp phải thách thức  toàn cầu của Hoa Kỳ. Chèo lái nước Mỹ lúc đó là cặp bài Ronald Reagan và William Casey. Triệu phú Casey đã từng đứng đầu bộ tham mưu vận động tranh cử của Reagan từ  đầu những năm 80. Sau khi trở thành Tổng thống, Reagan đã đưa viên trợ lý chủ đạo của mình vào chức Giám đốc CIA. Chính William Casey đã lập ra kế hoạch mật chiến đấu với “Đế chế của cái ác” như chính nguyên thủ quốc gia Mỹ công khai vu khống Liên Xô. Chi tiết của kế hoạch này cho tới nay vẫn  chưa được giải mật, nhưng những quan điểm chính trong đó thì cũng đã lộ rõ.  Afghanistan, Ba Lan, chương trình chiến tranh giữa các vì sao (Strategic Defense Initiative, viết tắt là SDI). Ban lãnh đạo Xô-viết lúc đó đã bị rơi vào đúng cái bẫy đã được khéo léo giăng ra và trong những năm từ 1981 tới 1985 đã tăng những khoản chi phí quân sự vốn đã rất lớn rồi lên thêm 45% nữa. Những nguồn lực ngân sách dành cho việc sản xuất hàng hóa tiêu dùng trong sinh hoạt của nhân dân đã bị co lại như miếng da lừa.

Người ta còn biết thêm một khía cạnh nữa của kế hoạch Casey. Hoa Kỳ đã thuyết phục được Arab Saudi gia tăng thêm rất nhiều sản lượng khai thác dầu mỏ. Việc này dẫn tới giá “vàng đen” trên thị trường thế giới bị rớt thảm hại. Đây là một đòn giáng mạnh vào Moskva vì thu nhập từ bán dầu mỏ và khí đốt trên thị trường quốc tế vốn mang lại cho ngân sách quốc gia của Liên Xô tới 80% lượng ngoại tệ.

Sự xuất hiện của tân Tổng bí thư Gorbachev trong Điện Kremli  đã bổ sung cho kế hoạch Casey thêm một  yếu tố mới (nếu không nói là mang tính quyết định) trong cuộc chiến đấu nhằm làm tan rã Liên bang Xô-viết.

Những “tay mơ” trong Điện Kremli

– Xin ông kể chi tiết hơn!

– Trong một phần tư thế kỷ qua đã tích tụ khá nhiều tin đồn về việc Gorbachev là điệp viên của Hoa Kỳ. Nhưng tôi xin được phép khẳng định rằng, cả Gorbachev, cả Shevardnadze (cựu ngoại trưởng Liên Xô dưới thời Gorbachev), cả Yakovlev (nhà tư tưởng chủ đạo của cải tổ) lẫn Boris Yeltsin đều không phải là những người mà cơ quan tình báo Mỹ đã mua chuộc được.

– Có thể là họ đã được bảo mật quá kỹ?

– Không, việc không phải thế. Đã xảy ra ra chuyện mà tôi có thể gọi tên là  bệnh dịch sùng bái phương Tây. Đó là từ phía chúng ta. Còn từ phía họ thì đó là một cuộc chơi đầy tinh quái theo những mục đích địa chính trị của họ. Một cuộc chơi đã lôi kéo được các nhà lãnh đạo Xô-viết dính theo. Và tẩu hỏa nhập ma quên đi các lợi ích dân tộc của chính mình. Phải nói thêm rằng, căn bệnh này đã lây lan không chỉ cho các nhà lãnh đạo cao cấp nhất nước, những Gorbachev, Shevardnadze và Yakovlev mà cả toàn bộ giới tinh hoa Xô-viết, các chuyên gia trong các cơ sở hàn lâm khác nhau, các cán bộ tư vấn trong Điện Kremli.

Trong hoạt động của các cơ quan an ninh tình báo có một thuật ngữ là “tay mơ”. Thường thì thuật ngữ này được sử dụng để chỉ những ai không bị tuyển mộ nhưng vẫn bị lôi kéo dính líu vào hoạt động gián điệp một cách không hữu ý. Gorbachev và đội hình của ông ở nửa cuối những năm 80 của thế kỷ trước đã trở thành những “tay mơ” như thế. Casey đã đưa thêm vào kế hoạch các biện pháp chống phá Liên Xô của mình thêm một nội dung: chuyển hóa diễn biến tư tưởng của tân Tổng bí thư và đội hình của ông. Mục tiêu là làm cho họ trở thành những tay chơi bị chèo kéo theo định hướng của CIA.

– Người ta đã làm gì với các “tay mơ” trong Điện Kremli?

– Thoạt tiên là tiến lại gần họ. Bày tỏ sự khâm phục, tổ chức PR giúp trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Rồi cung cấp cho họ những lời khuyên “đúng đắn”.  Rồi giới thiệu đưa vào các cơ cấu chính quyền những chuyên gia “sáng suốt”. Quan tâm tới các những vấn đề mới nảy sinh. Tham gia “thiết thực” vào quá trình giải quyết các vấn đề đó. Rồi bỗng nhiên bắt đầu yêu cầu thực hiện một cách cấp bách những biện pháp cần thiết (theo quan điểm của họ). Cung cấp phương tiện hoặc các khoản đầu tư để làm việc này hay những lời hứa lắm khi là hữu danh vô thực.

Phá bỏ lá chắn hạt nhân

– Thí dụ cụ thể về hoạt động của các “tay mơ”?

– Tháng 1/1986, Gorbi (Gorbachev) đã đề nghị phương Tây trong vòng 15 năm thủ tiêu toàn bộ kho vũ khí hạt nhân trên thế giới. Các thành viên “câu lạc bộ hạt nhân”, trước hết là Mỹ, bắt đầu xướng lên dàn tụng ca đối với “nhà yêu chuộng hòa bình vĩ đại” của đất nước Xô-viết. Và Gorbachev đã nồng nhiệt bắt tay vào việc phá bỏ lá chắn hạt nhân của Liên Xô.

Các sáng kiến của tổng bí thư đã làm rối loạn tư tưởng của các quân nhân. Sau cuộc gặp với Reagan tại Raykjavik tháng 10/1986, Gorbachev đã đích thân đảm nhận việc thống kê vũ khí hạt nhân. Và coi mỗi một bộ bom hạt nhân chiến lược hạng nặng của Mỹ là một đầu đạn, dẫu rằng trong thực tế mỗi một bộ bom như thế mang trong mình 24 tên lửa. Cũng chính Gorbi đã tự tay cắt giảm hệ thống tên lửa siêu chính sách OKA, nỗi đau đầu chính yếu của Lầu Năm góc. Đó là loại tên lửa có thể bắn trúng cái gậy trồng trên mặt đất từ khoảng cách 400 km. Phương Tây đã không thể có loại vũ khí nào tương tự.

Tháng 12/1987, Gorbachev và Reagan đã ký Hiệp ước giữa Liên Xô và Hoa Kỳ về thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (RSMD). Đối tượng của hiệp ước này là tên lửa tầm 500 km và lớn hơn. Tầm hoạt động của OKA là 400 km. Thế nhưng, Gorbachev vẫn đồng ý để đưa OKA vào danh sách đối tượng của hiệp RSMD. Hóa ra là, ông ấy làm thế theo yêu cầu của “ông bạn George Shultz”, ngoại trưởng Mỹ lúc đó. Tổng tham mưu trưởng Liên Xô lúc đó là Akhromeyev đã cực lực phản đối nhưng có ai buồn nghe vị nguyên soái này đâu! Người ta đã phá hủy 239  tên lửa và 102 bệ phóng, đóng cửa các chương trình hiện đại hóa OKA. Những việc làm như thế đi ngược lại quyền lợi quốc gia.

Cũng vớ vẩn như thế là khẩu hiệu về việc xây dựng “ngôi nhà chung châu Âu”. Gorbachev đã tích cực chạy theo việc xóa bỏ những đường ranh giới ở châu Âu. Chúng ta hãy thử nhớ lại việc thống nhất vội vã nước Đức, trục xuất ra “cánh đồng không” lực lượng quân đội Xô-viết ở CHDC Đức. Gorbachev đã được vỗ tay nồng nhiệt ở Bonn và Washington, người ta đã hứa cho ông ấy hàng núi vàng khi xây dựng một châu Âu mới thống nhất. Kẻ nhiệt thành trong  Điện Kremli đã phá bỏ Khối Hiệp ước Warshaw và khối SEV để dọn sạch đường cho việc thống nhất châu Âu. Nhưng lại không có nước Nga. Rốt cục là những đồng minh cũ của chúng ta ở Đông Âu chẳng bao lâu sau đã trở thành thành viên của NATO.

Hay chúng ta cũng thử nhớ lại những nhượng bộ bất ngờ về lãnh thổ của Liên bang Xô-viết trong vùng biển Bering. Gorbachev và Shevardnadze năm 1990 đã trao cho nước Mỹ phần lớn vùng biển “không thuộc chủ quyền của ai”, rất giàu có nguồn lợi cá và dầu mỏ. Lẽ ra vùng biển đó phải được coi là khu vực thuộc chủ quyền kinh tế của riêng nước Nga.  Chỉ tính riêng việc mất đi quyền đánh cá trong khu vực biển đó, mỗi năm nước ta đã mất tới hơn một tỉ USD.

Trích dẫn từ tài liệu đã được giải mật của CIA

Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Tháng 6-1985. (Gorbachev: chổi mới. Kết quả 100 ngày đầu của tân tổng bí thư)

“Ông ta đã thể hiện sự sẵn sàng đưa ra những biện pháp mâu thuẫn và không được ưa chuộng. Gorbachev đã suy nghĩ (một cách sai lầm) rằng, cuộc tấn công nhằm vào sự thiếu hiệu quả và nạn tham nhũng chứ không phải những biện pháp cải cách quyết liệt có thể tạo ra tình hình tốt hơn trong nước… Những phát biểu của ông ấy rõ rằng nhiều hơn là những biện pháp hành động cụ thể để thay đổi hệ thống kinh tế. Chiến lược của ông ấy chỉ có thể khiến cho ông ấy có hàng hà sa số những kẻ thù. Những nỗ lực để đẩy nhanh phát triển kinh tế có thể xoay trở thành đòn nhằm vào chính Gorbachev”.

Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Tháng 4/1991. “Ai sẽ tiếp nhận quyền lực từ Gorbachev” (Bản báo cáo mật 20 trang  gửi tổng thống Bush – cha)

“Chính sách của Gorbachev đã đẩy đất nước tới thảm họa và ông ấy không thể nào đưa được nó ra khỏi khủng hoảng. Phá hủy hệ thống chính trị cũ rồi nhưng ông ấy lại không thể xây dựng được cái gì thay thế. Chương trình chống khủng hoảng của ông ấy chỉ là một dự án chết yểu.

Thời đại của Gorbachev thực sự đã kết thúc. Nếu Yeltsin xây dựng và củng cố được các cơ chế quyền lực tổng thống ở nước Cộng hòa liên bang Nga, thì sẽ có thể gia tăng được vị thế của mình một cách căn bản để đối trọng với trung tâm và chiến đấu nhằm lật độ Gorbachev. Và ông này sẽ phải xin từ chức”.

.

Theo ĐẠI ĐOÀN KẾT

Tags: , , ,