Cuộc đối thoại triết học kinh điển giữa Einstein và Tagore

Ngày 14/7/1930, Albert Einstein tiếp đón tại nhà ông ở ngoại ô Berlin một triết gia, nhà thơ, người từng đoạt giải Nobel, Rabindranath Tagore.

Hai người đã có một trong những cuộc trò chuyện trí tuệ và lý thú nhất trong lịch sử về bản chất của khoa học, mà tâm điểm là câu hỏi gai góc: liệu tính khách quan của Chân lý/khoa học có thực sự tồn tại? Tuy nhiên, ở tầng ý nghĩa sâu hơn, cuộc trò chuyện của họ vượt ra ngoài khuôn khổ đối thoại khoa học, thay vào đó phản ánh bản chất niềm tin mang tính lý tưởng về thứ Đạo mà bản thân họ theo đuổi, và chính điều đó đã khiến nó trở nên hết sức quan trọng, đáng để suy nghiệm đối với tất cả chúng ta. Dưới đây là bản dịch bài tường thuật cuộc trò chuyện đăng trên Brainpickingi1, cùng lời bình của dịch giả.

EINSTEIN: Ông có tin vào một đấng linh thiêng tồn tại biệt lập khỏi thế giới?

TAGORE: Không biệt lập. Tính người vô tận đủ để thấu hiểu cả Vũ trụ. Chẳng có gì nằm ngoài khả năng lĩnh hội của con người, như vậy Chân lý của Vũ trụ cũng là một Chân lý thuộc về con người.

Tôi lấy một số thực tế khoa học để làm rõ thêm điều này – Vật chất cấu tạo nên từ các proton, electron và khoảng rỗng giữa chúng; nhưng vật chất bề ngoài lại có vẻ cứng rắn. Tương tự như vậy, nhân loại cấu thành từ những cá nhân, nhưng các mối quan hệ kết nối người và người khiến thế giới nhân loại là một thể thống nhất sống động. Toàn bộ vũ trụ cũng kết nối với chúng ta theo cách tương tự, và đó là một vũ trụ của con người. Tôi đã theo đuổi suy nghĩ này qua nghệ thuật, văn học, và nhận thức tôn giáo của loài người.

EINSTEIN: Có hai nhận thức khác nhau về bản chất vũ trụ: (1) Thế giới là một chỉnh thể phụ thuộc vào [nhận thức chủ quan của] con người. (2) Thế giới là một hiện thực tồn tại độc lập với yếu tố con người.

TAGORE: Khi vũ trụ hài hòa với Con người, cái vĩnh hằng, ta nhận ra đó là Chân lý, ta cảm thấy đó là cái đẹp.

EINSTEIN: Đó thuần túy chỉ là nhận thức [chủ quan] của con người về vũ trụ.

TAGORE: Chẳng thể có nhận thức nào khác. Thế giới này là thế giới [theo nhận thức] của con người – cái nhìn mang tính khoa học về nó cũng là cái nhìn của con người khoa học. Có những tiêu chuẩn về lý tính và xúc cảm để nó trở thành Chân lý, là tiêu chuẩn của Con người Vĩnh hằng, trải nghiệm của Con người Vĩnh hằng chính là thông qua trải nghiệm của chúng ta.

EINSTEIN: Đó là nhận thức của thực thể con người.

TAGORE: Phải, một thực thể vĩnh hằng. Chúng ta nhận ra nó qua những xúc cảm và hoạt động của mình. Ta nhận ra Con người Tối cao vượt lên những giới hạn cá nhân trong chúng ta. Đối tượng tìm kiếm của khoa học là cái không giới hạn vào một cá nhân riêng lẻ nào; đó là một thế giới phi cá nhân thuộc về Chân lý. Tôn giáo nhận ra Chân lý này và kết nối chúng với nhu cầu sâu hơn trong chúng ta; nhận thức cá nhân của chúng ta về Chân lý nhờ đó đạt tới tầm mức phổ quát. Tôn giáo đưa các giá trị vào Chân lý, và ta nhận ra Chân lý này là tốt đẹp qua sự hòa hợp của mình với nó.

EINSTEIN: Như vậy Chân lý, hoặc là cái Đẹp, đều không tồn tại độc lập với Con người?

TAGORE: Không.

EINSTEIN: Nếu không một con người nào còn tồn tại, thì bức tượng Apollo của Belvedere sẽ không còn đẹp nữa2.

TAGORE: Đúng.

EINSTEIN: Tôi đồng ý với điều này ở phạm trù cái Đẹp, nhưng với phạm trù Chân lý thì không.

TAGORE: Sao lại không? Chân lý vốn được nhận thức bởi con người.

EINSTEIN: Tôi không thể chứng minh rằng nhận thức của mình là đúng, nhưng đó là [điều tôi tin tưởng như] tín ngưỡng (religion) của tôi.

TAGORE: Cái Đẹp là điều lý tưởng của sự hài hòa hoàn hảo trong cái Toàn thể (Universal Being); còn Chân lý là sự thấu hiểu hoàn hảo của Trí tuệ Phổ quát (Universal Mind). Các cá nhân chúng ta tiếp cận nó thông qua những sai lầm, những kinh nghiệm tích lũy được, và qua nhận thức được soi sáng – làm sao ta có thể biết được Chân lý theo cách nào khác?

EINSTEIN: Tôi không thể chứng minh một cách khoa học rằng Chân lý phải được nhận thức như một Chân lý tồn tại độc lập với nhân loại; nhưng tôi tin vào điều đó một cách chắc chắn. Tôi tin tưởng, đơn cử như định lý Pythagore trong hình học khẳng định một điều gần như hoàn toàn đúng, và điều ấy độc lập với sự tồn tại của con người. Dù sao thì, nếu đã tồn tại một hiện thực nào đó độc lập với con người thì đồng thời cũng có một Chân lý tương đối về hiện thực ấy; và cũng theo logic đó, phủ định điều thứ nhất dẫn tới phủ định tồn tại điều thứ hai.

TAGORE: Chân lý, vốn là một với cái Toàn thể, nhất thiết phải mang tính người, nếu không bất cứ điều gì mà các cá nhân chúng ta nhận thức là đúng đều không thể coi là đúng – ít nhất đối với Chân lý được mô tả theo khoa học, thứ chỉ có thể tiếp cận qua quá trình logic, hay nói cách khác, bởi một hệ thống tư duy, chính là của con người.

Theo Triết học Ấn Độ, tồn tại Brahman, Chân lý tuyệt đối, cái không thể nhận thức một cách riêng biệt bởi trí tuệ cá nhân hay mô tả bằng ngôn ngữ, mà chỉ có thể nhận thức bởi sự tổng hòa tất cả mọi cá thể trong sự vô tận của chúng. Nhưng một Chân lý như vậy không thể thuộc về khoa học. Bản chất của thứ Chân lý mà chúng ta đang thảo luận chỉ là vẻ bề ngoài của nó – nghĩa là, cái có vẻ đúng trong tâm trí con người, bởi vậy thuộc về con người, và có thể gọi là maya, một ảo giác.

EINSTEIN: Như vậy, theo nhận thức của ngài, hay cũng có thể là theo nhận thức Ấn Độ, đó (tức cái có vẻ ngoài là Chân lý đang được thảo luận) không phải là một ảo giác của cá nhân, mà của toàn thể nhân loại.

TAGORE: Các loài đều thuộc về một chỉnh thể, trong nhân loại. Như vậy trí tuệ của tất cả nhân loại nhận thức được Chân lý; trí tuệ Ấn Độ hay trí tuệ Châu Âu có thể gặp nhau trong cùng một nhận thức.

EINSTEIN: Khái niệm loài dùng trong tiếng Đức được dành cho tất cả mọi người, thậm chí loài vượn hay ếch cũng thuộc trong đó.

TAGORE: Trong khoa học chúng ta trải qua quá trình loại trừ những giới hạn riêng trong các trí tuệ cá thể để đạt tới sự thấu hiểu Chân lý, vốn có trong trí tuệ của Con người Toàn thể.

EINSTEIN: Vấn đề bắt đầu ở chỗ Chân lý liệu có tồn tại độc lập với nhận thức của chúng ta.

TAGORE: Cái mà ta gọi là chân lý nằm trong sự hài hòa lý tính giữa cái chủ quan và khách quan của hiện thực, cả hai cái đó đều thuộc về con người siêu ngã (super-personal man).

EINSTEIN: Ngay trong đời sống thường ngày, chúng ta cảm thấy phải quy cho các đối tượng khác một thực tại độc lập với con người. Chúng ta làm vậy để kết nối các trải nghiệm qua giác quan của mình một cách hợp lý. Ví dụ, ngay cả khi không có ai trong nhà thì chiếc bàn vẫn hiện hữu ở nơi nó đang đứng.

TAGORE: Đúng, nó có thể nằm ngoài tâm trí cá nhân, nhưng không nằm ngoài trí tuệ toàn thể. Chiếc bàn mà ta nhận biết đó vốn dĩ có thể nhận biết được bởi ý thức của ta.

EINSTEIN: Nếu không ai ở trong nhà thì chiếc bàn vẫn hiện hữu như vậy thôi – nhưng điều đó vốn đã không phù hợp với quan điểm của ngài – bởi vì chúng ta không thể lý giải theo cách nào đấy độc lập với [tư duy và ngôn ngữ của] chúng ta, rằng chiếc bàn hiện hữu ở đó có nghĩa là gì.

Quan điểm tự nhiên của chúng ta về chân lý tồn tại một cách độc lập với nhân loại là điều không thể lý giải hoặc chứng minh, nhưng đó là niềm tin mà không ai có thể thiếu – thậm chí cả với những sinh vật sơ đẳng. Chúng ta quy cho Chân lý thuộc tính khách quan siêu nhân tính; điều đó là không thể thiếu với chúng ta, một hiện thực độc lập với sự tồn tại cũng như trải nghiệm và trí tuệ của chúng ta – mặc dù chúng ta không thể nói điều đó có nghĩa là gì.

TAGORE: Khoa học đã chứng minh rằng chiếc bàn là một vật rắn, đó chỉ là một vẻ bề ngoài, và như vậy cái mà tâm trí con người nhận thức là chiếc bàn sẽ không tồn tại nếu tâm trí đó không tồn tại. Đồng thời, cần phải thừa nhận rằng thực tại, hay hiện thực vật chất tối cao, cũng chẳng là gì khác ngoài vô số những trường điện lực độc lập xoay tròn (separate revolving centres of electric force), cái cũng thuộc về tâm trí con người.

Trong sự lĩnh hội Chân lý luôn có một xung đột vô tận giữa trí tuệ con người vũ trụ và trí tuệ cá thể. Quá trình hòa giải vô tận được thực hiện trong khoa học, triết học, và trong đạo đức của chúng ta. Trong mọi trường hợp, nếu có một Chân lý nào đó hoàn toàn không liên quan tới con người, thì đối với chúng ta nó tuyệt đối không tồn tại.

Không khó để hình dung một trí tuệ mà đối với nó chuỗi các đối tượng không tồn tại trong không gian, chỉ có trong thời gian, ví dụ như một chuỗi nốt nhạc. Với một trí tuệ như vậy thì nhận thức về hiện thực sẽ chỉ gần gũi với hiện thực âm nhạc, ở đó định lý Pythagore chẳng thể có ý nghĩa gì. Hiện thực về những tờ giấy, tuyệt đối sẽ khác với hiện thực văn học. Trong trí tuệ của con mọt ăn giấy, văn học tuyệt đối không tồn tại, nhưng trong trí tuệ Con người, văn học có giá trị Chân lý lớn hơn giá trị tự thân của giấy. Tương tự như vậy, nếu có một Chân lý không có mối liên quan về tình cảm hoặc lý trí với trí tuệ con người, thì nó sẽ vĩnh viễn chẳng là gì, chừng nào chúng ta vẫn là con người.

EINSTEIN: Nếu vậy thì tôi là người sùng đạo hơn ngài!

TAGORE: Đạo của tôi ở trong sự hòa hợp giữa Con người Siêu ngã, tinh thần con người toàn thể, và trong bản thể cá nhân tôi.

Phạm Trần Lê dịch

——————————–

LỜI BÌNH:

Trên bề mặt nội dung, về cơ bản cuộc trò chuyện giữa Einstein và Tagore là một màn tranh luận về tính khách quan của Chân lý/khoa học, trong đó phần đầu tưởng chừng ưu thế thuộc về Einstein với những lý lẽ ngắn gọn khúc chiết, trong khi luận điểm của Tagore có vẻ khá rườm rà và hỗn tạp, chủ yếu dựa trên triết học siêu hình của Ấn Độ giáo thuần túy mang tính giả thuyết. Tuy nhiên, cuộc tranh luận càng về sau càng gay cấn, cuối cùng Einstein buộc phải thừa nhận tính khách quan của khoa học là điều không thể chứng minh, chỉ có thể coi như một niềm tin mang tính “tín ngưỡng”; trong khi Tagore biện luận đầy sắc sảo, chỉ ra rằng cái tính khách quan ấy vốn dĩ chỉ là một ảo ảnh, thực ra chẳng hề có ý nghĩa gì với ngài cũng như tất thảy nhân loại.

Không khó để thấy rằng việc bảo vệ cho tính khách quan của chân lý/khoa học dựa trên các lập luận logic là điều không tưởng, một con đường dẫn tới ngõ cụt, bởi tính khách quan ở đây được hiểu là sự độc lập với yếu tố con người, trong khi mọi nền tảng tư duy của chân lý/khoa học đều do con người xây dựng nên.

Einstein hiển nhiên thấu hiểu điều này, tuy nhiên ông vẫn khơi mào và theo đuổi cuộc tranh luận với niềm tin rằng tồn tại một thứ chân lý khách quan không gắn với yếu tố con người (“siêu nhân tính”). Tagore không trực tiếp bác bỏ điều đó, nhưng ông khẳng định thứ chân lý không có mối liên quan về tình cảm hoặc lý trí với trí tuệ con người sẽ không có ý nghĩa gì với con người, hay nói cách khác, đó không phải là thứ chân lý con người cần/muốn quan tâm. Với biện luận đó, cũng có thể nói Tagore đã ngầm chỉ ra sự phi logic của người đối thoại, rằng khi Einstein quan tâm tới thứ chân lý nằm ngoài con người, thì chính mối quan tâm đó đã biến thứ chân lý ấy trở thành không còn độc lập với con người nữa. Nói cách khác, Einstein đang tin vào điều tuyệt đối tự mâu thuẫn.

Chính ở đây, chúng ta mới thấy lộ ra sự bất đồng quan điểm sâu sắc vẫn chưa thực sự được giải quyết giữa hai thiên tài của nhân loại. Điều tưởng như nghịch lý là Einstein, con người của khoa học và lý tính, bảo vệ cho niềm tin vào một thứ chân lý siêu việt độc lập với con người, thứ niềm tin mà ông thừa biết không thể chứng minh được, chỉ có thể coi như một “tín ngưỡng”. Ở chiều ngược lại, Tagore, con người của thi ca, lại bảo vệ cho sự “thực dụng”, bởi nó đương nhiên đúng: nhận thức của con người luôn bị giới hạn bởi các mối quan tâm của nó, dẫu có muốn thoát ra ngoài cũng không thể được, bởi vậy đừng quá băn khoăn với những gì siêu việt phi con người.

Để hiểu điều tưởng như nghịch lý trên đây, chúng ta cần đi sâu hơn vào bản chất con người và đặt câu hỏi: động lực nào dẫn dắt cho niềm tin vô căn cứ của Einstein? Đương nhiên, niềm tin của Einstein về tồn tại một hiện thực khách quan là hoàn toàn phù hợp với cảm nhận trực quan của số đông, nhưng đối với một bậc thiên tài, tác giả của các Thuyết tương đối, những công trình hầu như phi trực quan, chúng ta không thể dùng sự thông thường để đánh giá về ông.

Trong một vài bài viết3 của mình, tôi đã đề cập đến bản năng chinh phục vị thế trong không gian của con người. Đối với các bậc vĩ nhân như Einstein, ham muốn tột cùng của họ là chinh phục một thứ không gian tối hậu, vượt lên trên yếu tố con người4 mà họ cho là còn hạn hẹp, bấp bênh, đầy tính chủ quan, thậm chí tự mâu thuẫn. Đó là lý do các nhà khoa học lớn vẫn thường trăn trở về tính khách quan của khoa học. Họ mong muốn khoa học phải khách quan tuyệt đối, bởi chỉ có như thế nó mới đủ sự vững chắc, là điểm tựa cho họ trong thế giới rộng lớn vô tận, là chuẩn mực và mục tiêu xứng đáng để họ theo đuổi.

Nếu phải thừa nhận rằng khoa học luôn bị giới hạn trong thế giới chủ quan của con người, những bậc vĩ nhân như Einstein hẳn không chỉ cảm thấy mất phương hướng, mà còn có cảm giác phản bội lại niềm tin và lý tưởng mà họ hằng theo đuổi. Đây cũng là lý do khiến Einstein phàn nàn rằng khoa học lượng tử quá khác thường. Đơn giản là ông khó chấp nhận một thứ khoa học thừa nhận rằng hiện thực phụ thuộc vào yếu tố con người.

Không phải ngẫu nhiên mà sự bối rối đầy vướng bận của Einstein cũng trùng hợp với thời điểm nền triết học phương Tây đang chùn bước, và đến nay sau cả thế kỷ nó hầu như vẫn đang chững lại. Một mặt, nền khoa học phương Tây vẫn tiến bước đều đặn bởi ngay cả khi không đảm bảo tính khách quan tuyệt đối thì nó vẫn làm tốt các phận sự khác của mình. Nhưng đối với cả một nền tư tưởng phương Tây thì việc chung sống với tính phi khách quan quả là điều không mấy suôn sẻ. Có lẽ đó là lý do Einstein bổ sung vào niềm tin tín ngưỡng của mình khái niệm Đạo Vũ trụ (Cosmic Religion), một cứu cánh cho phép con người vượt qua sự hữu hạn của bản thân để chạm tới thứ chân lý khách quan siêu việt.

Thiên hướng đó khiến Einstein tiến về gần với triết học phương Đông hơn. Điều thú vị là khi bộc bạch với Tagore rằng “chúng ta quy cho Chân lý thuộc tính khách quan siêu nhân tính; điều đó là không thể thiếu với chúng ta, một hiện thực độc lập với sự tồn tại cũng như trải nghiệm và trí tuệ của chúng ta – mặc dù chúng ta không thể nói điều đó có nghĩa là gì”, Einstein một mặt biện minh cho sự chính danh của nền khoa học/triết học phương Tây, nhưng mặt khác ông gần như đã trích dẫn lại Lão Tử trong lời mở đầu Đạo đức kinh, rằng thứ Đạo có thể tiếp cận bằng lý luận thông thường của con người thì đó chưa thực sự là Đạo. Tuy nhiên, có thể nói rằng Einstein mới chỉ chớm chạm vào cánh cửa của Đạo mà chưa thể bước vào, khi ông vẫn bế tắc trong tư duy: Đạo phải tồn tại độc lập với con người.

Đây cũng chính là tầng nội dung sâu hơn của cuộc đối thoại giữa Tagore và Einstein, cuộc đối thoại về vai trò và bản chất của con người trong mối tương quan với Chân lý: liệu con người có đủ phẩm tính để được đem làm thước đo tiếp cận với Chân lý? Nhà thơ – nhà hiền triết Ấn Độ hết sức tinh tế, cũng có thể ông đã linh cảm trước định hướng nội dung câu chuyện sẽ đi tới, vì vậy ngay từ đầu ông nói: “Tính người vô tận đủ để thấu hiểu cả Vũ trụ. Chẳng có gì nằm ngoài khả năng lĩnh hội của con người, như vậy Chân lý của Vũ trụ cũng là một Chân lý thuộc về con người.”

Câu nói của Tagore đặt niềm tin vào tính người, rằng con người hoàn toàn đủ phẩm tính để tiếp cận Chân lý. So sánh với niềm tin của Einstein rằng Chân lý độc lập với con người, chúng ta thấy rằng cả hai đều chỉ là các giả thuyết, hoàn toàn không có cơ sở để chứng minh, tuy nhiên niềm tin của Einstein có nhược điểm tự mâu thuẫn như đã đề cập, và quan trọng hơn nó không đáp ứng bản tính tự nhiên của con người một cách trọn vẹn như niềm tin của Tagore.

Bản tính tự nhiên của con người là chinh phục không gian. Niềm tin của Einstein về thứ Chân lý khách quan tuyệt đối có thể thổi bùng lên một khát vọng chinh phục, nhưng cái đích phi con người khiến nó trở nên xa lạ, ngoài tầm với của chúng ta.

Trong khi đó, bằng vài lời dẫn nhập đơn giản Tagore đã vạch ra một hành trình có tính khả thi tiến tới thứ Chân lý tối thượng. Tuy nó cũng vượt quá sức vóc một cá nhân, nhưng chúng ta vẫn có thể tiếp cận được qua sự tổng hòa của nhiều cá thể trên những ngả đường triết học, khoa học, nghệ thuật… Quan trọng hơn, con người không cần phải tìm thứ chân lý vu vơ bên ngoài cõi người, bởi Chân lý vốn gắn với tính người. Bất chấp sự hữu hạn, méo mó, chủ quan trong hiện thực mà mỗi cá nhân luôn phải đối diện, mỗi khi tìm thấy một dấu vết của Chân lý tự bản thân ta hoàn toàn có thể cảm ứng được nó: “Ta nhận ra đó là Chân lý, ta cảm thấy đó là cái đẹp”.

Cảm giác về cái đẹp của Chân lý là điều có thật mà chúng ta vẫn thường có thể tìm thấy trong thực tiễn. Một khi điều ấy xảy ra thì chắc chắn không phải do ta nhận ra điều gì đó siêu phàm xa lạ, mà hẳn phải do cái sẵn có bên trong ta được đánh thức. Khác với Đạo của Einstein, một vương quốc tự thân tồn tại độc lập với con người, nơi hoàn hảo tuyệt đích nhưng cô tịch, lạnh lẽo, Đạo của Tagore là một vương quốc mang tính người và do con người. Nó không khách quan tới mức tuyệt đối, chỉ có thể đảm bảo khách quan tới mức tương đối. Và với Tagore, con người có đủ phẩm tính để tiếp cận Chân lý và do đó đủ tư cách để làm chứng cho tính khách quan ấy.

————————————

Chú thích:

1 https://www.brainpickings.org/2012/04/27/when-einstein-met-tagore/
2 Một bức tượng nổi tiếng tại tòa thánh Vatican.
3 http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Vi-the-va-khong-gian-I-Luan-ve-coi-nguon-nghe-thuat—4530

Vị thế và không gian (II): Luận về cội nguồn tôn giáo và khoa học


4 http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Tam-luong-rong-lon-10798

Theo PHẠM TRẦN LÊ / TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: , , ,