⠀
Chùm ảnh: Có gì trong cuốn sổ giá 30 triệu USD của Leonardo da Vinci?
Ngày 11/11/1994, cuốn sổ Leicester Codex của Leonardo da Vinci đã đã được bán cho Bill Gate – người giàu nhất thế giới – với mức giá cao kỷ lục là 30,8 triệu USD.
Được viết vào khoảng năm 1508, Leicester Codex là tên gọi của một trong số 30 cuốn sổ mà Leonardo da Vinci dùng để ghi chép trong suốt cuộc đời của ông về nhiều chủ đề khác nhau.
Cuốn sổ này gồm 72 trang với khoảng 300 ghi chú và bản vẽ chi tiết, tất cả đều liên quan đến chủ đề chung về nước và cách nước di chuyển.
Trong Leicester Codex, các ghi chú được viết bằng mực nâu và phấn, được đọc từ phải sang trái, là một ví dụ về kỹ thuật viết ngược mà da Vinci ưa chuộng.
Họa sĩ Giuseppi Ghezzi đã phát hiện ra cuốn sổ vào năm 1690 trong một rương gồm các cuộn giấy thuộc về Guglielmo della Porto, một nhà điêu khắc người Milan thế kỷ 16, người đã nghiên cứu các tác phẩm của Leonardo.
Năm 1717, Thomas Coke, Bá tước Leicester, đã mua lại cuốn sổ và lưu giữ nó trong bộ sưu tập nghệ thuật ấn tượng của ông tại dinh thự gia đình ở Anh.
Vào ngày 12/12/1980, Armand Hammer – chủ tịch của Tập đoàn Dầu khí Occidental – đã trả 5.126.000 USD trong một cuộc đấu giá để mang về cuốn sổ tay có chứa bút tích của huyền thoại người Italia. Ông đổi tên cuốn sổ thành Hammer Codex và thêm nó vào bộ sưu tập nghệ thuật của mình.
Khi Hammer qua đời vào năm 1990, ông đã để lại cuốn sổ và các tác phẩm khác cho Trung tâm Văn hóa và Nghệ thuật Armand Hammer tại Đại học California ở Los Angeles (UCLA).
Vài năm sau, bảo tàng đã mang cuốn sổ đi bán, tuyên bố rằng họ buộc phải thực hiện hành động này để trang trải chi phí pháp lý phát sinh từ vụ tranh chấp quyền thừa kế trong nhà Hammer.
Ngày 11/11/1994, Hammer Codex đã được bán cho một người đấu giá ẩn danh – sau đó nhanh chóng được xác định là Bill Gates – với mức giá cao kỷ lục là 30,8 triệu USD.
Người giàu nhất thế giới khi ấy đã khôi phục tên gọi Leicester Codex và từ đó đã cho một số bảo tàng mượn cuốn sổ để trưng bày cho công chúng tham quan.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Hiện vật lịch sử, Leonardo Da Vinci