⠀
Chùm ảnh: Văn hóa trống đồng của người Karen ở Myanmar
Nguồn gốc của người Karen vẫn là một ẩn số với các nhà sử học. Nhưng từ trống đồng của người Karen, người ta tin rằng nhóm dân tộc này có một mối liên hệ với người Việt cổ ở khu vực Đông Nam Á thời cổ đại.
Sống tập trung ở 2 bang Kayah và Kayin của Myanmar, người Karen là dân tộc có dân số đông thứ ba ở đất nước này. Dân tộc này có một nền văn hóa giàu bản sắc mà điều độc đáo nhất là việc sử dụng trống đồng.
Theo các nhà nghiên cứu, trống đồng của người Karen thuộc loại Heger III với nét đặc trưng là mặt trống có hình mặt trời 12 cánh ở trung tâm và nhiều vòng tròn đồng tâm với các mô típ chính là hình học và hoa văn.
Ở bốn góc mặt trống có hình những con cóc/ếch – biểu tượng của mưa – chồng lên nhau, thường là ba tầng. Do vậy, loại trống này còn gọi là trống cóc/ếch (frog drum) hay trống mưa (rain drum).
Trong văn hóa Karen, trống đồng là loại nhạc cụ rất được coi trọng. Chúng được sử dụng trong các buổi cúng lễ để gọi hồn tổ tiên về chứng giám các đám cưới, đám tang, mừng nhà mới hay để xua đuổi tà ma.
Người Karen cũng tin rằng trong trống đồng có các linh hồn ngự trị nên họ cất giữ trống cẩn thận và phải làm lễ cúng trống nếu mặt trống bị thay đổi biến dạng.
Trong xã hội của người Karen, trống đồng còn là biểu tượng của sự giàu có và quyền lực. Họ thường để các đồ quý giá trong trống đồng và chôn cùng người quá cố, coi đó là tài sản quan trọng sẽ được mang theo sang thế giới bên kia. Tục chôn trống này tương đồng với người Việt cổ thời Đông Sơn.
Cho đến nay nguồn gốc của người Karen vẫn là một ẩn số với các nhà sử học. Nhưng với văn hóa sử dụng trống đồng, người ta tin rằng nhóm dân tộc này có một mối liên hệ mật thiết với người Việt cổ ở khu vực Đông Nam Á thời cổ đại.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Myanmar, Dân tộc thiểu số, Người Việt cổ, Trống đồng, Văn hóa bản địa