Chùm ảnh: Vài nét chấm phá về Tử Cấm Thành Huế

Với vị trí là nơi ở của vua và gia quyến, Tử Cấm Thành Huế được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngay cả các quan đại thần, nếu không có phận sự cũng không được lai vãng.

Nằm sau điện Thái Hòa trong khu Đại Nội của Kinh thành Huế, Tử Cấm Thành của triều Nguyễn được xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804), ban đầu được gọi là Cung Thành. Các vua đời sau tiếp tục xây thêm công trình ở nơi đây. Ảnh: Khu vực trung tâm Tử Cấm Thành Huế ngày nay.

Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), Cung Thành đổi tên là Tử Cấm Thành, nghĩa là “Tòa thành cấm màu tía”. Theo nghĩa Hán tự, chữ Tử có nghĩa là màu tím, dựa theo thần thoại về chòm sao Tử Vi Viên trong thiên văn cổ phương Đông. Ảnh: Trường lang – hệ thống hành lang nội bộ trong Tử Cấm Thành.

Trên phương diện mặt kiến trúc, Tử Cấm Thành Huế về đại thể là một hình chữ nhật có chu vi khoảng 1.229 mét. Mặt trước và sau mỗi mặt dài 324 mét, hai mặt bên dài 290 mét. Ảnh: Hồ Ngọc Dịch trong Tử Cấm Thành.

Bức tường Tử Cấm Thành cao hơn 3 mét, dày gần 1 mét xây hoàn toàn bằng gạch vồ để ngăn cách hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Tử Cấm Thành thông ra bên ngoài ở 7 cửa. Ảnh: Một đoạn tường cũ của Tử Cấm Thành.

Đại Cung Môn là cửa chính của Tử Cấm Thành, được xây dựng năm Minh Mạng thứ 14 (1833). Cửa này rộng 5 gian, có 3 cửa tiếp nhau. Công trình đã bị phá hủy trong chiến tranh, năm 1947. Ảnh: Khoáng trống giữa hai dãy hành lang xưa kia là Đại Cung Môn.

Bên trong Tử Cấm Thành có tất cả hơn 50 công trình kiến trúc với các chức năng khác nhau. Các công trình chính gồm điện Cần Chánh, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung, ngày nay đều không còn. Ảnh: bệ rồng ở phế tích điện Kiến Trung.

Trong các cung điện ở Tử Cấm Thành, Điện Cần Chánh có vai trò quan trọng nhất. Đây là nơi vua thiết triều, thường tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức các buổi yến tiệc. Ảnh: Mô hình điện Cần Chánh được trưng bày trong khu vực Tử Cấm Thành.

Một số công trình đáng chú ý khác trong Tử Cấm Thành là Duyệt Thị Đường, Thái Bình Lâu, Nhật Thành Lâu, Thiệu Phương Viên, Ngự Tiền Văn Phòng… đảm nhận những vai trò khác nhau. Ảnh: Tòa nhà Ngự Tiền Văn Phòng, nơi làm việc của các trợ lý thời vua Bảo Đại.

Công trình “kỳ lạ” nhất trong Tử Cấm Thành Huế là một sân tennis hiện đại. Vua Bảo Đại đã cho sân tennis này năm 1933 để phục vụ hoạt động thể thao của hoàng gia và quan khách.

Với vị trí là nơi ở của vua và gia quyến, Tử Cấm Thành được bảo vệ nghiêm ngặt. Ngay cả các quan đại thần, nếu không có phận sự cũng không được lai vãng. Ảnh: Một lầu vọng cảnh trong khu vực Tử Cấm Thành.

Ngoài thành viên hoàng tộc, người thường xuyên có mặt trong Tử Cấm Thành để duy trì các hoạt động thường ngày ở nơi đây là đội ngũ quan thái giám và cung nhân đông đảo. Việc ra vào Tử Cấm Thành của những người này được giám sát nghiêm ngặt. Ảnh: Nhà hát Duyệt Thị Đường.

Những năm gần đây, một số công trình từng bị phá hủy của Tử Cấm Thành Huế đã được phục dựng. Hy vọng rằng trong một tương lai không xa, di tích lịch sử đặc biệt này này sẽ được trả về với dáng vẻ thời hoàng kim của mình. Ảnh: Thái Bình Lâu trong Tử Cấm Thành.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , , ,