Chùm ảnh: Tiệm cầm đồ ‘cứu sống’ cả thị trấn giữa đại dịch ở Mỹ

Từ trong tiệm, Jeremy Rowland đăng món đồ ngày hôm nay lên Instagram. Giữa đại dịch, tiệm cầm đồ Triple R Pawn của ông, cũng như các tiệm khác trên khắp nước Mỹ, càng quan trọng.

Ông Rowland từng đóng tiệm cầm đồ Triple R Pawn (trong ảnh) khoảng 10 ngày. Nhưng sau đó, nghĩ cho những khách hàng lâu năm, sống trong cộng đồng, sẽ cần ông trong những tháng tới, ông lại mở tiệm. Thực ra, ông cũng rất cần họ. Trong ảnh, một người thợ làm vườn mang máy thổi cỏ đến cầm.

“Tôi không ở nhà được”, Rowland nói. “Tôi có bao nhiêu hóa đơn phải trả”. Ông bàn với vợ và quyết định chuyển vào sống ở tiệm để cách ly khỏi gia đình, nhưng chỉ để mở cửa sổ nhận đồ (trong ảnh), thay vì để khách bước vào trong. Thị trấn Ash Flat, bang Arkansas của ông Rowland (trái) có dân số 1.082 và hơn 1/4 thuộc diện nghèo, dựa rất nhiều vào tiệm cầm đồ của ông, nhất là khi tác động kinh tế đang dần dần cuốn cả nước Mỹ như làn sóng.

Dù nhiều nghìn tỷ USD kích thích kinh tế được Washington thông qua, người nghèo trong thị trấn thuộc thành phần kinh tế dễ bị bỏ qua: không có tài khoản ngân hàng, khó vay tiền qua ngân hàng. Trước khi dịch bùng phát, khi cả nước Mỹ lo việc đi mua nhu yếu phẩm, người dân ở đây lo làm sao đủ tiền cho nhu yếu phẩm. Trong ảnh, đèn báo “mở cửa” bên ngoài tiệm cầm đồ Triple R Pawn.

Đối với người nhiều người ở thị trấn Ash Flat, nơi có thu nhập trung vị là 19.837 USD, chỉ bằng 1/3 trung bình cả nước, đi cầm đồ là lựa chọn duy nhất. Tìm đến tiệm của ông Rowland (ảnh), họ cầm máy phát điện lấy 300 USD để có tiền trả góp khoản vay mua xe, hoặc cầm khẩu súng lấy 100 USD, cứ thế mong chống chọi được cho tới khi nhận được tiền an sinh xã hội.

“Nhiều người kiếm ăn từng bữa… Tiệm của Rowland là phao cứu sinh, để ai đó có được thêm vài lạng thịt về cho gia đình chẳng hạn”, Ethan Barnes, chủ tịch phòng thương mại địa phương, nói với Washington Post. Khách hàng của tiệm có thể bao gồm người đàn ông muốn cầm khẩu súng để chăm cho vợ bị ung thư, hoặc người phụ nữ đã cạn tiền mà chồng hóa đơn vẫn chất cao như núi. Trong ảnh, giá để súng trong tiệm. Số lượng súng đã ít đi vì nhiều người đổ xô đi mua súng trước dịch bệnh.

Vậy nên gia đình nhà Rowland lên phương án mở lại tiệm sau 10 ngày đóng. Họ cho khách lái xe qua, thay vì cho khách vào trong, để hạn chế tiếp xúc. Khách hàng đến cầm đồ vật lớn sẽ lái xe vào trong bãi, nhưng vẫn ở trong xe, để ông Rowland ra tự mở cốp, cũng để hạn chế tiếp xúc.

17 triệu người Mỹ vừa xin trợ cấp thất nghiệp. Dù xa xôi như thị trấn Ash Flat hay trung tâm như New York, các tiệm này cho vay khoản nhỏ, thời hạn ngắn (khoảng 150 USD) đổi lấy tài sản thế chấp, dành cho khách hàng cần tiền ngay lập tức. Trong ảnh, khách hàng lái xe qua hỏi thăm tiệm cầm đồ.

Tracy Harrison, nhà tạo mẫu ở Florida, không kiếm được tiền từ khi có dịch bệnh. Cô biết rằng đi mua đồ tích trữ sẽ tốn hết sạch tiền, vì vậy cô đi cầm TV màn hình phẳng và vòng cổ đổi lấy 350 USD. “Tôi không thể đến ngân hàng và nói ‘Tôi cần vay 300 USD’… họ đuổi tôi đi ngay”, cô nói với Washington Post. Trong ảnh, Steven Herring, một người họ hàng của ông Rowland, đang bán khẩu súng AR-15 cho khách.

Ở tiệm cầm đồ Daddy’s Cash ở Miami, Florida, một khách hàng phải tới cầm đồ vì làm việc cho giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA), mà chưa nhận được lương khi mùa giải NBA đang hoãn. Một khách khác phải tới đây vì một đối tác người Trung Quốc chậm trả tiền. “Chúng tôi là hy vọng duy nhất của họ”, chủ tiệm cầm đồ, Andres Arcila, nói với Washington Post. “Lúc này, ai cho vay tiền đổi lấy trang sức, máy tính, TV đây?… Ngân hàng sẽ không giúp”.

Eric Modell, từ gia đình có bốn đời làm tiệm chuyên cầm trang sức ở thành phố New York, biết nền kinh tế sẽ đi xuống từ trước khi các chính khách Mỹ lên tiếng, khi thấy ngành du lịch đi xuống. Một nhân viên khách sạn gần đó tới tiệm, cầm chiếc đồng hồ và mấy món đồ bằng vàng, lấy vài nghìn USD, vì giờ làm và lương của anh ta bị cắt. Trong ảnh, Jeremy Rowland ở Arkansas đang giao dịch qua cửa sổ.

Khoản vay từ tiệm của Modell cũng có giới hạn. Tháng trước, một nhà sản xuất trang sức cao cấp mà ông Modell đã biết nhiều năm nay mang cả dòng sản phẩm tới cầm, vì chủ sản xuất không còn đủ để trả tiền thuê hay lương cho nhân viên. “Cảnh đó trông rất khổ”, Modell nói với Washington Post. “Ông ấy đã lường trước tình hình… Hình như tôi đã cho vay nửa số tiền ông ta cần, tôi chỉ có từng ấy thôi”. Trong ảnh, tiệm Triple R Pawn mở cửa chính để nhận một đồ nội thất cỡ lớn.

Jeremy Rowland (trái) đang làm một video trực tiếp phát trên Facebook, báo với khách về ưu đãi ngày hôm đó: cho miễn phí một số khẩu súng nếu đăng ký ứng dụng điện thoại của tiệm.

Tiệm Triple R Pawn của ông Rowland thường đóng cửa khoảng 16h30, dù điện thoại khách gọi tới sau đó vẫn nhiều. Buổi tối hoặc cuối tuần, thú vui của ông Rowland là lên mạng, Twitter và Tik Tok, hoặc chèo thuyền ra để “giãn cách xã hội giữa hồ”. Vợ ông, Pamela, sẽ nấu đồ ăn, đóng hộp, rồi mang tới tiệm. Đến khoảng 21h mỗi ngày, những khó khăn của mùa đại dịch tạm thời biến mất khi ông gọi video cho vợ và con trai Ty, 18 tuổi.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,