Chùm ảnh: Thế giới kỳ dị của các loài động vật nhiều chân

Động vật nhiều chân (Myriapoda) là một phân ngành của động vật chân đốt, gồm những loài vật tua tủa chân khiến nhiều người ghê sợ như rết, cuốn chiếu, sâu đá. Cùng điểm qua những loài động vật nhiều chân đáng chú ý.Chùm ảnh: Thế giới kỳ dị của các loài động vật nhiều chân

Rết hổ lớn (Scolopendra hardwickei) dài 20-25 cm, phân bố ở Ấn Độ. Như các loài rết khổng lồ thuộc chi Scolopendra khác, màu sắc rực rỡ của loài động vật nhiều chân này là sự cảnh báo về nọc độc mạnh của chúng.

Rết đất vàng (Geophilus flavus) dài 2-3,5 cm, là loài rết sống trong đất có nguồn gốc châu Âu, đã xâm nhập vào nhiều lục địa khác nhau. Chúng thuộc họ Geophilidae, có nhiều đốt hơn (nên có nhiều chân hơn) các loài rết khác.

Rết nhà Địa Trung Hải (Scutigera coleoptrata) dài 2,5-5 cm, là loài bản địa quanh Địa Trung Hải nhưng đã du nhập vào nhiều nơi khác trên thế giới. Chúng rất dễ nhận diện với các cặp chân dài, mắt kép và là một trong những động vật không xương sống chạy nhanh nhất.

Chùm ảnh: Thế giới kỳ dị của các loài động vật nhiều chân

Sâu đá đen lớn (Zoosphaerium sp.) là một nhóm sâu đá bản địa Madagascar. Loài thường gặp có màu xanh xám, dài 3-4 cm. Các loài sâu đá có thể cuộn tròn như viên bi khi bị quấy nhiễu.

Sâu đá nâu lớn (Zephronia sp.) là một nhóm gồm 6 loài sâu đá sống ở Borneo. Chúng dài 4-5 cm, cơ thể có 13 đốt thay vì 12 đốt như các nhóm sâu đá khác.

Cuốn chiếu lớn châu Phi (Archispirostreptus gigas) dài 20-28 cm, phân bố ở vùng nhiệt đới châu Phi. Là một trong những loài cuốn chiếu lớn nhất, chúng có thể tiết ra chất gây rát để tự vệ. Dù có vẻ ngoài đáng sợ, chúng được nhiều người nuôi như một sinh vật cảnh.

Cuốn chiếu lông cứng (Polyxenus lagurus) dài 2-3 mm, phân bố ở Bắc bán cầu. Loài cuốn chiếu nhỏ bé này có lông cứng để tự vệ, sống chui luồn sau lớp vỏ cây gỗ và dưới đám lá rụng trên nền đất.

Cuốn chiếu khoan (Polyzonium germanicum) dài 0,5-1,8 cm, là loài cuốn chiếu tương đối nguyên thủy, phân bố rải rác ở châu Âu. Chúng sống trong rừng và khi cuộn lại thì trông giống vảy cứng của chồi cây sồi.

Cuốn chiếu đầu ngắn Bắc Mỹ (Brachycybe sp.) là đại diện ở Bắc Mỹ của một họ cuốn chiếu nhỏ, dài khoảng 1-2 cm, thân dẹt, sống trong gỗ mục và đám lá rụng.

Cuốn chiếu mai Tanzania (Coromus diaphorus) dài 4-6 cm, là loài cuốn chiếu sống ở vùng nhiệt đới Đông Phi. Chúng không có mắt, bề mặt sáng bóng, có chỗ lõm điển hình ở các loài cuốn chiếu lưng phẳng.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG 

Tags: ,