⠀
Chùm ảnh: Thăm thánh địa của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Sau khi khánh thành, Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành một điểm đến mới thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, đem lại những lợi ích thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Quan trọng hơn cả, Tượng đài là một điểm về nguồn mang giá trị lịch sử và nhân văn vô cùng to lớn, góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, giáo dục lòng yêu nước với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ ngày hôm nay.
Nằm trên núi Cấm thuộc địa phận xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng là một công trình kỳ vĩ được xây dựng để khắc ghi công lao của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc bảo vệ tổ quốc.
Lịch sử của công trình bắt đầu vào năm 2004, khi lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện cuộc vận động xây dựng Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng trong các tầng lớp nhân dân và cơ quan đoàn thể.
Theo định hướng, tượng đài lấy nguyên mẫu từ hình ảnh mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), người có 9 con trai, một con rể và hai cháu ngoại hy sinh trong hai cuộc đấu tranh chống Pháp và Mỹ.
Sau ba vòng thi tuyển chọn, mẫu tượng của họa sĩ Đinh Gia Thắng và kiến trúc sư Nguyễn Luận được Hội đồng Nghệ thuật chọn. Địa phương xây tượng đài là tỉnh Quảng Nam, tỉnh có nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhất với 11.234 người.
Ngày 27/7/2009, nhân kỷ niệm 62 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ Việt Nam, lễ động thổ Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã được tiến hành. Ngày 24/03/2015, công trình chính thức khánh thành nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam.
Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng có tổng diện tích 15 ha. Phía trước khuôn viên tượng đài là quảng trường tiền môn rộng lớn. Giữa quảng trường có 8 trụ huyền thoại, mỗi trụ cao 11.2m, đường kính gần 2m.
Trên các cột trụ khắc họa hình ảnh các bà Mẹ ở mọi miền đất nước. Đây vừa là cổng chào, biểu tượng cô đọng về vẻ đẹp của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng như toàn thể phụ nữ Việt Nam.
Hai bên lối dẫn chính lên tượng đài là 30 ngọn đèn đá, tượng trưng cho 30 năm Mẹ chờ đợi ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trung tâm quần thể kiến trúc là Tượng đài Mẹ Thứ làm bằng chất liệu đá sa thạch, mang hình cánh cung dài trên 100 mét, phần cao nhất 18 mét, thấp nhất 5,8 mét.
Chính giữa khối tượng đài là chân dung Mẹ Thứ, được khắc những nét bình dị, mộc mạc, đầy vẻ nhân hậu.
Hai bên cánh cung là những vách đá được tạo hình như những cung bậc trầm, bổng, lên xuống tượng trưng cho năm tháng kháng chiến gian khổ. Hòa quyện vào đá là khuôn mặt 11 người con đã mất của Mẹ Thứ.
Phía trước tượng đài được là hồ nước rộng hơn 1.000 m2, đem lại cho không gian kiến trúc sự thông thoáng, mát mẻ giữa cái nắng gay gắt của miền Trung.
Những dòng nước chảy từ vách tượng Mẹ tràn trên mặt hồ, thể hiện tình cảm luôn như bát nước đầy, sự tận hiến của các bà Mẹ đối với Tổ quốc, đối với các con.
Thiết kế này thể hiện ý tưởng chủ đạo của tượng đài: “Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, vẫn tiếp thêm nguồn sức mạnh cho các thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Hai bên hồ nước bố trí hai thảm hoa lớn với các loài hoa được đem đến từ mọi miền đất nước.
Bên trong khối tượng đài hình cánh cung là khu bảo tàng với diện tích 400m2, gồm phòng trưng bày, phòng bảo quản và nơi ghi danh hơn 50.000 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng.
Các gian của bảo tàng giới thiệu nhiều hình ảnh, hiện vật tái hiện cuộc đời, sự cống hiến cao cả của người Mẹ với Tổ quốc.
Bao quanh tượng đài là khu công viên rộng rãi, thoáng đãng với nhiều cây xanh, thảm cỏ, nhà chờ và hai hồ nước.
Điểm xuyết trong vườn cây xanh là những phiến đá khắc vần thơ sâu lắng, dạt dào tình cảm về Mẹ.
Sau khi khánh thành, Tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã trở thành một điểm đến mới thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, đem lại những lợi ích thiết thực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Quan trọng hơn cả, Tượng đài là một điểm về nguồn mang giá trị lịch sử và nhân văn vô cùng to lớn, góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, giáo dục lòng yêu nước với mọi tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ ngày hôm nay.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Địa điểm du lịch, Quảng Nam, Tượng đài - Khu tưởng niệm, Bảo tàng, Mẹ Việt Nam anh hùng