Chùm ảnh: Những nét chấm phá về Cố đô Lam Kinh của nhà Hậu Lê

Xưa kia ở Lam Kinh từng tồn tại một hệ thống các cung điện, đền miếu… nguy nga tráng lệ. Tiếc rằng do các biến động lịch sử mà nhiều công trình đã bị hủy hoại…

Nằm trên địa bàn thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Cố đô Lam Kinh là một di tích gắn liền với sự nghiệp của vua Lê Thái Tổ và nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam.

Ngược dòng thời gian, sau 10 năm lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418 – 1428) đánh đuổi giặc nhà Minh và lên ngôi hoàng đế đóng đô ở Đông Kinh (Thăng Long), vua Lê Thái Tổ cho xây dựng ở quê hương đất tổ Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh hay còn gọi là Tây Kinh.

Thành điện Lam Kinh xưa được xây dựng theo địa thế “tọa sơn hướng thủy”, phía Bắc dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng.

Xưa kia ở Lam Kinh từng tồn tại một hệ thống các cung điện, đền miếu… nguy nga tráng lệ. Tiếc rằng do các biến động lịch sử mà nhiều công trình đã bị hủy hoại. Khoảng một thập niên trở lại đây, Cố đô nhà Hậu Lê đã được tái thiết trên quy mô lớn và diện mạo dần dần được khôi phục.

Điểm khởi đầu trong hành trình khám phá Lam Kinh là cổng thành và con sông đào nằm sau cổng khoảng 10 mét, tên là sông Ngọc. Trên sông có bắc một cây cầu tên là Tiên Loan Kiều, còn gọi là Cầu Bạch. Xưa kia trên cầu có nhà theo kiểu “Thượng gia hạ kiều” (trên nhà dưới cầu).

Qua cầu khoảng 50 mét thì đến một giếng cổ. Thời xưa dưới giếng thường thả sen để giữ cho nước mát trong những ngày hè nóng nực.

Tiếp tục đi sâu vào trong sẽ đến Ngọ Môn, cánh cổng dẫn vào khu trung tâm kinh thành, có hai con nghê bằng đá đứng canh.

Nền Ngọ Môn rộng 11 mét dài 14,1 mét, có 3 cửa ra vào. Cửa giữa rộng 3,6 mét, cửa hai bên rộng 2,74 mét và được bố trí ở hàng cột chính giữa. Công trình này có thể được coi là một kiệt tác chạm khắc gỗ của các nghệ nhân Việt.

Qua Ngọ môn vào đến sân rồng và khu chính điện, gồm ba toà điện lớn được tái dựng trong thập niên 2010. Từ sân rồng lên chính điện có các bậc cấp với lan can tạo hình rồng uy nghiêm.

Nằm sau khu chính điện là khu Thái miếu Lam Kinh, nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu nhà Lê. Khu vực này xưa kia có 9 tòa miếu, nhưng đến thời điểm hiện tại đã phục dựng được 5 tòa.

Vĩnh lăng – nơi an nghỉ của vua Lê Thái Tổ nằm cách điện Lam Kinh 50 mét. Bố cục và phong cách mai táng của Vĩnh lăng đơn giản nhưng tôn nghiêm, tự nhiên và trang nhã. Ngoài lăng vua Lê Thái Tổ, ở Lam Kinh còn lăng các vua đời sau và lăng các hoàng hậu nhà Hậu Lê.

Cách Vĩnh lăng không xa là bia Vĩnh lăng, một Bảo vật quốc gia của Việt Nam. Bia làm bằng đá trầm tích biển nguyên khối cao 2,97 mét, rộng 1,94 mét, dày 0,27 mét, đặt trên lưng một con rùa lớn cũng được tạc từ đá trầm tích biển nguyên khối.

Trong khuôn viên di tích Lam Kinh có rất nhiều cây xanh. Một số cây gắn với những giai thoại ly kỳ được lưu truyền trong dân gian. Nổi tiếng nhất là cây đa Lam Kinh, một cây cổ thụ to lớn nằm bên Ngọ Môn, gắn liền với câu chuyện về “cây đa ôm cây thị”.

Khu lăng vua Lê Thái Tổ thì có đồn thổi về cây ổi cười, theo đó, du khách chỉ cần dùng ngón tay cù nhẹ lên thân cây, thì toàn bộ cây ổi đều rung lên như đang cười. Theo lý giải khoa học thì hiện tượng này xảy ra do đặc tính dẻo, độ đàn hồi cao của gỗ ổi.

Ngoài ra, ở Lam Kinh còn có “cây lim hiến thân”, một cây lim cổ thụ có tuổi thọ khoảng 600 năm. Chuyện kể rằng, cây đang xanh tươi bất ngờ trút hết khi dự án phục hồi chính điện Lam Kinh được phê duyệt năm 2010. Gỗ tử cây sau đó đã được dùng làm hệ khung của điện thờ quan trọng này.

Từ năm 1962, Cố đô Lam Kinh đã được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia, và đến năm 2013 thì trở thành một trong những Di tích Quốc gia đặc biệt của Việt Nam.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,