⠀
Chùm ảnh: Những món ăn độc đáo phải thử ở miền núi phía Bắc Việt Nam
Nậm pịa Sơn La, cháo ấu tẩu Hà Giang, cuốn sủi Lào Cai… là loạt đặc sản địa phương thú vị mà những vị khách phương xa nên trải nghiệm trong hành trình khám phá khu vực miền núi phía Bắc.
Nậm pịa ở thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La. Đặc sản nổi tiếng, có hương vị đặc trưng của đồng bào Thái này sử dụng một nguyên liệu đặc biệt là “pịa” – thứ dịch sền sệt trong ruột non của bò gồm dịch tiêu hóa và thức ăn chưa được tiêu hóa hoàn toàn, còn gọi là phân non.
Thắng cố ngựa ở thành phố Sơn La. Thắng cố là món ăn truyền thống của người H’mông, gồm thịt và nội tạng gia súc chặt nhỏ xào trong chảo lớn rồi đổ nước vào đun hàng giờ. Thịt nấu thắng cố nguyên bản là thịt ngựa về sau có thêm thịt bò, thịt trâu, và thịt lợn.
Một bát thắng cố ở chợ phiên Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, Lào Cai.
Cuốn sủi ở thành phố Lào Cai. Món ăn có nguồn gốc từ người Hoa có sợi bánh phở mềm mềm như món phở ở Hà Nội, nhưng nước dùng đặc sệt, màu đỏ, hương vị đậm đà. “Topping” là thịt, giò, dưa cải muối, tất cả được thái sợi, ăn kèm rau thơm.
Phở chua ở thành phố Lạng Sơn. Món ăn đặc trưng Lạng Sơn này có thành phần chính là phở, ăn cùng nước dùng nguội có vị chua ngọt, thịt gà và rau thơm, cách ăn trộn như gỏi nộm.
Cháo ấu tẩu ở huyện Bắc Mê, Hà Giang. Đây là loại cháo đặc trưng của đồng bào H’Mông ở Hà Giang, được nấu cùng củ ấu tẩu, loại củ “độc chết người” nhưng lại là vị thuốc “đại bổ” và có hương vị hấp dẫn nếu chế biến đúng cách.
Bánh gật gù ở huyện Tiên Yên, Quảng Ninh. Bánh được làm từ bột gạo được tráng, hấp chín, đổ bột bánh lên khuôn một lớp dày cuộn tròn không nhân và cắt thành từng khúc dài khoảng 15–20 cm. Nước chấm chuẩn của loại bánh này là nước mắm chưng mỡ gà, hành phi và cho thêm thịt băm.
Sôi tam sắc ở chợ phiên Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, Lào Cai. Đây là món ăn đặc sản của đồng bào Thái đen. Xôi được đồ bằng gạo nếp nương và gói trong lá dong. Mỗi đĩa xôi có ba màu là màu trắng, màu tím và màu đỏ. Phẩm nhuộm có nguồn gốc từ thực vật địa phương.
Xôi lá cẩm ở Cao Bằng. Loại xôi này có màu tím bắt mắt do dùng nước lá cẩm làm phẩm nhuộm.
Bánh bò ở chợ phiên Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng. Còn gọi là cao bông, món bánh truyền thống của đồng bào Tầy, Nùng này có thành phần chính là bột gạo và đường, mang vị ngọt thanh giản dị.
Bánh tam giác mạch ở huyện Đồng Văn, Hà Giang. Món đặc sản của miền cao nguyên đá Hà Giang dùng nguyên liệu chính là hạt cây tam giác mạch. Hạt được xay thành bột, nhào với nước, đúc thành những miếng bánh tròn dẹt rồi nướng trên thành hồng.
Pa pỉnh tộp – cá nướng kiểu dân tộc Thái ở thành phố Điện Biên Phủ. Món ăn trứ danh Điện Biên này sử dụng cá chép, cá trôi, cá trắm sống ở vùng suối núi, tẩm ướp các loại gia vị đặc trưng của đồng bào Thái, kẹp thanh tre rồi nướng trên than.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Miền núi Phía Bắc, Ẩm thực