⠀
Chùm ảnh: Những bộ tộc xăm mặt cuối cùng của châu Á
Xăm hình trên mặt là truyền thống độc đáo của một số bộ tộc. Trong thế giới hiện đại, truyền thống này đã mai một và gần như biến mất.
Bộ tộc Lai Tu (Chin), Myanmar:Người Chin sống chủ yếu ở phía tây Myanmar. Bạn có thể dễ dàng nhận ra họ nhờ hình xăm dạng mạng nhện đặc trưng trên mặt phụ nữ.
Bộ tộc này sinh sống dọc bờ sông Laymro, bang Mrauk U in Rakhine và bang Chin. Những ngôi làng của người Chin có từ vài đến vài trăm nóc nhà, nằm giữa sông và núi, hai địa hình quan trọng trong cuộc sống của họ.
Trong quá khứ, phụ nữ của tộc Lai Tu xăm mặt để đánh dấu sự trưởng thành, và thể hiện rằng họ thuộc về bộ tộc. Truyền thống này được thực hiện trên nữ giới trước tuổi dậy thì và được coi là một yếu tố quyết định vẻ đẹp của họ.
Bộ tộc Brao, Lào: Trước đây, người Brao chủ yếu sống nhờ nông nghiệp. Giờ đây, các ngôi làng của họ nằm rải rác dọc đường dẫn về phía đông tỉnh Attapeu. Sau nhà họ là khu đất trồng trọt rộng lớn.
Người Brao tin rằng các linh hồn sống ở vùng đất quanh mình. Trong lễ Paman và Kamao, người dân cúng tế bằng động vật cho thần rừng, núi và sông. Sau đó, mọi người cùng ăn uống, nhảy múa và ca hát.
Trước năm 1949, người bộ tộc Brao thường xăm lên mặt từ khi 15 tuổi. Sau đó, việc này bị xem là bất hợp pháp. Bản thân hình xăm được cho là có sức mạnh bảo vệ họ khỏi hổ dữ. Loài hổ là lý do khiến họ dựng nhà. Chúng xuất hiện trong những bài hát dân gian và truyện kể cho trẻ nhỏ.
Bộ tộc Truku, Đài Loan, Trung Quốc: Tộc Truku ban đầu được coi là một nhánh phụ của tộc Atayal, nhưng sau đó được công nhận là một bộ tộc riêng vào năm 2004. Văn hóa của hai bộ tộc có nhiều điểm tương đồng, nhưng người Truku có ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt.
Hình xăm là một phần văn hóa của người Truku, không chỉ thể hiện sự trưởng thành mà còn giúp họ đi qua cầu ngũ sắc sang thế giới bên kia của tổ tiên. Một người phải có hình xăm này mới được qua cầu, nếu không linh hồn họ sẽ phải lang thang vĩnh viễn.
Người Truku có mối liên hệ mật thiết với đất đai. Họ tin đất sẽ cho họ sống ở đó nếu được tôn trọng. Theo truyền thống, đất đai không thuộc sở hữu của ai, mà chỉ đơn giản là cung cấp nguồn sống cho con người và được họ gìn giữ cho đời sau.
Bộ tộc Atayal, Đài Loan, Trung Quốc: Đây là một trong những bộ tộc đông người nhất của Đài Loan, với dân số gần 86.000 người. Người Atayal có nền văn hóa phát triển. Họ sống bằng cách săn bắt, hái lượm và đốt rừng làm rẫy. Họ cũng dệt vải, đan lưới và làm đồ gỗ.
Người Atayal là những chiến binh mạnh mẽ. Trước đó, để được xăm trên mặt, người đàn ông trong tộc phải mang về ít nhất một đầu của kẻ thù. Những chiếc xương sọ được coi trọng do họ tin rằng chúng sẽ đem lại mùa màng bội thu.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Dân tộc thiểu số, Văn hóa bản địa