⠀
Chùm ảnh: Nhận diện hai loài tê tê cực kỳ nguy cấp sống ở Việt Nam
Trên toàn thế giới có tám loài tê tê khác nhau đã được ghi nhận, gồm bốn loài phân bố ở châu Phi và bốn loài phân bố ở châu Á. Trong đó Việt Nam có hai loài.
Trong thế giới động vật, tê tê là loài thú đặc biệt với toàn thân có lớp vảy cứng keratin bao bọc, tạo thành một hàng rào giúp ngăn chặn kẻ thù. Ảnh: University of Oxford.
Trên toàn thế giới có tám loài tê tê khác nhau đã được ghi nhận, gồm bốn loài phân bố ở châu Phi và bốn loài phân bố ở châu Á. Trong đó Việt Nam có hai loài là tê tê Java (Manis javanica) và tê tê vàng (Manis pentadactyla). Ảnh: Born Free Foundation.
Tê tê Java có kích cỡ thân trung bình, dài 0,4–0,65 mét, nặng lượng 6-8kg. Mầu sắc của vẩy loài tê tê này thường là mầu nâu sẫm, vàng hoặc vàng nhạt. Ảnh: Thai National Parks.
Chúng có 17 hàng vẩy thân xếp theo chiều dọc, 11-13 hàng xếp theo chiều ngang; đuôi có 25 hàng vẩy xếp theo chiều dọc, 8 hàng xếp theo chiều ngang. Các móng vuốt chân trước dài hơn móng chân sau, móng giữa phát triển mạnh. Ảnh: Thai National Parks.
Ở Việt Nam, tê tê Java được ghi nhận ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Tây Ninh. Trên thế giới, chúng phân bố ở Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Ảnh: Thai National Parks.
Tê tê vàng có kích cỡ nhỏ hơn tê tê Java với thân dài 0,2-0,5 mét, nặng 7kg. Vẩy loài tê tê này có mầu vàng sẫm, vàng, hoặc vàng nhạt. Ảnh: BioLib.
Chúng có 15 hàng vẩy thân xếp theo chiều dọc, 11-13 hàng xếp theo chiều ngang; đuôi có 14-17 hàng vẩy xếp theo chiều dọc, 8 hàng xếp theo chiều ngang. Bàn chân trước 5 ngón, 3 ngón giữa có móng vuốt dài và cong. Móng chân trước dài gấp 1,5 lần móng chân sau. Ảnh: National Geographic.
Ở Việt Nam, tê tê vàng được ghi nhận ở Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Bắc Giang, Vĩnh Phú, Thái Nguyên, Hoà Bình, Hà Tây, Nghệ An, Quảng Trị, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Trên thế giới, chúng phân bố ở Nepal, Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia. Ảnh: South China Morning Post.
Cả hai loài tê tê Java và tê tê vàng đều nằm trong danh mục loài Cực kỳ nguy cấp theo chuẩn của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Mặc dù khó xác định số lượng, ước tính quần thể hai loài này đã giảm 80-90% trên toàn cầu trong ba thập kỷ gần đây. Ảnh: NBC News.
Ở Việt Nam, tê tê chủ yếu bị săn bắt nhằm phục vụ các hoạt động kinh doanh thịt thú rừng và làm thuốc y học cổ truyền. Trên bình diện thế giới, các loài tê tê là đối tượng có giá trị cao mà nhiều đường dây buôn lậu động vật hoang dã quốc tế nhắm tới. Ảnh: HuffPost.
Vào năm 2000, cả hai loài tê tê đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam. Việc săn bắt và buôn bán tê tê bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm. Hàng chục đối tượng xâm hại loài vật này đã bị khởi tố trong những năm gần đây. Ảnh: Dân Việt.
Ngoài các chế tài pháp luật, tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân về loài tê tê cũng là một biện pháp quan trọng trong việc nỗ lực bảo tồn loài động vật độc đáo và quý hiếm này. Ảnh: China Dialogue.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Thiên nhiên, Động vật, Tê tê