Chùm ảnh: Loài rùa kỳ lạ nhất Việt Nam – đừng mua nếu không muốn vào tù

Đây là một loài rùa cỡ trung bình nhỏ, có chiều dài không qua 25 cm khi trưởng thành. Đặc điểm nhận dạng của chúng là có cái đầu rất to, không thụt vào trong mai được.

Việt Nam là nơi sinh sống bản địa của 25 loài rùa khác nhau (chưa gồm các loài rùa biển). Trong số đó, rùa đầu to (Platysternon megacephalum) được coi là loài rùa kỳ lạ nhất. Ảnh: iNaturalist.

Đây là một loài rùa cỡ nhỏ, có chiều dài không quá 25 cm khi trưởng thành. Đặc điểm nhận dạng của chúng là có cái đầu rất to, không thụt vào trong mai được. Ảnh: Shutterstock.

Bên đầu của loài rùa này thường có một vệt vàng nhạt chạy từ mắt tới cổ. Hàm trên tạo thành móc giống như mỏ chim vẹt, nên chúng còn được gọi là rùa mỏ vẹt. Xương sọ của rùa đầu to đặc và dày. Ảnh: Tommy Flickr.

Mai của màu nâu, rất dẹp, một đặc điểm thích nghi với việc chui luồn lưới các phiến đá. Bụng rùa màu vàng nhạt. Lưng rùa cao ở đỉnh, có gờ rất rõ. Đuôi rùa dài gần bằng dài thân. Ảnh: Asian Turtle Program.

Trong tự nhiên, rùa đầu to sống ở các suối có nhiều đá tảng, nước sâu, trong và có dòng chảy chậm. Chúng thường chỉ được ghi nhận ở các vùng rừng rậm, ít gặp ở các khu rừng thưa. Ảnh: Asian Turtle Program.

Ban ngày rùa đầu to ẩn dưới các tảng đá hoặc phơi nắng bên bờ suối, lúc xẩm tối hoặc ban đêm mới ra ngoài kiếm ăn. Thức ăn là cá nhỏ, động vật thân mềm, cua, giun đất và những động vật không xương sống khác. Ảnh: Hong Kong Snake ID.

Mỗi năm, rùa đẻ hai trứng vào mùa hè. Rùa con sinh trưởng chậm, mất tới 9 năm để đạt kích thước trưởng thành. Ảnh: Dr. Jonathan Kolby.

Ở Việt Nam, rùa đầu to hiện diện ở các Vườn quốc gia Hoàng Liên, Ba Bể, Phong Nha – Kẻ Bàng, Tam Đảo, Khu bảo tồn Tây Yên Tử và phân bố ở cả khu vực Miền Trung (Quảng Trị), vào đến Tây Nguyên. Ảnh: Tennessee Aquarium.

Trên thế giới, loài rùa này phân bố ở Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia, miền Nam Trung Quốc. Ảnh: Hong Kong Snake ID.

Dù có diện phân bố rộng, hiện nay số lượng rùa đầu to ở Việt Nam đang suy giảm nghiêm trọng do rừng nguyên sinh mất dần, và đặc biệt là do tình trạng săn bắt quá mức để mua bán trao đổi với nước ngoài. Ảnh: Hong Kong Snake ID.

Các nỗ lực bảo tồn và sinh sản rùa đầu to của Chương trình bảo tồn rùa ở Vườn quốc gia Cúc Phương cũng gặp khó khăn do loài rùa này sinh sản kém trong môi trường nhân tạo. Ảnh: Fondation Segré.

Chúng đã được xếp vào diện loài Nguy cấp trong Sách Đỏ Việt Nam và Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Ảnh: The GEF Small Grants Programme Thailand.

Các chuyên gia khuyến cáo người dân tuyệt đối không săn bắt, buôn bán rùa đầu to (một số người đã bị xử lý hình sự vì các hành vi này). Cần tổ chức nhân nuôi trong các khu vực phân bố và đưa một số cá thể về nuôi ở vườn thú để bảo vệ nguồn gen. Ảnh: Zoology Jottings.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , ,