⠀
Chùm ảnh: Khám phá trận Bạch Đằng 938 bi tráng qua mô hình lịch sử
Chiến thuật quân sự của Ngô Quyền trong trận Bạch Đằng năm 938 rất độc đáo và đúng như nhận định của Lê Văn Hưu: “Mưu giỏi mà đánh cũng giỏi”.
Tại bảo tàng Lịch sử Quốc gia (Hà Nội), mô hình thu nhỏ của Trận Bạch Đằng năm 938 đã được phục dựng công phu, giúp cho người xem có hình dung trực quan và sinh động về thời khắc hào hùng của cha ông cách đây hơn 1.000 năm.
Ngược dòng lịch sử, vào một ngày cuối đông năm 938, đoàn binh thuyền của do Hoằng Tháo chỉ huy vượt biển tiến vào cửa ngõ Bạch Đằng. Quân Nam Hán thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít tưởng có thể ăn tươi, nuốt sống liền hùng hổ tiến vào.
Ngô Quyền ra lệnh cho quân bỏ chạy lên thượng lưu. Đợi đến khi thủy triều xuống, ông mới hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh.
Thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Lúc đó Ngô Quyền mới tung quân ra tấn công dữ dội.
Đòn tấn công bất ngờ và mãnh liệt của người Việt khiến quân Nam Hán thua to, Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng cùng với quá nửa quân sĩ.
Vua Nam Hán đang cầm quân tiếp ứng đóng ở biên giới không kịp trở tay đối phó, nghe tin Hoằng Tháo tử trận, đành “thương khóc thu nhặt quân còn lại mà rút lui”. Từ đó nhà Nam Hán bỏ hẳn mộng xâm lược nước Nam.
Chiến thuật quân sự của Ngô Quyền rất độc đáo và đúng như nhận định của Lê Văn Hưu: “Mưu giỏi mà đánh cũng giỏi”.
Tuy nhiên, theo các nhà quân sự, việc áp dụng chiến thuật lấy cọc nhọn đâm thuyền địch muốn thành công cần có sự kết hợp chặt chẽ với một số mưu mẹo khác.
Thứ nhất, phải dụ địch đến đúng bãi cọc đã đóng giăng bẫy khi thủy triều còn cao, bãi cọc chưa bị phát lộ.
Thứ hai, phải nắm rất vững quy luật thủy triều theo từng giờ và tính toán thời điểm để khi thuyền quân địch tới bãi cọc rồi, thủy triều mới rút, có như vậy thuyền địch mới bị mắc cạn và bị cọc đâm.
Chỉ khi có đủ hai điều kiện trên, mưu kế mới phát huy tác dụng.
Ba thế kỷ sau, trong trận Bạch Đằng năm 1288, tướng Trần Hưng Đạo đã vận dụng thuần thục mưu kế này và lập đại công phá quân Nguyên – Mông.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Sự kiện lịch sử Việt Nam, Nhà Ngô, Nghệ thuật quân sự, Bảo tàng, Kháng chiến chống Tống, Mô hình