⠀
Chùm ảnh: Khám phá thế giới bí ẩn của các loài cá đuối
Bộ Cá đuổi (Rajiformes) gồm những loài cá kỳ lạ có hình đĩa dẹp, vây ngực giống như đôi cánh nối liền với đầu, đa phần sống ở đáy biển. Một vài loài cá đuối có gai độc nguy hiểm trên đuôi.
Cá đuối bồng Địa Trung Hải (Dasyatis pastinaca) dài 1,4 mét, phân bố từ Địa Trung Hải đến Bắc Âu. Loài này sống trên lớp cặn lắng ven bờ, chịu được nhiệt độ nước thấp. Hầu hết các họ hàng gần của chúng chỉ sống ở vùng nhiệt đới.
Cá đuối bồng chấm xanh (Taeniura lymma) dài 90 cm, phân bố ở các rạn san hô Ấn Độ Dương – Tây Thái Bình Dương. Mầu sắc bất thường là lời cảnh báo về sự nguy hiểm của chiếc gai độc trên đuôi chúng.
Cá đuối lưng gai (Raja clavata) dài 90 cm, được ghi nhận ở vùng nước ven biển của châu Âu và bờ biển Đại Tây Dương của châu Phi. Chúng tự vệ trước kẻ săn mồi bằng hang gai cong có gốc to chạy dọc theo sống lưng.
Cá đuối quạt xám (Dipturus batis) dài 2,9 mét, phổ biến ở Đông Bắc Đại Tây Dương và biển Địa Trung Hải. Là loài cá đuối châu Âu to nhất, chúng săn những con cá ở độ sâu trung bình và động vật không xương sống ở đáy biển.
Cá đuối bướm gai (Gymnura altavela) dài 4 mét, sống ở các vùng tương đối ấm của Đại Tây Dương. Có hình dạng giống con bướm ngài, chúng lướt trên đáy biển để săn động vật không xương sống và cá.
Cá đuối sông đốm mắt (Potamotrygon motoro) dài 50 cm, sống trong các dòng sông ở Nam Mỹ. Là một trong các loài cá đuối hiếm hoi sống trong nước ngọt, chúng là mối nguy hiểm với ngư dân vì có cái đuôi châm rất đau.
Cá đuối nước ngọt khổng lồ hay cá đuối sông Mekong (Himantura polylepis) dài 4 mét, là loài cá đuối bản địa của lưu vực sông Mekong. Loài cá đuối có thể đạt đến kích thước khổng lồ này đang suy giảm số lượng nghiêm trọng do tác động từ các đập thủy điện ở khu vực.
Cá đuối tròn Haller (Urobatis halleri) dài 50 cm, phân bố ở các vùng biển ven bờ từ châu Mỹ, từ California đến Panama. Cư trú ở chỗ nước nông và có cát, gai độc của chúng là mối đe dọa với người tắm biển.
Cá ó sao (Aetobatus narinari) dài 3,3 mét, phân bố ở các vùng biển nhiệt đới trên khắp thế giới. Loài này bơi bằng cách quạt đôi vây ngực giống như chim vỗ cánh.
Cá nạng hải (Manta birostris) dài 9 mét, hiện diện ở các vùng biển nhiệt đới toàn cầu. Loài cá đuối lớn nhất thế giới này lọc thức ăn bằng cách dùng vành miệng đặc biệt để dồn các sinh vật phù du vào trong miệng.
Cá giồng dài Đại Tây Dương (Rhinobatos lentiginosus) dài 75 cm, phân bố ở Đại Tây Dương. Có hình dạng khác thường so với các họ hàng trọng họ Cá đuối, chúng bơi bằng đuôi do chỉ có vây ngực nhỏ. Loài này dùng mõm đào bới đáy biển để tìm động vật thân mềm và cua.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Thiên nhiên, Động vật, Cá