⠀
Chùm ảnh: Kênh Vĩnh Tế – công trình để đời của triều Nguyễn ở Nam Bộ
Ý nghĩa lịch sử của kênh Vĩnh Tế là không thể phủ nhận. Đến bây giờ, kênh vẫn còn giá trị lớn về trị thủy, giao thông, thương mại, biên phòng.
Kênh Vĩnh Tế đoạn chảy qua thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Nằm trên địa phận hai tỉnh An Giang và Kiên Giang ở đồng bằng sông Cửu Long, kênh Vĩnh Tế là một trong hai con kênh đào lớn nhất trong lịch sử thời phong kiến Việt Nam (kênh còn lại là kênh nhà Lê).
Kênh Vĩnh Tế ở khu vực biên giới, phía xa là những ngọn núi nằm trên lãnh thổ Campuchia. Con kênh này chạy song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay.
Ý tưởng đào kênh Vĩnh Tế có từ năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong, Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh Lưu Phước Tường bẩm báo công việc lên vua Gia Long.
Vua xem địa đồ miền đất này liền truyền: “Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên, thì hai đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy”.
Do đây là vùng đất mới mở, nhân dân còn cơ cực, nên phải đến năm 1819 vua Gia Long mới cho lệnh đào kênh. Việc đào kênh kéo dài đến năm 1824 thì hoàn thành.
Ước tính trong 5 năm, các quan phụ trách đã phải huy động đến hơn 90.000 dân binh. Tổng số ngày công là 3.463.500, và khối lượng đất đào là: 2.845.035m³.
Chuyển đổi theo hệ đo lường ngày nay, kênh Vĩnh Tế có chiều dài là 87 km, độ rộng trung bình 30 mét, độ sâu trung bình khoảng 2,55 mét. Tuy nhiên, trừ những đoạn sông rạch sẵn có thì phần phải đào mới chỉ là 37 km.
Cái giá phải trả cho con kênh này là không nhỏ. Do thiên nhiên khắc nghiệt, việc ăn uống, thuốc men thiếu thốn, khiến số người chết vì bệnh tật, kiệt sức, vì thú dữ như cá sấu, rắn… rất cao. Dù luật lệ ràng buộc, nhiều người đã tìm cách bỏ trốn và mất mạng do tai ương trên đường đi.
Dù vậy, ý nghĩa lịch sử của kênh Vĩnh Tế là không thể phủ nhận. Đến bây giờ, kênh vẫn còn giá trị lớn về các mặt trị thủy, giao thông, thương mại, biên phòng.
Việc đào kênh Vĩnh Tế cũng thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của người Việt và chính sách coi trọng thủy lợi để phát triển nông nghiệp của triều Nguyễn.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Nhà Nguyễn, An Giang, Sông, Di tích lịch sử, Địa điểm du lịch