Chùm ảnh: Hàng trăm mộ cổ trên ngọn núi hoang vắng ở Phú Yên

Số mộ hiện còn khảo sát nhận diện được ở khu mộ cổ núi A Mang là hơn 500 ngôi mộ, khiến đây là khu mộ cổ có quy mô lớn bậc nhất Việt Nam.

Nằm ở địa phận thôn Quảng Đức, xã An Thạch, huyện Tuy An, Phú Yên, khu mộ cổ núi A Mang là tên thường gọi của một quần thể mộ cổ độc đáo dàn trải trên một diện tích rộng khoảng 2.000m2 dọc theo triền núi A Mang.

Số mộ hiện còn khảo sát nhận diện được ở khu mộ cổ núi A Mang là hơn 500 ngôi mộ, khiến đây là khu mộ cổ có quy mô lớn bậc nhất Việt Nam.

Về kiểu dáng kiến trúc ở khu mộ cổ núi A Mang có thể phân thành 4 loại, trong đó loại hình yên ngựa (kiều ngựa) chiếm đa số.

Các loại khác có số lượng ít hơn, như loại hình mu rùa.

Loại hình mái nhà.

Loại hình búp sen.

Những ngôi mộ đều quay mặt về hướng Đông hoặc Đông Nam, tức thi hài của người quá cố được chôn quay đầu về hướng Tây hoặc Tây Bắc phía đỉnh núi và chân hướng về phía chân núi. Nguyên tắc này được tuân thủ tuyệt đối, trong toàn khu mộ không có trường hợp nào ngoại lệ.

Tất cả các ngôi mộ cổ đều được phủ bên ngoài một lớp hợp chất vôi cát dày. Tại một số ngôi mộ bị sụp đổ hoặc bị bong tróc lớp hợp chất ở bề mặt, có thể nhận thấy vật liệu xây dựng chủ yếu là đá.

Đây là loại đá tự nhiên, không qua gia công, được thu nhặt ở quanh vùng. Loại đá này có rất nhiều ở các triền núi nơi đây. Ở một số ngôi mộ có các mảnh gốm trộn lẫn trong khối kết dính, xuất lộ lên bề mặt, có độ dày 1 cm và rất rắn chắc.

Về quy cách xây dựng và đặc điểm trang trí, phần lớn những ngôi mộ chỉ xây đắp bộ phận kiến trúc chính là nấm mộ.

Song, có nhiều mộ có xây thành bao xung quanh, bình phong ở phía trước và các trụ biểu. Có trường hợp ba ngôi mộ dạng yên ngựa cùng có chung một vòng tường bao và bình phong.

Một số ngôi có quy mô rất bề thế với nhiều chi tiết trang trí rất cầu kỳ, tỉ mỉ.

Loại hoa văn được tạo tác để trang trí chủ yếu là hoa văn dạng vân tròn xoắn trôn ốc, được đắp nổi trên những ngôi mộ kiểu yên ngựa và mu rùa.

Trên trụ biểu ở phía trước của một số ngôi mộ còn vết tích nét khắc chữ Hán nhưng phần lớn đã bị mòn mờ rất khó nhận biết.

Ngoài ra, ở một số ngôi có trang trí hoa lá ở các trụ biểu và thành mộ. Trên một số bức bình phong cũng cho thấy có vết tích trang trí nhưng những dấu ấn còn lại là rất mờ nhạt.

Nhiều ngôi mộ có tạo bia ở mặt trước nhưng tất cả đều bị đục phá hoặc bị bào mòn, không thể xác định được danh tính người quá cố.

Do chưa được nghiên cứu đầy đủ, xung quanh các ngôi mộ cổ ở núi A Mang vẫn còn rất nhiều bí ẩn chờ đợi được giải đáp, như bối cảnh lịch sử hình thành, chủ nhân các ngôi mộ… (Bài có sử dụng tư liệu của báo Phú Yên).

Một số hình ảnh khác về khu mộ cổ núi A Mang.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,