Chùm ảnh: Hàng Giấy – phố ‘sung sướng’ của các quý ông Hà Nội xưa

Đầu thời Pháp thuộc, phố Hàng Giấy còn được biết đến như một ‘trung tâm giải trí’ cho nam giới ở Hà Nội. Vì sao lại như vậy?

Phố Hàng Giấy là con phố dài khoảng 220 mét, kéo dài từ phố Hàng Đậu đến ngã tư phố Đồng Xuân – Hàng Khoai ở phía Bắc khu phố cổ Hà Nội. Đây nguyên là đất phường Đồng Xuân tổng Hậu Túc (Sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ.

Tên phố Hàng Giấy có nguồn gốc từ việc phố này thời xưa bán các thứ giấy do làng Bưởi, làng Cót làm ra như giấy lệnh, giấy sắc, giấy bản, giấy moi, giấy bổi… và những giấy nhập nội như giấy quyến, giấy tàu bạch…

Vào thời thuộc địa, người Pháp gọi phố là “rue du Papier” – phố chuyên bán giấy. Năm 1945 phố lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Giấy và tên này được giữ cho đến nay.

Đầu thời Pháp thuộc, phố Hàng Giấy còn được biết đến như một “trung tâm giải trí” cho nam giới ở Hà Nội do ở phố này xuất hiện nhiều nhà hát ả đào, gọi là cô đầu Hàng Giấy. Về sau xóm ả đào lùi ra ngoại ô, về Khâm Thiên, Bạch Mai, ấp Thái Hà…

Vào đầu thế kỷ 20 ở Việt Nam ngành hát cô đầu, tức hát ả đào có khi được dùng trá hình làm nơi bán dâm. Những ca nhi loại này được gọi là cô đào rượu để phân biệt với cô đào hát là những ca nhi không bán dâm.
.

Về nghề hát ả đào ở phố Hàng Giấy, ca dao Hà Nội cũ còn có câu: Trải qua Hàng Giấy dần dần / Cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa.

Một nét độc đáo của phố Hàng Giấy là ở chỗ giao với phố Gầm Cầu có một cây cầu đường sắt bắc qua trên phố. Đây là một cây cầu trong hệ thống cầu dẫn tàu hỏa vào ga Long Biên nằm cách đó không xa.

Cầu nằm cách mặt đường gần 4 mét, tạo nên cảnh tượng lý thú khi những đoàn tầu rầm rập chạy “trên đầu” của dòng người và xe nhộn nhịp dưới phố.

Trong những ngày đầu của cuộc Toàn quốc kháng chiến mùa đông 1946, phố Hàng Giấy là một tuyến lửa anh hùng. Khi đó quân ta đóng ở khách sạn Hoa Nam (nay là trường mẫu giáo Tuổi Thơ) gây thiệt hại nặng nề cho các đoàn tàu địch chạy qua cạnh đó.

Quân Pháp huy động xe tăng, xe bọc sắt, nã đại bác tấn công nhà này. Các chiến sĩ ta đánh lui tất cả những đợt tấn công và giữ vững vị trí đó tới ngày 14/2/1947.

Do nằm trên trục chính của phố cổ, lại có chợ Đồng Xuân ở ngay cạnh, ngày nay phố Hàng Giấy là một tuyến phố rất sôi động trong 36 phố phường Hà Nội.

Mặt hàng giấy truyền thống đã biến mất từ lâu, hàng hóa xuất hiện nhiều nhất trên phố bây giờ các loại giày dép, ngoài ra còn có các cửa hàng đồng hồ, điện thoại, đồ thời trang…

Phía đầu phố giáp phố Hàng Đậu có các cửa hàng bán phụ kiện câu cá, là điểm đến quen thuộc của giới cần thủ Hà Nội.

Trên bản đồ ẩm thực phố cổ, phố Hàng Giấy là một “địa chỉ đỏ” với rất nhiều hàng quán vỉa hè bán những món ăn đặc trưng Hà Nội, xuất hiện diện từ đầu đến cuối phố…

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,