⠀
Chùm ảnh: Hầm bí mật của Tổng thống Ngô Đình Diệm giữa lòng Sài Gòn
Công việc đào hầm được giao cho 200 tù binh chia thành 10 toán luân phiên đào. Số tù binh này được đưa tới bằng xe bịt kín, bị bịt mắt cho tới khi vào điểm thi công. Công việc đào hầm được thực hiện từ 12 giờ khuya để giữ bí mật tuyệt đối…
Ngày 27/2/1962, Sài Gòn xảy ra vụ đảo chính, ném bom mưu sát không thành gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm, khiến Dinh Độc Lập bị phá hủy. Biến cố này khiến ông Ngô Đình Diệm phải dời về Dinh Gia Long. Tổng thống quyết định cho xây dựng một đường hầm bí mật tại đây để trú ẩn. Ảnh: Dinh Gia Long, ngày nay là Bảo tàng TP HCM.
Căn hầm này được KTS Ngô Viết Thụ thiết kế và nhà thầu Trương Đăng Khoa xây dựng từ tháng 5/1962. Hầm được đào sâu xuống mặt đất 4m, đúc bằng xi măng cốt sắt (170kg sắt/m3 bê tông), có tường dày đến 1m. Ảnh: Một lối thông xuống hầm nằm phía sau Dinh Gia Long.
Theo thiết kế, hầm có thể chịu được cuộc oanh tạc của các loại trọng pháo và bom 500kg. Ảnh: Cầu thang dẫn xuống hầm.
Tổng diện tích mặt bằng hầm là 1392,3m2 (30,6m x 45,5m). Hầm được chia làm nhiều phòng, thông với nhau qua các hành lang hẹp.
Cửa ra vào phòng được làm bằng sắt tấm đúc nguyên khối, đóng mở bằng cách xoay một bánh lái như cửa tàu thủy, phía trong còn có chốt sắt thật lớn để cài khi có sự cố.
Để bảo đảm bí mật, các giấy tờ liên quan đến việc xây dựng hầm đều không dùng từ “hầm” mà chỉ ghi là “công tác xây cất ở Dinh Gia Long”.
Trong cuộc đảo chính ngày 1/11/1963, anh em Diệm – Nhu đã trú ẩn trong căn hầm này. 6h45 ngày 2/11/1963, Dinh Gia Long thất thủ, quân đảo chính đã tấn công vào hầm. Vào thời điểm này, hai anh em họ Ngô đang ẩn náu tại nhà thờ Cha Tam. Họ bị bắt và bắn chết ít lâu sau đó, khi quân đảo chính ập đến nhà thờ. Ảnh: Bàn ghế trong phòng khách của hầm ngày xảy ra đảo chính.
Cho đến khi chế độ Diệm – Nhu sụp đổ, các vật dụng tiện nghi trong hầm vẫn chưa được trang bị đầy đủ. Một hệ thống quan trọng là máy điều hoà không khí khi đó chưa được lắp, dù máy móc đã được nhập về Sở Nội dịch.
Theo ước tính, căn hầm bí mật của Ngô Đình Diệm được xây dựng với tổng kinh phí là 12.514.114 đồng, một khoản tiền khổng lồ thời đó. Ảnh: Bản dự trù kinh phí xây dựng hầm trú ẩn, được lập sau cuộc đảo chính.
Đã có rất nhiều giai thoại ly kỳ xung quanh căn hầm bí mật dưới Dinh Gia Long. Có lời đồn rằng căn hầm có nhiều đường thoát hiểm thông ra các địa điểm khác nhau trong thành phố. Trên thực tế, phạm vi của hầm chỉ giới hạn trong khuôn viên Dinh Gia Long. Ảnh: Cầu thang dẫn từ hầm vào bên trong Dinh Gia Long.
Có tư liệu còn khẳng định, công việc đào hầm được giao cho 200 tù binh chia thành 10 toán luân phiên đào. Số tù binh này được đưa tới bằng xe bịt kín, bị bịt mắt cho tới khi vào điểm thi công. Công việc đào hầm được thực hiện từ 12 giờ khuya để giữ bí mật tuyệt đối…
Cho đến nay, căn hầm bí mật của Dinh Gia Long vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn.
Theo KIẾN THỨC
Tags: Việt Nam Cộng hòa, Sài Gòn, Di tích lịch sử, Địa điểm du lịch, TP HCM, Ngô Đình Diệm