⠀
Chùm ảnh: Hai phe dân chủ và bảo hoàng đụng độ dữ dội ở Thái Lan
Người biểu tình đòi hỏi dân chủ đụng độ với lực lượng ủng hộ hoàng gia ở Thái Lan, trong lúc nhà vua và hoàng hậu đi qua. Sắc lệnh khẩn cấp được ban hành sau đó.
Người biểu tình chống chính phủ đã đụng độ với lực lượng bảo hoàng – phe ủng hộ hoàng gia và quân đội – trên đường phố Bangkok hôm 14/10, trong cuộc tuần hành thu hút hàng chục nghìn người tham gia.
Phong trào biểu tình kéo dài 3 tháng qua là một trong những thách thức lớn nhất đối với hoàng gia Thái Lan, khi người biểu tình phá bỏ cấm kỵ, kêu gọi giảm bớt quyền lực của nhà vua.
Người biểu tình chống chính phủ hầu hết mặc áo đen trong khi phe bảo hoàng mặc áo vàng, màu đại diện cho hoàng gia.
Xung đột giữa hai phe là lý do chính dẫn đến bất ổn chính trị ở Thái Lan trong hơn một thập kỷ qua.
Cuộc tuần hành hôm 14/10 diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 47 năm sự kiện nổi dậy của sinh viên năm 1973 khiến 77 người thiệt mạng.
Cũng trong ngày 14/10, Vua Maha Vajiralongkorn và Hoàng hậu Suthida xuất hiện trên đường phố Bangkok nhân dịp 4 năm ngày mất của Vua Bhumibol Adulyadej. Đây là dịp hiếm hoi công chúng có thể nhìn thấy nhà vua, vì ông hầu như dành toàn bộ thời gian ở Đức.
Trong khoảnh khắc được chụp lại, Hoàng hậu Suthida nhìn ra bên ngoài cửa kính ôtô với vẻ mặt có vẻ lo lắng khi đoàn xe đi ngang qua đám đông biểu tình. Bà ngồi cạnh Vua Vajiralongkorn.
Nhiều người trong lực lượng biểu tình chống chính phủ mang hoa hồng và hầu hết họ giơ tay chào kiểu ba ngón. Hành động này được xem là xuất phát từ phim Hunger Games, có ý nghĩa chống lại sự chuyên quyền.
Ba ngón tay cũng tượng trưng cho “3 yêu cầu” của người biểu tình lần này. Họ kêu gọi thay đổi chính phủ, sửa đổi hiến pháp và giảm bớt quyền lực của nhà vua.
Việc chỉ trích hoàng gia bị xem là tội nặng ở Thái Lan, theo luật “lese majeste” (phạm thượng). Người vi phạm có thể bị phạt tù tới 15 năm.
Lực lượng an ninh ngăn cản một người thuộc phe bảo hoàng trong cuộc đụng độ với người biểu tình.
Một người hóa trang thành người dơi, cầm ảnh Vua Vajiralongkorn. Tại Thái Lan, nhà vua không có quyền lực chính trị mà chỉ đóng vai trò lễ nghi, dù nắm giữ tài sản lớn. Song nhà vua được nhiều người dân tôn kính và xem là bất khả xâm phạm.
Phong trào biểu tình kêu gọi dân chủ kéo dài 3 tháng qua được xem là thách thức lớn nhất với hoàng gia và chính phủ kể từ năm 2014, khi tướng quân đội Prayuth Chan-o-cha lên nắm chính quyền sau một cuộc đảo chính.
Lực lượng an ninh cố đẩy lùi người biểu tình hôm 14/10.
Đến đêm, hàng nghìn người vẫn tập trung bên ngoài Tòa nhà Chính phủ. Rạng sáng 15/10, chính phủ đã ban hành sắc lệnh khẩn cấp, cấm tụ tập từ 5 người trở lên.
Một người biểu tình hóa trang khuôn mặt.
Ban tổ chức biểu tình ước tính khoảng 100.000 người đã tham gia cuộc xuống đường trong khi cảnh sát nói chỉ có khoảng 8.000 người.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / REUTERS
Tags: Thái Lan, Xung đột xã hội, Hoàng gia Thái Lan