Chùm ảnh: Ga Hà Nội – nhà ga có lịch sử thăng trầm nhất Việt Nam

Ga Hà Nội là ga xe lửa có quy mô lớn nhất xứ Đông Dương. Đây là một địa danh đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử của thủ đô Hà Nội cũng như của cả đất nước.

Khánh thành vào năm 1902, ga Hà Nội là một địa danh đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử của thủ đô Hà Nội cũng như của cả đất nước.

Vào cuối thế kỷ 19, mảnh đất xây nhà ga vốn là chợ bán cỏ cho ngựa thuộc thôn Tiên Mỹ, huyện Thọ Xương. Vì vậy, trong nhiều thập niên, ga Hà Nội còn được người dân gọi bằng một cái tên dân dã là ga Hàng Cỏ.

Sau khi khánh thành, ga Hà Nội là ga xe lửa có quy mô lớn nhất xứ Đông Dương. Tòa nhà chính của nhà ga dài gần 200 mét, gồm ba tầng với tầng dưới là đại sảnh, tầng hai là nơi làm việc bộ phận nghiệp vụ nhà ga và tầng ba là bộ phận hành chính.

Theo đánh giá của giới kiến trúc đô thị, ga Hà Nội là một trong những công trình quan trọng nhất trong việc tạo điểm nhấn cho quy hoạch Hà Nội giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20.

Gắn liền với lịch sử ngành đường sắt Việt Nam, ga Hà Nội là nhà ga xuất phát của con đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn thuở ban đầu, rồi đường Hà Nội – Hải Phòng (1903), Hà Nội – Lào Cai (1905) và đến năm 1936 là đường sắt xuyên Việt.

Nhiều dấu mốc của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam cũng gắn với ga Hà Nội. Từ tháng 6/1940, tại Hà Nội đã thành lập chi bộ Hoa xã Hà Nội lãnh đạo công nhân Đường sắt chống lại sự áp bức, cai trị của Thực dân Pháp.

Sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công, ga Hà Nội đã cùng cả nước tích cực phục vụ cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, chi viện nhân dân Nam Bộ kháng chiến. Cuối năm 1945 đầu 1946, từ ga Hà Nội, ngày đêm các đoàn tàu hối hả đưa các đoàn quân Nam tiến từ các địa phương vào Nam chống quân xâm lược Pháp.

Tháng 12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cùng với cả nước, tại khu Hàng Cỏ và Sở Hỏa xa Việt Nam, trung tâm đầu mối của toàn ngành đường sắt, cuộc chiến đấu đã diễn ra ác liệt, gay go ngay từ những giờ phút đầu của cuộc kháng chiến.

Tháng 7/1954, hòa bình được lập lại ở Việt Nam. Bộ máy tiếp quản hình thành, trong đó có cán bộ của ngành đường sắt. Đêm 20/9/1954, hàng ngàn công nhân Sở hỏa xa và nhân dân Hà Nội đã đấu tranh chống lại âm mưu của địch là dụ dỗ cưỡng ép đồng bào di cư vào Nam và mang theo máy móc, thiết bị, tài liệu.

Sáng 9/10/1954, lực lượng Việt Minh tiếp quản ga Hàng Cỏ. Buổi chiều đã có ngay chuyến tàu đầu tiên với cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ chạy xuống Văn Điển đón bộ đội, cán bộ, nhân dân vào nội thành. Ngày 10/10, thủ đô Hà Nội được giải phóng, tàu hỏa của ta từ ga Hà Nội chạy sang Gia Lâm chỉ sau 2 giờ quân Pháp rút chạy.

Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, ga Hàng Cỏ trở thành mục tiêu ném bom của máy bay Mỹ cùng với các cơ sở lân cận như Bệnh viện Bạch Mai, phố Khâm Thiên… Trong giai đoạn đó, nhiều đoạn đường sắt bị cắt, các chuyến tàu phải chạy vào ban đêm.

Ngày 21/12/1972, ga Hà Nội đã bị một quả bom lớn ném trúng. Ngôi nhà đại sảnh, nơi treo chiếc đồng hồ lớn của nhà ga bị đánh sập hoàn toàn.

Bấp chấp sự tàn phá của đế quốc Mỹ, cán bộ nhân viên ga Hà Nội đã không quản ngại vất vả, hy sinh để bảo quản và vận chuyển hàng hóa, khôi phục nhà ga, đường tàu để đảm bảo giao thông thông suốt.

Sau ngày hòa bình và thống nhất, ga Hà Nội đã được xây sửa lại khang trang hơn, khẳng định vai trò của một đầu mối giao thông quan trọng của cả nước.

Ngày hôm nay, hành khách đến với ga Hà Nội sẽ được tiếp đón bởi hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại với các phòng khách văn minh, lịch sự, bảng chỉ dẫn điện tử, hệ thống internet không dây, bán vé tự động, các cửa hàng tiện ích.

Từ nhà ga lớn nhất nước, dòng hành khách và hàng hóa được vận chuyển tới hầu khắp các vùng miền qua năm tuyến đường sắt trong nước, và sang cả nước ngoài qua tuyến đường sắt liên vận quốc tế, đáp ứng nhu cầu kinh tế – xã hội của nhân dân cả nước.

Với nhiều người dân Hà Nội, ga Hà Nội hay ga Hàng Cỏ còn là nơi ghi dấu biết bao kỷ niệm gắn với tiếng còi tàu vang vọng, tiếng những toa tàu xình xịch khi lắn bánh, cùng nước mắt và nụ cười của các buổi chia ly, đoàn tụ.

Nhà ga lịch sử này đã trở thành nguồn cảm hứng để nhà thơ Nguyễn Bính viết bài thơ “Những bóng người trên sân ga”, hay nhạc sĩ Dzoãn Mẫn viết ca khúc “Biệt ly” với lời ca làm long người xao xuyến: “Biệt ly, nhớ nhung từ đây. Chiếc lá heo may. Người về có hay?… Ôi còi tàu như xé đôi lòng…”.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,