Chùm ảnh: Đàn Sơn Xuyên – đàn tế cổ xưa nằm giữa sân trường ở Huế

Đàn Sơn Xuyên ở Huế được xây dựng vào năm 1853 làm nơi cúng tế toàn bộ thần núi, thần sông của địa phương. Trong nhiều năm, người dân khu vực vẫn nghĩ rằng đây là một kỳ đài thu nhỏ bị bỏ phế…

Đàn Sơn Xuyên là một trong những đàn tế thần linh được xây dựng vào thời nhà Nguyễn. Hiện nay đàn tế này nằm giữa khuôn viên Trường tiểu học Phường Đúc ở số 245 Bùi Thị Xuân, thành phố Huế.

Theo các sử liệu cũ, đàn Sơn Xuyên ở Huế được xây dựng vào năm 1853, thời vua Tự Đức, đền làm nơi cúng tế toàn bộ thần núi, thần sông của địa phương.

Theo định lệ thời đó, loại đàn tế này được triển khai xây dựng tại 26 tỉnh suốt từ Bắc chí Nam. Ở mỗi tỉnh, hàng năm mỗi khi triều đình tổ chức cúng tế xong là triệt giải chứ không làm kiên cố như đàn Sơn Xuyên ở Huế.

Về kiến trúc, đàn Sơn Xuyên nằm lộ thiên, cao hai tầng, xây bằng gạch vồ, vôi vữa và đá núi. Tầng dưới của đàn cao gần 0,5m, mỗi cạnh rộng khoảng 45m. Tầng trên cao hơn 1 m, mỗi cạnh rộng khoảng 22m.

Theo sử nhà Nguyễn, đàn Sơn Xuyên ở Huế được xây dựng theo hình mẫu và kích thước của đàn Xã Tắc trong Hoàng thành Huế – nơi thờ cúng thần đất, thần lúa một thời của cả nước.

Sách Đại Nam Thực lục viết: “Đàn được đắp hai tầng… Tầng dưới đắp cao rộng thêm, trượng thước theo y như đàn Xã Tắc”.

So với đàn Xã Tắc, đàn Sơn Xuyên có kích thước nhỏ hơn nhưng về tỉ lệ giữa các tầng đàn thì khá giống.

Việc tế lễ ở đàn Sơn Xuyên được nhà Nguyễn quy định cụ thể: Hàng năm tế vào các tháng trọng xuân và trọng thu (tức là tháng 2 và tháng 8 Âm lịch).

Lễ vật tế gồm: một con bò, một con heo, một mâm xôi hạng lớn, 8 mâm quả phẩm (mỗi án 2 mâm), hương đèn, vàng bạc, trầu rượu, trầm trà. Về tế phục, khi hành lễ tại đây các quan tế đều phải mặc quan phục đại triều.

Việc cúng tế ở đàn Sơn Xuyên được nhà Nguyễn duy trì đến năm 1889, dưới triều vua Thành Thái. Kể từ đó, không thấy tài liệu nào nhắc đến việc sửa sang cũng như tế lễ ở đàn Sơn Xuyên.

Khi nhà Nguyễn chấm dứt sự tồn tại, đàn Sơn Xuyên cũng rơi vào quên lãng. Do sự phát triển của thành phố Huế, đàn lọt thỏm trong khuôn viên trường tiểu học Phường Đúc.

Trong nhiều năm, người dân khu vực vẫn nghĩ rằng đây là một kỳ đài thu nhỏ bị bỏ phế. Cho đến những năm 2000, danh tính của đàn Sơn Xuyên mới được các nhà nghiên cứu xác định.

Đến thời điểm này, chỉ còn tầng trên của đàn nằm nổi khỏi mặt đất, cây cối um tùm. Những án thờ chư thần núi sông, bia đá, bài vị… đều đã biến mất.

Trên mặt đàn, vào khoảng cuối thập niên 1960, người dân sở tại đã xây hai bệ thờ bằng bê tông, một điểm hóa vàng mã phục vụ nhu cầu tâm linh.

Các nhà nghiên cứu đánh giá, đàn Sơn Xuyên mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh, có vị trí, vai trò như các đàn trời, tế đất trong hệ thống các đàn tế ở nước ta.

Vì vậy, việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị đàn Sơn Xuyên là việc làm cần thiết, có ý nghĩa quan trọng và thiết thực nhằm bảo lưu các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , , ,