Chùm ảnh: Cuộc sống tại Donetsk – thành phố ly khai thân Nga ở Ukraina

Tại thành phố ở miền Đông của Ukraina, người dân sinh sống trong những ngôi nhà hoang vắng, nơi dấu vết của tên lửa, bom đạn vẫn vẹn nguyên.

Những ngôi nhà hoang vắng, hố bom nằm rải rác và đường xá yên ắng…, đó là khung cảnh của quận Oktyabrsky ở Donetsk, thành phố lớn nhất ở vùng dân cư thuộc Ukraina thân Nga. 3 năm sau những cuộc đụng độ khốc liệt giữa quân đội Ukraina và phe ly khai ủng hộ Nga, số cư dân của Donetsk giảm đi đáng kể.

Chính quyền thành phố đã cung cấp điện nước tới các hộ gia đình nhằm động viên người dân trở lại. Một số người thậm chí còn có khí gas để sưởi ấm trước mùa đông giá rét. Nhiều người đã không còn quan tâm đến chính trị hay phe phái. Điều họ muốn duy nhất là được sinh sống cùng gia đình trong những căn nhà in hằn vết sẹo chiến tranh.

“Tôi cố gắng tránh xa chính trị và chỉ lo cho gia đình”, bà Marina cho biết. Bà sống cùng chồng và ba người con, một đứa bệnh nặng. Căn nhà của họ bị thổi bay trong một vụ tấn công pháo binh vào năm 2014. Không nhà cửa, họ sống lay lắt và ở nhờ bạn bè trước khi quyết định quay lại thành phố và xây dựng lại căn nhà của mình.

Hơn 8.000 căn nhà và 2.000 tòa chung cư ở Donetsk bị phá hủy, khiến hàng chục nghìn cư dân bỗng chốc trở thành người vô gia cư. Chính quyền đã xây dựng 64 khu tạm trú, nhưng người dân tỏ ra không hào hứng và luôn mong về nhà. Ảnh chụp một căn nhà hiếm hoi còn nguyên vẹn sau năm 2014.

Nhiều người ở đây vẫn nhận mình là người Nga và yêu mến Tổng thống Vladimir Putin. Trước đó, hồi tháng 4/2014, Cộng hòa nhân dân Donetsk ra đời sau khi chính quyền thành phố tuyên bố tách khỏi Ukraina. Donetsk là nhà nước ly khai tự xưng và chỉ được công nhận bởi Cộng hòa Nam Ossetia. Trong khi đó, chính phủ Ukraina xem đây là một tổ chức khủng bố.

Dấu vết của chiến tranh ẩn hiện trong từng góc phố của Donetsk. Hồi tháng 7 vừa qua, lãnh đạo thành phố đã đề xuất thời hạn chuyển giao ba năm để tiến đến thành lập Nhà nước Malorossiya, có nghĩa “tiểu lục địa Nga”, nhằm giải quyết xung đột kéo dài ba năm qua.

Một tòa nhà hoang ở Donetsk. Sau các cuộc biểu tình lật đổ Tổng thống Viktor Yanucovich vào năm 2014, lực lượng đòi độc lập ở khu vực khu vực này đã nổi dậy chống lại Chính phủ Ukraina. Xung đột đã làm hàng nghìn người thiệt mạng và hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Một nhóm được thành lập gồm đại diện của OSCE, Nga, Ukraina và hai nước Donetsk, Lugansk nhằm thúc đẩy việc thực thi các thỏa thuận hòa bình Minsk về giải quyết cuộc xung đột ở miền Đông Ukraina.

Nhóm này đã hơn 10 lần tuyên bố đạt thỏa thuận về việc tuân thủ lệnh ngừng bắn, nhưng nó thường xuyên bị phá vỡ và các bên liên tiếp cáo buộc lẫn nhau. Donetsk vẫn là một “thành phố ma” sau 3 năm tuyên bố ly khai và trở thành một nhà nước độc lập.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / REUTERS

Tags: