Chùm ảnh: Cây máu rồng – loài cây như bước ra từ cổ tích

Tuổi đời càng cao, tán cây càng rộng, các cành nhánh càng gân guốc, toát lên vẻ huyền bí, như thể loài cây này hiện ra từ một truyền thuyết cổ xưa nào đó.

Cây máu rồng có tên khoa học là Dracaena draco, là một loài cây cận nhiệt đới đặc hữu của quần đảo Socotra, nằm trong Ấn Độ Dương và gần vịnh Aden, thuộc chủ quyền của Yemen.

Loài cây này nổi tiếng với hình dạng giống như những chiếc ô khổng lồ. Khi rạch vào thân, cây sẽ chảy ra thứ nhựa có màu đỏ như máu, có vị chua và hơi nồng. Theo truyền thuyết, cây máu rồng đầu tiên được sinh ra từ máu của một con rồng bị thương khi chiến đấu với voi.

Từ thời La Mã cổ đại, cây máu rồng đã được ca tụng như một loài cây có dược tính thần kỳ. Người ta tin rằng nhựa của loài cây này có khả năng bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng, làm lành da, điều trị các vết thương thối rữa.

Quả của cây máu rồng được người dân đảo Socotra dùng làm thức ăn cho bò và dê. Trong khi vỏ cây có thể được tận dụng làm nguyên liệu bào chế mỹ phẩm.

Về mặt sinh học, cây máu rồng có kiểu sinh trưởng rất khác thường. Khi cây còn nhỏ, chúng chỉ có một thân thẳng. Sau khoảng 10 tới 15 năm, thân cây ngừng phát triển và những bông hoa màu trắng có mùi thơm như hoa loa kèn xuất hiện.

Những quả mọng xuất hiện sau khi hoa tàn. Sau đó những chồi non bật lên và cây bắt đầu phân nhánh.Mỗi nhánh sinh trưởng khoảng 10 tới 15 năm rồi lai tiếp tục sinh ra những nhánh cấp hai. Sau đó các nhánh cấp hai lại sinh thêm các nhánh cấp ba, tạo thành hình dạng như cái ô.

Tuổi thọ của cây máu rồng có thể lên tới hàng trăm năm. Tuổi đời càng cao, tán cây càng rộng, các cành nhánh càng gân guốc, toát lên vẻ huyền bí, như thể loài cây này hiện ra từ một truyền thuyết cổ xưa nào đó.

Hiện tại, loài cây độc đáo này đang đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn trong tự nhiên. Nguyên nhân chính là tình trạng biến đổi khí hậu hiến Socotra ngày càng khô hạn, mưa mùa thất thường và ít đi.

Được biết, Socotra được mệnh danh là “Galapagos của Ấn Độ Dương” bởi đây là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật đặc hữu kỳ lạ. Vào năm 2008, quần đảo Socotra đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thiên nhiên thế giới.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG 

Tags: , ,