⠀
Chùm ảnh: Cận cảnh loài ếch trông như đống phân ở Việt Nam
Tại Việt Nam, loài ếch trông giống bãi phân này được ghi nhận ở Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đồng Nai…
Là một loài lưỡng cư bản địa của Việt Nam, nhái cây sần Asper (Theloderma asperum) được quốc tế biết đến rộng rãi với tên gọi “ếch phân chim Việt Nam” (Vietnamese bird poop frog). Ảnh: Thai National Parks.
Đây là loài ếch chuyên sống trên cây, có kích thước rất nhỏ, chiều dài từ mút mõm đến lỗ huyệt 25-35 mm. Đầu rộng hơn thân. Mõm tròn. Ảnh: Animalia Bio.
Da ở mặt lưng và hông nhám, có mụn hình nón hoặc nốt sần. Màu nền của lưng và bụng là đen hoặc nâu đậm có mụn trắng trên lưng. Hông và mặt bụng của chân và mặt trước của đùi có hoa văn mắt lưới màu trắng. Bụng có hoa văn trắng. Ảnh: Wikipedia.
Khi nằm im, những con ếch này trông rất giống đống phân chim. Đây chính là cơ chế ngụy trang hình thành sau quá trình tiến hóa lâu dài, khiến những loài săn mồi nhầm tưởng chúng là thứ “không thể xơi được”. Ảnh: cowyeow / Flickr.
Về mặt sinh thái học, ếch phân chim Việt Nam sống ở các khu vực rừng từ độ cao 400-1.500 mét. Con trưởng thành sống trong các bọng cây to hay cây đổ có chứa nước mưa. Ảnh: Reptiles and Amphibians of Thailand.
Thức ăn của chúng là các loài côn trùng sống trong khu vực, ấu trùng của các loài muỗi trong vũng nước đọng. Ảnh: Reptiles and Amphibians of Thailand.
Mùa sinh sản của ếch kéo dài từ tháng 4 tới tháng 10. Trứng đẻ thành đám 5-6 quả dính vào thành bọng cây phía trên mặt nước. Nòng nọc khi phát triển đầy đủ sẽ rơi vào trong nước. Ảnh: Björn Reiting / Facebook.
Tại Việt Nam, loài ếch trông giống bãi phân này được ghi nhận ở Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Đồng Nai… Ảnh: cowyeow / Flickr.
Trên thế giới, chúng phân bố ở khu vực Nam Á, Đông Nam Á và phía Nam Trung Quốc. Ảnh: cowyeow / Flickr.
Trên thị trường sinh vật cảnh quốc tế, ếch phân chim Việt Nam được buôn bán như một loài lưỡng cư độc lạ. Chũng cũng được nuôi ở khu vực dành cho lưỡng cư – bò sát tại một số vườn thú trên thế giới. Ảnh: U Pana Ropucha / Facebook.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Thiên nhiên, Động vật, Lưỡng cư